Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN - A

Bài đọc 1 : Hc 15, 15-20 : “Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức”


Bài đọc 2 : 1Cr 2, 6-10 : “Lẽ khôn ngoan Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển”.

Tin Mừng : Mt 5, 17-37 : “Anh em đã nghe luật dạy người xưa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”.



Sứ Điệp Lời Chúa : Luật trọn hảo của đức Giêsu


1. Dễ và khó 

Trong sứ vụ công khai, đức Giêsu đã chọn những người bình dân làm tông đồ; đức Giêsu đã dùng những hình ảnh dễ hiểu thường ngày để giảng giải cho những người bình dân; đức Giêsu đã cảm thương những người nghèo hèn, tội lỗi; đức Giêsu đã dùng bữa với những người thu thuế… Những điều đó khiến cho người ta có cảm tưởng như đức Giêsu tỏ ra là một ngôn sứ đầy lòng nhân ái và không khó khăn, không gắt gao, không đòi hỏi…

Thế nhưng, trong giáo huấn của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta lại thấy một giáo huấn có vẻ gắt gao, khắt khe còn hơn cả những đòi hỏi của luật cũ.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Tình tình của Đức Giêsu dễ hay khó ? Giáo huấn của đức Giêsu dễ hay khó ? 

Đức Giêsu có hiểu rằng những người đi theo Ngài, ngay cả các tông đồ, vốn là những người bình dân, những người bình thường, những người bị giằng xé trong sức mạnh của tội lỗi,… liệu chừng những người như thế có thể giữ được luật trọn hảo của Ngài hay không ???

2. Vận mạng cao cả và thực tại thấp kém

Quả thật, con người có một vận mạng cao cả, cùng với một khả năng thấp kém. Con người được dựng nên trong ân sủng để sống với Chúa, nhưng sau đó con người lại bị chìm ngập trong sức mạnh của tội. Trong tình trạng hiện nay, vận mạng con người luôn bị giằng xé trong thế đứng mâu thuẫn bi tráng ấy. Nơi con người, mọi người, ta vẫn có thể thoáng thấy những dấu chứng của lòng khao khát cao đẹp, đồng thời lại thấy thực tại đầy những ê chề, nhầy nhụa của bản năng thú tính. Nhân loại không bao giờ ngừng tìm kiếm con đường giải thoát. Tuy nhiên, một đàng, những con đường ấy luôn luôn là những con đường dành cho những người ưu tuyển; đàng khác, ta có thể tự hỏi thực sự có ai đó trong số những con người ưu tuyển của nhân loại đã thực sự tìm được một sự thành toàn chân chính không. Ta có thể thấy hình ảnh tiêu biểu của những người ưu tuyển nói những người Pharisêu và các kinh sư; thế mà đức Giêsu lại nói : 

“Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Có lẽ đó chính là mâu thuẫn lớn nhất của thân phận con người, và cũng là “lý do hiện hữu” của ơn cứu độ. Mẫu thuẫn lớn nhất ấy được tỏ lộ rõ nét trong Bài giảng Trên núi, đặc biệt trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật VI-A hôm nay.

3.Con đường Kitô giáo : Nước Trời

Con đường Kitô giáo được công bố trong Bài giảng Trên Núi, trước tiên, không phải là con đường dành cho những người ưu tuyển. Đã bao lần đức Giêsu tuyên bố : những người cuối hết sẽ nên đầu hết…

Con đường Kitô giáo là con đường mời gọi tất cả mọi người và đó không phải là một lời mời gọi suông, nhưng là một nhiệm cục cứu độ đã bắt đầu với đức Giêsu, đang thể hiện như một lời chứng sống động nơi những “người nghèo của Tin Mừng”.

Người ta sẽ chẳng có thể hiểu được những “đòi hỏi” mạnh mẽ của đoạn Tin Mừng này, nếu không đặt đoạn văn vào trong toàn bộ Bài giảng Trên núi, để hiểu rằng Nước Trời từ nay được chính Thiên Chúa thực hiện chứ không phải là công trình của con người; và Nước Trời ấy dành cho mọi người nếu mỗi người nhận thức được rõ thân phân yếu hèn của mình, không xuê xoa khát vọng tuyệt đối sâu xa trong lòng mình, và đón nhận đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất của cuộc đời mình. Đó chính là thái độ của những “người nghèo của Tin Mừng”. 

Tạm kết

Một trong những dấu chỉ Nước Trời là sự phong phú. Sự sống của Chúa không phải mang dáng vẻ loay hoay, vá víu, méo mó, lệch lạc nhưng là một sự phong phú, sứ sống phong phú, sung mãn, tròn đầy. Điều đó con người không thể làm được. Điều được ban cho con người chính là đặt mình vào dòng suối phong phú của sự sống siêu nhiên, để rồi được nâng lên mức độ, đúng hơn là được nâng lên một đẳng cấp khác hẳn :

“Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét