Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

BÀI 1: ANH TÌM GÌ ?

Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP cho Tu viện Mân Côi và Anbetô năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

Trong nghi thức mặc áo và khấn dòng của Anh em Giảng thuyết, vị chủ sự hỏi thỉnh sinh nằm giang tay phủ phục dưới đất: “Anh xin gì?” (Quid petis?). Thỉnh sinh đáp lại: “Lòng lân tuất của Chúa và của anh em” (Misericordiam Dei et vestram). Chúng ta đã nhiều lần được nghe giải thích ý nghĩa của cuộc đối đáp này, vì thế tôi xin miễn lặp lại, nhưng tôi chỉ xin mạn phép vạch ra một kẽ hở, đó là câu trả lời quá khái quát, và nhà dòng không có cơ hội để điều tra ý định của thỉnh sinh cách thấu đáo hơn.


Cassianô và Bênêđictô đặt câu hỏi cách khác. Khi nghe tiếng gõ ở cổng, bề trên tiến ra hỏi: “anh tìm gì?” (Quid quaeris?). Câu hỏi này vọng lại lời của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên được ghi lại ở Tin mừng thánh Gioan 2, 38 (quid quaeritis?). Ưng sinh trả lời: “Con đi tìm Chúa”. Bề trên chưa vội tin, và bắt đứng chờ ngoài cổng một thời gian khoảng 10 ngày, chịu đựng mọi thứ sỉ nhục, để thử thách xem anh ta có thực tâm muốn đi tìm Chúa hay không. Nếu vượt qua cuộc trắc nghiệm sơ khởi thì anh ta mới được đưa vào bên trong cửa nhà dòng, bắt lột hết áo quần, từ bỏ tài sản. Sau đó bề trên trao tu phục, và cho sống gần phòng khách, để học tập phục vụ các lữ khách trong vòng một năm. Kế đó mới được cho vào nhà tập (Institutiones 4,3-7). Thánh Biển đức cũng lấy lại thủ tục ấy, để điều tra xem ứng sinh có tìm Chúa thực tình, hay là đi tìm điều gì khác (RB . So với Cassianô, thời gian thử thách rút ngắn hơn, chỉ còn 2-3 ngày. Dù sao, thì động lực của việc gia nhập đời tu đã được xác định thành công thức cổ điển: “đi tìm Chúa” (quaerere Deum). Thành ngữ này đã xuất hiện từ lâu trong Kinh thánh, đặc biệt là trong các thánh vịnh, nhưng mang một ý nghĩa đặc biệt trong văn chương đời tu Kitô giáo, để diễn tả động lực của việc dâng mình cho Thiên Chúa. Thực ra, động lực đi tu rất là đa dạng: Chúa gọi mỗi người vào một thời và một nơi khác biệt, từ một hoàn cảnh khác biệt, với một hồng ân và sứ mạng khác biệt. Dầu vậy, ta có thể tìm thấy một mẫu số chung giữa các hình thức đa dạng ấy. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này khi đối chiếu với các tôn giáo khác, cũng như khi phân tích những lý do lịch sử của việc hình thành đời tu trì Kitô giáo.

I. Sự hình thành đời tu trì Kitô giáo

Đời sống tu trì Kitô giáo xuất hiện từ bao giờ? Không dễ gì trả lời câu hỏi này. Có ý kiến chủ trương rằng đời tu đã được khai sinh ngay từ thời Chúa Giêsu còn tại thế, khi Người kêu gọi các môn đệ từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo và chia sẻ cuộc sống với mình. Có ý kiến cho rằng tất cả các Kitô hữu đều được gọi đi theo Đức Kitô; nhưng hiện tượng của một nhóm người độc thân khắc khổ, sống tách biệt ra khỏi hàng ngũ giáo dân thì xuất hiện muộn hơn, vào cuối thế kỷ thứ III hoặc đầu thế kỷ IV.

Chúng ta sẽ không tham gia cuộc tranh luận này, nhưng chỉ đưa ra vài nhận xét về tên gọi và ý nghĩa của đời tu trì Kitô giáo.

A. Tên gọi

Tại Việt Nam, chúng ta được gọi là “tu sĩ”, bởi vì chúng ta đi tu, cũng giống như các tu sĩ bên Phật giáo. Nhưng mà hãy coi chừng, bởi vì từ “tu sĩ” rất hàm hồ.

1/ Thứ nhất, các linh mục giáo phận cũng đi tu (kể từ khi gia nhập chủng viện), nhưng họ không phải là tu sĩ. Tại sao vậy? Lý do là vì “tu sĩ” đòi hỏi cái gì khác hơn là đi tu!

2/ Đời tu của Kitô giáo hoàn toàn khác với đời tu Phật giáo. Dĩ nhiên, dưới khía cạnh lịch sử, đã có nhiều giả thuyết được đặt ra khi bàn đến ảnh hưởng của đời tu (khổ hạnh) của các tôn giáo (đặc biệt của Ấn giáo và Phật giáo) đối với hiện tượng các ẩn sĩ Kitô giáo vào đầu thế kỷ IV, nhưng chúng ta không đụng đến ở đây. Chỉ cần lưu ý một điểm dưới khía cạnh thần học về sự khác biệt căn bản giữa đời tu Phật giáo và đời tu Kitô giáo. Khác ở chỗ nào?

Xin thưa rằng chữ “TU” tự nó không nói lên tương quan với Thiên Chúa. “Tu” chỉ có nghĩa là “sửa sang chỉnh đốn” (tu thân, tu bổ, tu hạnh). Còn religiosus tiếng La-tinh thì mang nghĩa khác: nó là một tính từ của religio, nói lên một mối tương quan của con người với Thiên Chúa, một dây ràng buộc đối với Thiên Chúa, cách riêng là bằng việc phụng tự. Vì thế religio được dịch là “nhân đức thờ phượng” (chứ không phải là tôn giáo); và religiosus , theo thánh Tôma Aquinô, có nghĩa là người dành hết tâm lực vào việc thờ phượng Thiên Chúa (Summa Theologica, II-II, q.81, a.1).

Dù sao đi nữa, vào các thế kỷ đầu tiên, người đi tu được gọi là monachus, quen được dịch là “đan tu”. Tiếc rằng dịch như vậy không đúng. Monachus tiếng Latinh chỉ là phiên âm tiếng Hy-lạp monakos, gốc bởi monos, có nghĩa là: một, đơn, độc nhất (chứ không hàm chứa ý tưởng TU). Xét theo nguyên ngữ, monakos có nghĩa là người sống một mình, cô độc lẻ loi, hoặc độc thân (không có vợ). Các văn sĩ Hy-lạp thời cổ dùng từ monakos theo nghĩa tiêu cực cũng như nghĩa tích cực: đó người đơn độc, đơn sơ, trụ tại một chỗ, cô độc, lập dị. Nhưng kể từ Eusêbiô Cêsarêa và thánh Athanasiô, thì các văn hào Kitô giáo đã sử dụng danh từ monakos để ám chỉ một nếp sống mới của Kitô giáo, được giải thích theo nhiều nghĩa:

- MỘT có nghĩa là độc thân, không lấy vợ.

- MỘT có nghĩa là sống xa cách trần trục, sống một mình.

- MỘT có nghĩa là chỉ đi tìm một điều quan trọng duy nhất trên đời, đó là Thiên Chúa.

- MỘT có nghĩa là duy trì sự hoà hợp nội tâm, không để cho tâm trí bị phân tán bởi những xáo trộn dục tình.

- MỘT có nghĩa là sống đồng tâm nhất trí giữa anh em một nhà. (Lối giải thích này là của thánh Augustinô).

Sở dĩ có nhiều lối giải thích từ monachus như vậy là tại vì có nhiều hình thức monachi, có người chân tu cũng như có người ngụy tu. Ngay từ chương Một, thánh Biển đức đã liệt kê bốn loại monachi: có những người sống ẩn sĩ (sống một mình), có những người sống trong cộng đoàn, có thứ đi lang thang, không trụ ở chỗ nào hết. Có lẽ vì thế mà thánh nhân đã đặt ra lời khấn “vĩnh cư” cho các đan sĩ. Dù sao, nên ghi nhận rằng hồi đó không phải tất cả các đan sĩ đều là thánh nhân. Nếu có cơ hội, chúng ta sẽ tìm hiểu những biện pháp chế tài trong các bản luật dành cho những thành phần bất hảo, mà ngày nay có lẽ công an cũng không còn sử dụng nữa.

Nói gì đi nữa, monachus chỉ có nghĩa là “một, đơn, duy nhất”, chứ không hàm ngụ việc “tu” một mình. Điều quan trọng là nhắm tới Thiên Chúa như cùng đích duy nhất của cuộc đời.

B. Nguyên nhân

Vì đâu phát sinh ra hiện tượng những người tách biệt khỏi cộng đoàn tín hữu để lên sa mạc vào thế kỷ IV? Đã có ít là hai ý kiến:

1/ Có người cho rằng đời sống đan tu bắt đầu kể từ khi Giáo hội được hưởng tự do hành đạo. Trước kia, các tín hữu phải chịu bách hại vì đức tin, và vì thế họ phải cố gắng chiến đấu để giữ vững đức tin. Sang thế kỷ IV, Đế quốc Rôma không những cho phép các tín hữu được tự do hành đạo mà dần dần tiến đến chỗ nhìn nhận Kitô giáo làm quốc giáo. Tiếc rằng nếp sống dễ dãi mang theo sự sa sút đức tin. Ý thức nguy cơ, một vài tín hữu rút lên sa mạc bởi vì muốn tiếp tục nếp sống gian khổ, chấp nhận những thiếu thốn chật vật, để rèn luyện ý chí.

2/ Một thuyết khác cho rằng nếp sống đan tu bắt nguồn ngay từ thời bắt đạo chứ không phải là sau thời bắt đạo. Một số tín hữu chạy trốn lên sa mạc để tránh khỏi bị truy nã dưới thời hoàng đế Đecius (250). Dần dần họ quen với nếp sống ở đó, và không muốn trở về thành thị nữa.

Rất có thể là cả hai ý kiến đều đúng, nếu chỉ giới hạn vào một nhóm nào đó hoặc một địa phương nào đó. Sự liên hệ giữa đời đan tu với lý tưởng tử đạo là một điều không thể chối cãi: đời đan tu được ví như một sự tử đạo “trắng” (không đổ máu), nhưng điều này cũng được áp dụng cho các trinh nữ. Tuy nhiên, sự tử đạo không phải là mục tiêu duy nhất của đời tu. Qua những tác phẩm của các giáo phụ, người ta còn thấy nhiều lý tưởng khác được đề ra.

II. Mục tiêu của đời tu

Những lý tưởng thường được nhắc hơn cả có thể tóm lại như sau: Bước theo Chúa Kitô; Tử đạo; Rửa tội lần thứ hai; Sa mạc; Xuất hành; Trở về trạng thái nguyên thuỷ; Sống như thiên thần; Sống theo cộng đoàn Giêrusalem; Tìm Đấng Tuyệt đối. Như thế có ít là 9 ý tưởng.

1/ Đi theo Chúa Kitô. Tư tưởng này được đọc thấy trong hạnh tích của thánh Antôn: anh nhận được ơn gọi khi đi ngang nhà thờ, và nghe đoạn Phúc âm Mt 19,21: “nếu anh muốn nên trọn lành”. Tiếc rằng người ta thường dừng lại ở phần đầu tiên (muốn nên trọn lành), hoặc phần thứ hai (bán hết tài sản), mà lại bỏ qua phần quan trọng hơn cả: “hãy đến đây, đi theo tôi”.

2/ Lý tưởng tử đạo. Người tín hữu không tình nguyện đi tìm cái chết (Kitô giáo không bao giờ khuyến khích sự tự sát!). Lý tưởng tử đạo cần được lồng trong bối cảnh khác, đó là “bắt chước Đức Kitô”, mà ta đọc thấy từ các vị tông phụ (thánh Inhaxiô Antiôkia, Polycarpô): Chúa Kitô đã yêu thương ta và đã trao hiến mạng cho ta (xc Gl 2,20); bây giờ đến lượt ta bày tỏ lòng yêu mến đối với Ngài, hiến cuộc đời cho Ngài, biến thân thể mình thành hiến lễ. Đời tu trì được coi như một thứ “tử đạo trắng”, qua những cuộc khổ chế, tập từ bỏ mình vác thập giá đi theo Thầy (Mt 16,24-25), tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài.

3/ Rửa tội lần thứ hai. Như vừa nói, các tín hữu không hề được khuyến khích tự sát: việc tử đạo chỉ là một dấu hiệu để bày tỏ sự gắn bó trung thành với Chúa Kitô mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ để tránh những hiểu lầm về sự tử đạo (giới hạn vào tính cách “anh hùng”), vài giáo phụ đã nêu bật rằng nó đã được gói ghém trong lời tuyên xưng khi lãnh bí tích rửa tội: chúng ta đã chẳng hứa từ bỏ thế gian, và kể cả mạng sống để theo Chúa Kitô đó sao? Bí tích rửa tội chẳng phải là một cuộc chia sẻ vào sự chết, mai táng và sống lại với Chúa Kitô đó sao? Dù sao, kể từ thánh Hiêrônymô (epistula 39, 3), đời đan tu được ví như cuộc “rửa tội lần thứ hai”. Điều này cũng được diễn tả cách sống động qua nghi thức tuyên khấn, khi thỉnh sinh diễn lại cử chỉ “chết cho con người cũ” qua việc nắm sấp mình dưới đất, cởi bỏ y phục, cắt tóc; và khoác lên “con người mới”, qua việc lãnh nhận tu phục và tên gọi mới.

4/ Vào sa mạc. Tại sao các đan sĩ đi vào sa mạc? Sa mạc có gì hấp dẫn? Trong Cựu ước, sa mạc mang hình ảnh vừa tiêu cực vừa tích cực. Dưới khía cạnh tiêu cực, sa mạc tượng trưng cho sự khô khan cằn cỗi, và nhất là lãnh địa của ma quỷ, nơi của thử thách cám dỗ. Dưới khía cạnh tích cực, sa mạc là nơi cô tịch thanh vắng, nơi con người có thể tự do hàn huyên với Chúa. Cả hai khía cạnh đều được lấy lại trong Phúc âm. Vào lúc khởi sự sứ mạng, Chúa Giêsu đã vào sa mạc 40 ngày để cầu nguyện; cũng tại nơi đây ma quỷ đã hiện đến cám dỗ Ngài. Các giáo phụ đã bàn đến sa mạc dưới nhiều khía cạnh: a) nơi cô tịch để gặp gỡ Thiên Chúa; b) nơi gian khổ, học tập chiến đấu với ma quỷ. Hình ảnh sa mạc nhắc nhở rằng tu sĩ không ngừng chiến đấu với các nết xấu của mình, cũng như tìm cách để sống một mình với Chúa.

5/ Xuất hành. Trong Cựu ước, tư tưởng sa mạc cũng gắn liền với cuộc xuất hành 40 năm trước khi vào Đất hứa. Trong văn học đan tu, tư tưởng xuất hành một đàng muốn nêu bật khía cạnh khước từ quê hương để theo tiếng Chúa gọi, chấp nhận cuộc sống bấp bênh và tín thác vào Chúa quan phòng; đàng khác muốn nhắc nhở cho toàn thể Hội thánh về điều kiện lữ hành của mình. Dù sao, cuộc đời tu trì được so sánh như một cuộc hành trình tiến đến cuộc gặp gỡ Chúa, theo gương của ông Moisen và ông Elia.

6/ Phục hồi sự tinh tuyền nguyên thuỷ. Bên cạnh tư tưởng “xuất hành” (hoặc “lữ hành”) vừa nói, ra như hướng về tương lai, ta gặp thấy một tư tưởng khác mô tả hướng đi ngược lại, đó là quay về trạng thái nguyên thủy, trước khi nguyên tổ phạm tội, khi con người sống hoà hợp với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên, và dĩ nhiên là với chính mình. Tư tưởng này cũng gần với lý tưởng đi tìm hesychia: an bình, sự hòa hợp nội tại (đối lại sự phân tán chia rẽ).

7/ Đời sống các thiên thần. Đời đan tu được ví với đời sống các thiên thần (vita angelica). Hiểu như thế nào? Không thiếu người giải thích theo nghĩa là vì các đan sĩ không còn bị khống chế bởi những cám dỗ xác thịt nữa, dựa theo Mt 22,30. Nhưng có lẽ đó không phải là tư tưởng của các giáo phụ! “Sống như thiên thần” không có nghĩa là thoát ly khỏi xác thịt cho bằng sống trước nhan Chúa, chuyên lo việc chúc tụng và chiêm ngưỡng Thiên Chúa (xc. Kh 5,11-12). Các đan sĩ trút bỏ hết mọi bận tâm thế sự để chú tâm vào việc phụng sự Thiên Chúa (opus Dei, nihil operi Dei praeponetur; laus perennis).

8/ Nếp sống cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem (Cv 2,44-45; 4,32-34). Điều này được nêu bật hơn nơi các bản luật của thánh Basiliô và thánh Augustinô. Cộng đoàn được xây dựng trên mối hiệp thông, yếu tố cấu thành của Hội thánh, và đặc trưng của đặc tính tông đồ (vita apostolica, more apostolorum, apostolica vivendi forma).

9/ Sau cùng, không thể phủ nhận ảnh hưởng của các trào lưu triết học hoặc tôn giáo đương thời. Hiện tượng đi tìm Đấng Tuyệt đối (Chân, Thiện, Mỹ) được gặp thấy nơi nhiều dân tộc và văn hoá. Các giáo phụ miền Capadoxia đặt tên cho đời đan tu là Philosophia. Từ này quen được dịch là “triết học”, nhưng theo nguyên ngữ thì có nghĩa là “yêu chuộng sự khôn ngoan”. Tuy nhiên đối với các đan sĩ, Sophia không còn là một lý tưởng trừu tượng nhưng là chính Đức Kitô. Ai đi theo Đức Kitô là đi tầm đạo, tìm Khôn ngoan vậy. Ý tưởng tương tự cũng được biểu lộ qua danh từ Philokalia (đi tìm Vẻ đẹp, sự Hoàn Mỹ).

III. Quaerere Deum

Như vậy, những lý tưởng đời tu khá đa dạng, nhưng nếu lưu ý một chút, chúng ta sẽ thấy xoay quanh hai trục chính: một đàng là hướng đến Thiên Chúa (lắng nghe tiếng Chúa, ca ngợi Chúa), đàng khác là Đức Kitô (trung thành với Người, như đã hứa lúc rửa tội, mong đợi ngày quang lâm). Dù sao, đến khi các tác phẩm hệ thống về đời tu ra đời nơi Cassianô và thánh Biển-đức, thì ta đã thấy các điều vừa nói được giản lược vào mục tiêu chính cũng như những phương tiện cần sử dụng để đạt tới.

Như đã nói trên đây, khi thấy ứng sinh nào đến gõ cửa, bề trên đến hỏi anh ta: anh tìm gì ở đây? Ưng sinh đáp: “Con đi tìm Chúa”. Bề trên chưa vội tin, nhưng còn thử thách ý chí của anh. Sau thời kỳ thử luyện, anh được đưa vào bên trong đan viện, được trao tu phục. Vào dịp này, anh được bề trên giải thích về mục đích đời tu. Trước hết, chúng ta hãy nghe Cassianô, rồi đến lượt thánh Biển-đức.

1/ Tư tưởng của Cassianô được trình bày trong bài giảng của Pinuphius. Tác giả sử dụng hai từ ngữ trích từ thư thánh Phaolô gửi Philippi (3,13-14: scopos và telos, mục tiêu và giải thưởng của cuộc chạy đua) để phân biệt giữa mục tiêu tối hậu (telos) và mục tiêu trực tiếp (scopos) của đời tu (Collationes 1,4-7).

Mục tiêu tối hậu của đan sĩ (cũng như của bất cứ tín hữu nào) là Nước Trời, nghĩa là hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là phần thưởng mà Chúa hứa ban cho ta mai sau ở trên trời. Tuy nhiên, ngay từ đời này, ta có thể sống kết hiệp với Thiên Chúa nhờ đức ái và sự thông tuệ (hay sự chiêm niệm). Tuy nhiên, muốn chiêm ngắm Thiên Chúa thì cần phải có con tim tinh tuyền (puritas cordis), theo lời Tin mừng (Phúc cho ai có con tim tinh tuyền, vì họ sẽ nhìn thấy Chúa: Mt 5,8).

Hai phương thế chính yếu để đạt đến mục tiêu là: khổ chế và cầu nguyện. Khổ chế nhằm thanh luyện con tim khỏi những nết xấu (tà kiến) bằng cách thực hành các nhân đức. Cầu nguyện dẫn đưa ta đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Cassianô tóm lược lộ trình của đan tu qua công thức: “Từ praxis đến theoria”. Nếu dịch theo ngôn ngữ thông thường, thì phải nói rằng: từ thực hành đến lý thuyết; nhưng theo ngôn ngữ của các sư phụ Đông phương thì phải dịch là: “Từ thực hành (nghĩa là chiến đấu với nết xấu và rèn luyện nhân đức) đến chiêm ngắm (theoria có nghĩa là chiêm ngắm Thiên Chúa)”. Đây là nguồn gốc của hai chặng của đường trọn lành: giai đoạn khổ chế (tu đức) và giai đoạn huyền nhiệm (huyền bí). Đó là lý do của hai đề tài mà chúng ta sẽ quảng diễn trong hai bài sắp tới: chiến đấu và cầu nguyện.

2/ Thánh Biển-đức thì không thích dùng những khái niệm trừu tượng như vậy. Mục tiêu của đời đan tu được diễn tả qua thuật ngữ đơn giản hơn: quaerere Deum.

Thật ra, ở đầu bản luật (Prol. 14-21), thánh nhân cũng đã nói đến hạnh phúc của con người, hay nói đúng hơn: chính Thiên Chúa đi tìm con người, giống như ông chủ vườn đi kiếm thợ để vào làm vườn nho: ai đáp lại lời mời của Ngài thì sẽ được hạnh phúc, nghĩa là được sự sống, được “nhìn thấy Chúa”. Do đó, để có thể nghe tiếng Chúa, thì cần phải thinh lặng và đi học cách phục vụ Chúa, ngõ hầu có thể nhìn thấy Ngài.

Tuy nhiên, trong nghi thức thâu nhận tuyển sinh ở chương 58, tác giả nói đích danh là bề trên cần điều tra xem họ có thực tâm tìm Chúa không (si revera Deum quaerit). Lý tưởng của đan sĩ là đi tìm Chúa. Thực ra, thuật ngữ này hàm chứa rất nhiều điều, và nói được là rất phổ quát, bởi vì được đề ra cho tất cả mọi tín hữu. Thực vậy, chúng ta đã gặp thấy thuật ngữ ấy trong nhiều thánh vịnh (thuộc về Cựu ước): “Đây là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm kiếm Thiên Chúa nhà Giacop” (Tv 23,6); “Hãy đi tìm nhan thánh Chúa” (Tv 106,4); “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi những kẻ kiếm tìm Ngài” (Tv 9,11); “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa luôn mãi” (Tv 106,4), vv. và được Chúa Giêsu tóm lại trong bài giảng trên núi: “Tiên vàn, các con hãy đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,33). Như vậy việc tìm Chúa không phải là độc quyền của các đan sĩ; tuy vậy, đan sĩ đã lấy đó làm phương châm sống của mình, nghĩa là cốt yếu của monachus (MỘT) : “chỉ nhìn một mình Chúa, ước ao một mình Chúa, gắn bó với một mình Chúa” (Thêôđôrô Stuđita).

Chúng ta không rõ thánh Biển đức dùng phương pháp nào để trắc nghiệm ý định của ứng sinh, nhưng điều chắc là thánh nhân không đòi hỏi họ phải đạt đến lý tưởng này đi gõ cửa nhà dòng. Không, ngài sẽ hướng dẫn anh kiện toàn dần dần qua bản Luật. Nói cách khác, bản luật cung cấp những phương tiện giúp anh đi tìm Chúa, như chúng ta sẽ thấy trong những bài tới.

Tư tưởng vừa rồi cũng gặp nơi thánh Augustinô: “Anh em thân mến, lý do mà anh em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để anh em có một lòng một ý hướng về Chúa” (in Deum, ở accusativo số 3). “Xin Thiên Chúa ban cho anh em biết tuân giữ những quy tắc trên đây vì yêu mến, như những người mê say vẻ đẹp thiêng liêng và tỏa ngát hương thơm Chúa Kitô” (số 48, kết luận). Dù sao, như chúng ta đã biết, thánh nhân đã mở đầu cuốn Confessiones với lời tuyên xưng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài, và tâm hồn con luôn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài”.

Kết luận

Quid quaeris? Ad quid venisti?

Tu là đi tìm Chúa. Chúng ta có thể rút ra rất nhiều kết luận thực tiễn sẽ được quảng diễn trong những bài tới, tạm thời chỉ xin ghi nhận vài cảm nghĩ.

1. Một cách sơ đẳng nhất, đi tu là đi tìm Chúa, chứ không phải đi tìm cái gì khác. Nói thì dễ, thực hành mới khó. Ai dám tự hào rằng mình chỉ đi tìm Chúa mà thôi chứ tìm điều gì khác? Xin phép lấy một thí dụ thôi. Ở Việt Nam, các dòng tu huynh ít ơn gọi, bởi vì không được làm linh mục. Đi tu mà không làm linh mục thì tu làm gì? Bố mẹ thì cũng muốn được tôn làm ông bà cố: nếu con mình không làm linh mục thì làm sao được thăng làm cố; mà chịu chức rồi mà không mở tiệc vinh quy thì đâu được nhận làm quan? Đừng quên rằng Cassianô đã nhắn nhủ các đan sĩ “hãy tránh xa đàn bà và các giám mục” (omnimodo monachus fugere debet mulieres et episcopos: Institutiones XI, 18). Tránh xa đàn bà thì ai cũng hiểu rồi; nhưng tại sao lại tránh xa giám mục? Thưa rằng để khỏi bị ép chịu chức!

2. Lên cao hơn chút nữa, đi tìm Chúa có nghĩa là tìm chính Chúa chứ không phải là tìm các công việc của Chúa. Đây là cơn cám dỗ rất lớn của những người dấn thân vào làm việc tông đồ: chúng ta làm công việc của Chúa mà quên đi Chúa của các công việc. Chúng ta dễ bám vào các công việc mà chúng ta tưởng rằng làm cho Chúa, nhưng thực là làm cho ta. Các bậc sư phụ còn nói đến nguy cơ đi tìm những sự an ủi của Chúa thay vì đi tìm Thiên Chúa nguồn mọi sự an ủi. Điều này giả thiết nhiều việc khổ chế thanh luyện mà chúng ta sẽ bàn trong bài tới.

3. Lên cao chút nữa, Cassianô nói rằng tìm Chúa là tìm chiêm ngưỡng Chúa. Nói cách khác, đời tu không dừng lại ở giai đoạn khổ chế, nhưng còn phải đến giai đoạn huyền nhiệm. Thiết tưởng điều này rất quan trọng đối với các Giáo hội tại Á châu, nơi phát sinh các tôn giáo huyền nhiệm. Khi dọn luận án tiến sĩ thần học, anh Đinh Văn Nghị đã chọn đề tài là “sự chiêm niệm theo Cassianô”, vì nhận thấy rằng khi sang Thái Lan, nếu muốn nói chuyện với các nhà sư Phật giáo, mình phải trình bày khía cạnh cao siêu mà các Phật tử đang cố gắng đi tìm qua đường tu luyện Yoga-Zen. Kitô giáo không chỉ gồm các giáo lý, tín điều, luân lý, luật lệ, lễ nghi: còn có cái gì cao hơn nữa. Chúng ta sẽ trở lại câu chuyện này ở bài thứ ba.

Dù sao, khi nói rằng mục tiêu của đời tu là đi tìm Chúa, chúng ta cũng cần điều chỉnh lại đôi chút cho hợp với đạo lý. Chúng ta đi tìm Chúa là bởi vì Chúa đã đi tìm ta trước. Chúa vẫn đứng chờ ở cửa lòng ta, nhưng ta lơ đễnh không quan tâm đến Người. Dù sao đi nữa, chúng ta không đi tìm một Thiên Chúa vô danh, nhưng là Thiên Chúa đã đến với chúng ta nơi đức Giêsu Kitô. Qua Đức Kitô, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, và để gặp được Chúa chúng ta cần đến ánh sáng của Thánh Linh.

Tóm lại, mục đích của đời tu là đi tìm Chúa. Đó chẳng phải là mục tiêu của cuộc đời các Kitô hữu hay sao? Thưa, đúng vậy. Các đan sĩ đầu tiên đâu dám tự phụ rằng mình hơn ai đâu; đơn giản họ chỉ muốn sống ơn gọi của người Kitô hữu thôi. Xin thêm một điểm nữa: lý tưởng của đời đan tu cũng là lý tưởng của mỗi Kitô hữu, thậm chí của mỗi con người nữa. Cách đây ba năm, trong cuộc gặp gỡ giới trí thức nước Pháp tại Collège des Bernardins ở Paris ngày 12/9/2008, đức thánh cha Bênêđictô XVI đã không ngần ngại nhắc cho họ biết rằng nhờ sống phương châm của mình, các đan sĩ Biển đức đã xây dựng văn hóa của châu Âu, và đó cũng là con đường hữu hiệu để giúp châu Âu hiện đại bảo tồn văn hóa của mình. Tôi nghĩ rằng điều này cũng có thể áp dụng cho chúng ta: nếu trung thành với khẩu hiệu quaerere Deum thì chắc chắn chúng ta sẽ góp phần rất lớn để xây dựng văn hóa Việt Nam và Á châu.

Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét