Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP cho Tu viện Mân Côi và Anbetô năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6
Vấn đề cầu nguyện có thể được nhìn trong hai bối cảnh khác nhau.
1/ Bối cảnh thứ nhất, móc nối với bài vừa rồi bàn về giai đoạn “hành” (praxis diệt trừ nết xấu, luyện tập nhân đức), được Cassianô liên kết với giai đoạn “niệm” (theoria). Trong quá khứ, nhiều tác giả phân thành hai cấp độ trong hành trình tu đức: tu đức và huyền bí. Phân biệt như vậy là không đúng, bởi vì cả hai liên kết với nhau chứ không được tách rời nhau. Cách riêng, chúng ta nhận thấy rằng ba lời khấn khiết tịnh - khó nghèo - vâng lời chưa đủ để làm nên người tu sĩ. Đúng ra, người tu sĩ phải là người cầu nguyện, bởi vì có như vậy mới thể hiện được động lực của sự chọn lựa của mình là quaerere Deum.
2/ Bối cảnh thứ hai, giới hạn trong việc cầu nguyện trong đời tu. Chúng ta thường gặp nhiều vấn nạn: đọc kinh và cầu nguyện có khác nhau không? Tại sao có chuyện cầu nguyện chung và cầu nguyện tư? Đối với người tu sĩ, cốt yếu của đời cầu nguyện là đọc sách nguyện (Giờ Kinh Phụng vụ) hay là suy gẫm? Một ngày mà không đọc sách nguyện thì thấy lương tâm áy náy, còn nếu bỏ việc suy gẫm thì sao? Hơn nữa, thử hỏi có mấy ai cảm thấy mình cầu nguyện thực sự khi đọc sách nguyện? Nhưng có lẽ câu hỏi này lại lệ thuộc một câu hỏi khác nữa: tại sao lại cầu nguyện bằng thánh vịnh?
Trong bài này chúng ta chú trọng đến bối cảnh thứ hai, tìm hiểu lịch sử tiến triển các hình thức cầu nguyện trong đời tu, dĩ nhiên là bắt đầu từ các đan sĩ thế kỷ IV, rồi kéo dài sang thời Trung cổ và Cận đại. Nói thế là hiểu ngậm rằng có khá nhiều quan điểm khác nhau về sự cầu nguyện trong đời tu. Trong phần kết luận, chúng ta mới trở lại bối cảnh thứ nhất. Chúng ta sẽ bàn đến 3 điểm: 1/ mối bận tâm chính của các đan sĩ; 2/ việc cầu nguyện trong đời sống tu trì; 3/ môi trường cầu nguyện.
I. Mối bận tâm chính của các đan sĩ tiên khởi: cầu nguyện liên lỉ
Vào thời cận đại, nhiều Dòng tu cố gắng diễn tả linh đạo riêng của mình qua phương pháp suy gẫm: phương pháp Inhaxiô, phương pháp Cát-minh, phương pháp Xuân bích, phương pháp La-san, vv. Dòng Đaminh không có phương pháp suy gẫm cho nên bị coi như là không có linh đạo!
Nhưng đó là vấn đề của những Dòng mới ra đời từ thế kỷ XVI. Họ đồng hóa việc cầu nguyện với sự suy gẫm, và thậm chí, đồng hóa cầu nguyện với phương pháp suy gẫm. Các Dòng cổ điển thì nghĩ khác: đối với Dòng Biển đức hoặc Dòng Đaminh, cầu nguyện có nghĩa là đọc kinh thần vụ và đọc chung với nhau.
Dù sao, thánh Biển đức sống vào thế kỷ VI, nghĩa là khi đời đan tu đã hiện hữu từ hai thế kỷ rồi. Trước đó, các đan sĩ cầu nguyện như thế nào, đặc biệt khi hình thức ẩn tu còn thịnh hành? May thay chúng ta được thánh Cassianô kể lại về đời cầu nguyện của các đan sĩ bên Ai-cập trước khi và sau khi xuất hiện hình thức cộng đoàn.
Đối với các đan sĩ đầu tiên, mối bận tâm chính yếu không phải là phương pháp cầu nguyện cho bằng: làm thế nào thực hành lời Chúa truyền: “Hãy cầu nguyện liên lỉ, không ngớt, không mỏi mệt” (x. Lc 18,1; 1 Tx 5,17). Thực ra, vấn đề này đã được nêu lên cho các tín hữu ngay từ các thế kỷ đầu tiên, nghĩa là trước khi xuất hiện các đan sĩ nữa. Một chứng tích của mối quan tâm ấy phản ánh nơi tác phẩm của ông Tertullianô (De oratione, viết khoảng năm 198-200). Ông nói rằng trong Tân ước chỉ có một quy luật duy nhất về sự cầu nguyện, đó là “cầu nguyện không ngừng”. Một phương thế để tuân giữ lời dạy của Chúa là năng tụ họp với nhau để đọc kinh. Ngoài hai buổi đọc kinh sáng và tối, các tín hữu còn thêm ba lần đọc kinh trong ngày để tôn kính Chúa Ba ngôi: giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín (De Orat. XXIV-XXV). Ông cũng lưu ý đến việc chuẩn bị tâm hồn để cầu nguyện bằng cách gìn giữ con tim thanh tịnh và hòa giải với anh em.
Khi vào sa mạc, các đan sĩ cũng mang theo mối bận tâm đó. Họ được các sư phụ dạy một phương thế cụ thể hơn, đó là thỉnh thoảng nâng tâm hồn lên với Chúa qua những lời kêu cầu ngắn gọn, tựa như tên lửa phóng lên trời (jaculatoria). Dù sao, thiết tưởng không phải là thừa khi kể ra đây một lạc giáo về sự cầu nguyện, mang danh là messaliani (tiếng syriac có nghĩa là những kẻ cầu nguyện). Gọi là lạc giáo không phải chỉ vì lối sống rởm đời của họ (muốn dành suốt 24 giờ để cầu nguyện), nhưng bởi vì họ lấy việc cầu nguyện làm tiêu chuẩn để đo lường sự thánh thiện, chứ chẳng đếm xỉa đến công tác bác ái.
Đến khi đời sống cộng đoàn được tổ chức, các đan sĩ tìm những phương thế để tuân thủ mệnh lệnh về việc cầu nguyện liên lỉ. Trong các tác phẩm của mình, Cassianô đã trình bày cho thấy rằng cả hai hình thức, cầu nguyện chung (Institutioneslib. II-III) và cầu nguyện tư (Collationes lib. IX-X), chung quy cũng được tổ chức dựa theo nguyên tắc “cầu nguyện liên lỉ”. Điều lý thú ở chỗ là theo ông, kinh nguyện chung bổ túc cho kinh nguyện riêng: người đan sĩ là người phải cầu nguyện riêng, cầu nguyện không ngừng; những lần cầu nguyện chung chỉ nhằm nâng đỡ cho việc cầu nguyện riêng mà thôi. Quan điểm của Cassianô hơi độc đáo, trái ngược với quan điểm thời Trung cổ, mà dòng Đaminh là một điển hình.
A. Cầu nguyện chung
Đó là nói trên nguyên tắc, đến khi đi vào cụ thể, thì câu hỏi được đặt ra: cầu nguyện chung bao nhiêu lần? Cầu nguyện như thế nào?
1/ Cầu nguyện lúc nào?
Như trên đã nói, các Kitô hữu tiên khởi đã quen tụ họp nhau cầu nguyện mỗi ngày hai lần, sáng và chiều. Tertullianô còn muốn xen thêm ba buổi nữa: giờ ba (9 giờ sáng), giờ sáu (12 giờ trưa), giờ chín (3 giờ chiều). Các đan sĩ đã quen các buổi tụ họp này rồi, vì thế họ thắc mắc: chẳng lẽ mình đi tu mà cũng chỉ đọc kinh như các giáo dân mà thôi sao? Nhất là khi mà sự cầu nguyện cũng như sự canh thức lại còn trở thành khí giới để chiến đấu với ma quỷ nữa.
Trong ý hướng đó, những lần đọc kinh chung được tăng lên. Ban đêm, cần phải thức dậy để đọc kinh, gọi là “canh thức” (vigiliae), theo lời Chúa dạy hãy tỉnh thức chờ đợi chủ về (xc. Lc 12,38). Nên biết là quân đội Rôma chia việc gác đêm thành bốn phiên hoặc ba phiên (tuỳ đêm dài hay ngắn, vào mùa đông hay mùa hạ). Các đan sĩ cũng tính như vậy cho giờ canh thức, mà vết tích còn giữ trong các sách nguyện cho đến công đồng Vaticanô II (Matutinum, với tres nocturnae). Vẫn chưa đủ, bởi vì cộng lại thì mới được có 6 lần mỗi ngày. Để chu toàn mệnh lệnh “cầu nguyện không ngừng”, các đan sĩ phải thêm 1 lần nữa vào lúc 6 giờ sáng (ora Prima). Như vậy là tuân thủ được luật Chúa: “Mỗi ngày con ca ngợi Chúa bảy lần” (Tv 118,164): 7 là tượng trưng cho sự trọn vẹn rồi.
Tuy nhiên, có những đan sĩ vẫn chưa yên tâm, bởi vì thấy vẫn chưa giữ trọn lệnh Chúa truyền phải cầu nguyện liên lỉ. Vì thế ở vài nơi, đan viện phân phối các đan sĩ thành những “ca trực” để luôn luôn có người ở nhà thờ chúc tụng Thiên Chúa thay cho tất cả (laus perennis). Bên Đông phương, ở Constantinopolis, họ mang tên là Akiometes (= không ngủ), gồm 8 phiên sỉ lượt đọc kinh suốt ngày đêm ở nhà thờ; bên Tây phương, đan viện Saint Maurice Agaunum (nay ở miền Valais, miền Đông nam nước Thụy sĩ, lập năm 515) gồm 5 ca trực. (Có lẽ đây là nguồn gốc của tục chầu lượt sau này).
2/ Cầu nguyện thế nào?
Cấu trúc nguyên thủy rất đơn giản. Chỉ có hai yếu tố: 1/ đọc thánh vịnh; 2/ cộng đoàn thinh lặng để cầu nguyện. Vị chủ tọa có thể kết thúc với một lời cầu.
Yếu tố gì là chính? Xin thưa rằng yếu tố chính là sự cầu nguyện thinh lặng sau khi đã đọc thánh vịnh. Thánh vịnh là lời của Chúa: chúng ta hãy lắng nghe. Sau đó, chúng ta thinh lặng để đáp lại. Nói sát hơn nữa, thánh vịnh chỉ là chuẩn bị tâm hồn chúng ta, gợi lên sự đáp trả về phía chúng ta; chính sự đáp trả này mới là oratio. Như vậy cấu trúc căn bản của kinh nguyện chung là cuộc đối thoại: Chúa nói, ta nghe và đáp lại. Thánh Cêsariô Arles đã giải thích như thế trong một bài giảng dành cho các đan sĩ và giáo dân (Sermo LXXVI, 1).
Không rõ vào lúc ban đầu, người ta đọc bao nhiêu thánh vịnh vào mỗi giờ nguyện. Có lẽ chỉ hai, ba thánh vịnh là nhiều. Dần dần, bên cạnh các thánh vịnh và lời nguyện, người ta còn thêm vào các bài đọc, thánh thi, cũng như những điệp ca trước các thánh vịnh. Chưa hết, đến một lúc nào đó, có người nảy ra ý tưởng đọc trọn bộ thánh vịnh. Nhưng trong vòng bao lâu? Có nơi muốn đọc hết trong vòng hai tuần, có nơi muốn đọc trong vòng một tuần, có nơi trong vòng một ngày. Luật thánh Biển đức phân phối 150 thánh vịnh trong vòng một tuần lễ. Quyết định này đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong truyền thống đan tu Tây phương cho đến công đồng Vaticanô II (hiện nay là trong vòng 4 tuần). Vì tăng thêm số thánh vịnh, tăng thêm số điệp ca, cho nên người ta lo “đọc” hoặc “hát” thánh vịnh, chứ không còn là xướng lên như là Lời Chúa để cho tâm hồn cầu nguyện nữa. Nói theo cha De Vogué, vào lúc đầu, đan sĩ nhai nuốt thánh vịnh để cầu nguyện; về sau, đan sĩ bị các thánh vịnh nuốt trửng đến nỗi ngộp thở1.
B. Cầu nguyện tư
Trên đây chúng ta đã nói đến “lạc giáo” messaliani chủ trương cầu nguyện liên lỉ (24/24 giờ mỗi ngày). Đó là những lệch lạc đáng tiếc. Vì thế, đến khi đời đan tu được tổ chức, các sư phụ giải thích cho các người nhiệt tình đừng hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen. Cốt yếu của việc cầu nguyện không ở chỗ quỳ gối đọc kinh suốt ngày đêm, nhưng là qua việc kết hợp với Thiên Chúa. Nhiều phương thế đã được đề nghị, chẳng hạn như: học thuộc lòng vài thánh vịnh, rồi nhẩm đi nhẩm lại trong ngày. Có sư phụ khuyên chỉ cần nghiền ngẫm một câu là đủ, thí dụ: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ” (xem Cassianô, Collationes X,10); bên Đông phương, công thức thời danh nhất là Kinh nguyện Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” hoặc những câu tương tự: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được thấy; Lạy Chúa Giêsu, con tin, nhưng xin giúp cho lòng tin yếu ớt của con”, vv.
Tóm lại, mối quan tâm chính của các đan sĩ ban đầu là làm sao cầu nguyện liên lỉ. Những sư phụ đầu tiên tìm cách để giúp họ thực hành lệnh truyền của Chúa, qua việc cầu nguyện chung và cầu nguyện tư. Dần dần, các đan sĩ được huấn luyện thêm để đem kinh nguyện vào đời sống và đem đời sống vào kinh nguyện.
II. Cầu nguyện trong đời tu
Với lý tưởng là “đi tìm Chúa” (quaerere Deum), việc cầu nguyện được đặt vào trọng tâm của đời tu. Cassianô viết rằng: “tất cả mục tiêu của đan sĩ, sự hoàn thiện mà đan sĩ nhắm đến đó cầu nguyện liên lỉ, không gián đoạn” (Collationes IX, 2). Cuộc đời đan sĩ được xoay quanh phương châm “Cầu nguyện và lao động”: ora et labora. Phương châm này ra như muốn phân phối thời khắc biểu của 24 giờ mỗi ngày: 8 giờ cầu nguyện, 8 giờ lao động, 8 giờ ăn uống ngủ nghỉ.
Nên biết là đối với Dòng Biển đức, cầu nguyện được hiểu là kinh thần vụ: Opus Dei (công việc của Chúa). Trong Kinh thánh, thuật ngữ này bao hàm tất cả những công việc của Thiên Chúa, hoặc những công việc nào được làm theo ý Chúa; nhưng đối với thánh Biển đức, Opus Dei được hiểu về kinh Thần vụ. Vì thế, đang khi mà Cassianô muốn rằng mỗi khi nghe tiếng chuông đánh để làm bất cứ việc gì chung, thì đan sĩ phải lập tức ngưng công việc mình đang làm, dù đã viết dở dang mới được một nửa chữ (Institutiones IV,12), thì thánh Biển đức thì đòi hỏi thái độ nhiệt thành mau lẹ như vậy khi nghe chuông đọc kinh thần vụ (RB XLIII,1-3). Có lẽ thánh Biển đức tỏ ra nhân nhượng hơn; nhưng có thể là đối với ngài, chỉ có kinh Thần vụ mới thực sự là quan trọng, đứng trên tất cả mọi công việc khác.
Tuy nhiên gần đây, các sử gia cho thấy rằng không tìm thấy chỗ nào trong bản luật thánh Biển đức, có phương châm Ora et labora hết. Nếu muốn trung thực với ý định của ngài, thì phải viết rằng Ora, lege et labora. Chúng ta hãy từ từ phân tích hai phương châm ấy để tìm hiểu các mối quân bình cần duy trì trong đời tu: quân bình giữa cầu nguyện và lao động; quân bình giữa cầu nguyện chung và cầu nguyện tư.
A. Ora et labora: quân bình giữa cầu nguyện và lao động
Các đan sĩ tiên khởi rất bận tâm vì mệnh lệnh “Cầu nguyện liên lỉ”. Nhằm giúp họ lấy lại sự quân bình, Cassianô tạo ra công thức “lao động liên lỉ” (Collationes X,14), dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô (Ai không lao động thì đừng ăn). Kế đó, Cassianô giải thích rằng lao động không có tương phản với cầu nguyện, miễn là biết giữ chừng mực (Collationes IX,5-6). Lao động bảo đảm cho đan sĩ được nếp sống ổn định, và giúp cho anh biết tập trung chú ý. Các đan sĩ bên Ai cập vừa làm việc vừa đọc kinh, và đã đạt được trình độ chiêm niệm cao cấp (Inst. II, 14; cf. II, 12, 2 e III, 2). Thực vậy việc nhẩm đi nhẩm lại các câu Kinh thánh kéo dài thời gian cầu nguyện và giúp cho đan sĩ biết chú ý lắng nghe Lời Chúa. (Cũng tương tự như ngày nay, nhiều bạn trẻ vẫn đeo transistor, earphone khi đi đường hay khi làm việc vậy).
B. Ora et lege: cầu nguyện chung và cầu nguyện tư
Chúng ta thường phân chia “kinh nguyện phụng vụ” và “kinh nguyện không phụng vụ”. Kinh nguyện phụng vụ là kinh nguyện do Giáo hội đặt ra và buộc phải đọc (cụ thể là Sách Nguyện); kinh nguyện không phụng vụ là do tư nhân sáng tác (chẳng hạn như kinh Mân côi).
Ngoài ra, còn sự phân biệt giữa đọc kinh chung (nghĩa là cộng đoàn) và đọc kinh riêng (đọc một mình). Thêm vào đó lại còn sự phân biệt giữa “đọc kinh” và “cầu nguyện” (hoặc: khẩu nguyện và tâm nguyện). Các sách đạo đức nhấn mạnh rằng đọc kinh chưa phải là cầu nguyện. Cầu nguyện là hành vi của con tim, đọc kinh thì chỉ lép bép ngoài môi miệng.
Những sự phân biệt này là con đẻ của thời đại, hay nói đúng ra, con đẻ của sự sa sút của đời sống cầu nguyện, mà nguyên nhân đã thấy phát sinh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của đời đan tu.
1/ Như đã nói trên đây, vào thời buổi đầu tiên, cấu trúc của buổi cầu nguyện chung rất đơn giản. Một thánh vịnh được cất lên, sau đó suy gẫm trong thinh lặng: đó là cấu trúc của cuộc đối thoại, có nghe và có nói, cũng như dung hoà được giữa cầu nguyện “công” và cầu nguyện “tư”. Tập tục này vẫn còn được duy trì tại vài nơi, khi mà sau mỗi thánh vịnh, có một lát thinh lặng, và kết thúc với lời nguyện thánh vịnh.
2/ Tiếc rằng khi số thánh vịnh gia tăng, người ta cố gắng thanh toán sao cho lẹ, chứ không còn thời giờ để mà nghiền ngẫm nữa. Có lẽ vì ý thức như vậy, cho nên luật thánh Biển đức, ngoài những thời khắc dành cho kinh Thần vụ, còn dự trù thời gian dành cho lectio divina (chương 48). Như thế, “ora” có thể hiểu về đọc kinh thần vụ chung, còn “lege” dành cho việc nghiền ngẫm Sách Thánh riêng tư.
Lectio divina diễn ra như thế nào? Vào thời thánh Biển đức, có lẽ chưa có công thức cố định. Công thức được truyền tụng “lectio, meditatio, oratio, contemplatio” là của cha Guigo II, đan phụ Chartreux sống vào cuối thế kỷ XII (1173-1180), nghĩa là sau thánh Biển đức bảy thế kỷ. Có lẽ cha Guigo II viết thành văn bản điều đã được thực hiện từ lâu rồi; nhưng cũng có ý kiến cho rằng cha muốn đả kích các ông kinh viện dùng Sách Thánh để tranh biện (lectio, quaestio, disputatio).
Vào thời thánh Biển đức, có lẽ ý nghĩa của các từ ngữ không giống như lối chúng ta hiểu ngày nay. Lectio là đọc Sách Thánh. Nhưng chúng ta đừng quên rằng không phải tất cả các đan sĩ đều biết đọc, và nhất là các Sách Kinh thánh còn hiếm (thời đó chưa có nhà in). Có lẽ lectio được hiểu như là đọc sách Kinh thánh chung cho mọi người nghe; cònmeditatio chưa hẳn là suy gẫm, nhưng là lặp đi lặp lại như các em bé ê a, để nhớ thuộc lòng, và rồi những câu Sách Thánh sẽ trở lại đầu óc hoặc môi miệng khi đi làm việc hoặc khi ngồi thinh lặng một mình.
Thực vậy, trong tiếng Latinh cổ, meditatio được hiểu như là luyện tập về thể xác cũng như về tinh thần. Dần dần việc luyện tập thân xác được gọi là exercitatio (tức là luyện thể dục), còn meditatio được hiểu về luyện tập tinh thần. Một cách cụ thể, áp dụng vào điều đang nói, sau khi nghe lectio bằng tai, đan sĩ phải lặp lại bằng miệng, phải ghi vào trong trí nhớ, phải ngẫm nghĩ bằng trí tuệ, và quyết chí mang ra thực hành. Lectio là ăn, meditatio là nhai và tiêu hóa, rồi từ đó, bộc phát thành lời ca khen, tạ ơn, than thở mà ta gọi là oratio.
Điều quan trọng là dù khi đọc kinh thần vụ, dù khi nghe đọc (và học), thì nội dung vẫn là một, tức là Lời Chúa, Lời được gieo vào lòng, để lòng phát ra lời cầu nguyện.
3/ Trước khi bước sang mục tiếp, chúng ta hãy dừng lại một chút để nói đến cách thức cầu nguyện vào thời buổi sơ thuỷ của Dòng Đaminh.
Trước tiên chúng ta nên lưu ý là Cassianô và thánh Biển đức không nói đến Thánh lễ trong đời sống cầu nguyện. Lý do dễ hiểu, bởi vì vào thế kỷ IV-V, sự hiện diện của các linh mục trong các đan viện là điều họa hiếm. Các đan sĩ không có Thánh lễ hằng ngày, và có lẽ cũng chẳng có Thánh lễ hằng tuần nữa. Từ thế kỷ thứ IX, tình hình lật ngược 180 độ: các linh mục chiếm phần đa số và được gọi là monachi (đan sĩ), những ai không phải là linh mục được gọi là conversi. Từ đó thánh lễ mới trở thành một yếu tố của phụng vụ đan viện.
Vì thế khi thánh Đaminh lập dòng, kinh nguyện phụng vụ bao gồm kinh thần vụ cũng như Thánh lễ. Cuộc đời của anh em Giảng thuyết xoay quanh hai trục chính: cầu nguyện và học hành (thay vì cầu nguyện và lao động). Cầu nguyện như thế nào. Có thể xếp vào ba thứ kinh nguyện: a) cầu nguyện phụng vụ; b) cầu nguyện thầm kín; c) cầu nguyện chớp nhoáng2.
a) Cầu nguyện phụng vụ. Gồm Thánh lễ (lễ tu viện, hát trọng thể) và các giờ kinh phụng vụ.
b) Cầu nguyện thầm kín (oratio secreta). Đây là từ ngữ mà Tổng hội 2010 đã lấy lại để thay thế “tâm nguyện” (oratio mentalis). Sau khi chấm dứt kinh thần vụ, anh em ngồi lại nhà thờ để cầu nguyện. Gọi là “thầm kín” bởi vì không bộc phát ra lời. Nhưng cốt yếu của nó là nghiền ngẫm những kinh mà mình mới hát hay đọc. Tuy rằng anh em đọc kinh Nhật tụng vào nhiều lần trong ngày, nhưng kinh nguyện thầm kín thì diễn ra hai lần: ban sáng sau kinh Matutinum và ban tối sau kinh Completorium. Như vậy, việc cầu nguyện “tư” kéo dài kinh nguyện phụng vụ, và (cũng như các đan sĩ cổ điển) lấy chất liệu từ Kinh thánh và bản văn phụng vụ. Nó khác với “tâm nguyện” (oratio mentalis) của các trường phái cận đại. Đó là lý do mà Tổng hội 2010 (số 78; 263; 264) lấy lại thuật ngữ chuyên môn của Dòng đã được ghi lại trong các tác phẩm của cha Humberto de Romans.
c) Kinh nguyện chớp nhoáng (oratio furtiva). Đây là những lời nguyện vắn tắt mà anh em có thể thầm thĩ hay bộc lộ bất cứ lúc nào, khi ở nhà cũng như lúc đi đường.
Một điều nữa đáng lưu ý là hầu như trong phòng của anh em chúng ta đều có treo bức hoạ thánh Đaminh đang đọc sách dưới chân Thánh giá. Chắc hẳn đó là lectio divina, được nhắc đến trong bức tranh vẽ chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh (số 8: modus lectionis). Tuy nhiên hình như điều này không được ghi vào hiến pháp, và cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Dòng Đaminh đã dành thời giờ cho việc học (nghĩa là học Sách Thánh) rồi. Duy có điều là như đã nói trên, cha Guigo II đã phát biểu công thức lectio, meditatio, oratio, contemplatio ra như để chống lại các nhà thần học kinh viện, đem Kinh thánh ra mổ xẻ tranh luận (lectio, quaestio, disputatio) thay vì dùng để cầu nguyện. May thay, thánh Tôma, trong Summa Theologica (II-II q.180, a.3), đã tìm ra công thức dung hoà giữa học hành và cầu nguyện qua công thức: lectio, cogitatio, studium, meditatio, oratio, contemplatio.
III. Môi trường cầu nguyện
Thời nay, có lẽ người ta quan tâm đến phương pháp (hay kỹ thuật) cầu nguyện (hay suy gẫm). Các bản luật cổ điển nói nhiều hơn đến môi trường cầu nguyện hay bầu khí cầu nguyện.
A. Thời gian và không gian
1/ Thời gian
Chúng ta đã nói đến việc tổ chức các giờ cầu nguyện chung: sáng và chiều, rồi các giờ trong ngày cũng như những phiên ban đêm. Nói được là dựa theo những giờ hành chánh của nhà nước hay của quân đội (tựa như ở Việt Nam thời xưa: ngày sáu khắc, đêm năm canh). Nhưng các sư phụ đã sớm gắn liền các giờ ấy với một biến cố trong cuộc đời Chúa Cứu thế hoặc các thánh tông đồ.
- Sáng: Chúa Kitô Phục sinh
- Giờ Ba: Chúa Thánh Thần hiện xuống
- Giờ Sáu: Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá (hoặc Chúa lên trời)
- Giờ Chín: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá (hoặc hai tông đồ Phêrô và Gioan lên đền thờ cầu nguyện)
- Chiều: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, hoặc bẻ bánh với hai môn đệ Emmaus
2/ Không gian
Anh em cầu nguyện tại nhà nguyện. Đó là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng các tác giả lưu ý rằng trong tiếng Latinh, lúc đầuoratorium chỉ có nghĩa là nơi diễn thuyết; thánh Augustinô là người đầu tiên dùng theo nghĩa là nơi dành cho việc cầu nguyện (oratorium, oratio), kèm theo lời nhắn nhủ: “Nhà nguyện chỉ được sử dụng vào việc xứng hợp với mục tiêu và danh nghĩa của nơi ấy” (chương 2). Tại sao tác giả viết như vậy? Phải chăng vì có ai đó đã dùng nhà nguyện làm phòng TV hay quán cà-phê? Điều lạ là luật thánh Biển đức cũng lặp lại một lệnh cấm tương tự ở đầu chương 52: “nhà nguyện phải là nhà xứng đáng với tên gọi của nó là nơi dùng để cầu nguyện”. Có chuyện gì xảy ra vậy? Các sử gia đưa ra nhiều giả thuyết: có lẽ vì lúc đầu, các tu viện nhỏ bé, không có nhiều chỗ, cho nên cùng một căn phòng mà tuỳ tiện sử dụng: khi đi làm nơi đọc kinh, khi thì làm nơi tiếp khách, và kể cả phòng ăn nữa. Vì thế các viện phụ muốn dành riêng ra một chỗ hoàn toàn dùng vào việc cầu nguyện mà thôi. Nhưng có ý kiến khác giải thích như thế này. Thời xưa không phải tất cả các đan sĩ đều biết đọc, và cũng chẳng có sách đọc. Vì thế vào mỗi giờ nguyện, chỉ một người đọc còn các người khác thinh lặng ngồi nghe. Ngồi lâu thì buồn ngủ, nhất là ban đêm. Vì thế, các đan sĩ đem ít dụng cụ làm việc (các bà thì đem kim, vải, len để đan hay thêu) vào nhà nguyện để vừa nghe đọc sách vừa làm việc. Do đó, những khoản luật được đặt ra nhằm yêu cầu đừng biến nhà nguyện thành xưởng làm việc.
B. Những tâm tình cầu nguyện
Chúng ta sẽ thất vọng nếu muốn đi tìm một phương pháp cầu nguyện trong các bản tu luật cổ điển. Nói như thế không có nghĩa là việc cầu nguyện được thả nổi, theo ngẫu hứng. Chúng ta đã nói đến thời gian và không gian cầu nguyện. Một vấn đề không kém quan trọng là tâm tình cầu nguyện.
1/ Dĩ nhiên, điều kiện đầu tiên để cầu nguyện là thinh lặng. Có thinh lặng thì mới có thể lắng nghe tiếng Chúa, từ đó ta mới đáp lại. Sự thinh lặng bao hàm nhiều điều: thinh lặng bên ngoài đã vậy, nhất là thinh lặng bên trong nữa. Đó cũng là lý do của cuộc thanh luyện con tim, nhắm tạo cho con tim được trong trắng. (Thời nay, ta cũng có thể hiểu sự thinh lặng như là tập trung tư tưởng, không để cho trăm công ngàn việc xâu xé; thinh lặng có nghĩa là khoan thai chậm rãi, chứ không chạy ào ào theo tốc độ)
2/ Việc thanh luyện con tim là điều kiện để cầu nguyện. Ta cũng có thể nói ngược lại: cầu nguyện là một phương thế thanh luyện con tim. Điều này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Dưới khía cạnh thần học, sự cải hoán con tim là một hồng ân của Chúa. Dưới khía cạnh thực hành, các sư phụ Đông phương nói đến sự cầu nguyện thống hối, sự “cầu nguyện của nước mắt” (Cassianô Conl. IX, 27-30; RB XX, 3; XLIX, 4; LII, 4).
3/ Sự khiêm tốn, cũng tương tự như người Thâu thuế được kể lại trong dụ ngôn của Luca (18,9-14). Ngoài nước mắt, các sư phụ không quên một kẻ tháp tùng khác của sự cầu nguyện là việc chay tịnh. Chay tịnh không chỉ là một hình thức khổ chế nhưng còn mang tính cách huyền nhiệm: linh hồn đói và khát Chúa (Tv 41,2 và 62,2).
Kết luận
1/ Đã đến lúc đặt lại vấn đề: chúng ta có thực sự cầu nguyện khi cử hành phụng vụ không? Hay là chỉ lo sao để đọc cho hết những kinh đã được viết ra? Hậu quả là chúng ta đọc kinh muốn hụt hơi, hết thánh vịnh này tiếp thánh vịnh khác, rồi bắt liền bài đọc cùng với đáp ca, vv. Hình như chúng ta chưa tôn trọng ý định của công đồng Vaticanô II trong việc cải tổ phụng vụ, đó là coi thinh lặng là một thành phần của phụng vụ. Có những lúc cần giữ thinh lặng để nghiền ngẫm, để lắng nghe, để tạo ra bầu khí đối thoại. Thinh lặng cũng có nghĩa là khoan thai chứ không hấp tấp dồn dập.
Điều quan trọng là tái khám phá cấu trúc của các kinh nguyện phụng vụ, kể cả Thánh Lễ. Cấu trúc căn bản là đối thoại: Chúa nói, còn ta nghe và đáp lại. Chúng ta cũng đã có một khái niệm sơ lược về tiến trình lectio divina: lectio, meditatio, oratio, contemplatio. Thoạt tiên xem ra cầu kỳ, nhưng nếu xét kỹ, cũng chỉ là cuộc đối thoại mà thôi.
- Lectio: không phải là “đọc”, nhưng là “bài học” (lesson hoặc lecture tiếng Anh, chứ không phải là reading): chúng ta lắng nghe Lời Chúa.
- Meditatio, oratio: chúng ta nghiền ngẫm để rồi đáp lại.
Trên thực tế, thì cấu trúc này đã được áp dụng ở trong phụng vụ rồi.
- Trong Thánh Lễ , phụng vụ Lời Chúa. Lectio: bài đọc Sách Thánh. Meditatio giả thiết một khoảnh thinh lặng. Oratio là đáp lại: qua thánh vịnh đáp ca và qua lời nguyện giáo dân.
- Trong phụng vụ Giờ Kinh, Officium lectionis chính là lectio divina (cho nên dịch là Giờ Kinh Sách là không đúng). Cốt yếu của nó là bài đọc Sách Thánh, và giả thiết là có một hồi thinh lặng để suy gẫm và đáp lại bằng Đáp ca. Bài đọc II được coi như một thứ bài giảng, chú giải bài đọc I, và cùng với một cơ cấu như vậy.
- Trong các giờ khác, khó nhận ra cấu trúc này. Lẽ ra phải bắt đầu với bài đọc (lắng nghe Lời Chúa) rồi mới đến các thánh vịnh (để đáp lại), nhưng vì muốn giữ lời khuyên của thánh Phaolô (Cl 3,16; Ep 5,19): thánh thi, thánh vịnh, thánh ca, cho nên thứ tự bị đảo ngược. Dù sao, như đã cho thấy, có thể tổ chức đọc thánh vịnh theo cấu trúc của cuộc đối thoại, nhờ phút thinh lặng và lời cầu nguyện tiếp theo. Ngoài ra, chúng ta đừng nên quên nguyên tắc “miệng đọc tâm suy” được nhắc lại trong luật thánh Augustinô “hoc versetur in corde quod profertur in voce” (hãy suy niệm trong trái tim điều được đọc ngoài miệng) và luật thánh Biển đức: “Mens nostra concordet voci nostrae” (tâm trí hãy hòa hợp với lời nói).
2/ Cầu nguyện trong tiến tình tu đức. Sự cầu nguyện cũng cần phải đi kèm theo khổ chế ngay từ lúc đầu: tỉnh chức và cầu nguyện trở thành phương tiện để chống cự chước cám dỗ và diệt trừ nết xấu. Hơn thế nữa, chúng ta cần phải cầu nguyện xin ơn biết cầu nguyện. Xem ra luẩn quẩn nhưng thực tế là vậy. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Nhưng chúng ta là thụ tạo bám sát vào mặt đất này, làm thế nào mà nhấc bổng lên được nếu không có sức mạnh của Chúa? Đó cũng là lý do mà các giờ kinh phụng vụ đã mở đầu bằng hai lời khẩn cầu: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con xứng đáng ngợi khen Ngài” (Tv 50,17) “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa xin mau phù trợ” (Tv 69,1).
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét