Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN A

Bài đọc 1 : Is 49, 14-15 : Ta chẳng quên ngươi bao giờ

Bài đọc 2 : 1 Cr 4,1-5 : Chúa sẽ phơi bày những ý định trong thâm tâm con người

Tin Mừng : Mt 6, 24-34 : “Anh em đừng lo lắng về ngày mai”

Sứ Điệp Lời Chúa : Ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa 

1. “Triết học” của đức Giêsu

Đức Giêsu phân biệt mạng sống và của ăn nuôi sống; thân thể và áo mặc. Sự phân biệt đó giúp con người nhận ra được con người thực sự thuộc về ai. Con người không dễ thoát được bệnh “bỏ mồi bắt bóng”. Người nông dân đào một cái giếng, anh ta theo vui buồn theo mức độ từng thước đất được đào sâu; nhưng khi đạt được mạch nước, tâm trí anh ta vui buồn với nguồn nước chứ không phải quanh quẩn với cái giếng. Cũng thế, khi dẫn nước ra đồng, tâm trí anh ta vui buồn với cây lúa chứ không mấy bận tâm vào nguồn nước. Rồi khi gặt được lúa về nhà, thì niềm vui của anh nông dân là bồ lúa đầy ắp, và khi hạt lúa trở thành hạt cơm ngon, thì tâm trí anh ta tập trung vào hạnh phúc gia đình quanh bàn ăn… Chẳng có mấy người nông dân đào giếng, rồi lo bảo vệ giếng, không muốn cho ai làm hỏng cái giếng của mình; ngồi ngắm cái giếng mãi… Thế nhưng trong đời sống phức tạp hằng ngày thì vẫn luôn có những “không bình thường” như người nông dân kỳ cục ngồi ngắm cái giếng… Có khi người ta chạy vạy khắc nơi để kiến tiền…mà rồi lo bảo vệ tiền; có khi người ta xây được căn nhà, mua được cái áo… mà quên rằng thân thể của mình mới là mục tiêu chính của việc kiếm tiền… Nếu đặt hết tâm trí vào của ăn, áo mặc người ta dễ tưởng rằng đồng tiền hoặc ai đó làm chủ cuộc đời mình chứ không phải Chúa.

2. Nhận ra tình thương của Chúa

Đức Giêsu mời gọi ta mở mắt để chiêm ngắm, rộng mở đôi mắt để ngắm nhìn cái toàn diện và ý nghĩa chung cục của vũ trụ và thế giới, người tín hữu sẽ nhận ra Đấng làm chủ vũ trụ, làm chủ thế giới, làm chủ mạng sống của mình, làm chủ thân thể của mình chỉ có thể là chính Chúa. Đức Giêsu mời gọi người tín hữu nhìn chim trời, hoa cỏ để thấy một chân lý toàn diện hơn; nhìn chim trời và hoa cỏ để thấy tình thương của Chúa mênh mông, bao la thấm được cả đất trời. Chim trời được Chúa nuôi ăn, hoa cỏ được Chúa mặc cho thật đẹp; đó là những chân lý bàng bạc trong vũ trụ mà người nào không bị rớt vào tình trạng “bỏ mồi bắt bóng” sẽ nhận ra được :
Bạn có thức khuya hay dậy sớm, 
khó nhọc làm ăn cũng hoài công. 
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, 
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng. (Tv 127,2)

Cảm nhận như Thánh Vịnh không phải là lý lẽ cùn của kẻ lười biếng, nhưng là một cách đọc dấu chỉ nơi một vài sự kiện tréo ngoe của cuộc sống trong một nhãn giới rộng lớn và toàn diện hơn : Chính Chúa mới là Chủ cuộc sống của con người.

Trong nhãn giới rộng và toàn diện hơn như thế, người có đức Tin nhận ra được một Thiên Chúa của tình yêu, tình yêu tha thiết và lớn hơn cả tình mẫu tử, vốn là hình tượng đẹp nhất trong tâm hồn con người :

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, 
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? 
Cho dù nó có quên đi nữa, 
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15)

3.Tìm kiếm Nước Thiên Chúa

Một khi đã chân được chân lý về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, thì sứ điệp của Lời Chúa hướng tới một kết luận đương nhiên :

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, cho tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” 

“Tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước. Sứ điệp Lời Chúa không phải là một thái độ dửng dưng, không lo lắng về ngày mai, nhưng đúng hơn là trao vận mạng mình vào tay Chúa, một Thiên Chúa mà đức Tin cho biết Ngài quyền năng và yêu thương.

Giống như trong mọi chuyện khác, người tín hữu là người thay vì tìm “căn bản” cho cuộc đời dựa theo quy luật dưới đất, theo quy luật của “cơ sở vật chất”, theo “tính xác thịt”, thì dám buông cuộc đời mình trong một cuộc phiêu lưu của đức tin, “treo” cuộc đời mình vào qui luật trên Trời; vào Nước Trời mà mình thoáng thấy được qua các dấu chỉ. Thái độ của người tín hữu có khi bị coi là “bỏ mồi bắt bóng”; nhưng dưới ánh sáng đức Tin, người tín hữu dám chọn lựa, dám thể hiện một thái độ tin tưởng để làm chứng rằng chính những kẻ tính toán khôn ngoan kiểu thế gian mới là kẻ thực sự “bỏ mồi bắt bóng”.

Tạm kết

Nếu để mắt nhìn thời cuộc, người Kitô hữu hôm nay cũng có thể thấy được biết bao nhiêu sự kiện cho thấy dù con người có bận tâm lo cho mạng sống, lo tìm của cải, tính toán khôn ngoan mà vẫn phải chịu thua cuộc trước vận mạng phải chết, trước những tình huống éo le vượt quá tính toán của mình. Những sự kiện ấy nhắc nhớ lời cảnh giác và lời kêu gọi “hãy tìm kiếm Nước Thiên chúa và đức công chính của Người”.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét