Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

TÌM VỀ NGUỒN GỐC ĐỜI TẬN HIẾN

Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP. cho Tu viện Rất Thánh Mân Côi và Tu viện Anbetô - năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

LỜI MỞ ĐẦU

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Nhà thơ Thế Lữ viết về mối tình của các cặp trai gái, nhưng thiết tưởng có thể mở rộng đến cả những mối tình giữa con người với Thiên Chúa nữa. Thánh Gioan đã ghi chú kỹ lưỡng cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên: “Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1,39). Từ khi xảy ra biến cố có đến khi viết ra giấy, có lẽ hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng đó là một kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, quãng cách thời gian đó vẫn còn ngắn. Khi muốn kêu gọi dân tộc Israel trở lại, ngôn sứ Hôsê cũng dùng đến kỷ niệm của mối tình đầu giữa Thiên Chúa với họ, và rủ nhau vào sa mạc để tỉ tê (Hs 2,16). Ong Hôsêa sống vào giữa thế kỷ VIII trước CN, còn giai đoạn lữ hành trên sa mạc xảy ra năm thế kỷ trước đó.

Dĩ nhiên mối tình đầu không phải lúc nào cũng thơ mộng, và dù nói thế nào đi nữa, nó rất dễ rơi vào quên lãng theo dòng thời gian. Thực vậy, lúc mới quen nhau, thì đôi bạn tình thường hẹn hò để gặp gỡ, và không muốn rời nhau dù đã hàn huyên cả giờ đồng hồ. Nhưng sau khi đã thành vợ thành chồng rồi, thì mỗi người lo việc riêng, chẳng buồn nói chuyện với nhau nữa. Thế rồi tình yêu phai nhạt, dần dần có thể nhường chỗ cho những tương quan mới. Vì thế, ôn lại mối tình đầu không phải là điều vô ích.

Kỳ tĩnh tâm hằng năm là dịp để hâm nóng lại mối tình đầu của ơn gọi. Tuy nhiên, trong những bài chia sẻ năm nay, tôi muốn kể chuyện về mối tình đầu không phải của từng cá nhân (bởi vì mỗi người có một tình sử riêng), nhưng là về mối tình đầu của một tập thể.

Chúng ta vừa kết thúc tỉnh hội, dưới châm ngôn “tiếp bước cha anh”, được hiểu không phải về thế hệ đầu tiên của tỉnh dòng Nữ vương các thánh tử đạo, nhưng là về thế hệ của các thánh tử đạo (tiêu biểu qua bốn vị thánh tử đạo Hải dương mà năm nay chúng ta mừng kính kỷ niệm 150 năm trảm quyết). Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn nữa: hãy tìm về mối tình nguyên thuỷ của Dòng Đaminh, nghĩa là ý định lập dòng của thánh Tổ phụ, nhân dịp chúng ta chuẩn bị mừng 800 năm Tòa thánh châu phê Dòng Anh em Giảng thuyết (22/12/1216). Nói thế chưa đủ, chúng ta hãy cố gắng lùi lại thêm 9 thế kỷ nữa, tìm về nguồn gốc đời sống tu trì Kitô giáo. Điều này khá quan trọng, nhìn từ hai phía: đối ngoại và đối nội.

1) Đối ngoại: chúng ta đang sống tại Việt nam, nơi mà đời sống tu trì đã thịnh hành từ lâu đời, ít là nói đến các tu sĩ Phật giáo. Câu hỏi: có gì khác biệt giữa quan niệm tu trì giữa đôi bên không?

2) Đối nội: đời sống tu trì Kitô giáo mang nhiều hình thức. Không những vì con số đông các Dòng tu (mà theo như ở Rôma người ta quen nói: Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự mà cũng không biết được chính xác con số Dòng tu trong Hội thánh), nhưng còn những lối sống đa dạng. Một cách cụ thể, chúng ta cố gắng khám phá đặc sủng hay linh đạo của Dòng Đaminh, chứ không muốn bị lẫn lộn với dòng Tên hay dòng Xitô! Một câu hỏi được đặt lên: có mẫu số chung nào giữa những hình thức đa dạng đó không? Ơn gọi tu dòng Đaminh có gì giống với ơn gọi Dòng Xitô không? Ơn gọi của tôi hôm nay có gì chung với ơn gọi của thánh Antôn ẩn sĩ không?

Chúng ta tìm cách trả lời cho những câu hỏi vừa nêu, dựa trên những bút tích cổ điển của các nhà đan tu Kitô giáo tiên khởi. (Xem liệt kê trong Đời sống tâm linh tập VI, chương III, trang 54-67), cách riêng là dựa theo ba tác giả chính: (1) Gioan Cassianô (k.365-k.435), được tôn kính tại Marseille như vị thánh vào ngày 23 tháng 7; (2) Augustinô (354-430) và (3) Bênêđictô (k.480-547). Augustinô là một người đã quá quen thuộc với chúng ta, bởi vì khi tuyên khấn, chúng ta đã đặt tay ở trên bản luật của Người. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội nghĩ rằng anh em Giảng thuyết tiên khởi đã tẩy chay luật Biển-đức. Không phải thế đâu: Hiến pháp nguyên thuỷ Dòng đã lấy lại rất nhiều tập quán về cách cử hành phụng vụ và kỷ luật từ Dòng Xitô. Sau cùng, tác phẩm của Cassianô1 là sách gối đầu giường của thánh Đaminh, cũng như trước đó của tất cả các đan sĩ Biển đức (chương 24 của bản luật buộc đọc sách Collationes của Cassianô mỗi ngày trước giờ kinh tối).

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 5 đề tài sau đây:

1/ Động lực đời tu: tại sao đi tu? Đi tu để làm gì?

2/ Đi tu là từ bỏ: từ bỏ gì? Phải chăng đi tu là bỏ thế gian, hay còn phải bỏ cái gì hơn nữa? Phải chăng ba lời khấn gói ghém tất cả chương trình tu hành?

3/ Cầu nguyện trong đời tu: cầu nguyện để làm gì? Cầu nguyện như thế nào? Đọc kinh hay cầu nguyện: điều gì quan trọng hơn? Có gì khác biệt giữa cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng không?

4/ Cộng đoàn và quyền bính: cộng đoàn có ý nghĩa gì trong đời tu? Vâng lời có ý nghĩa gì trong đời tu? Vâng lời ai?

5/ Tiến bộ trong đời tu: tu bao lâu mới đắc đạo? Thế nào là đắc đạo?

Dĩ nhiên còn nhiều khác đáng nói, nhưng vì thời giờ ngắn ngủi, chúng ta hãy dừng lại ở năm đề tài, coi như là căn bản của đời tu trì. Chúng ta trở về nguồn gốc để khám phá ý nghĩa nguyên thủy của nó, và cố gắng theo dõi sự tiến triển và biến hóa theo dòng thời gian, để đưa ra vài suy tư cho thời đại chúng ta.

Bài kết luận dành cho việc tìm hiểu ảnh hưởng của luật Augustinô đối với Dòng Đaminh, không phải trong chi tiết nhưng ngay trong dự phóng căn bản.

Sau phần dẫn nhập, chúng ta đi vào bài thứ nhất: động lực đời tu trì Kitô giáo.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét