Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN -A

Bài đọc 1 : Is 58, 7-10 : “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”

Bài đọc 2 : 1 Cr 2,1-5 : “Tôi đã loan báo cho anh em mầu nhiệm đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá”

Tin Mừng : Mt 5,13-16 : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”

Sứ Điệp Lời Chúa :

1. Mầu sắc cuộc đời

Ở tuổi thiếu niên, người ta thường thần tượng hóa một ai đó; và nhân vật được thần tượng hóa luôn luôn là tuyệt hảo. Tuy nhiên, khi trở nên một người trưởng thành, người ta sẽ dần dần thấy được là chẳng có ai hoàn hảo cả. Những thần tượng đẹp đẽ sẽ bị vỡ ra khi người ta biết được sự thật của cuộc đời. Cuộc đời không phải được tô vẽ bằng mầu hồng và con người không phải là thần thánh.

Cũng như trong gia đình, đối với con cái nhỏ và con cái ở tuổi thiếu niên, bố mẹ cần phải làm gương sáng cho con cái, đó là điều không thể thiếu; nhưng đối với con cái đã trưởng thành, bố mẹ không thể mãi bưng bít, dấu diếm con cái những thói hư tật xấu của chính mình; vì điều đó có một nguy cơ còn lớn hơn là làm mất lòng tin của con cái vào cha mẹ, khi chúng biết được sự thật phũ phàng.

Sự thật của con người là “nhân vô thập toàn”, là “con người là sinh vật có bệnh”, cả bệnh về thể xác cũng như bệnh trong tâm hồn. Những ai không bước xuống được mặt bằng của cuộc sống thật, mãi bay bổng trong thế giới lý tưởng mầu hồng sẽ có nguy cơ một ngày nào đó rơi vào tình trạng mất lòng tin vào cuộc sống, hoặc sống mãi với thái độ cầu toàn, không thể chấp nhận, cảm thông, kiên nhẫn với “sự thật phũ phàng” của cuộc đời.

2. Thái độ nào ?

Nhưng cuộc đời cũng không phải toàn mầu xám xịt và con người cũng không phải là một con thú đội lốt người. Trong cái xám xịt của cuộc đời, người ta vẫn nhìn thấy được những tia sáng lấp lánh; và trong con người, cả những người tội lỗi và tệ hại nhất, vẫn còn có ánh sáng hình ảnh của Thiên Chúa ẩn hiện.

Người trưởng thành chính là người biết rõ giới hạn của mình mà không thất vọng; biết rõ sự thật của cuộc đời mà không buông xuôi; không phải người cầu toàn mà cũng không phải là người bi quan.

Tất cả những điều ấy cũng đúng trong đời sống Giáo hội. Một khi người ta còn quá lễ nghĩa, lễ nghĩa đến độ giả tạo; một khi người ta còn quá tô hồng những đấng bậc trong Giáo hội; một khi người ta còn cố che đậy sai sót, lỗi lầm của mình và che đậy cho nhau vì một thứ danh dự nào đó, thì cuộc đời vẫn chưa thể được hóa giải và sự thật của cuộc đời, sự thật của ơn cứu độ, vẫn chưa được khai mở.

Chính thái độ “nhìn lên”, nhìn lên để so sánh hay dở, nhìn lên để xưng tụng công đức, khiến cho con người không thể thấy được sự thật của cuộc sống, sự thật của con người, và sự thật của Thiên Chúa…
3.Ánh sáng của anh em…

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Nhưng xét trong toàn bộ Tin Mừng, chắc hẳn chúng ta hiểu được rằng Chúa không kêu gọi thái độ đạo đức theo nghĩa thế gian, thái độ trở nên “gương sáng” cho cuộc đời, nhưng là thái độ “làm chứng” cho sự thánh thiện của Thiên Chúa :

“..để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

Do đó, trong bài đọc 2, thánh Phaolo nói :

“Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”. (1 Cr 2, 3-5)

Có lẽ cách sống của người Kitô hữu chưa thể là muối và là ánh sáng cho thế giới hôm nay không phải chỉ do những gương mù nhưng sâu xa hơn còn do chiều kích danh giá vẫn quá lớn trong não trạng chung của người Kitô giáo, đặc biệt là não trạng của các Đấng bậc.

Thay vì nhìn lên để quá nể vì, quá tế nhị vì danh giá, bài đọc 1 cho chúng ta thấy một thái độ khác, thái độ “nhìn xuống” :

“nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, 
làm thoả lòng người bị hạ nhục, 
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, 
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. (Is 58,10)

Chính thái độ nhìn xuống mới làm nổi bật lòng thương xót của Chúa và mới thật sự là những việc “tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

Tạm kết

“Muối nhạt” và “đèn để dưới đáy thùng” là những lời cảnh cáo luôn luôn nóng bỏng và thật sự là lời cảnh cáo nóng bỏng cho Giáo hội Việt Nam hôm nay.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét