_Lá thư của Cha Tổng quyền Bruno Cadoré về Việc cử hành Phụng vụ các Giờ kinh_
Trụ sở Trung ương
Roma, 31/05/2012_
Anh chị em rất thân mến,
“Anh Henri,[1]anh đi đâu thế?”. “Tôi đi đến nhà Bêtani, anh ấy đáp” (Libellus 75). Chân phúc Giôđanô Saxônia thuật lại : Khi anh Henri rời chỗ trọ của mình, một trong những bằng hữu của anh đã hỏi, anh đi đâu vậy, anh trả lời, “đến Bêtani”. Khi đưa ra câu hỏi, người hỏi đã không hiểu câu trả lời của Henri. Sau này, khi trông thấy Henri vào Bêtani, anh mới hiểu đó là “Ngôi nhà tuân phục”. Chính vào ngày thứ Tư Lễ Tro, các anh Henri, Lêô và Giôđanô gia nhập Dòng, bước vào “Ngôi nhà tuân phục”. Vào lúc ấy, các tu sĩ đang hát kinh Thần vụ, và các anh này đã xuất hiện trước mặt các tu sĩ làm họ rất ngạc nhiên. Các anh trút bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, và thực hiện đúng theo lời các tu sĩ đang hát (Libellus 75). Như vậy, các anh em ấy đã đón nhận ơn gọi Dòng Anh Em Giảng Thuyết trong mầu nhiệm Vượt Qua và cuộc lữ hành hướng đến ngày Phục Sinh; ơn gọi của họ cắm rễ sâu trong việc cử hành phụng vụ cộng đoàn.
Vào đầu “Mùa Thường Niên” sau lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống, dựa theo ý nghĩa biến cố trong đời sống các anh em tiên khởi, tôi muốn gởi đến anh chị em lá thư về việc cùng nhau cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh của chúng ta (CV Rôma 2010, số 79). Tôi không có ý nhấn mạnh đến sự cần thiết việc cùng nhau cử hành Phụng vụ, cũng chẳng nhắm đến việc chúng ta hứa hẹn sẽ thực hiện. Mỗi chúng ta đều đã biết Hiến Pháp cũng như những thư công bố các sách phụng vụ phần riêng của Dòng. Hơn thế nữa, mỗi người chúng ta cũng cảm nghiệm được phần nào thái độ thiếu trung tín trong việc cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ. Khi xây dựng đời sống thường nhật của chúng ta, cá nhân lẫn cộng đoàn, dựa trên việc cử hành cộng đoàn, thì chúng ta đã chọn cách xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn trong thái độ nhẫn nại chứ không phải suy nghĩ chủ quan của mỗi cá nhân. Tôi cũng không muốn nhấn mạnh đến các cách thức cử hành phụng vụ : Qua cuộc thăm viếng các anh em trong Dòng từ hơn một năm rưỡi qua, tôi đã có thể nhận thấy nếu có bao nhiêu hình thức khác nhau, thì cũng chừng bấy nhiêu cách thức mà nhờ đó sự hiệp nhất của một cộng đoàn hay một tỉnh dòng có thể được hình thành tuỳ theo mối quan tâm dành cho việc cử hành phụng vụ. Chúng ta cần có những buổi cử hành được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì chúng ta cùng nhau kín múc được niềm vui trong các buổi cử hành tốt đẹp mặc dù rất đơn giản. Ngược lại, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ngán và căng thẳng khi những cử hành quá nặng nề hoặc do thiên nhiều về hình thức hay tuỳ tiện quá mức. Trong cả hai trường hợp này, trọng tâm của việc cử hành có nguy cơ trệch hướng, bởi chúng ta rời bỏ Đức Kitô để quay về chính bản thân mình.
Tôi muốn đưa ra hai dấu chỉ, tuy đơn sơ nhưng rất nền tảng. Dấu chỉ thứ nhất là phụng vụ cộng đoàn như một chuỗi cột mốc đánh dấu những điều chúng ta muốn đời sống dấn thân cho sứ vụ rao giảng của chúng ta cần đạt đến : Đó là hành trình biến đổi, khởi đi từ Lễ Tro đến Ánh Sáng Phục Sinh, là cuộc vượt qua từ con người cũ sang con người được tái sinh trong ân sủng từ Thần Khí Sự Sống của Đấng Phục Sinh. Dấu chỉ thứ hai nhắc lại thành ngữ được chân phúc Giôđanô thuật lại : việc cử hành phụng vụ cộng đoàn là nơi chúng ta có thể kín múc tận nguồn mạch của sự vâng phục, sự vâng phục đối với mầu nhiệm Lời, Đấng đã đến “ở với” con người để con người “học kết thân với Thiên Chúa”. Việc cùng nhau cử hành Lời đem lại cho chúng ta ân sủng nhờ đó chúng ta được thánh hoá (“Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật, Lời Cha là sự thật” Ga 17,17). Như thế, việc cử hành phụng vụ là nguồn mạch cho lời khấn vâng phục của chúng ta trước lời mời “giảng thuyết”, trước công việc “truyền rao Lời Thiên Chúa” và nhờ đó, trở nên nguồn mạch cho sự hiệp nhất của chúng ta.
Là “Ngôi nhà tuân phục”, việc cử hành phụng vụ mời gọi chúng ta để mình được hướng dẫn, luôn luôn mới mẻ, bởi lời mời gọi hướng đến sự hiệp nhất dưới ba khía cạnh: 1/ Cử hành sự hiệp nhất trong Lời; 2/ Cử hành sự hiệp nhất trong tình huynh đệ; 3/ Cử hành sự hiệp nhất được đón nhận vì ơn cứu độ thế giới.
1. Cử hành sự hiệp nhất trong Lời
Mỗi người chúng ta, một khi đã xác tín mạnh mẽ rằng muốn hiến trao cuộc đời mình cho sứ vụ giảng thuyết của Dòng, thì đồng thời cũng được khích lệ bởi niềm vui là có thể cầu nguyện cùng với anh chị em, có thể lắng nghe Lời cùng với họ và để cho Lời ấy dần dần cư ngụ nơi môi miệng của mình, chúc tụng và cầu xin Đấng không ngừng đến trong tâm hồn con người. Rất thông thường, chúng ta cầu nguyện tại cung nguyện đã được sắp xếp chung quanh một không gian trống ở giữa như thể mở ra, chắc chắn thế, để đón rước Đấng đang đến. Chúng ta đến cung nguyện không phải chỉ để chu toàn bổn phận đã cam kết, nhưng đúng hơn, chúng ta quy tụ nơi cung nguyện để cùng nhau đợi chờ Đấng đang đến, đón tiếp Người, và nhất là để học cách nhận ra Người.
Việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh, được đi lập lại nhiều lần mỗi ngày, phải là cơ hội để chúng ta cùng với anh em, để cho Lời đưa chúng ta ra khỏi chính mình, đến nỗi Lời được chúng ta nắm giữ, đến nỗi Lời chiếm trọn ước muốn trao tặng cuộc sống của chúng ta để làm cho ước muốn đó trở nên tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn mà chính chúng ta không biết phải làm gì. Cuộc cử hành phụng vụ, được lập lại mỗi ngày, mỗi giờ, cho chúng ta can đảm mở lòng lắng nghe Lời, lắng nghe những từ ngữ trong Sách Thánh và những lời cầu nguyện từ truyền thống, giúp chúng ta quen với sự thân mật mà Lời muốn có với chúng ta, để qua những ngôn từ Sách Thánh, chúng ta nhận ra dung nhan của Ngôi Con, Đấng mạc khải chính mình và cũng chính là nguồn mạch của đức vâng phục. Chúng ta luôn cần tìm lại sức mạnh của mình, khôi phục lại tâm hồn mình, và chính trong mầu nhiệm phụng vụ mà chúng ta biết cách thực hiện điều đó hay đúng hơn chúng ta có thể nài xin Chúa thực hiện điều ấy trên chúng ta.
Tuy nhiên, qua việc cử hành phụng vụ, ân sủng tác động như thế nào nơi chúng ta, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn ? Tôi có thể nói rằng, trước tiên, mỗi cuộc cử hành Thần Vụ giúp chúng ta cắm neo đời mình trong những cử chỉ từng được thể hiện khi tuyên khấn. Anh em xin điều gì ? Thưa xin lòng thương xót của Thiên Chúa và của anh em. Ai trong chúng ta lại không còn cảm thấy nôn nao xúc động qua phần đầu giờ Kinh Tối, phần nghi thức làm âm vang lời cầu xin trước khi tuyên khấn, lúc mà mỗi người chân thành đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, được thúc đẩy bởi khao khát chân thành hiện diện trước anh em, đồng thời nhận được sự bảo đảm về lòng thương xót và ơn tha thứ giúp cho mình có đủ can đảm để ngước mắt nhìn ? Hơn nữa, mỗi giờ kinh lại chẳng khởi đầu với lời cầu xin sự trợ giúp của Đấng mà chỉ có một mình Người mới có thể nâng đỡ đời sống, tình huynh đệ và việc giảng thuyết của chúng ta hay sao? Tất cả chúng ta đều biết, thỉnh thoảng có những ngày chúng ta chẳng dám tự hào, có những ngày chúng ta mong được trở nên ngay chính hơn, thân mật hơn, ân cần hơn, mong bớt đi những tự mãn, và từ đó chúng ta không mong chờ gì nữa từ Chúa. Đó là những ngày mà chúng ta không thể phối hợp lòng nhiệt thành lúc ban đầu, tính triệt để của lời đáp trả và lòng quảng đại trao tặng chính mình. Việc cầu nguyện theo các giờ, hay “thánh hoá các thời khắc” là hành vi đức tin, mặc dù chúng ta có những nhược điểm, thì vẫn không bao giờ thiếu vắng sự Hiện Diện của Thiên Chúa. Đây chính là sự bảo đảm để chúng ta cử hành hết vinh tụng ca này đến vinh tụng ca khác, hết lượt cúi mình này đến lượt cúi mình khác. “Mời anh em đứng” là lời đáp cho chúng ta lúc tuyên khấn. Có lẽ chân phúc Giôđanô cũng đã nghe lời ấy : “Mời anh em đứng và cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới”.
Trực giác của những người trẻ đang đi đến nhà Bêtani chỉ ra cho chúng ta con đường đã được mở ra vào ngày chúng ta tuyên khấn, mang hình ảnh con đường đưa chúng ta đến Vượt Qua. Việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh khắc ghi mầu nhiệm Vượt Qua này vào mỗi ngày sống rất đỗi bình thường và tẻ nhạt của chúng ta, bao bọc lịch sử cá nhân của chúng ta trong một thời gian vượt quá chúng ta, nhưng lại sinh ra chúng ta. Đó là “thời gian” của lời kết hứa giao ước, của việc lắng nghe Sách Thánh và ca vang Thánh Vịnh, những bài ca đem lại cho chúng ta lời lẽ để uốn nắn và được uốn nắn qua Đấng hiện diện luôn ngỏ lời với chúng ta trong mọi khoảnh khắc, khiến chúng ta có thể đáp trả lời mời gọi ấy. Đó cũng là “thời gian” hiện diện của Đức Kitô, được nhận ra nhờ chứng từ của những nhân chứng đầu tiên về sự hiện diện và mầu nhiệm của Người. Đó cũng là thời gian của nhân loại, khi nhận ra Chúa, đã dám cùng với hai môn đệ Emmau nài xin Người ở lại với họ. Chúng ta cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh ngày này sang ngày khác, theo trình tự của mỗi ngày, chính là để thời gian của chúng ta được nên hiện thực, được kiên vững, được sự hiện diện của Người nắm giữ và trở nên nơi chốn làm âm vang lại mầu nhiệm này. Mặc lấy con người mới, cách tốt nhất là để cho mầu nhiệm Đức Kitô thế chỗ cho trang phục của con người cũ.
Chúng ta biết, theo truyền thống của Dòng (và Hiến Pháp đòi hỏi), đang khi cử hành giờ kinh, anh em cử hành Thánh Thể và cử hành các giờ kinh chung trong Thánh Lễ Tu Viện. Cần phải xem xét lại tính chất bắt buộc của đòi hỏi này, điều mà phần đông trong anh em chúng ta muốn nhấn mạnh khi giảng tĩnh tâm trong các cộng đoàn tu trì : cộng đoàn huynh đệ bén rễ, tìm được sức mạnh và niềm vui trong việc cử hành Lễ Tạ Ơn cùng với nhau. Do sứ vụ của mình, anh em có thể phải cử hành thánh lễ tại giáo xứ của anh em, với nhóm này hay nhóm nọ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc cử hành thánh lễ cộng đoàn, trước hết không phải là một điều có thể cho những anh em chưa dâng lễ trong ngày, nhưng là lời mời gọi khẩn thiết tới từng anh em dù là linh mục hay không, phải đón nhận đời sống, đón nhận ân ban của chính Chúa trong việc chia sẻ Thánh Thể với anh em. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con… xin giải thích Sách Thánh cho tất cả chúng con, xin làm cho lòng chúng con bừng cháy và nhẫn nại bước theo Người trên hành trình tông đồ. Xin giúp chúng con biết nhẫn nại mà chân thành sống với nhau, làm cho việc giảng thuyết của chúng con bén rễ trong sự hiệp nhất của cộng đoàn anh em ngày ngày đón nhận Tấm bánh được bẻ ra cùng Chén rượu chia sẻ.
2. Cử hành sự hiệp nhất trong tình huynh đệ
Việc cử hành các giờ kinh phụng vụ phải trở nên một biến cố trong tình huynh đệ. Trải qua bao năm tháng, bao thế kỷ, có lẽ việc cử hành phụng vụ đã từng bước mang hình hài của việc tuân giữ lề luật, một nét trong đời sống thường ngày mà chúng ta cam kết bước vào, một lễ nghi chính thức mà phải hoàn thành như thể một trong những công việc phải làm mỗi ngày. Tuy nhiên khi cử hành Các Giờ Kinh thì đó là tiếp cận với mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành, khi ấy, không phải là chúng ta thực hiện một nghi thức hay chu toàn một bổn phận (đọc kinh Thần vụ của mình) hay bổn phận lễ nghi (khi đặt thi hài của người anh em mới qua đời ở giữa chúng ta trong cung nguyện để chờ ngày mai táng, thì không hẳn là để anh ấy lưu lại với chúng ta lâu hơn cho bằng là để Đấng ấy đến đem anh ấy vào cuộc Vượt Qua của Người). Chính Mầu Nhiệm Vượt Qua phải thúc bách chúng ta cử hành thần vụ, chính mầu nhiệm đời sống luôn được canh tân phải làm cho chúng ta kiên trì với cuộc gặp gỡ này, chính niềm vui của tình huynh đệ được đóng ấn trong việc chia sẻ tiệc Thánh Thể sẽ quy tụ chúng ta lại để cùng nhau cử hành niềm hy vọng chờ đợi Lời Cứu Độ.
Về cơ bản, chúng ta cử hành Lời đang đến như huyền nhiệm, nguồn mạch và nền tảng cho tình huynh đệ của chúng ta. Việc cùng nhau quy tụ tại cung nguyện nhiều lần trong ngày lại không giúp chúng ta có khả năng nhớ lại về mầu nhiệm ân sủng khôn dò đó sao ? Người đến ngỏ lời với thế gian, với chúng ta, và ban cho chúng ta sức mạnh cũng như lời lẽ để đến lượt mình, chúng ta dám ngỏ lời với Người. Hãy rũ bỏ những “diễn từ”, những khôn ngoan của mình, cũng như tất cả những gì chúng ta tưởng mình thấu hiểu và để Người nói. Chính vì vậy nhiều lần trong ngày, chúng ta phải phải suy ngắm mầu nhiệm tìm thấy Chúa trong Đền Thờ : chỉ có Người là thầy dạy giải thích những ý nghĩa trong Sách Thánh ! Việc cử hành phụng vụ là sợi dây nối kết những ngày sống của chúng ta, trên đó có khắc ghi hàng chữ: “Lời Cha là sự thật, xin Cha thánh hiến họ”; đó là việc thánh hiến mà chúng ta nhắc nhở lại cho nhau, trong đó chúng ta chịu đựng lẫn nhau và trao tặng cho nhau. Theo truyền thống, Phụng Vụ Các Giờ Kinh thánh hoá những khoảng thời gian cho Thiên Chúa ; khi lập lại và kéo dài những thời khắc ấy, phụng vụ thánh hoá “thời gian” nội tâm của con người cho sự thật, là Lời đang đến.
Chính trong lối nhìn này mà Hiến Pháp mời gọi chúng ta đặt nền tảng cộng đoàn trên việc cùng nhau cử hành phụng vụ Thánh Thể (SHC 3). Cách riêng, dù chúng ta ưa thích kinh giờ một hay giờ kinh sáu, dù chúng ta cảm thấy chán nản với kinh giờ ba và kinh giờ chín vì lý do tông đồ hay cá nhân, thì vẫn là một giờ luôn sinh lợi, khi mà đó là khoảng thời gian để kín múc sức mạnh và niềm vui từ nguồn mạch sự sống được trao tặng, để rồi đến lượt mình chúng ta lại trao ban sự sống đã đón nhận với lòng kiên định luôn ước mong trao ban ơn cứu độ cho muôn người. Hẳn nhiên, lúc nào cũng có những người muốn biện bạch cho những ý kiến ngược lại, chẳng hạn như số thánh lễ phải cử hành tại một số nơi có hoạt động tông đồ và mục vụ, hay như tập tục lễ nghi mà đương sự muốn cử hành. Dòng đặt nền trên việc cùng nhau cử hành mầu nhiệm, là trọng tâm của mọi mầu nhiệm và là điều khiến chúng ta phải dứt khoát từ bỏ mọi cám dỗ của chủ thuyết tương đối, vốn luôn đề cao những công việc riêng hoặc những sở thích riêng vượt trên những nhu cầu của nền tảng cộng đoàn này. Có một mối hiệp nhất giữa việc cử hành Phụng Vụ - tức là thánh hoá các thời khắc - và việc cử hành Thánh Thể là nền tảng cho sự hiệp thông. Cũng có một sự hiệp nhất, trong tiến trình của đời sống tông đồ, giữa việc giảng thuyết trên mọi nẻo đường dương thế và việc phục vụ trần gian trong đức ái. Có một sự hiệp nhất sâu xa, và chính điều này làm cho chúng ta sống, giữa việc cử hành các giờ kinh phụng vụ, việc đối thoại tông đồ và việc chuyên cần học hành, vì thế chúng ta luôn phải tỉnh thức để có thể nhận ra và đón tiếp Ngôi Lời đang đến. Khi cùng nhau theo đuổi đời sống hiệp nhất này, chúng ta cử hành nơi mình sự hiện diện của Đấng mà nhờ danh Người chúng ta ước mong bày tỏ niềm hy vọng cứu độ.
3. Cử hành sự hiệp nhất được đón nhận vì ơn cứu độ thế giới
Khi chúng ta cùng nhau quy tụ để và qua việc cử hành phụng vụ, không chỉ một mình Đức Kitô đến mà cả thế giới cũng bước vào. Thật vậy, việc cử hành phụng vụ là thời khắc để chúng ta lấy tình huynh đệ mà vun đắp cho nhau lòng yêu mến đối với thế giới. Chúng ta vẫn nói thánh Đa Minh là người chỉ nói về Chúa hay với Chúa, nói với Chúa về con người và nói cho mọi người về Chúa. Chúng ta vẫn nói về thánh Đa Minh là người không ngừng chuyển cầu cho nhân loại. Việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh là nơi chốn trổi vượt để các cộng đoàn dâng lên trước nhan Chúa những ước nguyện của toàn thế giới, một thế giới mà chúng ta được gởi đến với danh nghĩa là những nhà giảng thuyết.
Chúng ta đã mang lấy những ước nguyện đó khi sử dụng lại những Thánh Vịnh, những lời lẽ diễn tả rất xác đáng về những ước vọng của con người, về những khát khao ơn cứu độ, và cả những sự không hiểu biết về những gì làm nên lịch sử của họ. Chúng ta mang nơi mình những khát vọng của thế giới bởi vì khi hát Thánh Vịnh, chúng ta biến lịch sử của dân tộc được Thiên Chúa chọn trở thành dân thuộc về Người nên lịch sử của chúng ta, và như thế trong trần gian này, chúng ta trở nên dấu chỉ cho lời hứa là thế giới có thể trở thành một “thế giới thuộc về Chúa”. Liệu có thể nói rằng đang khi ca hát lịch sử của dân thuộc về Thiên Chúa ngay giữa lòng thế giới, chúng ta mở ra một kẽ hở giữa lịch sử đương đại, nhờ đó chúng ta có thể ngước mắt nhìn vượt ra khỏi điều được coi như một định mệnh đã được niêm phong, vượt lên trên điều dường như là sự bế tắc hay sự cản trở vô lý nhưng lại có tính quyết định trong bước tiến của nhân loại ? Chúng ta ca vang lời hứa về một Sự Hiện Diện và một Sự Xuất Hiện vốn không chấp nhận những giới hạn theo lối nhìn của con người, nhưng lại lấy Ánh Sáng của lời hứa vĩnh cửu để soi chiếu trên những hoàn cảnh thường ngày. Từ giờ này sang giờ kia, ca hát phụng vụ là làm vang lên trong thế giới ồn ào này niềm xác tín rằng thế giới đã được cứu. Vì thế, đối với những người giảng thuyết, việc đọc kinh Thần vụ chính là đặt mình từ giờ này sang giờ kia dưới dấu chỉ làm sinh động việc tận hiến cho Lời của chúng ta, đó là khát vọng ơn cứu độ cho thế giới.
Dĩ nhiên, chúng ta còn mang lấy những khát vọng của thế giới qua lời chuyển cầu vốn rất đỗi quan trọng trong truyền thống của chúng ta. Khởi từ tiếng kêu than của thánh Đa Minh “những tội nhân này rồi sẽ ra sao ?”, quả thật, lời chuyển cầu là nét đặc trưng trong truyền thống linh đạo và truyền thống cầu nguyện của chúng ta. Chọn lựa đời sống tông đồ cũng hàm chứa nơi mình như một hệ quả rằng chúng ta phải biến thành của mình những giọt lệ và niềm vui của thế giới, những hy vọng và chán nản, những điều xác tín và những mối hoài nghi. Cũng như việc tận hiến cho Lời mời gọi chúng ta để cho Lời chiếm giữ cuộc đời của mình, thấm qua cuộc đời và nâng cuộc đời chúng ta lên với Chúa Cha, thì định mệnh được chia với thế giới cũng phải cư ngụ nơi chúng ta, mời gọi chúng ta không ngừng hướng đến những nhận thức mới mẻ về Lời Hứa, giúp chúng ta hướng nhìn lên Chúa Cha để dâng lên Người những trông mong và những nhu cầu của nhân loại. “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con” (Ga 17,20). Đây là tác động hai chiều, một bên là để cho Lời nắm giữ, một bên là thưa với Thiên Chúa bằng lời lẽ nhân loại, tức là Lời có thể làm vang vọng lại mối quan tâm của Đức Kitô về thế giới; tác động hai chiều này làm cho chúng ta “đồng hình” với Đấng đã mở ra con đường đời sống tông đồ. Chỉ có điều này và chính điều này mà chúng ta mới có thể công bố Lời Thiên Chúa cho một thế giới, trong đó chúng ta mong muốn được thánh hiến, đồng thời lại thưa với Thiên Chúa những lời của thế giới, những hy vọng và những nhu cầu của họ. Đôi khi, chúng ta hơi rụt rè trong lời chuyển cầu hay còn khá hình thức : Đáng ra chúng ta phải dám dấn thân hơn nữa trong việc chuyển cầu vốn là nét thiết yếu nơi “trường tâm linh” của thánh Đa Minh, bởi lẽ, đó là lời cầu nguyện của chính Đấng mà thánh nhân đã muốn dõi theo như một nhà giảng thuyết.
Thánh Đa Minh đã yêu cầu anh em cử hành Các Giờ Kinh cách công khai. Thế nên, như sợi chỉ xuyên suốt từng ngày, các cộng đoàn của chúng ta được mời gọi làm cho lời cầu nguyện của mình vươn tới các chiều kích của thế giới, để làm vang vọng trước nhan Thiên Chúa những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và chán nản của loài người. Vì thế việc cử hành phụng vụ là phần phải có trong sứ vụ truyền giảng Tin mừng của chúng ta (“mở mang Giáo Hội đến tận cùng cõi đất”), là một chiều kích của trách vụ rao giảng của chúng ta. Tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu lạ lùng Người đã ban cho nhân loại và vì tình thương ấy Người vẫn không ngừng trợ đỡ công trình tạo dựng của Người. Chúng ta khiêm nhường đón nhận ân sủng Thiên Chúa đã ban để có thể làm trung gian cho thế giới, thưa với Người tâm tư của những ai tín thác vào lời cầu nguyện của chúng ta. Nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta dám cam kết đời mình để khẩn cầu ơn cứu độ cho thế giới. Qua lời chuyển cầu, chúng ta dám tin rằng, ngày qua ngày, bất chấp những lời cầu vụng về và những bất xứng của chúng ta, Thần Khí vẫn làm cho chúng ta nên đồng hình với Chúa Con khi cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con…” (Ga 17,24). Từ nền tảng, phải nỗ lực không ngừng để khám phá ra rằng việc cử hành các giờ kinh phụng vụ, qua việc để cho thế giới tràn vào lời cầu nguyện, lại là cơ hội mỗi ngày để tạ ơn vì sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa, Đấng đã đi vào thế giới. Thế nên, chẳng phải chúng ta được thiết lập như một cộng đoàn những nhà giảng thuyết nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng luôn nhẫn nại uốn nắn chúng ta theo hình ảnh của Đấng mà chỉ mình Người là Nhà Giảng Thuyết hay sao ? Hãy để cho Người đem lời cầu nguyện vụng về của chúng ta lên tới Chúa Cha và để cho Người khắc ghi nơi chúng ta lòng ước ao ơn cứu độ cho những ai mà chính Người đã trao ban sự sống, và cho những ai mà đến lượt mình, chúng ta lại muốn trở nên những nhà giảng thuyết cho họ theo cách thế của mình.
Và giờ đây, cùng với Người, mỗi ngày hãy tiến về lễ Vượt Qua và khẩn cầu Chúa Thánh Thần để giảng thuyết.
Lễ Đức Mẹ đi viếng, 31.05.2012
Tu sĩ Bruno Cadoré, O.P.
Tổng Quyền
Dòng Anh Em Giảng Thuyết
---------------
[1] X. Tiểu sử của anh Henry Utrecht (hay Cologne), Những Môn Đệ Tiên Khởi Của Thánh Đa Minh, quyển 2, Dg. HVĐM, Tr. 174.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét