Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

BÀI 4: CỘNG ĐOÀN VÀ BỀ TRÊN

Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP cho Tu viện Mân Côi và Anbetô năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

Trong những bài vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu mục tiêu của đời tu: quaerere Deum, cũng như hai phương tiện chính là Thực hành (praxis) và Chiêm niệm (theoria). Trên lý thuyết, chừng ấy đã đủ cho lộ trình đời tu, nhưng đó là hiểu về các ẩn sĩ. Tuy nhiên, lịch sử đời tu trì Kitô giáo đã sớm chứng kiến hình thức cộng đoàn. Cộng đoàn có vai trò gì trong lộ trình kết hiệp với Thiên Chúa? Mặt khác, đã có cộng đoàn thì cần có bề trên, và như vậy một nghĩa vụ được đặt ra, đó là đức vâng lời. Tuy nhiên, phải chăng vâng lời chỉ cần thiết trong đời sống cộng đoàn? Phải chăng nghĩa vụ vâng lời chỉ được đặt ra trong tương quan với bề trên, hay còn phải vâng lời ai khác nữa?

Trước khi trả lời cho các câu hỏi ấy, nên lưu ý là có nhiều quan điểm về cộng đoàn cũng như về chức vụ bề trên; vì thế cũng có nhiều quan điểm về sự vâng lời. Chỉ cần đối chiếu mục lục giữa hai bộ luật thánh Augustinô và luật thánh Biển đức thì đủ rõ. Luật thánh Augustinô mở đầu với cộng đoàn, nhắc nhở các thành viên về lý do mà chúng ta quy tụ nơi đây. Như vậy, tất cả những gì còn lại trong bản luật đều được coi như là phương tiện nhằm giúp anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà. Bề trên cũng chỉ là một phương tiện, được đặt ở chương áp chót. Nhưng luật thánh Biển đức thì khác: Abbas được nói đến ngay từ chương Hai, còn cộng đoàn thì được đặt ở mãi gần cuối (chương 63. 69-72, trong tổng số 73 chương). Như sẽ thấy, vai trò của bề trên trong luật thánh Biển-đức khác với vai trò của bề trên trong luật thánh Augustinô; dĩ nhiên, ý nghĩa của sự vâng lời cũng khác biệt giữa hai bộ luật. Chúng ta sẽ tìm hiểu ba điểm: 1/ Ý nghĩa của cộng đoàn trong đời tu; 2/ Ý nghĩa của bề trên trong cộng đoàn; 3/ Ý nghĩa của việc vâng lời. Để kết luận, xin nói thêm các biện pháp chế tài trong đan viện.

I. Cộng đoàn trong đời tu

Chúng ta chấp nhận ý kiến chung của các sử gia là đời sống tu trì Kitô giáo xuất hiện với thánh Phaolô và thánh Antôn ẩn sĩ. Như vậy, hình thức ẩn sĩ (vita eremitica, anacoretica) xuất hiện trước hình thức cộng đoàn (vita coenobitica).


Dù sao khi bàn về các ẩn sĩ, ta đừng nên hình dung họ như những chàng Robinson trên hoang đảo sống chơ vơ một mình giữa đồng hoang cỏ vắng. Không phải như vậy: một đàng các ẩn sĩ thỉnh thoảng vẫn tìm về các cộng đoàn tín hữu để tham dự phụng vụ, ít là mỗi năm một lần vào lễ Phục sinh; đàng khác, họ cũng lui tới đàm đạo với các bậc thầy lão luyện để học hỏi thêm hoặc chia sẻ kinh nghiệm với những người đồng chí hướng. Bên các giáo hội Đông phương ngày nay vẫn tồn tại ba hình thức: ẩn sĩ, bán cộng đoàn, cộng đoàn. Tại sao có sự tiến triển từ lối ẩn sĩ sang lối cộng đoàn? Thay vì đưa ra giả thuyết suy đoán, tốt hơn cả là chúng ta hãy tìm hiểu những giá trị của cộng đoàn đối với việc tu trì được bàn trong các bản luật cổ điển của đời đan tu: Pacomiô, Basiliô bên Đông phương; Cassianô, Augustinô và Biển-đức bên Tây phương.

1/ Thánh Pacômiô (k.290-346) được coi như nhà lập pháp đầu tiên của nếp sống cộng đoàn. Pacomiô chia mỗi đan viện ra thành nhiều “căn hộ”, nơi sinh hoạt của các đan sĩ.. Hai công tác chính trong ngày là cầu nguyện và làm việc. Chỉ vào những ngày chủ nhật và lễ trọng thì tất cả các đan sĩ mới họp nhau cầu nguyện với toàn thể đan viện; còn trong ngày thì các đan sĩ cầu nguyện chung với nhau hai lần (sáng và tối) trong mỗi căn hộ. Các đan sĩ dù làm việc chung hay riêng, cũng đều phải mang lợi tức về cho cộng đoàn; các công tác tập thể tạm ngưng khi tới bữa ăn, nhưng đời sống cộng đoàn thì không hề bị gián đoạn xét vì các đan sĩ ăn chung với nhau trong nhà cơm. Ngoại trừ những người bệnh cần được bồi dưỡng, tất cả mọi người đều ăn một món như nhau. Áo mặc thì cũng đồng nhất về kiểu mẫu và vải thô. Các dụng cụ làm việc thuộc về cộng đoàn; khi di chuyển từ “hộ” này sang “hộ” khác, không ai được mang theo mình bất cứ cái gì. Nói cho đúng, Pacomiô không trình bày một học thuyết về giá trị của đời sống cộng đoàn, có lẽ bởi vì ông đã thâm tín rằng sự trọn lành hệ tại việc sinh sống hằng ngày trong cộng đoàn, vì vậy ông chỉ đưa ra các chỉ thị cụ thể mà thôi. Ở đây chỉ cần ghi nhận một điều là cộng đoàn của Pacômiô là một cái làng, có tường lũy ngăn cách với thế giới bên ngoài. Đan viện gồm nhiều “hộ”, nghĩa là đơn vị gồm 20-30 thành viên, được phân phối dựa theo nghề nghiệp, dưới sự điều khiển của “chủ hộ” (praepositus); đứng đầu đan viện là “bề trên” (superior), và tất cả chín vị bề trên đan viện thuộc quyền “viện phụ” (abbas). Pacômiô nguyên là một quân nhân, cho nên tổ chức đan viện giống như trại lính.

2/ Cộng đoàn của thánh Basiliô (k.330-379) thì khác hẳn. Cộng đoàn mang chiều kích nhỏ (chừng độ mươi người), và mang tính cách gia đình. Các phần tử gọi nhau là “anh em” (fratres) chứ không phải là “đan sĩ” (monachus). Như vậy ta đã thấy hai khuôn mẫu cộng đoàn sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến lịch sử đời tu.

- Thánh Pacômiô thiên về chiều dọc, bề trên giữ vai trò giống như sư phụ của các ẩn sĩ. Khuôn mẫu này sẽ ảnh hưởng đến Cassianô và thánh Biển đức.

- Thánh Basiliô hướng về chiều ngang, nghĩa là tình huynh đệ, “một lòng một ý”, dựa theo lý tưởng của cộng đoàn Giêrusalem (Cv 2,44; 4,32). Thánh Augustinô cũng theo mô hình ấy.

Cách riêng, Basiliô đã để lại cho hậu thế những trang lý thuyết về ích lợi của đời sống cộng đoàn (so với các ẩn sĩ). Ở chương 7 của bản Luật Dài (Regulae fusius tractatae; đối lại với bản Luật Ngắn: Regulae brevius tractatae), tác giả nêu bậttám ích lợi của đời sống cộng đoàn như sau:

- (Một). Xét trên bình diện tự nhiên: trên đời này con người cần nhờ đến nhau, bởi vì không ai hoàn toàn tự túc tự lập.

- (Hai). Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu không cho phép chúng ta chỉ lo cho bản thân mình. Người ẩn sĩ đi tìm sự cứu rỗi riêng tư, mà không quan tâm đến người khác.

- (Ba). Người sống một mình dễ mang ảo tưởng rằng mình đã trọn lành. Nhưng thử hỏi xem: làm sao biết được rằng mình đã tiến bộ nếu chẳng có ai nhận định những thiếu sót, sửa chữa những lỗi lầm của mình?

- (Bốn). Việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa sẽ dễ thực thi khi nhiều người chung sức hợp lực với nhau.

- (Năm). Các Kitô hữu họp thành một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nếu không sống chung với nhau, thì đâu có thể làm nổi bật tính cách hòa hợp giữa các chi thể trong một thân mình?

- (Sáu). Không ai lãnh nhận được tất cả mọi đặc sủng. Khi sống chung với nhau, mỗi một người đóng góp đặc sủng Chúa ban cho mình, nhờ đó cũng được san sẻ các đặc sủng của người khác.

- (Bảy). Trong đời sống chung, các anh em nâng đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, thúc đẩy nhau thăng tiến.

- (Tám). Khi vâng lời lề luật và bề trên cộng đoàn, người tu sĩ tập đức khiêm nhường, tránh sự thoả mãn được theo ý riêng.

Có thể nói rằng tất cả các nét căn bản của thần học về đời sống chung đã được Basilio khai triển hết, và những tác giả về sau không có thêm gì mới lạ.

3/ Đối ngược lại với Basiliô, Cassianô ví con đường trọn lành như ngọn núi. Không ai có thể lên tới đỉnh trong nháy mắt được nhưng phải leo lên từng cấp. Cấp thấp hơn cả là đời sống cộng đoàn, tức là giai đoạn thanh luyện; còn chóp đỉnh là đời ẩn sĩ. Dù sao, đối với Basiliô và Cassianô, cuộc tranh luận xoay quanh việc đối chiếu giữa hình thức “ẩn sĩ” hay “cộng đoàn” (chứ không phải là giữa nhà dòng và nhà xứ như ngày nay). Trong bài tới, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi tìm hiểu quan niệm về sự đắc đạo.

4/ Thánh Augustinô bị thu hút bởi lời thánh vịnh 132: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!”, nên đã kết tụ với các đồng bạn một cộng đoàn. Tuy không muốn áp đặt kỷ luật nghiêm nhặt, nhưng Augustinô cũng thảo ra một vài quy tắc tối thiểu cho sự sống chung. Tiên vàn, phải từ bỏ tư sản: tất cả tài sản phải đặt làm của chung; kế đó, Augustinô du nhập những yếu tố khác nhằm cổ võ sự thánh thiện của các giáo sĩ tựa như: cầu nguyện, suy gẫm, học Kinh thánh, nguyện kinh, sửa lỗi cho nhau.

5/ Luật của thánh Biển-đức thâu thập những tinh hoa của Pacômiô, Cassianô, Basiliô, tuy với những thích nghi cần thiết để áp dụng vào một xã hội chịu ảnh hưởng của luật Rôma hơn là các triết gia Hy lạp. Thánh Biển-đức quan niệm đan viện như một gia đình với viện phụ làm gia trưởng (paterfamilias). Viện phụ đại diện cho đức Kitô để cai quản đan viện; viện phụ phụ trách việc chu toàn lề luật nghiêm chỉnh. Nếu không có phép của viện phụ thì đan sĩ không được phép rời bỏ tu viện để sang nhà khác hay đi ẩn tu. Thực vậy, đan sĩ cam kết sẽ ở lại bền vững (stabilitas: vĩnh cư) trong cộng đồng đan viện. Tại đây, đan sĩ không được coi cái gì là của riêng mình nữa: áo mặc, thức ăn, dụng cụ làm việc, sự phân phối công tác và kết quả của lao công đều thuộc về cộng đồng! Cao điểm của đời sống cộng đồng là hai buổi phụng vụ sáng và tối; chúng có giá trị tuyệt đối không thể được chước chuẩn vì bất cứ lý do công tác nào khác.

Những lợi điểm của đời sống cộng đồng được vạch ra như thế này: đan sĩ có dịp học hỏi những người lão luyện về đường tu; đan sĩ có dịp thực tập đức khiêm nhường nhất là qua việc vâng lời bề trên; đan sĩ có dịp thực tập đức kiên nhẫn, chịu đựng khuyết điểm của tha nhân, lo mưu cầu ích chung hơn là ích riêng.

Nên biết là bản luật của thánh Biển đức được viết ra cho một đan viện cụ thể là Monte Cassinô, hoặc cùng lắm là thêm đôi ba đan viện nữa. Vào thời ấy chưa có khái niệm về Dòng (hiểu như là một cơ cấu liên kết các đan viện dưới quyền chỉ huy của quyền bính trung ương).

Dù sao, khi tìm hiểu cộng đoàn vào những thế kỷ đầu tiên của đời đan tu, ta đã thấy nhiều kiểu mẫu tổ chức rồi. Thời Trung cổ sẽ thấy nảy sinh thêm nhiều kiểu nữa. Một đàng, các đan viện được liên kết với nhau (tựa như Cluny, Citeaux), đàng khác với sự phát sinh của các Dòng hành khất, tu sĩ không còn trụ trì tại một chỗ nữa. Cụ thể là trong Dòng Đaminh, chúng ta gia nhập vào Cộng đoàn là Dòng, và hứa sẽ ở bền đỗ trong Dòng, chứ chúng ta không hứa bền đỗ trong một tu viện nào. Xét về mặt tình cảm, chúng ta không cảm thấy gắn bó với một nơi và những người thuộc về nơi ấy. Dù sao, một nhận xét khá thú vị là tuy ra đời cùng lúc, nhưng Dòng Đaminh nghiêng về các cộng đoàn lớn, còn Dòng Phan-sinh nghiêng về các cộng đoàn nhỏ. Nói ra thì chắc là không ai tin, phải tới nơi mới thấy thì mới tin được, đó là tu viện Santa Maria Novella ở Firenze chứa 1 ngàn tu sĩ, tu viện San Giovanni e Paolo ở Venezia có 500 phòng. Hiện nay cả hai đã bị Nhà nước trưng thu làm trại lính và bệnh viện.

II. Bề trên

Nếp sống cộng đoàn giả thiết phải có một người đứng đầu. Vào thời đầu của nếp sống đan tu, vị đứng đầu thường được gọi là abbas, tuy rằng danh xưng này không chỉ dành cho các cộng đoàn. Như vừa nói trên đây, thánh Augustinô chỉ nói phớt qua vai trò của bề trên (praepositus: người đứng trước), nhưng thánh Biển đức đã dành vị trí rất quan trọng cho bề trên gọi là abbas, đặc biệt là trong chương 2 và chương 64. (Abbas còn được nhắc đến nhiều lần trong bản luật, chẳng hạn: 27, 36, 47, 56, 65, vv).

A. Abbas: danh xưng

Dịch Abbas là “viện phụ” thì không đúng. Abbas tiếng Latinh gốc từ tiếng aram abba, danh xưng được Chúa Giêsu áp dụng cho Thiên Chúa. Abbas có nghĩa là “cha, bố” (chứ không phải cha của một đan viện). Tại sao bề trên của các đan sĩ mang danh là abbas? Thánh Hiêrônymô đã nổi sùng về tập tục này, nhất là bởi vì Chúa Giêsu đã dạy rằng đừng gọi ai dưới đất là “cha” (Mt 23,9). Danh xưng cha - abba - chỉ được dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Tại sao các đan sĩ, tự hào rằng mình sống sát Tin mừng, mà lại làm trái ý Chúa?

Thực ra, danh xưng abbas xuất hiện từ lâu trước khi có các đan viện. Các đan sĩ bên Ai-cập đã sử dụng từ này (apa-abba) để gọi những đạo sĩ từng trải về đời tâm linh, những bậc tôn sư đầy tràn thần khí, có khả năng hướng dẫn các đệ tử trong việc phân định tiếng Chúa (phân định thần khí tốt và thần khí xấu). Như vậy, vai trò của apa, abba cũng tựa như “sư phụ” bên Việt Nam.

Đến các cộng đoàn đan tu xuất hiện, bên cạnh các từ ngữ dân gian như là superior, praepositus, maior, danh xưng abbaschiếm ưu thế, bởi vì bề trên cũng giữ vai trò tương tự như các sư phụ trên sa mạc trước đây, đó là hướng dẫn hành trình tâm linh.

B. Vai trò

Trước những chỉ trích chính đáng về sự áp dụng cho vị lãnh đạo đan viện, thánh Biển đức tìm cách biện minh cho truyền thống, đồng thời cũng trình bày một chân dung của abbas lý tưởng. (Nên biết là thời ấy, abbas không phải là linh mục)

Theo thánh Biển đức, abbas thay mặt cho Đức Kitô (Christi enim agere vices in monasterio creditur: 2,2-3). Như thế nào? Tác giả đưa ra nhiều lý do.

1/ Đức Kitô là Cha, vì thế abbas đáng gọi là cha. Thoạt tiên, xem ra điều khẳng định này không hợp với tư tưởng Tân ước, bởi vì Tân ước chỉ dành tước hiệu cha cho Chúa Cha (Rm 8,15), chứ không hề gọi Đức Kitô là cha. Tuy nhiên, vài sử gia cho rằng có những giáo phụ đã gọi Đức Kitô là Cha, phần nào do ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống lại Ariô. Từ sau công đồng Nixêa, vì muốn bảo vệ thiên tính của Đức Kitô (ngang với Chúa Cha) cho nên có những giáo phụ cũng gọi Người là Cha.

2/ Abbas thay mặt Chúa Kitô dưới phương diện nào? Phải chăng cũng ngang hàng với Đức Thánh Cha? Nên biết là vào thời giáo phụ, tước hiệu “đại diện Chúa Kitô” (vicarius Christi) không chỉ dành riêng cho Đức Giáo hoàng, nhưng ám chỉ các giám mục. Thánh Biển đức muốn áp dụng tước hiệu này cách riêng về vai trò giảng dạy. Đan viện đã chẳng được giới thiệu như là một “trường học” (dominici schola servitii) đó sao? Đến đây, chúng ta thấy phác họa phần nào vai trò “sư phụ” giống như bên Việt Nam: thầy và cha. Abbas là cha (dưỡng phụ), và đối xử với các đan sĩ như là con. Chúng ta thấy nổi bật chiều dọc hơn là chiều ngang. Vì thế vào thời Trung cổ, khi xuất hiện các dòng hành khất, (hay đúng hơn, các “huynh đoàn”,fraternitas), người ta chú trọng đến chiều ngang, vì thế người lãnh đạo được gọi là prior (anh trưởng, huynh trưởng, đại huynh). Chúng ta cũng đừng quên rằng đàng sau các danh xưng này cũng có một quan điểm thần học hoặc Kitô học nữa. Như vừa nói, trong cái nhìn của thánh Biển đức, Chúa Kitô là Cha; và nghĩ như vậy đã làm lu mờ hình ảnh về Đức Kitô là trưởng tử, là anh cả của nhân loại (Mt 25, 40 ; 28, 10 ; Ga 20, 17 ; Rm 8, 29 ; Dt 2, 11…).

Abbas là thầy: thầy phải dạy dỗ các đan sĩ bằng lời giảng và bằng gương sáng, để đào tạo họ nên thánh.

Dù sao, khi tôn Abbas lên hàng đại diện Chúa Kitô làm cha và làm thầy trong đan viện, thánh Biển đức không quên nhắc nhở trách nhiệm nặng nề của Người. Abbas cần phải trả lời trước mặt Đức Kitô về hành vi của mình cũng như của các đan sĩ được trao phó cho mình nữa.

C. Những đức tính của Abbas

Chúng tôi muốn nói cách riêng đến những đức tính cần có trong việc cai quản.

Các nhà phê bình văn chương nhận thấy rằng bản luật của thánh Biển-đức không được viết một mạch từ chương đầu đến chương cuối. Có lẽ ngài đã viết ít là vào hai giai đoạn khác nhau. Những chương cuối được bổ sung thêm vào, và vì thế lặp lại những vấn đề trước đây đã nói rồi nhưng bây giờ thì sửa lại (tựa như thánh Augustinô với những retractationes). Dù sao đi nữa, trong bản luật, ở chương 2 (tạm gọi là Kim chỉ nam số 1), Abbas được mô tả như một người duy trì kỷ luật trong đan viện, giống như cảnh sát ; còn ở chương 64 (câu 7-22), khi viết về những đức tính cần xét đến khi chỉ định Abbas (tạm gọi là Kim chỉ nam số 2), tác giả chú trọng đến tính nhân bản, thông cảm đối với những thiếu sót của các anh em.

1/ Trong kim chỉ nam số 1, tác giả đòi hỏi Abbas phải là người vô tư, không thiên vị (câu 16-22), yêu thương mọi người như nhau (Điều này không dễ, không phải tại vì có anh đẹp có anh xấu, nhưng mà tại vì có những anh tốt, có những anh lãnh đạm, có những anh cứng đầu, như chúng ta sẽ thấy trong phần kết luận). Một trách nhiệm không nhỏ của Abbas là khuyên răn và sửa phạt những kẻ lỗi luật. Thấy ai có lỗi khi phải trừng trị lập tức, chứ không trì hoãn, kể cả bằng roi đòn (câu 29). Nếu mình không sửa bảo nó, thì mình có lỗi trước mặt Chúa. Abbas hãy nhớ rằng mình phải quan tâm đến phần hồn của các đan sĩ, hơn là các nhu cầu vật chất của họ (câu 33-36).

2/ Trong kim chỉ nam số 2, liên quan đến việc chỉ định Abbas (hồi thế kỷ VI, hình thức chỉ định chưa thống nhất: có thể là vị Abbas chỉ định người kế vị mình; có thể là nhờ sự can thiệp của giám mục địa phương; có thể là do các đan sĩ cao niên bầu lên), thánh Biển-đức trở lại các đức tính của Abbas: có những điều lặp lại kim chỉ nam số 1, nhưng điều mới ở chỗ thay vì giữ vai trò cảnh sát, bảo vệ lề luật kỷ cương, tác giả thêm những nhắn nhủ về tình nhân ái, với giọng điệu phảng phất tư tưởng của thánh Augustinô: “bề trên hãy cố gắng để cho mình được yêu mến hơn là sợ hãi”; “hãy ghét nết xấu nhưng hãy yêu thương anh em” (câu 11). Cách riêng, tác giả vạch ra không những là những đức tính cần có (học thức, ngay thẳng, điềm đạm, nhân từ), mà cả những tật xấu mà Abbas cần tránh (xao xuyến, thái quá, cố chấp, nghi kỵ). Nói khác đi, Abbas đừng nên nổi nóng, lúc nào cũng cương quyết bài trừ tất cả mọi sự sai lỗi. Khác với kim chỉ nam số 1, Abbas hãy lo sợ vì phải trả lẽ về hành vi của mình và của anh em trước tòa Chúa; ở kim chỉ nam số 2, Abbas hãy hy vọng rằng Chúa sẽ ban thưởng cho người tôi tớ trung thành.

Nói thế để cho biết rằng, ngay trong cùng một bản luật của thánh Biển-đức, bức chân dung của Abbas linh động chứ không cố định. Nếu chúng ta mang đối chiếu với các bản luật khác thì ta còn sẽ thấy tính cách đa dạng còn nổi bật hơn nữa.

Đại khái, có nơi muốn Abbas (hay bề trên nói chung) phải là con người thần khí, đạo đức; có nơi muốn thấy ngài có tài quy tụ anh em, biết tổ chức cộng đoàn. Đối lại, về phía cộng đoàn, có nơi yêu sách hãy nhìn bề trên với cặp mắt đức tin như là đại diện của Chúa; có nơi yêu cầu anh em hãy thông cảm với bề trên vì nói cho cùng, ngài cũng mỏng dòn như hết mọi người (như chúng ta đọc thấy trong luật thánh Augustinô).

Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng thánh Augustinô và thánh Biển đức chỉ nói đến một bề trên cho một cộng đoàn, tuy dù trong cộng đoàn của thánh Biển đức, Abbas phụ trách việc tinh thần, còn việc tổ chức cai quản thì được trao cho Prior; vì thế phải liệu sao cho giữa Abbas với prior luôn giữ sự hòa hợp (RB chương 65, câu 16-22). Sang thời Trung cổ, với hình thức liên hiệp các đan viện hoặc những Dòng hành khất, thì tu sĩ con số bề trên cũng gia tăng. Cụ thể, người tu sĩ Đaminh có ba bề trên: bề trên tu viện, bề trên giám tỉnh, bề trên tổng quyền. Lỡ ba cấp ra những lệnh trái nghịch nhau thì sao? Chúng ta sẽ trở lại vấn đề khi bước sang mục vâng lời.

III. Vâng lời

Đã có cộng đoàn thì cần có người chỉ huy (nghĩa là bề trên), và tương quan giữa cộng đoàn với bề trên được diễn tả qua sự vâng lời.

Tuy nhiên, cũng như cộng đoàn mang tính dạng và chân dung bề trên cũng đa dạng cho nên sự vâng lời cũng đa dạng: Vâng lời là gì? Vâng lời ai? Vâng lời để làm gì?

A. Khái niệm

Trong tiếng Việt, “vâng lời” (hay: nghe lời) có nghĩa là nghe theo lời của người nào đó: nghe không phải để cho lời đó lọt vào tai này và chui ra tai khác, nhưng là thuận nhận bằng cách đáp lại “Dạ vâng!”. Ta cũng thấy nội dung tương tự trong tiếng latinh và hy lạp: tiếng latinh obedire ghép bởi ob-audire (lắng nghe); tiếng hy lạp hypakouo bởi akouo cũng là chú ý lắng nghe.

Lãnh vực “vâng lời” chi phối nhiều mối tương quan khác nhau trong xã hội: con cái vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thầy, công dân phải tuân hành luật pháp. Trên hết, đối với Kinh thánh, vâng lời chi phối mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa phán dạy, con người vâng nghe: fiat (Nghe đây, Israel, Shema Israel). Đức tin chính sự vâng phục đáp lại sự mạc khải của Thiên Chúa (Rm 10,16; 2Cr 7,15).

Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến sự vâng lời ở trong đời tu mà thôi. Lịch sử đã chứng kiến nhiều quan niệm về ý nghĩa và sự thực hành vâng lời. Có khi sự vâng lời được xét trong tương quan với Thiên Chúa, có khi được xét trong tương quan với Bề trên, với bản luật, với cộng đồng. Ngoài ra có tác giả thì coi sự vâng lời như một yêu sách của đời sống cộng đoàn hay của việc phối trí công tác tông đồ; có tác giả muốn lồng sự vâng lời trong việc thực tập nhân đức (chẳng hạn như đức khiêm nhường, yêu mến) hoặc việc từ bỏ bản thân, thậm chí nó được đồng hóa với chính việc hiến tế. Chúng ta hãy điểm qua các quan niệm ấy từ các ẩn sĩ cho tới các Dòng tu.

B. Những quan niệm khác nhau về vâng lời trong đời tu

Vâng lời có trước khi đời sống cộng đoàn xuất hiện, dĩ nhiên dưới một ý nghĩa khác với đời sống cộng đoàn. Sự vâng lời của ẩn sĩ mang tính cách khổ chế (ascetica), sự vâng lời bề trên trong cộng đoàn mang tính cách chức năng (functionalis). Dĩ nhiên là cả hai cần bổ túc lẫn nhau.

1/ Vâng lời của ẩn sĩ.

Những đan sĩ đầu tiên đặt nặng sự tìm hiểu ý Chúa: Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi? Trong bước đường tu đức, người đan sĩ cần một nhà dìu dắt, đức vâng lời được ví như thái độ của môn sinh đối với sư phụ. Nó mang tính cách sư phạm: người học trò non nớt cần phải biết nghe lời thầy dậy dỗ. Nó cũng có tính cách tu đức: người học trò không những cần hấp thụ những kiến thức trừu tượng mà còn phải thực hành nữa; vì thế ông thầy không ngại ra những bài tập thực-hành nhằm giúp cho môn sinh từ bỏ ý riêng, tập đức khiêm tốn. Chính trong bối cảnh đó, mà ta đọc thấy những bài học về việc trồng cây ngược, hay tưới cục đá. Đó là những phương pháp sư phạm mà ta đọc thấy cả trong văn chương của đời tu trì Ấn giáo hay Phật giáo nữa.

2/ Vâng lời của đan sĩ trong cộng đoàn

Đến khi xuất hiện đời sống cộng đồng, thì sự vâng lời không chỉ được nhìn dưới khía cạnh tu đức mà thôi, nhưng còn trong khía cạnh tổ chức xã hội nữa: trong một cộng đồng, cần phải có người chỉ huy nếu không muốn sống cảnh hỗn loạn. Tuy nhiên, nguyên tắc sơ đẳng này cũng mang nhiều sắc thái khác biệt khi phân tích các bản luật cổ, tựa như của Pacomiô, Basiliô, Biển đức. Cả ba đều đề cao vai trò tu đức của sự vâng lời vâng lời, nhưng mỗi vị nhấn mạnh tới một khía cạnh khác nhau, nhất là về vai trò của bề trên.

- a) Thánh Pacomiô muốn rằng toàn thể các đan sĩ sống trong đan viện phải đồng lòng hợp ý (koinonia) để khám phá ra ý Chúa. Chính Thiên Chúa là vị cai quản cộng đồng, chứ không phải là viện phụ.

- b) Thánh Basiliô quan niệm rằng mục tiêu của sự vâng lời là từ bỏ ý riêng để theo đức Kitô. Dĩ nhiên tiên vàn các đan sĩ phải vâng lời ý Chúa biểu lộ qua các điều răn trong Kinh thánh. Kế đó đan sĩ cũng phải vâng lời suy phục hết mọi người (miễn là điều truyền-khiến hòa hợp với ý Chúa) kể cả một người anh em nhỏ bé nhất trong cộng đoàn khi họ sửa bảo ta. Nói khác đi, Basiliô đề cao mối tương quan của cộng đoàn trong sự vâng lời. Dĩ nhiên đứng đầu cộng đoàn là Bề trên, nhưng Bề trên được ví như là ”con mắt” chứ không phải là ”cái đầu” của cộng đoàn. Tại sao vậy? Bởi vì theo Basiliô, đức Kitô mới là đầu chỉ huy cộng đoàn; bề trên chỉ là con mắt, nghĩa là quan năng nhận định và hướng dẫn, nhận định đâu là điều Chúa truyền. Dù sao, kể cả khi nhấn mạnh đến bổn phận vâng lời, Basiliô không quên nhắc nhở rằng tu sĩ vâng lời để thực hành sự thương yêu, là giới răn quan trọng hơn cả.

- c) Sang Tây phương, ta thấy thánh Biển đức quan niệm sự vâng lời hơi khác; sự vâng lời được coi như phương thế thực tập đức khiêm nhường. Trong chương 7 của bản luật, thánh Biển đức đã trình bày các cấp độ của nhân đức vâng lời, gắn liền với nhân đức khiêm nhường và các nhân đức khác. Cấp một: vâng lời Thiên Chúa trong hết mọi sự, dù may mắn hay rủi ro. Cấp hai: từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa, bắt chước đức Kitô. Cấp ba: vâng lời bề trên vì lòng mến Chúa. Cấp bốn: nhẫn nại chịu đựng cả những điều trái ý bất công. Ở chương thứ 71, thánh Biển đức thêm cấp thứ năm là vâng lời cả các anh em mình. Dù sao thì sự vâng lời cần phải được tỏ ra cách đặc biệt đối với abbas, viện phụ: Viện phụ là người thầy hướng dẫn môn sinh trên đường trọn lành; tu sĩ hãy vâng lời viện phụ vì là người thay mặt đức Kitô. Sự vâng lời không chỉ giới hạn vào việc tuân hành điều mà bề trên truyền khiến nhưng còn phải hòa hợp ý chí của mình với ý của bề trên nữa. Sự vâng lời là một trong ba đối tượng mà đan sinh phải cam kết: vĩnh cư, cải hoán và vâng lời. Có điều đáng lưu ý là qua lời khấn cải hoán đan sinh cam kết sẽ tuân giữ luật lệ của dòng; còn lời khấn vâng lời thì nhằm cá nhân của viện phụ, ngừơi thầy dẫn đường nhân đức, và hiện thân của đức Kitô.

Từ đó, có thể nói rằng thánh Basiliô và thánh Biển đức đã tạo ra hai khuynh hướng trong quan niệm về sự vâng lời bề trên: đối với Basiliô, sự vâng lời bề trên nhằm tạo ra sự thông hiệp trong cộng đoàn; còn đối với Biển đức, sự vâng lời bề trên nhằm thực hiện sự hy sinh từ bỏ mình. Đối với Basiliô, bề trên là nhân tố xây dựng sự thông hiệp; đối với Biển đức, bề trên là người thay mặt Chúa. Nói khác đi, có hai quan niệm chính về vai trò của đức vâng lời: chiều ngang hoặc chiều dọc.

Hai khuynh hướng đó ảnh hưởng hai truyền thống vâng lời trong các Dòng tu, quen gọi là truyền thống Đaminh và truyền thống Inhaxiô. Đaminh (ảnh hưởng của Augustinô và Basiliô) chú trọng tới sự thông hiệp trong việc cùng nhau đi tìm chân lý (ích chung): vâng lời là tác động của lý trí. Thánh Ignaxiô quan niệm khác hẳn về sự vâng lời: tu sĩ không những chỉ suy phục ý chí mà cả phán đoán mình theo bề trên nữa. Sự vâng lời phải dần dần đào tạo cho người tu sĩ biết từ bỏ ý riêng; sự vâng lời được đặt gần với đức tin: tu sĩ phải tập nhìn thấy Chúa hiện diện nơi bề trên.

C. Giáo dục về sự vâng lời

Trong các tài liệu huấn luyện, sau khi trình bày bản chất và giá trị của đức vâng lời, người ta thêm phần đào tạo hay thực tập đức vâng lời. Bản luật thánh Biển đức mô tả những đặc tính của việc vâng lời (chương 5) và không ngần ngại đương đầu với một tình huống bế tắc (chương 68) là khi bề trên truyền một điều không thể làm nổi thì sao?

1/ Những đặc tính của sự vâng lời: nhanh nhẹn (vừa nhận lệnh là thi hành ngay lập tức), vui vẻ, tự nguyện, không lẩm bẩm kêu ca, vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Về sau thánh Bênađô đã bổ túc thành 7 cấp độ của đức vâng lời:: tự nguyện (libenter), đơn sơ (simpliciter), vui vẻ (hilariter), nhanh nhẹn (velociter), can đảm (viriliter), khiêm tốn (humiliter), bền bỉ (indesinenter).

2/ Một tình huống được nêu lên ở chương 68 (nghĩa là ở những chương cuối, 68-73, và các nhà phê bình đã đặt lên vấn đề thời gian biên soạn, cũng tựa như đối với đề tài về đức tính của abbas vừa nói trên đây): một đan sĩ rất sẵn sàng vâng lời, nhưng nhận thấy việc thi hành lệnh của bề trên quá sức mình, không thể làm được. Đan sĩ phải cư xử như thế nào đây? Thánh Biển đức cho phép anh trình bày lại với bề trên , với tâm tình suy phục, vào lúc thuận tiện, cách ôn tồn chứ không xấc xược. Nếu bề trên cứ giữ y nguyên lệnh đã truyền, thì đan sĩ hãy nghĩ rằng điều này là tốt cho mình. Anh hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và vâng lời vì lòng mến Chúa.

Thiết tưởng đôi khi chúng ta cần suy gẫm những điều này, để nhớ đến tính cách siêu nhiên của sự vâng lời. Không chỉ vì thấy lệnh truyền hợp lý, nhưng nhất là vì lòng mến Chúa; nói khác đi, cần nhìn trên bình diện siêu nhiên, theo gương của Đức Kitô.

Trong bài cuối cùng, chúng ta sẽ trở lại đề tài cộng đoàn và vâng lời trong Dòng Đaminh theo tinh thần của thánh Augustinô.

Kết luận: Những biện pháp chế tài

Có một sự thiếu sót quan trọng ở trong bài này là chúng ta chỉ dừng lại ở các bộ luật cổ điển, nói về nếp sống đan tu. Thời ấy, người ta sống chết trong cộng đoàn (nghĩa là đan viện) chứ không mấy khi đi ra ngoài, như những dòng hoạt động tông đồ sau này. Chúng ta nên biết giới hạn đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể bàn đến việc rời bỏ cộng đoàn dưới một hình thức khác, như là chế tài trục xuất.

Mặc dù có nhiều quan điểm về cộng đoàn, về bề trên, về vâng lời, nhưng chúng ta chắc chắn rằng tất cả đều do đức ái thúc đẩy. Đức ái quy tụ các phần tử nên một, để theo đuổi một mục tiêu duy nhất là quaerere Deum. Tiếc rằng không phải tất cả các đan sĩ đều là thánh nhân, thậm chí có những người ác nhân. Phải đối xử như thế nào đây?

Chúng ta đã thuộc lòng luật thánh Augustinô, áp dụng thủ tục sửa bảo được nói trong chương 18 Tin mừng Matthêu (18,15-17). Nếu thấy ai lỗi phạm, thì lấy tình anh em nhắc nhở anh ta. Nếu anh ta không nghe thì kêu thêm hai ba nhân chứng. Nếu đương sự vẫn ngoan cố thì báo cho bề trên và cộng đoàn, và nếu ngoan cố thì có thể trục xuất. Điều này được nói ở chương 4, áp dụng cho việc lỗi đức khiết tịnh nhưng cũng có thể áp dụng cho những lỗi phạm khác.

Luật thánh Biển đức thì chi tiết hơn, dành ra 10 chương (23-30 và 43-46) cho những hình thức chế tài. Thực ra, có người đã đếm được 27 thứ hình phạt rải ráctrong toàn bộ luật, dành cho nhiều thứ vi phạm khác nhau, từ chỗ chậm trễ khi đi nguyện cho đến chuyện đánh lộn nhau. Một thủ tục hình sự (áp dụng cho lỗi nặng) đã được dự liệu ở số 23, gồm những chặng như sau, dành cho người ngoan cố:

- cảnh cáo riêng tư (2 lần)
- cảnh cáo công khai (1 lần)

- tuyệt thông và đánh đòn. Xin lưu ý về sự tuyệt thông. Sự tuyệt thông không có nghĩa là trục xuất khỏi đan viện. Có thứ tuyệt thông “tiểu” (số 24) và tuyệt thông “đại” (số 25). Tuyệt thông tiểu thì chỉ loại ra khỏi bàn ăn chung (nghĩa là cho ăn, nhưng mà ăn riêng, và ăn sau cộng đoàn); còn Tuyệt thông đại loại ra khỏi bàn ăn và loại ra khỏi nhà nguyện. Đối với những tội nặng, sự tuyệt thông bao hàm việc bị cô lập hoá: anh không được phép giao tiếp với ai, phải lao động một mình, không được lãnh chúc lành.

- nếu sử dụng hết các biện pháp nói trên mà đương sự không sửa lỗi, thì buộc lòng phải trục xuất khỏi đan viện. Cũng nên biết là bộ luật cũng dự liệu một anh bỏ trốn nhà dòng, sau đó trở về. Từ ngữ sử dụng rất nghiêm khắc apostata (chương 29), tương đương với người bỏ đạo. Nên biết là trái với Cassianô, luật thánh Biển đức rất khoan dung, bởi vì sẵn sàng đón nhận đến 3 lần. Dù sao trong vấn đề hình sự (chương 27), abbas cần biết xử sự như một y sĩ khôn ngoan (sapiens medicus), một mục tử nhân lành (pastor bonus).

Xin chấm dứt bài chia sẻ nơi đây, với lời yêu cầu anh em hãy mở Hiến pháp nguyên thủy của Dòng, ở cuối phần thứ nhất, và sẽ thấy rằng Hiến pháp đã dành ra 5 số cho việc chế tài (số 20-24), tuỳ theo bốn cấp lỗi: lỗi nhẹ, lỗi nặng, lỗi nặng hơn, lỗi rất nặng. Danh mục các chế tài này được duy trì cho đến khi ban hành Sách Hiến pháp và Chỉ thị vào năm 1968, nghĩa là suốt hơn 750 năm.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét