Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

BÀI 6: SEQUELA CHRISTI THEO THÁNH ĐAMINH

Các bài giảng tĩnh tâm của linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP cho Tu viện Mân Côi và Anbetô năm 2011: Dẫn nhập - Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6 

Trong những bài vừa qua, chúng ta đã theo dõi những đề tài then chốt của đời sống tận hiến Kitô giáo, dựa theo các bản luật cổ điển của Cassianô, thánh Augustinô, thánh Biển đức. Chúng ta cũng đã theo dõi ảnh hưởng của các tác giả đó đối với dòng Đaminh. Hôm nay chúng ta kết thúc tuần tĩnh tâm vào dịp áp lễ thánh Augustinô, vì thế thật là thích hợp để nêu lên hai câu hỏi: 1/ Luật thánh Augustinô đã ảnh hưởng như thế nào đối với ơn gọi Đaminh? 2/ Đâu là những nét đặc trưng của lý tưởng tận hiến của Dòng Đaminh? Trước hết, chúng ta hãy ôn lại vài nét đại cương về tu luật thánh Augustinô.

I. Luật thánh Augustinô

Trong tiếng Việt, chúng ta dùng một danh từ “luật lệ” để dịch nhiều từ ngữ trong tiếng Latinh: lex (law tiếng Anh: luật của Chúa, luật thiên nhiên, luật nhà nước), ius (tiếng Anh không có; tiếng Pháp là droit, nghĩa là cái gì ngay thẳng, đối tượng của công lý: ius canonicum); regula (tiếng Anh là rule, cái thước để đo). Luật của các dòng tu là regula, chứ không phải là lex hay là ius, có lẽ vì muốn nói đến quy chuẩn để đo lường những hành vi của các tu sĩ, nhờ đó biết được cái gì đứng đắn và cái gì lệch lạc.

A. Lịch sử

Thánh Augustinô không phải là tổ phụ của một Dòng tu, nghĩa là ngài không sáng lập một dòng tu nào hết! Ngài chỉ gầy dựng vài cộng đoàn thân hữu thôi. Sau khi trở lại đạo và lãnh bí tích rửa tội tại Milano năm 387, Augustinô (lúc ấy 32 tuổi) trở về sinh quán Thagaste và thiết lập một cộng đoàn thân hữu tại đây, có lẽ ở ngay tại nhà riêng của mình. Năm 391, sau khi thụ phong linh mục cho giáo phận Hippo, cha xin phép giám mục cho phép thiết lập một cộng đoàn ngay tại Hippo; đó là cộng đoàn thứ hai. Bốn năm sau đó, khoảng năm 394/5, cha được cử làm giám mục Hippo và ngài lập một “đan viện” ngay tại toà giám mục, dành cho các linh mục (monasterium clericorum). Như vậy là thánh Augustinô đã lập ba cộng đoàn: a) một cộng đoàn gồm các giáo dân, khi mình còn là giáo dân ở Thagaste; b) một cộng đoàn giáo dân khi mình đã làm linh mục; c) một cộng đoàn linh mục khi mình là giám mục. Đó là chưa kể một cộng đoàn nữ tu được thành lập tại Hippona, do em gái (hay chị?) của ngài làm bề trên, và ngài đã viết cho họ 2 lá thư (thư 210 và 211).

Câu hỏi: thánh nhân đã viết bản luật cho ai? Ít là có hai ý kiến chính. 1/ Ý kiến cổ truyền: xưa nay, người ta cho rằng ngài viết cho cộng đoàn các nữ tu, rồi sau đó sửa lại câu văn để áp dụng cho nam giới. 2/ Vào giữa thế kỷ XX, các sử gia lật ngược ý kiến, đó là ngài đã viết bản luật cho cộng đoàn nam giới, và cụ thể hơn nữa là cộng đoàn các giáo dân ở Hippona (Regula ad servos Dei), chứ không phải dành cho cộng đoàn các linh mục sống tại toà giám mục.

Sau khi thánh nhân qua đời và miền Bắc Phi rơi vào tay người Hồi giáo, người ta không còn thấy vết tích gì của các cộng đoàn của thánh Augustinô nữa. Tuy nhiên, bản luật của thánh nhân thì tồn tại lâu hơn.

Nguồn gốc của Dòng Augustinô hiện nay bắt nguồn từ thế kỷ XII từ một nhóm ẩn sĩ ở miền Trung Italia, và được đức giáo hoàng Alêxanđrô IV quy tụ thành một Dòng mang tên là Ordo eremitarum sancti Augustini (năm 1256). Dần dần họ tham gia vào việc giảng thuyết, và trở thành dòng hành khất thứ ba (sau dòng anh em Giảng thuyết và dòng anh em Hèn mọn). Dòng thánh Augustinô cũng đã trải qua nhiều cuộc cải tổ và phân rẽ, khiến cho ngày nay Dòng có ba nhánh: 1/ OSA; 2/ OAR (Ordo Augustianorum Recollectorum), ngành này đã hoạt động tại Bắc Bộ hồi thế kỷ XVIII và gây xính mích không nhỏ với các cha Đaminh Tây-ban-nha; 3/ OAD (Ordo Augustiniensium Discalceatorum).

Mặt khác, trước đó, theo lệnh của công đồng Latêranô II (năm 1139), nhiều cộng đoàn kinh sĩ (ordo canonicorum) cũng áp dụng luật thánh Augustinô. Trong số các Dòng kinh sĩ được thành lập vào thế kỷ XII, nổi tiếng nhất là dòng Prémontrés của thánh Norbertô.

B. Vài đặc trưng của tu luật thánh Augustinô

Bản văn tương đối ngắn ngủi, mang hình thức của một lá thư hơn là của một bộ luật, và bàn về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống cộng đoàn. Các học giả đã đưa ra nhiều cách phân chia chương mục. Các tác giả cận đại chia làm 8 chương (sách Hiến pháp của Dòng cũng dựa theo tiêu chuẩn đó): 1/ Nền tảng của đời sống chung: đặt tài sản làm của chung. 2/ Cầu nguyện. 3/ An uống. 4/ Giữ gìn ngũ quan và đức khiết tịnh. Sửa lỗi huynh đệ. 5/ Tóm lược. Việc sử dụng tài sản: áo quần, sách vở, tắm rửa, bệnh tật. 6/ Tương quan huynh đệ, sự tha thứ. 7/ Sự vâng lời và bề trên. 8/ Kết luận.

Đâu là những tư tưởng chủ chốt? Dĩ nhiên, mỗi tác giả có một lối nhìn riêng của mình. Chúng ta trích dẫn một tác giả của dòng Augustinô làm thí dụ, cha Tarcisius Van Bavel1, trước khi bước sang các tác giả của Dòng Đaminh. Tác giả nêu bật hai điểm: quan điểm cộng đoàn và tinh thần bản luật.

1/ Quan điểm về cộng đòan. Ngay từ những hàng đầu, thánh Augustinô đã bày tỏ ý định muốn tổ chức một cộng đòan “tông đồ”, nghĩa là:

a/ cộng đoàn họa theo khuôn mẫu của cộng đòan nguyên thủy tại Giêrusalem nói ở sách Tông đồ công vụ (Cv 4,32b.32c.35b: đồng tâm hiệp ý trong đức ái, chung tài sản);

b/ hướng về hoạt động tông đồ (các đan sĩ là giáo sĩ, và thi hành các công tác mục vụ). Đây là điểm khác với các cộng đòan đan tu khác, chỉ lo tu thân tích đức. Giữa đời sống đan tu với đời sống giáo sĩ có những liên hệ hỗ tương: đời đan tu hướng đến sinh họat giáo sĩ (các đan sĩ chuyên về học hành và giảng thuyết); đối lại, công tác giáo sĩ được nâng đỡ nhờ nếp sống cộng đòan đan tu: vix monachus bonus facit bonum clericum.

c/ tinh thần đồng trách nhiệm (bề trên không phải là “cha” abbas dẫn đàng thiêng liêng, nhưng chỉ là người điều hành các phần tử hướng về lý tưởng chung).

2/ Tinh thần bản luật

a/ Động lực quy tụ các phần tử là yếu tố siêu nhiên, được diễn tả ngay từ đầu như là “đi tìm Thiên Chúa” (sit vobis anima una et cor unum in Deum: c.I). Thiên Chúa là đích điểm của hành trình: đây là một tư tưởng then chốt của linh đạo Augustinô. Tâm hồn của con người luôn khắc khỏai đi tìm hạnh phúc, và duy chỉ có Thiên Chúa mới mang lại cho nó sự yên hàn. Nhưng đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng đang hiện diện trong mỗi người anh em như trong đền thờ (Omnes ergo unanimiter et concorditer vivite, et honorate in vobis Deum invicem, cuius templi estis: c.I, cuối).

b/ Nhân đức bác ái là luật tối cao và hồn của mọi tương quan giữa các phần tử. Xin miễn nhấn mạnh đến điều này bởi vì quá rõ. Chỉ xin ghi nhận rằng trong cộng đoàn này, thánh Augustinô nhấn mạnh đến tình huynh đệ kể cả trong tương quan đối với bề trên (mang danh là thủ trưởng, praepositus, chứ không phải là viện phụ, abbas).

c/ Riêng về việc tuân hành kỷ luật, thánh Augustinô không ngừng nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm, chứ không phải chỉ bôi bác bên ngòai. Điều này không những chỉ áp dụng đến việc “giữ gìn con mắt khi đi đường” (đừng liếc ngang liếc dọc, tưởng rằng không ai biết, c.VI), nhưng thậm chí cả trong khi cầu nguyện (miệng đọc thì tâm suy: c.2). Phải giữ luật vì yêu thích vẻ đẹp tinh thần chứ không vì sợ hãi (c.VIII).

II. Luật thánh Augustinô với Dòng Đaminh

Khi tuyên khấn, chúng ta đã tuyên bố rằng mình sẽ vâng lời bề trên theo tu luật thánh Augustinô và hiến pháp Dòng Anh em Thuyết giáo. Chúng ta đã biết tầm quan trọng của Sách Hiến pháp. Còn luật thánh Augustinô có giá trị gì không?

Hồi còn ở nhà tập, tôi được học rằng khi sang Rôma xin phê chuẩn Dòng Anh em Giảng thuyết, thánh Đaminh đã bị Đức Thánh Cha từ chối, bởi vì công đồng Latêranô IV vừa mới quyết định cấm lập Dòng mới. Tuy nhiên, vì là một luật gia cho nên đức thánh cha Innocentê III tìm cách lách luật, và hiến cho thánh Đaminh một diệu kế: đó là chọn một bản luật cổ điển làm bình phong, rồi sau đó viết thêm nội quy riêng của mình. Cha Đaminh về triệu tập anh em để chọn lựa giữa hai bản luật thông dụng vào thời đó: luật thánh Augustinô và luật thánh Biển-đức. Anh em đã chọn luật thánh Augustinô, vì thấy nó lỏng lẻo, nhờ đó dễ thích ứng với những hoàn cảnh của Dòng mới.

Đó là quan niệm vẫn được truyền tụng từ nhiều thế kỷ trong anh em Đaminh, theo đó luật thánh Augustinô chỉ là cái bình phong chứ chẳng ảnh hưởng đến nếp sống của chúng ta hết. Đặc trưng của Dòng được diễn tả trong bản Hiến pháp. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng quan niệm đó không đúng2. Thánh Đaminh đã chọn tu luật thánh Augustinô không phải vì bất đắc dĩ, không thể làm khác hơn, nhưng vì ý thức giá trị của nó. Thực vậy, đối với cha Đaminh, bản luật của thánh Augustinô không còn xa lạ gì nữa, bởi vì cha đã tuân giữ bản luật đó từ khi gia nhập hàng kinh sĩ Osma. Dù sao tu luật thánh Augustinô đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tinh thần của Dòng Đaminh, như ta có thể thấy qua chứng từ của chân phước Humbertô Romans và trong Hiến pháp hiện hành.

A. Cha Humbertô Romans

Là vị Tổng quyền thứ 5 của dòng (1254-63), - tiếp theo thánh tổ phụ, chân phúc Giorđanô (1222-37), thánh Raymunđô (1238-40), Gioan Teutônicô (1241-52), - cha Humbertô đã viết một cuốn chú giải tu luật thánh Augustinô khi còn là giám tỉnh Pháp (1248-54). Ngày từ đầu, cha đã giải thích lý do vì sao Dòng đã chọn bản luật này.

Trước hết, bản luật này đáng được trân trọng vì lý tưởng bác ái và hoà thuận nhất trí (unanimitas), sự quân bình và chừng mực. Nhiều bản luật áp đặt nhiều kỷ luật về thân xác, nhưng thánh Augustinô nhấn mạnh đến các hành vi tâm linh, chẳng hạn như: lòng mến Chúa yêu người, đồng tâm nhất trí. Bản luật này duy trì sự trung dung bình giữa hai thái cực hoặc là quá nhiều hoặc là quá ít điều bó buộc, và sự trung dung là chuẩn mục của nhân đức.

Cách riêng luật thánh Augustinô thích hợp cho dòng Đaminh vì những điểm sau đây:

1/ Luật khuyến khích việc học hành, khi quy định về việc mượn sách
2/ Luật chuẩn bị các nhà giảng thuyết, như đã đào tạo chính thánh Đaminh
3/ Luật đề cao các thánh tông đồ làm mẫu gương sống.
4/ Luật uyển chuyển để có thể thêm vào những đặc trưng, vì thế thánh Đaminh đã thêm vào việc tuân giữ khó nghèo như điều kiện căn bản để cho nhà giảng thuyết sống đầy đủ hơn nếp sống tông đồ.

Cha Humbertô kết luận rằng luật thánh Augustinô là nền tảng pháp chế của Dòng, còn sách Hiến pháp và các tục lệ khác chỉ là những lời khuyên thêm vào. Điều đáng tiếc là người ta chỉ nghĩ đến các điều phụ thêm mà lại bỏ cái nền tảng, và như vậy đáng bị khiển trách như Chúa đã la nhóm Biệt phái: “Các ông đã bỏ luật truyền của Chúa mà tuân giữ truyền thống của con người” (Mc 7).

B. Hiến pháp hiện hành

Như đã nói, trong quá khứ, người ta ít quan tâm đến tầm quan trọng của luật thánh Augustinô, phần nào có lẽ tại vì người ta chỉ dừng lại ở các chi tiết mà bỏ qua dự phóng tổng quát của bản luật.

Hiến pháp hiện hành đã thay đổi quan điểm, và đã dành vị trí nổi bật cho Tu luật thánh Augustinô, theo nghĩa là lấy tư tưởng của ngài làm chìa khóa giải thích tất cả phần thứ nhất của sách LCO bàn về nếp sống của anh em. Tất cả các yếu tố trong phần này được đều xoay quanh tư tưởng chủ yếu mà luật thánh Augustinô đã nêu bật: sự đồng tâm nhất trí.

Luật thánh Augustinô đã mở đầu bằng lời nhắc nhở về đời sống chung: “Anh em rất thân mến, trên hết mọi sự, chúng ta phải kính mến Thiên Chúa, rồi yêu thương tha nhân, vì đó là những lệnh truyền được ban cho ta một cách chính yếu”. Đây là mục tiêu cuộc đời cho tất cả các Kitô hữu, và khỏi cần phải soạn một tu luật. Nhưng bản tu luật được viết ra nhằm cho các anh em đoàn tụ trong đan viện (in monasteriis constituti; đối với thánh Augustinô là monasteria, còn đối với chúng ta là “Dòng”, Ordo): “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết (primum) là để anh em sống đồng tâm nhất trí (unanimis) trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý (cor unum et anima una), hướng đến Thiên Chúa” (in Deo, in Deum). Thánh Augustinô trích dẫn ba đoạn Kinh thánh để củng cố cho tư tưởng của mình (Tv 132, 1; Tv 67, 7; Cv 4, 32) và thêm cụm từ “hướng đến Thiên Chúa”.

Cha Humbertô lưu ý rằng tự nó sự đồng tâm nhất trí chưa phải là điều tốt. Người ta có thể nhất trí với nhau để lập một băng đảng cướp, và đó là điều xấu. Còn chúng ta đi tìm sự nhất trí trong Chúa (in Deo), và vài bản còn viết “in Deum”, hướng tới Chúa: Thiên Chúa là động lực của sự quy tụ, đồng thời cũng là đích điểm mà ta nhắm đến. Khi chúng ta kết hợp với Chúa thì chúng ta cũng trở nên một với nhau. Ngược lại, nếu chúng ta không hợp nhất với Chúa thì sinh ra năm bè bảy mối trong cộng đoàn.

Cha Humbertô nói đến ba thứ nhất trí (unanimitas) hoặc hoà thuận: trong hành động, trong lời nói (lời chúc tụng Chúa), trong con tim. Ba điểm này dựa theo Rm 15,6-7: “Xin Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. a) Hòa thuận trong hành động có nghĩa là hợp lực để làm một việc chung; b) hoà thuận trong tiếng nói khi cùng chung cất lời thờ phượng Chúa; c) hòa thuận trong con tim có nghĩa là chia sẻ những tâm tình. Hai điểm đầu đặt nền tảng ở trên điểm thứ ba.

Xét vì luật thánh Augustinô đặt đời sống chung và sự hòa thuận như là mục tiêu tiên khởi, cho nên Hiến pháp sau công đồng Vaticanô II cũng đặt đời sống cộng đoàn ngay ở chương đầu.

Đây là một sự cách mạng trong thần học đời tu, bởi vì các dòng khác bắt đầu bằng ba lời khấn, rồi mới đến đời sống cộng đoàn (được coi như yếu tố tuỳ thuộc); còn dòng Đaminh thì đặt đời sống cộng đoàn ở trên cùng, và coi đó như là nền tảng của đời sống tu trì. Đây là quan điểm độc đáo của Dòng Đaminh về nếp sống tu trì.

Sách Hiến pháp số 3 lấy lại tư tưởng của chân phúc Humbertô khi lấy các yếu tố chính yếu của đời sống Đaminh xoay quanh cái trục là đời sống chung:

“3. §1: Như trong Hội thánh của các tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta cũng phải đặt nền, xây dựng và củng cố trong cùng một Thánh Thần, trong Người, chúng ta đón nhận Ngôi Lời bởi Thiên Chúa Cha bằng một đức tin, chúng ta chiêm ngưỡng bằng một tâm hồn và chúng ta ca tụng bằng miệng lưỡi; trong Người chúng ta trở nên một thân thể và thông phần cùng một Bánh, sau hết, trong Người, chúng ta để mọi sư làm của chung và được cắt cử vào cùng một công việc loan báo Tin Mừng.

§II: Vì đã lấy đức tuân phục để đồng thuận, lấy kỷ luật của đức thanh khiết để liên kết bằng một tình yêu cao hơn, lấy đức thanh bần lệ thuộc nhau khăng khít hơn, thì anh em hãy xây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa trong chính tu viện mình, trước khi dùng các công việc của mình mà mở rộng giữa thế gian”.

Nên lưu ý là triệt Một nói đến những nguồn mạch siêu nhiên nuôi dưỡng đời sống chung (Thánh Linh, chiêm niệm, cầu nguyện, phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể). Triệt Hai nói đến những nguồn mạch do nếp sống tu trì.

III. Sequela Christi của thánh Đaminh3

Công đồng Vaticanô II đã giải thích lý tưởng của đời tu trì là “đi theo Chúa Kitô” (sequela Christi). Tuy nhiên, các bản chú giải Công đồng thường giải thích cụm từ sequela Christi theo chiều hướng là tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Tiếc rằng đây là một cái nhìn thiển cận, bởi vì không thể nào giới hạn việc đi theo Chúa Kitô vào việc tuân giữ ba lời khuyên vừa nói (thế còn: khiêm nhường, hiền lành, cầu nguyện thì sao?). Như đã nói trong bài thứ hai, các giáo phụ đã giải thích các lời khuyên Phúc âm theo một nghĩa khác (nhiều hơn là ba), và công thức tuyên khấn trong dòng Đaminh không liệt kê ba lời khấn. Vậy đâu là ý nghĩa của sequela Christi theo thánh Đaminh?

Thiết nghĩ thật là thích hợp để kết thúc loạt bài bàn về nguồn gốc đời tu với việc suy nghĩ về lý tưởng của Dòng Giảng Thuyết. Như vừa nói, trong các sách thần học đời tu, người ta khởi đi từ nền tảng đời tu là ba lời khuyên Phúc âm, chung cho tất cả các tu sĩ, rồi thêm chút đồ gia vị để biến thành món ăn riêng của một Dòng. Nếu chúng ta áp dụng phương pháp đó thì sẽ chẳng hiểu gì về Dòng Đaminh hết. Trọng tâm của việc đi theo Chúa Kitô không nằm ở ba lời khấn.

Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ “hãy đi theo tôi”, Chúa không khuyến khích họ hãy giữ ba lời khuyên Phúc âm, nhưng Người đòi hỏi cái gì triệt để hơn nhiều. Đi theo Chúa Giêsu có nghĩa chia sẻ nếp sống của Người, kể cả chia sẻ cái chết của Người nữa. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các vị lập dòng chỉ nhắm tới một khía cạnh cụ thể trong dự án đi theo Chúa.

Trên thực tế, đối với thánh Đaminh, đi theo Chúa có nghĩa là bắt chước Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng. Đó là cái icôn căn bản để nhìn ngắm: Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng, tu sĩ Đaminh cũng đi rao giảng Tin mừng. Dĩ nhiên nhà giảng thuyết không phải chỉ là người vác loa đi hò hét như các cán bộ thông tin tuyên truyền. Giữa hai bên có nhiều sự khác biệt:

- Nội dung của việc giảng thuyết không phải là một sứ điệp chính trị, nhưng là tin mừng cứu độ.
- Động lực của việc giảng thuyết là lòng say mê cứu rỗi các linh hồn, chứ không phải là phụng sự một ý thức hệ trần thế.
- Để được đào tạo cho công tác giảng thuyết, người tu sĩ cần phải cầu nguyện, học hỏi, cũng như tập luyện đức thương yêu.

Hơn nữa, tu sĩ giảng thuyết đi theo Chúa Kitô trong cộng đoàn các môn đệ; các tu sĩ giảng thuyết đi theo Chúa Kitô giống như các tông đồ xưa kia: họ đi theo Chúa khi Người đi rao giảng ở Galilê, cũng như họ tiếp tục đi theo Người sau khi Người đã lên trời tại cộng đoàn Giêrusalem. Khi sống tại cộng đoàn, tu sĩ Đaminh đã bắt đầu sống sứ vụ giảng thuyết, khi hun đúc lòng yêu mến các linh hồn nhờ sự cầu nguyện và chuẩn bị để rao giảng bằng lời nói và gương lành.

Như vậy, việc đi theo Chúa Kitô theo thánh Đaminh bao hàm hai chiều kích: một chiều kích nhắm đến Chúa Kitô, và một chiều kích hướng đến khung cảnh của nó, tức là đời sống cộng đoàn. Cả hai chiều kích đó họp thành “đời sống tông đồ” (vita apostolica) theo kiểu thánh Đaminh.

1/ Nhắm đến Chúa Kitô, người tu sĩ từ bỏ tài sản, gia đình, để hiến trót đời mình cho Chúa, được biểu lộ qua việc cầu nguyện, phụng vụ, học hỏi chân lý, vv. Việc theo Chúa Kitô cũng bao hàm bắt chước tấm gương hiền lành, khiêm nhường, vâng lời, nhẫn nhục giống như Người. Kẻ đi rao giảng Chân lý là Đức Kitô thì phải biểu hiện phong cách của chính Đức Kitô. Cha Humbertô tóm lại trong năm đức tính: khiêm nhường, nhẫn nhục, vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo. Tất cả năm đức tính được đặt tên là observantia chứ không phải là vota.

2/ Chiều kích thứ hai cũng là thành phần cốt yếu của “đời sống tông đồ” dựa theo kiểu của thánh Đaminh. Khía cạnh này bao gồm đời sống chung trong sự hoà thuận nhất trí. Đây là lý do mà thánh Đaminh đã thiết lập một Dòng tu, không phải gồm bởi những cá nhân lẻ tẻ muốn trở nên trọn lành, nhưng là một đoàn ngũ những người muốn chia sẻ một lý tưởng chung. Họ họp thành những cộng đoàn giống như các thánh tông đồ được Chúa Kitô kêu gọi để thực hành tất cả những lời khuyên mà Người đã dạy.

Mặc dù chúng ta phân biệt ra hai khía cạnh, nhưng cả hai liên hệ mật thiết với nhau để tạo nên một đường lối đặc thù của việc đi theo Chúa Kitô.

Trong bối cảnh này, người ta thấy rằng ba lời khuyên Phúc âm chưa đủ để diễn tả việc đi theo Chúa Kitô. Thậm chí, ba lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời mang một ý nghĩa khác khi được đặt trong bối cảnh đời sống tông đồ theo thánh Đaminh.

Lời khấn khiết tịnh không chỉ có nghĩa là sống độc thân (không lập gia đình), nhưng là lời khấn của những người được một cộng đoàn huynh đệ nâng đỡ. Cộng đoàn là sự hỗ trợ rất lớn cho các phần tử khi họ gặp khó khăn.

Lời khấn vâng lời cũng sẽ dễ hiểu hơn khi đặt trong bối cảnh của cộng đoàn. Tất cả mọi người đều phải vâng phục ý Chúa. Chắc chắn ai ai cũng đều xác tín điều ấy. Sự khó khăn xảy ra khi chúng ta phải vâng lời ý Chúa được biểu lộ qua một con người cũng sai lầm như chúng ta. Phải chăng thánh ý Thiên Chúa được đồng hóa qua sự sai lầm của con người? Vấn nạn này sẽ dễ giải quyết hơn nếu chúng ta chấp nhận rằng sự vâng lời một con người được đặt ra do yêu sách của đời sống cộng đoàn, hơn là do việc phát biểu ý Chúa. Vì tôn trọng ích chung, nghĩa là vì chúng ta muốn sống trong cộng đoàn cho nên chúng ta chấp nhận vâng lời bề trên (Thánh Tôma coi sự vâng lời như thành phần của đức công bình: Summa Theologica II-II, q.104). Kế đó, chúng ta tập xác tín rằng sự suy phục này giúp cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đấng, dù là Thiên Chúa, đã chấp nhận thân phận tôi tớ, và đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập tự. Như vậy, sự vâng lời trong đời sống cộng đoàn giúp chúng ta được thông phần với Đức Kitô, Đấng đã tình nguyện vâng lời vì ích chung, đó là Nước Chúa.

Sau cùng, sự khó nghèo được thực hiện không phải chỉ vì muốn sống siêu thoát khỏi quyến luyến tài sản vật chất, nhưng là điều kiện và khởi điểm cho đời sống chung. Thánh Đaminh còn muốn rằng cộng đoàn cũng sống nghèo nữa. Vì thế tu sĩ Đaminh thực hiện sự khó nghèo vì cộng đoàn và trong cộng đoàn.

Sau khi đã phân tích nội dung của ba lời khấn, vốn được coi như là yếu tố cốt yếu của đời tu, để vạch ra những nét đặc sắc của Dòng Đaminh, chúng ta phải trở lại với đề tài nòng cốt đang bàn sequela Christi của Dòng Đaminh. Trên đây, chúng ta đã nói rằng việc “đi theo Đức Kitô” đòi hỏi nhiều điều hơn là giữ ba lời khấn. Đối tượng của lời khấn Dòng Đaminh là gì? Phải chăng đối tượng của lời khấn trong Dòng Đaminh chỉ là vâng lời (còn khiết tịnh và khó nghèo thì được hiểu ngậm)? Nhiều người chúng ta vẫn nghĩ như vậy, nhưng theo cha Humbert Vicaire, nói như vậy là không đúng. Chúng ta không khấn vâng lời, nhưng khấn cái khác!

Đến đây, xin phép mở dấu ngoặc về việc dịch thuật. Trong tiếng Việt, chỉ một từ “khấn” dùng để dịch hai từ ngữ khác nhau ở trong tiếng Latinh : votum và professio. Professio thường được dịch là “tuyên khấn”; tự nó professio (bởi động từ profiteri) chỉ có nghĩa là “tuyên xưng” (thí dụ professio fidei: tuyên xưng đức tin), nghĩa là: nói to lên, nói ra ngoài điều mà mình ôm ấp trong lòng (propositum). Còn votum tự nó chỉ là một ước nguyện, cầu chúc; vì thế khi bỏ phiếu, người ta gọi là votum, votare (nghĩa là bày tỏ ước muốn của tôi). Trong thần học, thánh Tôma định nghĩa votum là “lời hứa với Chúa sẽ làm một điều thiện hảo (tốt hơn)”; nó bao hàm một nghĩa vụ, một sự bó buộc. Thế nhưng từ “khấn” trong tiếng Việt chẳng liên quan gì mấy với professio và votum , bởi vì “khấn” chỉ hàm ngụ khẩn xin, cầu khẩn (thí dụ khấn thánh Martinô).


Từ đó, chúng ta thấy có những chuyện lủng củng. Vào ngày 15/8, các thiệp mời đều ghi là “ngày anh em khấn dòng”: thực sự hôm ấy là lễ professio (simplex, temporaria / solemnis, perpetua), nghĩa là tuyên đọc công thức, chứ không phải là vota. “Facio professionem et promitto oboedientiam” (tôi tuyên bố và hứa vâng lời). Vào thời Trung cổ, “Facio professionem” có nghĩa là tôi công khai và long trọng cam kết gia nhập một “nếp sống” (profession ngày nay vẫn còn được hiểu là nghề nghiệp). Đối với giáo luật thời đó, có ba nếp sống chính: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Người tuyên bố vào “nghề nghiệp” tu sĩ thì cũng mặc nhiên chấp nhận những phương thế quy định cho “nghề” đó.

Trong Hiến pháp tiên khởi vào năm 1215, khi “professio” thì anh em hứa sống cộng đoàn và vâng lời bề trên. Công thức hiện hành được xác định từ năm 1220 thì móc nối luôn professio và promitto, và vì thế đâm ra tối nghĩa (không hiểu professio cái gì?). Công thức tiên khởi 1215 cho thấy rõ ý định khi gia nhập dòng: chúng ta tuyên bố gia nhập cộng đoàn. Đây là lời khấn duy nhất. Tất cả những gì còn lại đều là hệ luận. Chúng ta cam kết sẽ sống trong cộng đoàn, chấp nhận những phương thế mà cộng đoàn đã đề ra để đi theo Chúa Kitô: tiên vàn là lòng mến Chúa và yêu thương phần rỗi các linh hồn bằng cách rao giảng Tin mừng cho mọi người; kế đó, những hệ luận khác như là khiêm nhường, sống chung, khó nghèo, cầu nguyện, vâng lời.

Kết luận

Tu luật thánh Augustinô có ý nghĩa gì đối với ơn gọi Đaminh của chúng ta?

Có nhiều cách trả lời. Chúng ta chỉ tóm lại hai ý kiến: một vị tổng quyền vào thế kỷ XIII và một nữ đan sĩ cuối thế kỷ XX.

A. Trên đây, chúng ta đã nhắc đến ý kiến của Cha Humbertô, vạch ra vị trí ưu tiên của đức ái, và đề cao việc học hành. Nói thế chưa đủ, quyển chú giải Tu luật của cha còn muốn cho thấy rằng bản văn ngắn ngủi ấy đã diễn tả đầy đủ bản chất của đời tu, tóm lại trong 6 điểm dựa theo tựa đề của các chương:

1/ Cộng đòan (status congregatorum): “anh em được quy tụ nên một.. Hãy kính trọng Thiên Chúa trong anh em”.
2/ Thống hối (status poenitentiae): “hãy chuyên tâm cầu nguyện... Thà thiếu thốn chút đỉnh thì hơn là dư thừa”.
3/ Đoan trang (status honestatis excellentis): “y phục đừng hào nhoáng”.
4/ Khó nghèo (status necessitatum multarum): “hãy để y phục vào một nơi chung”.
5/ Huynh đệ (status fraternitatis): “anh em đừng cãi nhau”.
6/ Vâng lời (status subiectionis quod facit obedientia): “Anh em hãy vâng phục bề trên”.

B. Chị Marie-Ancilla, thuộc đan viện Lourdes, người đã viết một bản chú giải luật thánh Augustinô4 cũng như đã nghiền ngẫm tác phẩm của cha Humbertô, tóm lại ảnh hưởng của thánh Augustinô đối với dòng Đaminh vào hai điểm:

1/ Lý tưởng đan tu. Nói đến đan tu, chúng ta đừng vội nghĩ đến các ẩn sĩ hay các đan sĩ Xitô. Chúng ta đã nói trong bài thứ nhất rằng monachus có nhiều nghĩa. Đối với thánh Augustinô, monachus hay monasterium nói đến sự hợp nhất, một lòng một lý, đồng tâm nhất trí. Monasterium là cộng đoàn các anh em sống hoà thuận thương yêu nhau. Đó là hình ảnh của Hội thánh.

2/ Lý tưởng đời sống tông đồ. Thánh Augustinô lấy icôn cho bản luật từ cộng đoàn các môn đệ ở Giêrusalem, nói ở đầu sách Tông đồ công vụ. Xem ra đó chỉ là một cộng đoàn khép kín, chứ không đi rao giảng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc icôn ấy cách năng động hơn, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng động lực chính thúc đẩy các môn đệ tụ họp nhau là vì họ đã cảm nghiệm tiếng gọi của Chúa. Cảm nghiệm đó thúc đẩy họ bán hết tài sản, chia sẻ cho anh em. Chính cảm nghiệm đó là động lực cho việc rao giảng cứu rỗi các linh hồn.

Chúng ta đã ôn cố để tri tân. Tìm về những bản luật xưa không phải là tìm về những món đồ cổ, nhưng tìm về những hứng khởi ban đầu. Cầu xin cho hứng khởi đó luôn được bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét