Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

BÀI 2: ANH CÓ TỪ BỎ?

Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP cho Tu viện Mân Côi và Anbetô năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

Tôi xin mở đầu bài chia sẻ hôm nay với vài thắc mắc chung quanh quan niệm về đời tu: quan niệm dân gian và quan niệm phổ thông. 

1. Quan niệm dân gian ở Việt Nam thường gắn liền “đi tu” với sự từ bỏ. Đi tu là “bỏ đời” (xuất thế, từ bỏ thế gian). Nhưng phải hiểu thế nào là “bỏ đời”? Bỏ đời là bỏ nhà cửa, ruộng vườn, thôn xóm, để lên rừng hay sao? Bỏ đời là lên cõi tiên hay sao? Nếu hiểu tu là bỏ đời, thì “tu hội đời” có phải là một sự mâu thuẫn không: tại sao đã tu mà còn ở ngoài đời? Như vậy, muốn đi tu thì phải từ bỏ cái gì? 


2. Quan niệm phổ thông của nhiều tín hữu (kể cả các giám mục, linh mục, tu sĩ) gắn liền đời tu với ba lời khấn: khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Nhưng thử hỏi: nếu chỉ khấn vâng lời (như dòng Đaminh) mà không khấn khiết tịnh và khó nghèo thì có thành tu sĩ không? Ngược lại, tại sao các linh mục giáo phận, vào lễ truyền chức, phải hứa vâng lời giám mục, nhưng không trở thành tu sĩ? 

Thêm chút nữa. Từ sau công đồng Vaticanô II, đời tu thường được định nghĩa như là “đi theo Đức Kitô” (sequela Christi), được giải thích theo nghĩa là đi theo Chúa Kitô khiết tịnh, thanh bần, vâng phục. Nhưng thử hỏi: trong Tin mừng, có chỗ nào Đức Kitô kêu gọi các môn đệ hãy đi theo Người vì là kẻ khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời không? Thế còn lời mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta là kẻ hiền lành và khiêm nhường” là điều nhiệm ý hay bắt buộc? 

Đặt câu hỏi rồi, bây giờ phải lo tìm cách trả lời. 

1/ Trước tiên, xin phép thưa rằng: theo ý kiến của tôi, không thể định nghĩa bản chất đời tu qua ba lời khấn dòng, vì nhiều lý do. 

- Một, nếu ai chỉ giữ đủ ba lời khấn mà thôi, thì chưa thể là một tu sĩ thánh thiện. Hãy tưởng tượng một tu sĩ (nam hay nữ) giữ trọn ba lời khấn mà chẳng cầu nguyện gì cả, thì đáng gọi là tu sĩ không? 

- Hai, trong các văn kiện Toà thánh từ sau công đồng Vaticanô II, kể cả các linh mục giáo phận (các cha triều) cũng giữ ba lời khuyên Phúc âm, tuy không phải là tu sĩ. 

- Ba, học thuyết về ba lời khuyên Phúc âm ra đời vào giữa thế kỷ XIII. Do đó, các dòng được thành lập trước đó (tựa như Dòng Đaminh) không đòi các tu sĩ phải tuyên đọc ba lời khuyên Phúc âm, thế mà họ vẫn là tu sĩ. 

- Bốn, nếu ta đi hỏi các giáo phụ: có bao nhiêu lời khuyên Phúc âm, thì câu trả lời sẽ là: nhiều lắm, chứ không chỉ có ba mà thôi! Điều này được công đồng Vaticanô II khẳng định trong số 42 của Hiến chế về Hội thánh (multiplicia consilia). 

Tóm lại, ba lời khuyên Phúc âm chỉ là phương tiện, chứ chưa phải là mục đích của đời tu. Để đạt tới mục đích của đời tu, cần phải làm nhiều chuyện khác nữa. 

2/ Trong bài trước, chúng ta đã thấy Cassianô và Biển-đức đã trình bày một lộ trình cho đời tu, với mục tiêu và các phương tiện. 

Mục tiêu là đi tìm Chúa (quaerere Deum). Cassianô thì phân biệt hai cấp độ mục tiêu: mục tiêu tối hậu và mục tiêu trực tiếp. Mục tiêu tối hậu là Nước Chúa; mục tiêu gần là kết hiệp với Chúa. Để đạt đến mục tiêu này, cần phải thanh luyện con tim (con tim thanh tịnh), bởi vì duy chỉ con tim thanh tịnh mới có thể nhìn ngắm Thiên Chúa. Cha Cassianô mô tả lộ trình của các đan sĩ qua hai giai đoạn chính: thực hành (praxis) và chiêm niệm (theoria). “Thực hành” có nghĩa là “hành động” nghĩa là chiến đấu với các nết xấu cùng với việc thực hành các nhân đức. “Chiêm niệm” có nghĩa là cầu nguyện. Đó là hai khía cạnh của lộ trình đi tìm Chúa. Có bao nhiêu nết xấu, có bao nhiêu nhân đức? 

Tôi xin dành bài hôm nay để trình bày đạo lý của Cassianô về tám “tà kiến” (nghĩa là tám nết xấu) cần phải tiêu diệt bằng cách tập nhân đức: đó là hai bộ mặt của tiến trình thanh luyện con tim. 

Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng chúng ta đừng nên quên một chân lý thần học căn bản về con người trong lịch sử cứu độ, đó là tình trạng sa ngã. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để được chia sẻ tình tri âm với Ngài. Tiếc rằng nguyên tổ đã phạm tội, đã chạy trốn Thiên Chúa. Ngày nay, tuy loài người đã được Đức Kitô cứu chuộc, nhưng vẫn còn mang nhiều thương tích trong tâm hồn. Đó là lý do khiến chúng ta phải thanh luyện con tim, nghĩa là chữa lành các thương tích, lệch lạc. 

Khi nói đến các nết xấu trong con người, các tác giả tu đức dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Trong Tân ước, chẳng hạn như trong thư gửi Galát (5,19-21), thánh Phaolô đã liệt kê những ham muốn của tính xác thịt là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác như vậy. (Danh sách lên tới số 12 mà vẫn chưa hết). 

Nhờ tiếp xúc với văn hóa Hy lạp, các giáo phụ tìm cách trình bày cách hệ thống hơn những thương tích của con người, dựa theo cấu trúc của các cơ quan căn bản là: trí tuệ và cảm xúc, gồm bởi tham dục và nộ dục. Trí tuệ thì u mê dốt nát; cảm xúc thì rối loạn. Ong Evagrius Ponticus một đan sĩ trụ trì bên Ai-cập vào hậu bán thế kỷ IV (k.345-399), là người đầu tiên đã thiết lập danh sách tám sự rối loạn mà ông đặt tên là logismos (logos là lời, tư tưởng: logismos là lời dụ dỗ, tư tưởng xấu, tà kiến), đó là: “mê ăn, dâm dục, tham lam, phiền não, nóng giận, chán nản, hám danh, tự phụ”. Cassianus đã lấy lại học thuyết này và truyền bá sang Tây phương trong cuốn De Institutis coenobiorum, lib. V-XII, mà ông dịch sang tiếng Latinh làvitia principalia. Dựa vào đó mà sau này thánh Grêgôriô Cả lập danh sách về bảy mối tội đầu. Bên các Giáo hội Đông phương, danh mục 8 tà kiến được sử dụng làm nền tảng cho các tác phẩm tu đức. 

Cassianô đã vạch ra sào huyệt của các tà kiến ở ba cơ quan chính: 

- mê ăn, dâm dục, tham lam: nằm ở tham dục 
- phiền não, nóng giận, chán nản: nằm ở nộ dục 
- hám danh, tự phụ: nằm ở lý trí. 

Bây giờ chúng ta hãy đi một vòng tham quan các sào huyệt ấy, từ tầng hầm, lên tầng trệt, và lần lượt leo đến sân thượng. Dĩ nhiên, tuy nói là đi tham quan, nhưng chúng ta cần cầm theo khí giới phòng thân, đặc biệt là sự tỉnh thức và cầu nguyện. 

Vì thời giờ ngắn ngủi, cho nên chúng ta không thể dừng lâu được. Ở mỗi chặng chúng ta chỉ lướt qua hai điểm chính: 1/ bản chất của mỗi tà kiến, và 2/ phương thế chữa trị. (Anh em có thể đọc thêm trong Đời sống tâm linh, tập V, trang 234-308). 

I. Mê ăn 

Hành trình tham quan bắt đầu từ tầng hầm, nghĩa là chỗ thấp nhất, bởi vì chung với loài vật (còn sự tự phụ thì chỉ có loài người và các thiên thần mới mắc). 

A. Bản chất 

Nói cách tổng quát, “mê ăn” có nghĩa là: ăn vì đam mê, tức là đi tìm một sự thỏa mãn trong sự ăn uống, bất kể những quy tắc về sự chừng mực điều độ. Khi đi vào chi tiết, các sư phụ đã phân chia nhiều dạng thức của tính mê ăn. 

- Ong Clêmentê Alexandria (Paedagogus II, 1-2) phân biệt ba dạng thức: a) opsofagia: thích tìm thức ăn cao lương mỹ vị; b)gastrimargia theo nghĩa chặt là bụng rối loạn; c) laimargia: miệng rối loạn. Khi áp dụng cho các nhà tu hành, ông Cassianus (Coll. V,11; Inst. V,3) phân biệt ba tật ham ăn của thầy tu: a) ăn trước giờ; b) ăn quá độ; c) ăn khoái khẩu. Trước đó, ông Evagrius (Praktikos 7) đã bàn đến một cơn cám dỗ của các thầy tu là tránh né kỷ luật kiêng khem, viện cớ là phải duy trì sức khỏe. 

Thực ra, cần ăn cần để sống. Hơn nữa, đồ ăn phải ngon thì mới nuốt được. Sự ăn uống trở thành xấu không do chính sự ăn uống, nhưng do lòng ham muốn lệch lạc. Khi nào lòng ham muốn trở nên lệch lạc? Thánh Đôrôtêô Gaza và thánh Maximus Confessor trả lời: khi nào ra ngoài mục đích của sự ăn uống. Mục tiêu của việc ăn uống là nuôi dưỡng thân xác, giữ gìn sức khoẻ; đó là mục tiêu chính đáng. Nếu đặt mục tiêu của việc ăn uống là sự khoái lạc thì sự ham muốn trở thành xấu, bởi vì như vậy sự thèm khát ăn uống chiếm đóng vị trí dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi: họ sống để ăn, chứ không còn ăn để sống. Đó là lý do mà thánh Phaolô đã xếp vào tội “ngẫu tượng”, thờ thần bụng (xc Pl 3,9). 

B. Điều trị: đức tiết độ 

Nói cách tổng quát, đức tiết độ (enkrateia) có thể hiểu về nhân đức điều khiển các ham muốn giác cảm (thuộc tham dục), cách riêng trong việc thoả mãn nhu cầu ăn uống và truyền sinh. Nói khác đi, nó là phương dược để chữa trị cả tật ham ăn cũng như tật dâm dục. Theo một nghĩa hẹp hơn, đức “tiết độ” được vài giáo phụ (chẳng hạn ông Evagrius, thánh Barsanuphius) áp dụng vào việc điều khiển sự ăn uống; còn vai trò điều khiển tật dâm dục được trao cho đức “khiết tịnh”. 

Như đã nói trên đây, việc ăn uống tự nó không xấu; nó trở nên xấu tại con tim của ta, khi mà ta coi nó như cứu cánh cuộc đời, chứ không còn như phương tiện để dinh dưỡng. Chính vì thế để chữa trị tật mê ăn, ta phải bắt đầu bằng việc điều chỉnh con tim và lòng ham muốn. Những bài thuốc vừa kê trên đây đều nhằm đến con tim. Tuy nhiên, các sư phụ cũng biết rằng tật mê ăn len lỏi vào con tim qua môi giới của thân xác. Vì thế, thân xác cũng cần tham gia vào việc chữa trị nữa. Đó là ý nghĩa của sự áp dụng đức tiết độ đối với thân xác, bao gồm những hành vi khổ chế như: chay tịnh, canh thức, lao động. 

II. Dâm dục 

A. Bản chất 

Hôn nhân không phải là tội lỗi; việc giao hợp vợ chồng cũng không phải là tội lỗi. Tội lỗi xảy ra khi bị sử dụng lạc hướng, cũng giống như sự ăn uống đã nói trước đây. Việc ăn uống không phải là tội lỗi. Chủ thể của tội mê ăn không phải là cái miệng hay cái bụng nhưng là cái tâm, lòng ham muốn lệch lạc. Một cách tương tự như vậy, trong lãnh vực hôn nhân, chủ thể của tội không phải là thân xác (tuy dù được đặt tên là “tội nhục dục”, hay “tội xác thịt”), nhưng là lòng ham muốn lệch lạc. Khi nào lòng ham muốn bị coi là lệch lạc? 

Nói cách tổng quát, lòng ham muốn trở nên lệch lạc thì nó đi tìm khoái lạc như là cứu cánh cuộc sống, đến nỗi lãng quên cả Thiên Chúa. 

Khi bàn về các ham mê và tật xấu, các sư phụ thường vạch ra vòng luẩn quẩn của chúng: một đàng lòng ham muốn sinh ra tật xấu, và rồi tật xấu lại lôi cuốn thêm lòng ham muốn; hơn thế nữa, một tật xấu này thường lôi cuốn theo tật xấu khác. 

Xét về mối liên hệ họ hàng giữa các tật xấu, các sư phụ thường móc nối tật mê ăn với tật dâm dục. Cassianus (Coll. 12,7) giải thích rằng ai vượt quá hàng rào của sự kiềm chế thì cũng dễ vượt qua hàng rào của sự tháo thứ, nhưng ông lại áp dụng cách riêng cho tính nóng giận: ai không đè nén được tính nóng nảy, thì sẽ dễ bị ngọn lửa tình dục trấn áp. Đành rằng ngọn lửa dâm dục gây tai hại cho bất cứ ai, nhưng các sư phụ lo ngại cách riêng cho các đan sĩ. Đối với giới tu hành, tật dâm dục lôi theo nhiều hậu quả tai hại cho hành trình tâm linh: một đàng nó dẫn đến sự buông thả phóng túng, đàng khác nó làm con tim thờ ơ đối với những thực tại thần linh, chểnh mảng đối với cầu nguyện và thực hành nhân đức. 

B. Chữa trị: nhân đức khiết tịnh 

Như vừa nói, đức “tiết độ” (enkrateia: temperantia) hiểu theo một nghĩa rộng, bao hàm việc điều khiển bản năng dinh dưỡng và truyền sinh; theo một nghĩa hẹp, nó được giới hạn vào lãnh vực ăn uống, dành lãnh vực truyền sinh cho đức khiết tịnh (sophrosyne: castitas). Nhận xét này cho ta thấy mối liên hệ giữa đức tiết độ và đức khiết tịnh. 

Đến lượt bàn đến đức khiết tịnh, thiết tưởng cũng cần phân biệt nhiều phạm vi khác nhau: có loại khiết tịnh của người chưa lập gia đình, có loại khiết tịnh của người kết hôn, có loại khiết tịnh của người goá bụa, có loại khiết tịnh của người khấn độc thân. 

Trên thực tế, phần lớn những tác phẩm của các giáo phụ viết về đức khiết tịnh nhằm đến giới tu trì. Nguyên việc điều khiển bản năng tự nhiên trong tầm mức hợp lý đã khó rồi (như ta thấy trong việc ăn uống), phương chi là khước từ hoàn toàn sự sử dụng bản năng đó. Ý thức sự khó khăn như vậy, các biện pháp đề ra rất là khắc khe, tựa hồ như muốn huỷ diệt cả bản năng nữa. Nói chung, các công tác khổ chế mà kỷ luật đời đan tu đặt ra đều hướng đến việc kiềm chế các bản năng. Cassianus đã nêu bật mối liên hệ đó, cách riêng khi giải thích ý nghĩa của sự chay tịnh, canh thức và lao động. Cả ba công tác đều góp phần vào việc hạn chế những đòi hỏi của thể xác, nhờ vậy cũng giảm đi đòi hỏi của dục tình. Dù sao, các sư phụ đã đề cập đến ba biện pháp này khi bàn về tật mê ăn, bởi vì có liên hệ dây chuyền giữa tham ăn và dâm dục. Dưới khía cạnh trị liệu tinh thần, Cassianus nói rằng nếu ai không trị được tật tham ăn thì đừng mong trị được tính dâm dục (Inst.V,11; Coll. V,10; XXII,6). 

III. Tham lam 

A. Bản chất 

Khi so sánh tật tham lam với tật tham ăn và dâm dục, Cassianus nhận định rằng con người đã mang nhu cầu ăn uống và yêu đương ngay từ khi thụ thai, còn sự ham tiền thì nảy sinh muộn hơn (Inst. VII,2-3). Nói cho đúng, thật khó kiểm chứng được mối tham nào do bẩm sinh và mối tham nào do giáo dục; tuy nhiên xét về tính cách luân lý thì cả ba đều giống nhau, theo nghĩa là sự xấu xa không nằm nơi đối tượng nhưng nằm ở lòng tham lệch lạc. Thực vậy, tiền bạc và tài sản đâu phải là đồ xấu xa? Chúng cần thiết để tạo cho con người những điều kiện sinh tồn. Sự xấu bắt đầu len lỏi khi con người không còn sử dụng chúng như phương tiện, nhưng biến chúng thành cứu cánh; và thay vì hưởng dụng chúng thì lại ham mê chiếm giữ chúng. 

Cassianus (Inst. VII, 14) nói đến ba hình thức tham lam tiền của: một là mong muốn những của cải mà trước kia mình không có; hai là lấy lại những gì mà mình đã dâng hiến cho Chúa; ba là thiếu tin tưởng vào Chúa cho nên tích cóp để dành. 

Bàn đến những mắt xích của các nết xấu, các sư phụ móc nối tính tham lam với tật tìm hư danh, kiêu ngạo. Kẻ có nhiều tiền thì cũng thích ăn nhậu trác táng, nhưng lại ngại ngùng biếng nhác đối với các công việc đạo đức. 

B. Phương dược: đức thanh bần và san sẻ 

Các sư phụ nhận xét rằng: tuy tật mê ăn và tật dâm dục gợi lên lòng ham muốn mãnh liệt khó chống cưỡng, nhưng khi đã thoả rồi thì chúng tạm lắng dịu; còn tật ham tiền thì có lẽ không bùng nổ mãnh liệt như vậy, nhưng nó chẳng khi nào thoả mãn. Chính vì thế ta phải ngăn chặn nó ngay từ đầu, bởi vì một khi đã để nó lẻn vào con tim rồi thì không cách nào trục xuất nó nữa. 

Những phương dược cần áp dụng để chữa trị tật tham lam gồm ba điểm: điểm thứ nhất gồm những điều tâm niệm tổng quát về giá trị tài sản; thứ hai là đức thanh bần (khước từ tài sản); thứ ba là đức san sẻ (phân phát tài sản). 

IV. Buồn phiền 

Dựa theo quan niệm tâm lý của Hy-lạp, ba tật xấu vừa nói trên đây (ham ăn, ham dục, ham tiền) thuộc phần tham dục. Từ tật xấu thứ tư, buồn phiền, chúng ta bước sang phần nộ dục. 

A. Bản chất 

Theo các giáo phụ, trước khi nguyên tổ phạm tội, con người không mắc tật buồn phiền. Nói thế có nghĩa là sự buồn phiền trái ngược với bản tính con người; nó là hậu quả bởi tội lỗi. Tuy nhiên, không phải sự buồn phiền nào đương nhiên cũng là tội lỗi xấu xa. Thực vậy, các sư phụ phân biệt hai thứ buồn phiền: có thứ buồn phiền “hợp ý Chúa” (xc 2Cr 7,10) và có thứ buồn phiền “đáng trách”. 

1/ Loại buồn phiền thứ nhất không xấu; trái lại nó mà còn giúp chúng ta vun trồng nhân đức nữa: đó là buồn vì tình trạng sa đoạ của thân phận con người, buồn vì xa cách Chúa, buồn vì phạm tội mất lòng Chúa. Sự buồn phiền này dẫn đến lòng thống hối (pénthos), đau lòng (katányxis), và được bày tỏ qua hồng ân nước mắt. Tất cả chúng ta được khuyến khích vun trồng sự buồn phiền này. 

2/ Loại buồn phiền thứ hai được bàn trong hàng ngũ các nết xấu thì khác. Đó là thứ buồn phiền trái chỗ: buồn vì mất một đối tượng phù ảo, phàm tục, thay vì buồn vì phạm tội mất lòng Chúa. Đó là sự buồn tiếc vì không thoả mãn được một tham vọng nào đó, hoặc buồn vì sự bất bình khó chịu xảy ra trong tương quan với tha nhân. 

Sự buồn phiền gây ảnh hưởng tai hại cho linh hồn, bởi vì nó làm giảm sút nhiệt tình hoạt động. Trong tương quan với tha nhân: sự buồn phiền có thể sinh ra thái độ cay cú, gắt gỏng, hậm hực, đó là không kể đến sự ghen tương đã nhắc đến như nguồn gốc gây ra sự buồn phiền. 

B. Chữa trị 

Xét vì có hai thứ buồn phiền (buồn phiền tốt và buồn phiền xấu) cho nên cũng có hai bài thuốc khác nhau: một bài thuốc nhằm chữa lành sự buồn phiền xấu (nghĩa là do những đam mê xấu); một bài thuốc khác nhằm phát triển sự buồn phiền tốt (sự thống hối, nước mắt) và biến nó thành niềm hoan hỉ tinh thần. 

V. Nóng giận 

A. Bản chất 

Khi liệt kê sự nóng giận trong danh sách các tà kiến, ông Evagrius đã phân biệt sự nóng giận có lúc “tốt” và có lúc “xấu”, tuỳ theo đối tượng. Theo ông (Praktikos, 24), trên đường tu đức, cần phát triển sự nóng giận lúc phải chiến đấu với các tà kiến, thẳng tay tiêu diệt nó ngay lúc vừa chớm nở. Đó là thứ nóng giận “tốt”; sự nóng giận trở thành “xấu” khi lỗi đức ái, khi mà ta sử dụng nó không đúng chỗ, nghĩa là thay vì dùng nó để chiến đấu sự dữ, ta lại chĩa sang tha nhân là kẻ mà ta phải yêu mến. 

Tật nóng giận bắt nguồn từ một lòng ham muốn, và rồi vì không thoả mãn được lòng ham muốn cho nên đâm ra tức tối. 

B. Chữa trị 

Có hai thứ nóng giận: có thứ nóng giận xấu (mà ta phải diệt trừ) và có thứ nóng giận tốt (cần được phát triển). Sự nóng giận “xấu” nảy lên trong tương quan với tha nhân. Để diệt trừ tật nóng giận, một đàng ta phải chữa trị những căn nguyên của nó, đàng khác là thực hành nhân đức đối lập, đó là đức hiền lành và nhẫn nại. 

VI. Chán nản 

Trong danh sách do ông Evagrius thiết lập, tà kiến thứ sáu mang tên là akêdia, và được thánh Cassianus phiên âm sang tiếng latinh là acedia, kèm theo lời giải thích bản tính của nó là “taedium sive anxietas cordis” (chán nản và xao xuyến). Có lẽ vì không xác định ý nghĩa của akêdia, cho nên thánh Grêgôriô Cả gom nó làm một với tật buồn phiền (lipe), và đổi tên ra tật lười biếng (pigritia) trong bản liệt kê bảy mối tội đầu. 

A. Bản chất 

Thực ra, tuy akêdia bao hàm ý tưởng lười biếng, chán chường, nhưng không chỉ có thế mà thôi. Akêdia còn là mệt mỏi, nản lòng, ù lì, trì trệ; nó có sức gây ra sự buồn ngủ mặc dù thân thể không cảm thấy mệt nhọc. 

Nói chung, akêdia phản ánh một tâm trạng chán nản, không còn say mê tha thiết với bất cứ điều gì nữa, dửng dưng với mọi sự. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tai hại; nguy cơ của akêdia ở chỗ là nó tạo ra một nếp sống bất ổn: đương sự không còn khả năng tập trung tinh thần vào một điều nào cố định. Nếu đang sống một thân một mình, thì anh không thể ngồi yên một chỗ được, nhưng cứ bị thúc đẩy đứng lên ngồi xuống, đi lại đây đó để tìm giao lưu. Dưới chiêu bài đi tìm bạn hiền, anh lân la gạ chuyện tán gẫu. Lấy danh nghĩa cầu tiến, anh bỏ dở công tác đang làm để đi tìm một công tác hoàn hảo hơn, thậm chí rời bỏ chỗ mà mình đang trụ trì để tìm đến chỗ mà anh nghĩ là khắc khổ hơn. Trên thực tế, những thái độ vừa nói bộc lộ một trạng thái bất ổn, thiếu kiên trì trong việc theo đuổi đường tiến đức. 

B. Chữa trị 

Khi bàn về tật buồn phiền và nóng giận, các giáo phụ tìm cách phân biệt mặt tốt và mặt xấu của chúng: có thứ buồn tốt (buồn vì xa cách Chúa) cũng như có thứ giận tốt (giận ma quỷ). Nhưng khi bàn về akêdia thì các sư phụ không nương tay, bởi vì không thể tìm thấy một điều gì tốt lành ở nơi nó; vì thế cần phải thẳng tay trừ diệt kẻo nó làm hư hại tất cả công trình nên thánh của ta. Thánh Climacus đã nhận xét: các nết xấu khác chỉ phá hủy một nhân đức, còn tật akêdia giết chết hết mọi nhân đức (Scala XIII,9). Nhưng chữa trị nó bằng cách nào? 

Nguyên nhân của tật akêdia ở ngay trong chính bản thân ta. Vì thế phương dược trị liệu cũng nằm ở trong ta chứ không tuỳ thuộc nơi người khác hoặc hoàn cảnh. Dù sao, cuộc chiến với akêdia rất cam go bởi vì thường không chỉ diễn ra trong phút chốc nhưng kéo dài lâu tháng lâu năm. Đan sĩ dễ cảm thấy chán nản vì cho rằng mình đã thất bại. Chính vì thế, đan sĩ cần được trang bị với đức kiên trì, được liên kết với đức hy vọng. 

VII. Hám danh 

A. Bản chất 

Theo ông Cassianus, tuy tật hám danh mang nhiều dạng thức, nhưng có thể xếp vào hai loại chính sau đây, dựa theo đối tượng mà mình muốn được khen ngợi: danh giá thế tục hoặc danh giá tinh thần. 

1/ Trong loại thứ nhất, con người muốn được thiên hạ cảm phục về một giá trị trần tục, chẳng hạn như: sắc đẹp, giọng ca, thân thể, y phục, trang sức; hoặc một tài nghệ nào đó trong lãnh vực kinh doanh, chính trị, khoa học. Vì muốn thu hút kéo sự thán phục cho nên ta sẽ tìm cách phô trương cho thiên hạ thấy những điều vừa nói: khoe tài, khoe sắc, khoe của. Dĩ nhiên điều này giả thiết rằng đương sự cũng ham mê sắc dục, ham tiền, nghĩa là mắc phải những tham dục đã nói trên đây. 

2/ Những nhà tu hành có thể bĩu môi trước những cuộc tranh đua để chiếm những vòng hoa chóng tàn vừa nói (tiền tài, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, vv). Nhưng Cassianus cảnh cáo rằng các bậc chân tu vẫn còn nguy cơ rơi vào tật háo danh dưới một dạng khác, đó là muốn cho thiên hạ biết đến công đức của mình, những công cuộc thao luyện khổ chế của mình, nói tắt một lời, muốn được nổi danh là “thánh thiện”. Loại hám danh thứ hai này còn nguy hiểm hơn loại thứ nhất trăm lần, bởi vì nó bám sát vào bậc chân tu, nghĩa là kẻ nghĩ rằng mình đã thoát tục, diệt hết các dục vọng rồi! 

Trong đường tu đức, sự hám danh là nết xấu khó biết và khó chừa hơn cả, bởi vì nó theo đuổi cả những bậc chân tu lão luyện. 

B. Chữa trị 

Xét vì có những điểm chung giữa tật hám danh và tự phụ, cho nên chúng tôi sẽ gộp chung sự chữa trị cho cả hai, sau khi phân tích bản tính và hậu quả của tính tự phụ. 

VIII. Tự phụ 

A. Bản chất 

Sự tự phụ khác với sự hám danh như thế nào? Thật ra, sự hám danh và sự tự phụ không khác nhau về bản tính cho bằng về cấp độ. Thánh Climacus so sánh hai tính xấu đó như là nhi đồng và tráng niên, hoặc như hạt thóc và bánh mì (ScalaXXI, 35; 45). Cassianus cũng nghĩ như vậy: khi tính hám danh tăng trưởng thì biến thành tự phụ (Coll. V,10). Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta đừng quên rằng các nết xấu lôi kéo nhau như mắt xích. Dựa theo mối tương quan với tha nhân hoặc với Thiên Chúa, cha Cassianus phân chia hai dạng của tính tự phụ: một đàng là coi mình hơn người; đàng khác là tâng mình chống lại Thiên Chúa. 

Các sư phụ Đông phương đặt tính tự phụ ở cấp cuối cùng của vòng chuỗi các nết xấu ra như để cho thấy nó là con đẻ của tất cả những nết xấu khác; đối lại, tính tự phụ này cũng là căn cớ gây ra mọi nết xấu. Như ta đã biết, các nết xấu họp thành một vòng xích, cái này móc nối và lôi kéo theo cái khác. 

B. Chữa trị 

Quỷ hám danh rất khó trị, bởi vì các thứ quỷ khác sau khi đã thua thì rút lui bỏ chạy, còn quỷ hám danh thì rình núp đàng sau cửa để đánh úp. Một chuyện thường xảy ra là sau khi đã diệt được tính hư danh, thì ta lại hãnh diện vì đã diệt được nó! Như vậy, ta không ngờ rằng mình đã chịu thua mất một keo nữa. Do đó, nếu muốn thắng tật hám danh ta phải cảnh giác tối đa: ý thức về chiến thuật của nó, đồng thời hiểu biết những lý do phát sinh, những hậu quả độc hại, và những phương thế bài trừ. 

Phương thế chung để bài trừ tật hám danh và tự phụ là Đức Khiêm nhường. Cũng như có hai dạng của tính kiêu ngạo thì cũng có hai dạng của đức khiêm nhường: khiêm nhường với tha nhân và khiêm nhường với Thiên Chúa. 

Chúng ta sẽ trở lại với nhân đức khiêm nhường ở bài cuối, khi phân tích 12 cấp độ khiêm nhường trong luật Biển đức. 

Kết luận 

Chúng ta đã mở đầu bài nói chuyện hôm nay với hai vấn nạn liên quan đến quan niệm về đời tu: tu là bỏ đời; tu là tuyên ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Cả hai quan niệm ấy đều bất cập. 

1/ Tu là từ bỏ. Từ bỏ cái gì? 

Cassianô định nghĩa đan sĩ (monachus) như là người chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vì muốn hướng về Thiên Chúa thì đan sĩ phải khước từ thế gian. Đan sĩ mang tên là “kẻ khước từ” (abrenuntiantes). Thực ra ngôn ngữ này đã xuất hiện trong phụng vụ rửa tội rồi: người dự tòng phải khước từ (từ bỏ) ma quỷ cùng với các quyến rũ của nó. Tương tự như khi lãnh bí tích rửa tội, Cassianô liệt kê ba điều mà đan sĩ phải khước từ: khước từ của cải thế gian; khước từ bản thân (những ham muốn, nết xấu); khước từ những lo lắng thế sự ngõ hầu chú tâm vào các điều vĩnh hằng (Collationes III, 6-9). Nói cho cùng, cả ba điều đều muốn nói rằng mình cần từ bỏ cái “tôi”, hay đúng hơn cái tư tưởng sai lạc (tà kiến) về các tôi, lấy cái tôi làm ngẫu tượng, khiến cho các tương quan đối với Thiên Chúa và tha nhân bị lệch lạc. 

2/ Tu với ba lời khấn 

Luật thánh Biển đức muốn rằng đan sĩ khấn “conversio morum”: cải tạo nếp sống. Chương trình cải tạo đã được phác hoạ qua những bài thuốc chữa trị tám tà kiến, trong đó, đức khiết tịnh chống lại sự dâm dục, đức chia sẻ chống lại sự ham tiền, đức vâng phục (và khiêm nhường) chống lại sự tự phụ. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời thì ta sẽ để rất nhiều lỗ hổng cho quân địch lẻn vào. Các nết xấu liên kết với nhau, nếu thấy một kẽ hở nào là chúng rủ nhau ập vào qua điểm yếu đó. Dù sao, trong số 8 tà kiến, các sư phụ nói rằng cái tên khó trị nhất là tính kiêu ngạo, còn tên nguy hiểm nhất là akêđia (chán chường). 

Chúng ta đã biết lực lượng của địch, và cần phải bố trí đề phòng để ngăn chặn tất cả, chứ đừng chừa ai. Đàng khác, các tên địch liên kết với nhau, vì thế diệt được tên này thì tên bên cạnh cũng bị suy yếu. Và nhất là tuy chúng ta diệt mỗi nết xấu đặc thù bằng một nhân đức đối nghịch, nhưng có những phương thế cần thiết để đương đầu với tất cả, đó là: tỉnh thức, khổ chế, cầu nguyện. 

Sự cầu nguyện là đề tài cho bài sắp tới.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét