Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - A

Bài đọc 1 : St 2, 7-9; 3,1-7 : “Thiên Chúa dựng nên hai ông bà nguyên tổ. Ông bà phạm tội”.

Bài đọc 2 : Rm 5,12-19 : “ Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”

Tin Mừng : Mt 4, 1-11 : “Đức Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ”

Sứ Điệp Lời Chúa : Cám dỗ của muôn đời.

1. Mặc khải về tội

Mặc khải về tội là một nét đặc trưng của Sách Thánh. Trước khi có mặc khải về tội, lương tri của con người hoạt động theo quy luật căn bản là quy luật đúng-sai. Cái gì đúng là tốt và cái gì sai là xấu. Lương tâm luân lý của con người được điều chỉnh theo phạm trù đúng sai ấy; và hậu quả luân lý cũng như thể lý mà con người phải chịu cũng được suy diễn ra từ nguyên lý đúng sai ấy.

Trong khi đó, mặc khải về tội lại đặt con người trong một nguyên lý khác quan trọng hơn, nguyên lý trung tín-bất trung. Tội-lỗi không phải chỉ là một việc làm sai và gây nên một hậu quả mà người phạm tội phải gánh chịu cho mình. Tội – lỗi là tình trạng của một người với ai khác; tội với Chúa và lỗi với tha nhân. Mạc khải về tội chính là nẻo đường đưa con người trở về với bản chất thật như Chúa muốn, nghĩa là nẻo đường “sống với ai” chứ không phải chỉ là nẻo đường ‘sống thế nào”. Nhận ra được tội- lỗi, đó đã là bước một bước cần thiết trên hành trình tìm về cuộc sống yêu thương như lòng con người hằng khao khát.

2. Tội và luật

Thư Roma nói những điều không dễ hiểu : “Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Những nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội”. Những lời đó có vẻ như Cựu ước chính là một cách làm gia trọng tình trạng bi đát của con người….

Ta có thể tạm hiểu như sau : một đứa trẻ “bụi đời” thì “tự do” để nói tục, chửi bới, trộm cắp (đã có tội ở trần gian)….Rồi khi ai đó đưa đứa trẻ vào một trại tập trung có nếp sống tốt đẹp hơn, dạy cho đứa trẻ biết phân biệt tốt xấu, biết những gì nên làm và không nên làm, những gì được làm và những gì không được phép làm (có luật). Thế nhưng, một cách tổng quát, thực sự con người không phải được giải thoát nhờ kiến thức và nỗ lực luân lý riêng của mình. Dù được dạy điều tốt, đứa trẻ vẫn không thể sống tốt. Đó là tình trạng bi đát của con người. Thánh Phaolô có lần đã viết :

“vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15)

Và trong cùng đoạn văn đó, ta thấy thánh Phaolo khẳng định rõ ràng rằng con người không thể được tự mình tìm giải thoát cho mình :

”Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không”.(Rm 7,18)

Cho đến khi nào đứa trẻ được đưa về gia đình được sống và được hít thở trong tình nghĩa với những người thân của mình (tình trạng ân sủng). Chính sức mạnh của tình nghĩa mới có thể giúp con người vượt thắng được sức mạnh của tội lỗi.

Như thế, chúng ta hiểu được rằng : nhiệm cục cứu độ của Chúa được thực hiện “tuần tự”, trước tiên là cho con người biết được điều căn bản của sự sai trái (đúng-sai) chính là tội (trung tín-bất trung). Điều mà người ta tưởng rằng chỉ là chuyện riêng của tôi, tôi làm sai và tôi can đảm chấp nhận hậu quả đương nhiên của sự sai trái ấy; “bụng làm dạ chịu”, điều đó thật ra không đủ. Con người cần hiểu ra được rằng khi tôi làm điều sai trái (làm thế nào), thì thật ra tôi đã bất trung với Chúa hoặc làm khổ ai khác (làm với ai). Cảm thức về tội lỗi đưa tôi đối diện với trách nhiệm về ai khác và làm cho tâm hồn tôi bị dằn vặt nhiều hơn. Mặc khải về tội làm cho con người hiểu rõ hơn tính cách trầm trọng của sự sai trái. Ở trong giai đoạn này, con người không thể chỉ chọn thái độ can đảm gánh trách nhiệm về hậu quả việc làm sai trái của mình, nhưng thiết yếu là trông chờ sự tha thứ được tặng-không của Chúa, hoặc của ai khác. Mặc khải về tội nghĩa là đưa con người vào thế giới của giao ước, giao ước trên nền tảng lề luật, nhưng đó mới chỉ là một bước chuẩn bị.
3. Tội và ân sủng

Một khi con người bị dằn vặt do tội, nhận ra sự nặng nề của tội mà mình không thể tự hóa giải được, thì con người được mời gọi để bước vào chế độ “ân sủng”.

“Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn ; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”.( Rm 5,20)

Tình trạng của con người chỉ có thể được giải cứu do Ai, chứ không phải do nỗ lực luân lý, do tu luyện và nỗ lực bản thân; và Ai ở đây chỉ có thể là đức Giêsu Kitô. Đó chính là chế độ ân sủng.

Khi đức Giêsu, trong thân phận con người, thắng vượt được cám dỗ “làm thế nào”, luôn luôn trung tín với Chúa Cha qua “Lời” chân thật của Kinh Thánh, thì Ngài đã hoàn toàn “sống với Ai” (Chúa Cha), và đã trở nên một Ai khác cho những người nhìn nhận sự bất lực vì tình trạng tội lỗi. 

Đường lối cứu độ của Thiên Chúa qua đức Giêsu cũng thật lạ lùng. Đức Giêsu không trở nên một Ai khác, trong phẩm vị Thiên Chúa, bạn tặng sự tha thứ một cách dễ dãi; nhưng Ngài còn trở nên một Ai khác, trong bản tính con người, chiến đấu gian khổ trong cám dỗ để đi đến chiến thắng. Trong trình thuật cám dỗ hôm nay, Đức Giêsu đã mời gọi con người bước vào nẻo được cứu độ qua kiếp sống thật của con người, tìm gặp được Ai khác đồng hành với mình trong dòng lịch sử, lịch sử thăng trầm, lịch sử của một cuộc vượt qua đầy gian khổ.

Quả thật, nẻo đường cứu độ nhờ Ai khác chỉ được trọn vẹn khi con người thể hiện được một lòng trung tín với Ai qua dòng lịch sử; nếu không thì người ta lại dễ dàng biến Ai khác, là chính đức Giêsu, trở thành “cái-gì” đáp ứng được nhu cầu riêng của tôi. Đức Giêsu không chỉ ban cho con người một “kho ân sủng”, nhưng là ban chính bản thân Ngài như Đấng đầy ơn sủng. Chỉ có một cách đón nhận ân sủng là đón nhận chính đức Giêsu; và chỉ có một cách đón nhận đức Giêsu đích thực khi đồng hành, trung tín với Ngài qua dòng lịch sử đời mình.

* Tạm kết

Những phân tích của thánh Phaolô cho thấy tình trạng đau thương của chế độ lề luật. Đó là tình trạng một cổ hai tròng. Thánh Phaolô cho thấy rằng người Do thái, nếu cứ dừng lại trong chế độ lề luật, sẽ còn bi đát hơn cả những người không có lề luật.

Nếu nhìn lại bầu khí của Giáo hội Việt Nam, quả thật chúng ta có thể nhận ra còn rất nhiều điều có tính cách cựu ước; và không ít người Công giáo cảm thấy mình sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”.

Nếu không đưa được đứa trẻ “bui đời” về bầu khi “gia đình yêu thương”, thì đứa trẻ ở trong trại, gọi là “giáo dưỡng”, thật ra chỉ bị dằn vặt thêm vì lương tâm tội lỗi mà thôi.

Thiết nghĩ bầu khí “ân sủng” thiết yếu tỏ lộ trong tình trạng “sống với Ai”, khác với tình trạng “sống thế nào”, đây là nét trọng tâm của truyền thống Sách Thánh và được hoàn tất trong đức Giêsu Kitô, Đấng tỏ bày trọn vẹn lòng thương xót của Chúa Cha cho con người.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét