Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI

LTS: Nguyên bản tiếng Y, được đăng trên La Civiltà Cattolica 2014 I 3-17, Fr. Donald Maldari, SJ. dịch ra tiếng Anh. Bản Việt ngữ dưới đây dịch từ bản tiếng Anh.
____________

Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền Dòng nam tổ chức Đại hội lần thứ 82 tại trung tâm Salesianum của dòng Don Bosco ở Roma từ ngày 27 đến 29-11-2013. Các vị đã xin Đức Thánh Cha một buổi tiếp kiến, ngài đã dành ra 3 tiếng đồng hồ để trao đổi và trả lời những câu hỏi do các Bề trên nêu lên. Một số câu hỏi được đặt ra xoay quanh căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến, tình trạng ơn gọi bị sa sút tại một số nước, v.v. Dưới đây là bản tường thuật cuộc gặp gỡ này.



=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY - NĂM A

Bài đọc 1 : 1 Sm 16, 1b.6-7.10-13 : “Ông Đavít được xức dầu tấn phong làm vua Israen”.

Bài đọc 2 : Ep 5, 8-14 : “Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”.

Tin Mừng : Ga 9, 1-41 : “Anh mù đến rửa ở hồ Silôác và khi về thì nhìn thấy được”.

Sứ Điệp Lời Chúa : Đẳng cấp của ơn cứu độ

1. Đa vít và anh mù

Đavít là một vị vua lừng lẫy trong lịch sử dân Israen, và là một nhân vật trọng tâm trong lịch sử ơn cứu độ, vì đức Giêsu là “con vua Đavít”. Giữa vị vua lừng lẫy ấy và người ăn xin mù lòa kia có điểm gì chung ? Quả thật, theo kiểu đánh giá của thế gian, hai con người đó hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là có những hoàn cảnh trái ngược nhau. 

Não trạng của thế gian vẫn khó có thể thoát được một lối đánh giá “tự nhiên”, lối đánh giá dựa vào những gì hợp lý với diễn tiến bình thường của kinh nghiệm con người, theo đó những người ưu tuyển của thế gian thì cũng có nhiều thuận lợi hơn để được giải thoát. Con đường giải thoát mà con người vẽ ra, con người tìm tòi, con người nỗ lực,… vẫn luôn luôn là nẻo đường dành riêng cho những người ưu tuyển. Những người giỏi dang, những người được giáo dục tốt, những người có ý chí kiên cường, những người anh hùng hoặc có khả năng siêu thoát những đam mê thấp hèn của xác thịt con người…luôn là những người được kỳ vọng; và để viết lại tiểu sử những nhân vật anh hùng trong lịch sử, dường như không bao giờ người ta không qui chiếu vào những “tiền đề” của điều kiện giáo dục tốt hoặc của những thái độ cao cả, anh hùng…

Trong đời sống Giáo hội, khi viết hạnh các thánh, trong những bài giảng thuyết về cuộc đời các thánh, trong những trưng dẫn của những vị giảng thuyết về “gương sáng” của các vị thánh, người ta vẫn không ngừng nhận xét, ca tụng, tô vẽ về những “nhân đức tự nhiên” ấy. Có lẽ đó là một lý do lớn khiến cho đời sống Kitô giáo vẫn mang mác một thứ “đạo luân lý” chứ không phải đạo cứu độ, vẫn dựa vào “gương sáng” (của luân lý tự nhiên) chứ không phải dựa vào sức mạnh của “lời chứng” về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Có lẽ thứ não trạng ấy vẫn còn ăn rễ quá sâu trong tâm thức con người khiến cho phần lớn bài giảng của các linh mục vẫn rớt vào một thứ giảng luân lý chứ không phải công bố quyền năng và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Với não trạng như thế, quả thật vua thánh Đavít và anh mù khó có thể thể có điểm chung

2. Cùng chung một phận người

Điều mà phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy, có lẽ là cả Đavít lẫn anh mù đều là những người không được đánh giá cao, hoặc đúng hơn là bị coi thường, với con mắt nhân loại.

“Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuen : ‘đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn vì ta đã gạt bỏ nó, Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm : người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. 

Ngay cả người cha Gie-sê cũng không ngờ một chút nào về việc Chúa chọn cậu út Đavít, nên lúc đầu đã không gọi Đavít về để trình diện với Samuen. Còn anh mù thì bị nhận xét rằng :

“Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?”

Thật ra thế giới không bao giờ có được một sự công bằng hoàn toàn. Nếu cậu út Đavít không có thân mình cao lớn như Eliáp, anh của ông, thì rất có thể hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Giesê, vào thời kỳ mang thai và sinh Đavít, đã không còn được khá giả như xưa. Nhưng đó không phải là lỗi lầm gì của Đavít. Cũng như anh mù đã chịu cảnh mù lòa từ khi sinh ra thì đó cũng “không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”. Chính đức Giêsu đã xác định như thế. Cuộc sống xoay vần, và có những người rơi vào ô may mắn, có những người rớt vào hố xui xẻo. Cái bất công tự nhiên đó, con người không chịu và thật ra cũng không thể nào xóa lấp đi được. Nhưng người nào đã lợi dụng cơ may được tặng không của mình để khinh dể, để đàn áp người kém may mắn thì mới là những người thực sự bất công.

Khi Thiên Chúa vào cuộc, Ngài không chỉ xóa bỏ bất công mà thôi, nhưng còn nâng con người lên một đẳng cấp mới trọn vẹn, hoàn hảo hơn nhiều. Ơn cứu độ là một hồng ân tặng không; và chính những con người bị loại trừ lại là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Đavít được xức dầu, còn anh mù thì được điều quí báu là đức Tin.

“Anh nói : thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”.

3. Đẳng cấp mới

Điều đó còn cho chúng ta thấy rõ một sự thật lớn lao hơn, mọi thứ con người lãnh nhận được đều là hồng ân tặng không, và đó là đẳng cấp cao quí của phẩm giá người. Thiên Chúa không chỉ xóa bỏ bất công theo kiểu người ta nhổ cỏ, nhưng Người muốn thiết lập một thế giới mới của “đất có hoa”, thế giới của tình nghĩa. Thật sự bất công chỉ có thể được hóa giải trong thế giới tình nghĩa, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc trả vay sòng phẳng.

“Nhưng sở dĩ thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh…”

Người ta vẫn thường nói rằng con người không là gì trước mặt Chúa, con người chỉ là hư vô, là kẻ mọn hèn trước mặt Chúa…điều đó hoàn toàn đúng, nhưng đó mới chỉ là “mặt trái” của sự thật. Mặt phải của sự thật sáng chói và huy hoàng hơn nhiều, đó là vì con người được Chúa sáng tạo để sống trong đẳng cấp của tình nghĩa chứ không phải đẳng cấp trao đổi sòng phẳng; con người chỉ là mình trong thế giới của sự trao tặng và cho đi trong tình tình nghĩa; con người được được mời gọi để sống địa vị con cái trong nhà chứ không phải sống vai trò một người làm công…

* Tạm kết

Có lẽ não trạng luân lý còn quá sâu trong tâm thức con người, khiến cho người ta không dám tin có một thế giới của tình nghĩa tặng không đã bắt đầu với đức Giêsu, Ngài là “Ánh Sáng thế gian”. Có lẽ não trạng đổi chác còn lù lù trong tâm thức con người khiến con người, ngay ở trong Giáo hội, đã đè bẹp những người “kém may mắn”, cả về vật chất lẫn tinh thần; đè bẹp là vì đã che khuất, đã dấu nhẹm những cơ duyên tặng không của Thiên Chúa cho những người bị loại trừ. Một khi đã không chấp nhận tặng-không sự chấp nhận, tặng không những cơ duyên cho ai khác, thì ta cũng không được quyền đòi hỏi người khác phải vượt thoát được xiềng xích của thế gian, và điều quan trọng hơn là là ta cũng không được quyền đón nhận hồng ân tặng không của Thiên Chúa :

“Đức Giêsu nói : Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”.



=> Đọc thêm...

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT THỨ 3 MÙA CHAY - A

Bài đọc 1 : Xh 17, 3-7 : “Cho chúng tôi nước uống đi”.

Bài đọc 2 : Rm 5, 1-2. 5-8 : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta”.

Tin Mừng : Ga 4, 5-42 : “Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Sứ Điệp Lời Chúa : “Ba tầng khát vọng” - Đức Giêsu là Nước hằng sống.

1. Khát…

Con người cần ăn. Khi không được ăn, con người đói; đó là một thực trạng lù lù mà ai cũng thấy. Nhưng sâu xa hơn một chút, con người uống; và khi không có nước, con người bị khát nước. Nhu cầu uống còn lớn hơn và sâu hơn nhu cầu ăn.

Tình trạng khát nước, cũng diễn tả và mời gọi người ta nhận ra những nhu cầu sâu hơn và thật hơn của kiếp người; con người có nhiều khát vọng, và khát vọng nhiều thứ sâu hơn, cao hơn; chứ không phải chỉ cần ăn, cần uống, cần mặc, cầu nhà, cần tiền… Con người khát vọng tuyệt đối, con người khát vọng được sống-với ai khác, con người khát vọng được yêu, được chấp nhận; con người khát vọng một sự sống có ý nghĩa, và khát vọng được là người quan trọng nhất, người được thương yêu nhất đối với một ai khác…

Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Đức Giêsu khởi đi từ việc con người khát để mời gọi và nhắc nhớ về một thứ khát sâu xa hơn, mãnh liệt hơn, khát vọng được sống trọn vẹn, sung mãn, khát vọng một Ai khác, khát vọng được yêu. Hơn nữa, khát vọng được yêu của con người vẫn chưa được thỏa mãn trong thực trạng của cuộc sống đời thường, cụ thể là người phụ nữ đã có năm đời chồng mà vẫn chưa yên ổn; mà người hiện đang sống với chị ấy cũng không phải là thực sự là chồng… Thực sự con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là để được sống với Chúa, đó là khát vọng sâu xa nhất và chân chính nhất của con người; và chính đức Giêsu cũng nói với các môn đệ rằng : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.

2. Được hiểu…

Nếu từ nhu cầu vật chất, con người có thể nhận ra những nhu cầu sâu xa hơn, lớn lao hơn, thì chính từ những nhu cầu tinh thần, con người lại được mời gọi cách mãnh liệt hơn nữa để sống thực, sống trọn vẹn, sống sung mãn cuộc đời của mình.

Khi không được hiểu, người ta phải “dấu diếm” con người thật của mình. Người phụ nữ Samari đã lảnh tránh vấn đề đời sống gia đình của mình. Trai năm thê bẩy thiếp thì danh giá, còn người phụ nữ có năm đời chồng lại là điều bị dèm pha, bị lên án… Nhưng dù người nam có năm thê bẩy thiếp, người phụ nữ khát vọng tìm được một nơi nương tự an ổn, thì tất cả những điều đó vẫn chưa thỏa mãn được “cơn khát” sâu xa của con người.

Con người cần được hiểu, cần được chấp nhận trọn vẹn bản thân mình…

3. Được thờ phượng Thiên Chúa cách chân thật

Người phụ nữ đặt vấn đề về vấn đề thờ phượng…Tôn giáo thường là nguyên cớ của bao nhiêu tranh chấp, bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu tội ác nặng nề. Nhưng không phải vì đó mà có thể loại bỏ được tôn giáo. Tôn giáo là một nhu cầu thật của đời sống con người, một nhu cầu mang tính “khái quát” toàn bộ cuộc sống con người. Và “rượu càng ngon thì dấm càng chua”, một nhu cầu “khái quát” như thế không được thỏa mãn thì biến thành “dấm chua”, biến thành duyên cớ của thái độ bất khoan dung, và của tội ác nữa.

Đức Giêsu công bố một giai đoạn mới của lịch sử :

“Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật…”

Đức Giêsu chính là điểm khai mở của tôn giáo đích thực, vì khi gặp được đức Giêsu, người ta nói được rằng : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng người thật là Đấng cứu độ trần gian”

Tạm kết

Tôn giáo là một nhu cầu thật, và gặp gỡ đức Giêsu, chỉ nhờ gặp gỡ với đức Giêsu, người ta mới có thể giải quyết được những nhu cầu đa dạng, sâu xa và siêu việt nhất của đời người. Cuộc trao đổi của đức Giêsu với người phụ nữ Samari chính là một hành trình chân thật của một con người trên hành trình khao khát hoàn thành được vận mạng đời mình.
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT THỨ 2 MÙA CHAY - A

Bài đọc 1 : St 12, 1-4a : “Thiên Chúa gọi Ap-ram, tổ phụ dân Người”.

Bài đọc 2 : 2 Tm 1,8b-10 : “Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng chúng ta”.

Tin Mừng : Mt 17, 1-9 : “Dung nhan đức Giêsu chói lọi như mặt trời”.

Sứ Điệp Lời Chúa : Trở nên những người con trong Người Con.

1. Lời kêu gọi lên đường

Đức Tin trong dòng lịch sử ơn cứu độ đã khởi đầu và vẫn mãi mãi là một lời mời gọi lên đường. Đối với Ap-ram, đó là lời mời gọi từ bỏ quê hương xứ sở : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha người, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho người”; lời mời gọi ấy trở nên lời mời gọi “xuất hành” đối với Dân Israen thời Mô-sê, và cũng là lời mời gọi lên đường hướng tới một “đất hứa” mà không bao giờ trên trần gian này Dân Israen có thể đạt được :

“Hôm đó, ĐỨC CHÚA lập giao ước với ông Áp-ram như sau : "Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát, đất của những người Kê-ni, Cơ-nát, Cát-môn, Khết, Pơ-rít-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút” (St 15,1821)

Trong Tân ước, đó là lời mời gọi đi vào “cuộc xuất hành” cùng với đức Giêsu :

“Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. (Lc 9,31); và lời đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả cùng một thực tại ấy : “Đức Giêsu truyền cho các ông rằng : “đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con người từ cõi chết trỗi dậy”. (Mt 17,9)

Lịch sử cứu độ là một cuộc xuất hành, là lời mời gọi mãi mãi lên đường, là đi vào một cuộc Vượt qua. Trần gian và con người sống trong trần gian, từ khi nguyên tổ phạm tội, chỉ còn một con đường được mở ra, con đường của một cuộc xuất hành, ra khỏi “xứ sở, họ hàng và nhà cha”, ra khỏi cái tôi an ổn và thế giới an ổn vốn có của mình, đi vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, đón nhận những thách đố trong cuộc vượt qua như một “phép rửa” :

“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50)

Đó là hành trình “bắt buộc” của kiếp người, và là lời mời gọi không thể trốn tránh đối với một Kitô hữu chân chính. Ta trở lại kinh nghiệm của cuộc sống thường ngày, ta sẽ nhận ra cách rõ ràng rằng : không có một thành tựu nào của đời người được trao tặng cho những người ngại ngùng, nhát sợ trước cuộc phiêu lưu.

2. Thiên Chúa ở cùng…

Thiên Chúa cứu độ con người không phải bằng cách “nhấc bổng” con người ra khỏi cuộc hành trình gian khổ và đặt vào trong vườn “địa đàng”; vì “cửa địa đàng” đã đóng kín :

“Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.” (St 3,24)

Nhưng Thiên Chúa cứu độ con người bằng một lời hứa ban một Đấng Cứu tinh :

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (ST 3,15)

Hành trình tìm sự sống của đời sống con người chỉ còn thể trông chờ một “Ai”, một “Dòng giống”, và được cứu độ nhờ cùng được đồng hành với Đấng ấy :

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời người !” 

Hành trình ơn cứu độ không thể là con đường như Phêrô tưởng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay !...”; nhưng chỉ có thể đón nhận ánh sáng cuộc biến hình như một ánh chớp lóe lên, đón nhận những dấu chỉ về quyền năng, về sự đồng hành của Chúa trên hành trình cuộc đời, hành trình vượt qua. Lời hứa cứu độ chỉ được thực hiện trong đức Giêsu, Đấng “Emmanuel”, Đấng Thiên Chúa ở cùng. Đức Tin chính là đón nhận đức Giêsu, cùng đồng hành với đức Giêsu trong cuộc Vượt Qua của Ngài, và để cho Ngài đồng hành trong cuộc vượt qua của chinh mình… Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, đã khẳng định với Timôthê về hành trình gian khổ nhưng đầy hồng phúc của người môn đệ Chúa :

“Anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1,8b)

3. Hồng ân được ban tặng

“Bản chất” của đạo Sách Thánh thiết yếu không phải là một quy luật nhân quả công bằng, cũng không phải do một thái độ giác ngộ để nhận biết chính mình; nhưng là đạo của thái độ đón nhận với lòng tri ân Hồng ân do Ai khác tặng không. Đây không phải là trao đổi theo mức độ công bằng; cũng không phải thái độ luân lý “xứng đáng” mà là được thưởng. Nước Trời thiết yếu chính là đức Giêsu, và ở đâu có đức Giêsu thì ở đó có Nước Trời; Nước Trời ấy được tặng không trước tiên như sự ban tặng một Ai. Cứu độ là chấp nhận hồng ân tặng không như đón nhận một Ai và sống trung tín với Ngài :

“Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Ngươi, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người” (2 Tm 1,9)

“Biến hình”, thiết yếu không phải là thấy điều gì lạ, nhưng là thấy được dung nhan thật của đức Giêsu. “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời…”, để rồi, một khi hiểu ra hồng ân cuối cùng cũng chỉ là một đức Giêsu, thì có khả năng đồng hành với Ngài, đồng hành với Ngài ngay trong hành trình vượt qua gian khổ : “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình đức Giêsu mà thôi”.

Tạm kết

Hành trình vượt qua là một hành trình gian khổ, liên quan đến sự sống và cái chết. Hành trình gian khổ ấy thường làm cho người Kitô hữu hiểu lầm về đường lối cứu độ của Chúa. Người ta tưởng rằng vì mình chưa có đủ công đức nên phải chịu khổ đau; người ta tưởng rằng chịu khổ đau để được thêm công đức, thêm hy vọng được vào Nước Trời… Tóm lại, người Kitô hữu quá bận tâm một cách sai lạc về “đầu vào”. Thật ra, “đầu vào” đã được tặng không. Điều quan trọng lại chính là ghi nhận hồng ân tặng không, để sống thêm dày tình nghĩa với Chúa trong hành trình khổ đau, nhưng luôn là sống niềm vui để làm sáng tỏ Tin Mừng cứu độ : “Chính đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1,10)
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - A

Bài đọc 1 : St 2, 7-9; 3,1-7 : “Thiên Chúa dựng nên hai ông bà nguyên tổ. Ông bà phạm tội”.

Bài đọc 2 : Rm 5,12-19 : “ Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”

Tin Mừng : Mt 4, 1-11 : “Đức Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ”

Sứ Điệp Lời Chúa : Cám dỗ của muôn đời.

1. Mặc khải về tội

Mặc khải về tội là một nét đặc trưng của Sách Thánh. Trước khi có mặc khải về tội, lương tri của con người hoạt động theo quy luật căn bản là quy luật đúng-sai. Cái gì đúng là tốt và cái gì sai là xấu. Lương tâm luân lý của con người được điều chỉnh theo phạm trù đúng sai ấy; và hậu quả luân lý cũng như thể lý mà con người phải chịu cũng được suy diễn ra từ nguyên lý đúng sai ấy.

Trong khi đó, mặc khải về tội lại đặt con người trong một nguyên lý khác quan trọng hơn, nguyên lý trung tín-bất trung. Tội-lỗi không phải chỉ là một việc làm sai và gây nên một hậu quả mà người phạm tội phải gánh chịu cho mình. Tội – lỗi là tình trạng của một người với ai khác; tội với Chúa và lỗi với tha nhân. Mạc khải về tội chính là nẻo đường đưa con người trở về với bản chất thật như Chúa muốn, nghĩa là nẻo đường “sống với ai” chứ không phải chỉ là nẻo đường ‘sống thế nào”. Nhận ra được tội- lỗi, đó đã là bước một bước cần thiết trên hành trình tìm về cuộc sống yêu thương như lòng con người hằng khao khát.

2. Tội và luật

Thư Roma nói những điều không dễ hiểu : “Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Những nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội”. Những lời đó có vẻ như Cựu ước chính là một cách làm gia trọng tình trạng bi đát của con người….

Ta có thể tạm hiểu như sau : một đứa trẻ “bụi đời” thì “tự do” để nói tục, chửi bới, trộm cắp (đã có tội ở trần gian)….Rồi khi ai đó đưa đứa trẻ vào một trại tập trung có nếp sống tốt đẹp hơn, dạy cho đứa trẻ biết phân biệt tốt xấu, biết những gì nên làm và không nên làm, những gì được làm và những gì không được phép làm (có luật). Thế nhưng, một cách tổng quát, thực sự con người không phải được giải thoát nhờ kiến thức và nỗ lực luân lý riêng của mình. Dù được dạy điều tốt, đứa trẻ vẫn không thể sống tốt. Đó là tình trạng bi đát của con người. Thánh Phaolô có lần đã viết :

“vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15)

Và trong cùng đoạn văn đó, ta thấy thánh Phaolo khẳng định rõ ràng rằng con người không thể được tự mình tìm giải thoát cho mình :

”Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không”.(Rm 7,18)

Cho đến khi nào đứa trẻ được đưa về gia đình được sống và được hít thở trong tình nghĩa với những người thân của mình (tình trạng ân sủng). Chính sức mạnh của tình nghĩa mới có thể giúp con người vượt thắng được sức mạnh của tội lỗi.

Như thế, chúng ta hiểu được rằng : nhiệm cục cứu độ của Chúa được thực hiện “tuần tự”, trước tiên là cho con người biết được điều căn bản của sự sai trái (đúng-sai) chính là tội (trung tín-bất trung). Điều mà người ta tưởng rằng chỉ là chuyện riêng của tôi, tôi làm sai và tôi can đảm chấp nhận hậu quả đương nhiên của sự sai trái ấy; “bụng làm dạ chịu”, điều đó thật ra không đủ. Con người cần hiểu ra được rằng khi tôi làm điều sai trái (làm thế nào), thì thật ra tôi đã bất trung với Chúa hoặc làm khổ ai khác (làm với ai). Cảm thức về tội lỗi đưa tôi đối diện với trách nhiệm về ai khác và làm cho tâm hồn tôi bị dằn vặt nhiều hơn. Mặc khải về tội làm cho con người hiểu rõ hơn tính cách trầm trọng của sự sai trái. Ở trong giai đoạn này, con người không thể chỉ chọn thái độ can đảm gánh trách nhiệm về hậu quả việc làm sai trái của mình, nhưng thiết yếu là trông chờ sự tha thứ được tặng-không của Chúa, hoặc của ai khác. Mặc khải về tội nghĩa là đưa con người vào thế giới của giao ước, giao ước trên nền tảng lề luật, nhưng đó mới chỉ là một bước chuẩn bị.
3. Tội và ân sủng

Một khi con người bị dằn vặt do tội, nhận ra sự nặng nề của tội mà mình không thể tự hóa giải được, thì con người được mời gọi để bước vào chế độ “ân sủng”.

“Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn ; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”.( Rm 5,20)

Tình trạng của con người chỉ có thể được giải cứu do Ai, chứ không phải do nỗ lực luân lý, do tu luyện và nỗ lực bản thân; và Ai ở đây chỉ có thể là đức Giêsu Kitô. Đó chính là chế độ ân sủng.

Khi đức Giêsu, trong thân phận con người, thắng vượt được cám dỗ “làm thế nào”, luôn luôn trung tín với Chúa Cha qua “Lời” chân thật của Kinh Thánh, thì Ngài đã hoàn toàn “sống với Ai” (Chúa Cha), và đã trở nên một Ai khác cho những người nhìn nhận sự bất lực vì tình trạng tội lỗi. 

Đường lối cứu độ của Thiên Chúa qua đức Giêsu cũng thật lạ lùng. Đức Giêsu không trở nên một Ai khác, trong phẩm vị Thiên Chúa, bạn tặng sự tha thứ một cách dễ dãi; nhưng Ngài còn trở nên một Ai khác, trong bản tính con người, chiến đấu gian khổ trong cám dỗ để đi đến chiến thắng. Trong trình thuật cám dỗ hôm nay, Đức Giêsu đã mời gọi con người bước vào nẻo được cứu độ qua kiếp sống thật của con người, tìm gặp được Ai khác đồng hành với mình trong dòng lịch sử, lịch sử thăng trầm, lịch sử của một cuộc vượt qua đầy gian khổ.

Quả thật, nẻo đường cứu độ nhờ Ai khác chỉ được trọn vẹn khi con người thể hiện được một lòng trung tín với Ai qua dòng lịch sử; nếu không thì người ta lại dễ dàng biến Ai khác, là chính đức Giêsu, trở thành “cái-gì” đáp ứng được nhu cầu riêng của tôi. Đức Giêsu không chỉ ban cho con người một “kho ân sủng”, nhưng là ban chính bản thân Ngài như Đấng đầy ơn sủng. Chỉ có một cách đón nhận ân sủng là đón nhận chính đức Giêsu; và chỉ có một cách đón nhận đức Giêsu đích thực khi đồng hành, trung tín với Ngài qua dòng lịch sử đời mình.

* Tạm kết

Những phân tích của thánh Phaolô cho thấy tình trạng đau thương của chế độ lề luật. Đó là tình trạng một cổ hai tròng. Thánh Phaolô cho thấy rằng người Do thái, nếu cứ dừng lại trong chế độ lề luật, sẽ còn bi đát hơn cả những người không có lề luật.

Nếu nhìn lại bầu khí của Giáo hội Việt Nam, quả thật chúng ta có thể nhận ra còn rất nhiều điều có tính cách cựu ước; và không ít người Công giáo cảm thấy mình sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”.

Nếu không đưa được đứa trẻ “bui đời” về bầu khi “gia đình yêu thương”, thì đứa trẻ ở trong trại, gọi là “giáo dưỡng”, thật ra chỉ bị dằn vặt thêm vì lương tâm tội lỗi mà thôi.

Thiết nghĩ bầu khí “ân sủng” thiết yếu tỏ lộ trong tình trạng “sống với Ai”, khác với tình trạng “sống thế nào”, đây là nét trọng tâm của truyền thống Sách Thánh và được hoàn tất trong đức Giêsu Kitô, Đấng tỏ bày trọn vẹn lòng thương xót của Chúa Cha cho con người.
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN A

Bài đọc 1 : Is 49, 14-15 : Ta chẳng quên ngươi bao giờ

Bài đọc 2 : 1 Cr 4,1-5 : Chúa sẽ phơi bày những ý định trong thâm tâm con người

Tin Mừng : Mt 6, 24-34 : “Anh em đừng lo lắng về ngày mai”

Sứ Điệp Lời Chúa : Ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa 

1. “Triết học” của đức Giêsu

Đức Giêsu phân biệt mạng sống và của ăn nuôi sống; thân thể và áo mặc. Sự phân biệt đó giúp con người nhận ra được con người thực sự thuộc về ai. Con người không dễ thoát được bệnh “bỏ mồi bắt bóng”. Người nông dân đào một cái giếng, anh ta theo vui buồn theo mức độ từng thước đất được đào sâu; nhưng khi đạt được mạch nước, tâm trí anh ta vui buồn với nguồn nước chứ không phải quanh quẩn với cái giếng. Cũng thế, khi dẫn nước ra đồng, tâm trí anh ta vui buồn với cây lúa chứ không mấy bận tâm vào nguồn nước. Rồi khi gặt được lúa về nhà, thì niềm vui của anh nông dân là bồ lúa đầy ắp, và khi hạt lúa trở thành hạt cơm ngon, thì tâm trí anh ta tập trung vào hạnh phúc gia đình quanh bàn ăn… Chẳng có mấy người nông dân đào giếng, rồi lo bảo vệ giếng, không muốn cho ai làm hỏng cái giếng của mình; ngồi ngắm cái giếng mãi… Thế nhưng trong đời sống phức tạp hằng ngày thì vẫn luôn có những “không bình thường” như người nông dân kỳ cục ngồi ngắm cái giếng… Có khi người ta chạy vạy khắc nơi để kiến tiền…mà rồi lo bảo vệ tiền; có khi người ta xây được căn nhà, mua được cái áo… mà quên rằng thân thể của mình mới là mục tiêu chính của việc kiếm tiền… Nếu đặt hết tâm trí vào của ăn, áo mặc người ta dễ tưởng rằng đồng tiền hoặc ai đó làm chủ cuộc đời mình chứ không phải Chúa.

2. Nhận ra tình thương của Chúa

Đức Giêsu mời gọi ta mở mắt để chiêm ngắm, rộng mở đôi mắt để ngắm nhìn cái toàn diện và ý nghĩa chung cục của vũ trụ và thế giới, người tín hữu sẽ nhận ra Đấng làm chủ vũ trụ, làm chủ thế giới, làm chủ mạng sống của mình, làm chủ thân thể của mình chỉ có thể là chính Chúa. Đức Giêsu mời gọi người tín hữu nhìn chim trời, hoa cỏ để thấy một chân lý toàn diện hơn; nhìn chim trời và hoa cỏ để thấy tình thương của Chúa mênh mông, bao la thấm được cả đất trời. Chim trời được Chúa nuôi ăn, hoa cỏ được Chúa mặc cho thật đẹp; đó là những chân lý bàng bạc trong vũ trụ mà người nào không bị rớt vào tình trạng “bỏ mồi bắt bóng” sẽ nhận ra được :
Bạn có thức khuya hay dậy sớm, 
khó nhọc làm ăn cũng hoài công. 
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, 
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng. (Tv 127,2)

Cảm nhận như Thánh Vịnh không phải là lý lẽ cùn của kẻ lười biếng, nhưng là một cách đọc dấu chỉ nơi một vài sự kiện tréo ngoe của cuộc sống trong một nhãn giới rộng lớn và toàn diện hơn : Chính Chúa mới là Chủ cuộc sống của con người.

Trong nhãn giới rộng và toàn diện hơn như thế, người có đức Tin nhận ra được một Thiên Chúa của tình yêu, tình yêu tha thiết và lớn hơn cả tình mẫu tử, vốn là hình tượng đẹp nhất trong tâm hồn con người :

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, 
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? 
Cho dù nó có quên đi nữa, 
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15)

3.Tìm kiếm Nước Thiên Chúa

Một khi đã chân được chân lý về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, thì sứ điệp của Lời Chúa hướng tới một kết luận đương nhiên :

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, cho tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” 

“Tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước. Sứ điệp Lời Chúa không phải là một thái độ dửng dưng, không lo lắng về ngày mai, nhưng đúng hơn là trao vận mạng mình vào tay Chúa, một Thiên Chúa mà đức Tin cho biết Ngài quyền năng và yêu thương.

Giống như trong mọi chuyện khác, người tín hữu là người thay vì tìm “căn bản” cho cuộc đời dựa theo quy luật dưới đất, theo quy luật của “cơ sở vật chất”, theo “tính xác thịt”, thì dám buông cuộc đời mình trong một cuộc phiêu lưu của đức tin, “treo” cuộc đời mình vào qui luật trên Trời; vào Nước Trời mà mình thoáng thấy được qua các dấu chỉ. Thái độ của người tín hữu có khi bị coi là “bỏ mồi bắt bóng”; nhưng dưới ánh sáng đức Tin, người tín hữu dám chọn lựa, dám thể hiện một thái độ tin tưởng để làm chứng rằng chính những kẻ tính toán khôn ngoan kiểu thế gian mới là kẻ thực sự “bỏ mồi bắt bóng”.

Tạm kết

Nếu để mắt nhìn thời cuộc, người Kitô hữu hôm nay cũng có thể thấy được biết bao nhiêu sự kiện cho thấy dù con người có bận tâm lo cho mạng sống, lo tìm của cải, tính toán khôn ngoan mà vẫn phải chịu thua cuộc trước vận mạng phải chết, trước những tình huống éo le vượt quá tính toán của mình. Những sự kiện ấy nhắc nhớ lời cảnh giác và lời kêu gọi “hãy tìm kiếm Nước Thiên chúa và đức công chính của Người”.
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN - A

Bài đọc 1 : Hc 15, 15-20 : “Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức”


Bài đọc 2 : 1Cr 2, 6-10 : “Lẽ khôn ngoan Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển”.

Tin Mừng : Mt 5, 17-37 : “Anh em đã nghe luật dạy người xưa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”.



Sứ Điệp Lời Chúa : Luật trọn hảo của đức Giêsu


1. Dễ và khó 

Trong sứ vụ công khai, đức Giêsu đã chọn những người bình dân làm tông đồ; đức Giêsu đã dùng những hình ảnh dễ hiểu thường ngày để giảng giải cho những người bình dân; đức Giêsu đã cảm thương những người nghèo hèn, tội lỗi; đức Giêsu đã dùng bữa với những người thu thuế… Những điều đó khiến cho người ta có cảm tưởng như đức Giêsu tỏ ra là một ngôn sứ đầy lòng nhân ái và không khó khăn, không gắt gao, không đòi hỏi…

Thế nhưng, trong giáo huấn của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta lại thấy một giáo huấn có vẻ gắt gao, khắt khe còn hơn cả những đòi hỏi của luật cũ.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Tình tình của Đức Giêsu dễ hay khó ? Giáo huấn của đức Giêsu dễ hay khó ? 

Đức Giêsu có hiểu rằng những người đi theo Ngài, ngay cả các tông đồ, vốn là những người bình dân, những người bình thường, những người bị giằng xé trong sức mạnh của tội lỗi,… liệu chừng những người như thế có thể giữ được luật trọn hảo của Ngài hay không ???

2. Vận mạng cao cả và thực tại thấp kém

Quả thật, con người có một vận mạng cao cả, cùng với một khả năng thấp kém. Con người được dựng nên trong ân sủng để sống với Chúa, nhưng sau đó con người lại bị chìm ngập trong sức mạnh của tội. Trong tình trạng hiện nay, vận mạng con người luôn bị giằng xé trong thế đứng mâu thuẫn bi tráng ấy. Nơi con người, mọi người, ta vẫn có thể thoáng thấy những dấu chứng của lòng khao khát cao đẹp, đồng thời lại thấy thực tại đầy những ê chề, nhầy nhụa của bản năng thú tính. Nhân loại không bao giờ ngừng tìm kiếm con đường giải thoát. Tuy nhiên, một đàng, những con đường ấy luôn luôn là những con đường dành cho những người ưu tuyển; đàng khác, ta có thể tự hỏi thực sự có ai đó trong số những con người ưu tuyển của nhân loại đã thực sự tìm được một sự thành toàn chân chính không. Ta có thể thấy hình ảnh tiêu biểu của những người ưu tuyển nói những người Pharisêu và các kinh sư; thế mà đức Giêsu lại nói : 

“Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Có lẽ đó chính là mâu thuẫn lớn nhất của thân phận con người, và cũng là “lý do hiện hữu” của ơn cứu độ. Mẫu thuẫn lớn nhất ấy được tỏ lộ rõ nét trong Bài giảng Trên núi, đặc biệt trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật VI-A hôm nay.

3.Con đường Kitô giáo : Nước Trời

Con đường Kitô giáo được công bố trong Bài giảng Trên Núi, trước tiên, không phải là con đường dành cho những người ưu tuyển. Đã bao lần đức Giêsu tuyên bố : những người cuối hết sẽ nên đầu hết…

Con đường Kitô giáo là con đường mời gọi tất cả mọi người và đó không phải là một lời mời gọi suông, nhưng là một nhiệm cục cứu độ đã bắt đầu với đức Giêsu, đang thể hiện như một lời chứng sống động nơi những “người nghèo của Tin Mừng”.

Người ta sẽ chẳng có thể hiểu được những “đòi hỏi” mạnh mẽ của đoạn Tin Mừng này, nếu không đặt đoạn văn vào trong toàn bộ Bài giảng Trên núi, để hiểu rằng Nước Trời từ nay được chính Thiên Chúa thực hiện chứ không phải là công trình của con người; và Nước Trời ấy dành cho mọi người nếu mỗi người nhận thức được rõ thân phân yếu hèn của mình, không xuê xoa khát vọng tuyệt đối sâu xa trong lòng mình, và đón nhận đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất của cuộc đời mình. Đó chính là thái độ của những “người nghèo của Tin Mừng”. 

Tạm kết

Một trong những dấu chỉ Nước Trời là sự phong phú. Sự sống của Chúa không phải mang dáng vẻ loay hoay, vá víu, méo mó, lệch lạc nhưng là một sự phong phú, sứ sống phong phú, sung mãn, tròn đầy. Điều đó con người không thể làm được. Điều được ban cho con người chính là đặt mình vào dòng suối phong phú của sự sống siêu nhiên, để rồi được nâng lên mức độ, đúng hơn là được nâng lên một đẳng cấp khác hẳn :

“Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN -A

Bài đọc 1 : Is 58, 7-10 : “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”

Bài đọc 2 : 1 Cr 2,1-5 : “Tôi đã loan báo cho anh em mầu nhiệm đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá”

Tin Mừng : Mt 5,13-16 : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”

Sứ Điệp Lời Chúa :

1. Mầu sắc cuộc đời

Ở tuổi thiếu niên, người ta thường thần tượng hóa một ai đó; và nhân vật được thần tượng hóa luôn luôn là tuyệt hảo. Tuy nhiên, khi trở nên một người trưởng thành, người ta sẽ dần dần thấy được là chẳng có ai hoàn hảo cả. Những thần tượng đẹp đẽ sẽ bị vỡ ra khi người ta biết được sự thật của cuộc đời. Cuộc đời không phải được tô vẽ bằng mầu hồng và con người không phải là thần thánh.

Cũng như trong gia đình, đối với con cái nhỏ và con cái ở tuổi thiếu niên, bố mẹ cần phải làm gương sáng cho con cái, đó là điều không thể thiếu; nhưng đối với con cái đã trưởng thành, bố mẹ không thể mãi bưng bít, dấu diếm con cái những thói hư tật xấu của chính mình; vì điều đó có một nguy cơ còn lớn hơn là làm mất lòng tin của con cái vào cha mẹ, khi chúng biết được sự thật phũ phàng.

Sự thật của con người là “nhân vô thập toàn”, là “con người là sinh vật có bệnh”, cả bệnh về thể xác cũng như bệnh trong tâm hồn. Những ai không bước xuống được mặt bằng của cuộc sống thật, mãi bay bổng trong thế giới lý tưởng mầu hồng sẽ có nguy cơ một ngày nào đó rơi vào tình trạng mất lòng tin vào cuộc sống, hoặc sống mãi với thái độ cầu toàn, không thể chấp nhận, cảm thông, kiên nhẫn với “sự thật phũ phàng” của cuộc đời.

2. Thái độ nào ?

Nhưng cuộc đời cũng không phải toàn mầu xám xịt và con người cũng không phải là một con thú đội lốt người. Trong cái xám xịt của cuộc đời, người ta vẫn nhìn thấy được những tia sáng lấp lánh; và trong con người, cả những người tội lỗi và tệ hại nhất, vẫn còn có ánh sáng hình ảnh của Thiên Chúa ẩn hiện.

Người trưởng thành chính là người biết rõ giới hạn của mình mà không thất vọng; biết rõ sự thật của cuộc đời mà không buông xuôi; không phải người cầu toàn mà cũng không phải là người bi quan.

Tất cả những điều ấy cũng đúng trong đời sống Giáo hội. Một khi người ta còn quá lễ nghĩa, lễ nghĩa đến độ giả tạo; một khi người ta còn quá tô hồng những đấng bậc trong Giáo hội; một khi người ta còn cố che đậy sai sót, lỗi lầm của mình và che đậy cho nhau vì một thứ danh dự nào đó, thì cuộc đời vẫn chưa thể được hóa giải và sự thật của cuộc đời, sự thật của ơn cứu độ, vẫn chưa được khai mở.

Chính thái độ “nhìn lên”, nhìn lên để so sánh hay dở, nhìn lên để xưng tụng công đức, khiến cho con người không thể thấy được sự thật của cuộc sống, sự thật của con người, và sự thật của Thiên Chúa…
3.Ánh sáng của anh em…

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Nhưng xét trong toàn bộ Tin Mừng, chắc hẳn chúng ta hiểu được rằng Chúa không kêu gọi thái độ đạo đức theo nghĩa thế gian, thái độ trở nên “gương sáng” cho cuộc đời, nhưng là thái độ “làm chứng” cho sự thánh thiện của Thiên Chúa :

“..để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

Do đó, trong bài đọc 2, thánh Phaolo nói :

“Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”. (1 Cr 2, 3-5)

Có lẽ cách sống của người Kitô hữu chưa thể là muối và là ánh sáng cho thế giới hôm nay không phải chỉ do những gương mù nhưng sâu xa hơn còn do chiều kích danh giá vẫn quá lớn trong não trạng chung của người Kitô giáo, đặc biệt là não trạng của các Đấng bậc.

Thay vì nhìn lên để quá nể vì, quá tế nhị vì danh giá, bài đọc 1 cho chúng ta thấy một thái độ khác, thái độ “nhìn xuống” :

“nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, 
làm thoả lòng người bị hạ nhục, 
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, 
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. (Is 58,10)

Chính thái độ nhìn xuống mới làm nổi bật lòng thương xót của Chúa và mới thật sự là những việc “tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

Tạm kết

“Muối nhạt” và “đèn để dưới đáy thùng” là những lời cảnh cáo luôn luôn nóng bỏng và thật sự là lời cảnh cáo nóng bỏng cho Giáo hội Việt Nam hôm nay.
=> Đọc thêm...

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

THƯ GIÁNG SINH 2013 CỦA CHA GIÁM TỈNH

TỈNH DÒNG NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO, VIỆT NAM 
229 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh 
Tel : (08) 3932 1881 ; Fax : (08) 3932 1880; Email: vietdominicans@gmail.com

THƯ CHÚC MỪNG 

Kính gởi: Quý bề trên và toàn thể anh em trong tỉnh dòng 

Anh em rất thân mến, 

Còn mấy ngày nữa là chúng ta bước vào năm 2014, bắt đầu giai đoạn ba năm mừng kỷ niệm 800 năm Dòng được chính thức châu phê. Tổng hội Trogir 2013 đã dành hẳn một chương cho biến cố này với tựa đề: “Năm Thánh và Canh tân sứ vụ Tin Mừng của Dòng”, tựa đề này phù hợp với Chủ đề của Năm Thánh: “được sai đi loan báo Tin Mừng”. 

Tổng hội đề nghị hai hướng chính để chuẩn bị cho Năm Thánh này. Hướng thứ nhất là tâm tình tri ân Thiên Chúa, Đấng đã khởi xướng, tin tưởng và tiếp tục nâng đỡ Dòng chúng ta trải qua lịch sử 800 năm qua. Có nhận ra được nét đẹp trong linh đạo và sứ vụ của Dòng, chúng ta mới cảm thấy cần phải tri ân Thiên Chúa vì Ngài đã kêu gọi chúng ta vào Dòng. Hướng thứ hai là canh tân. Trước tiên là canh tân nhiệt tình của chúng ta, làm sống lại nhiệt tình của ngày chúng ta đến với Dòng, cũng như nhiệt tình của các anh em cùng với cha thánh Đa Minh ngày thành lập Dòng. Tiếp đến là canh tân cách thức thực thi sứ vụ, nếp sống trong các cộng đoàn chúng ta, kể cả các cơ cấu tổ chức Dòng. Việc canh tân này đỏi hỏi chúng ta phải chăm chú lắng nghe Lời Chúa, và đủ khiêm tốn để hoán cải, một thái độ khiêm tốn phát xuất từ sự đòi buộc của chân lý. 

Từ hướng đi đó, Tổng hội nhấn mạnh trọng tâm của dịp Năm Thánh không phải là những tổ chức lễ hội bên ngoài, điều mà thường hấp dẫn và rầm rộ hơn, nhưng là việc canh tân các lãnh vực trong cuộc sống và sứ vụ của chúng ta: “chúng tôi tuyên bố rằng khi cử hành Năm thánh này, Dòng nhắm đến việc canh tân chính mình bằng một tiến trình năng động. Mục đích của tiến trình này là Dòng, một lần nữa, gởi anh em đi rao giảng như cha thánh Đa Minh đã từng sai các anh em đầu tiên.” (s. 50) 

Một cách cụ thể, Tổng hội nêu ra 10 tiêu chí cho việc tổ chức Năm Thánh ở mọi cấp độ trong toàn Dòng (Xc. số 57). 

1. Trong vòng ba năm tới (2014-2016) cần phải thực hiện việc canh tân thực sự, chứ không phải chỉ lo tổ chức các lễ hội. Bốn lãnh vực cần được canh tân là : sứ vụ, đời sống tâm linh, đời sống chung, và các thể chế cơ cấu. 

2. Việc cử hành Năm Thánh không được tổ chức theo hình thức qui hướng về chính mình, nhưng phải hướng đến Thiên Chúa, bởi vì từ Ngài mà chúng ta đón nhận ơn gọi Đa Minh, và hướng đến những anh chị em mà chúng ta được sai đến với họ. 

3. Ôn lại lịch sử của Dòng, không phải là dịp để chúng ta tự tôn vinh chính mình, nhưng là cơ hội nhắc nhở chúng ta về nguồn cội của mình trong tâm tình tri ân, và giúp chúng ta khám phá ra vai trò của hành trình trong cách sống của mình. 

4. Cử hành Năm Thánh còn là dịp thuận tiện để chúng ta, trong tinh thần đại kết, mạo hiểm đi vào một “thế giới mới” để đối thoại và liên đới với những người bị bỏ rơi, người nghèo, những nạn nhân của bạo lực và áp bức. Chúng ta cần phải bắt tay với những tín hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác, và những người không tin, gặp gỡ họ trong những công cuộc đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. 

5. Chúng ta cũng phải nghĩ đến những sáng tạo cần thiết cho việc giảng thuyết hôm nay qua các loại hình nghệ thuật (thi ca, hội hoạ, phim ảnh…) và các phương tiện truyền thông hiện đại (Internet, YouTube, twitter…). 

6. Những sự kiện trong Năm Thánh sẽ được tăng thêm sức mạnh nếu có được một giá trị biểu tượng giống như trường hợp Đức thánh cha Phanxicô trong chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi thành Roma để đến Âu Châu, thăm dân chúng và những người tị nạn ở Lampedusa. 

7. Trong những điểm cử hành Năm Thánh của Dòng, chúng ta hãy ưu tiên chọn những nơi Dòng mới hiện diện. 

8. Nên chia sẻ cho nhau những nguồn lực (tri thức, kinh tế) và vật chất (nghệ thuật, phương tiện nghe-nhìn, in ấn) cho việc cử hành Năm Thánh. 

9. Phải lưu tâm để có sự tham gia của tất cả các ngành trong Gia đình Đa Minh khi cử hành Năm Thánh. 

10. Việc cử hành Năm Thánh cần nắm bắt được tiếng nói và suy nghĩ của giới trẻ, để hướng dẫn họ cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng của chúng ta. 

Thiết tưởng, đây là những gợi ý phong phú cho mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn chúng ta. Bốn lãnh vực canh tân (sứ vụ, đời sống tâm linh, đời sống cộng đoàn, cơ cấu…) đều là những lãnh vực cần canh tân ở cấp độ từng đơn vị: tu viện, tu xá, thậm chí các điểm truyền giáo mới tại các giáo xứ. Vì thế, để chia sẻ niềm vui và ưu tư của toàn Dòng, tôi mời gọi mọi cộng đoàn chúng ta, trong năm 2014 này, hãy tiếp tục nỗ lực công cuộc canh tân tuỳ theo hoàn cảnh chúng ta. Trong các dịp tĩnh tâm, hội thảo, thường huấn của cộng đoàn, xin anh em hãy tập trung mối quan tâm vào dự án chung này của Dòng. 

Ở cấp độ tỉnh dòng, thực hiện chỉ thị số 54 của Công vụ Tổng hội Trogir, Ban cố vấn Tỉnh dòng đã đề cử cha Phụ tá Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng làm Đặc trách tổ chức Năm Thánh 2016. Công việc của ngài là phối hợp các đơn vị trong Tỉnh dòng cũng như cộng tác với toàn Dòng để đẩy mạnh việc đón mừng Năm Thánh. Thay mặt anh em, tôi xin chân thành cám ơn cha Phụ tá với vai trò mới này. Hy vọng, cùng với trách nhiệm Đặc trách Gia đình Đa Minh Việt Nam, cha sẽ phát huy thêm sự cộng tác của mọi thành phần trong Gia đình Đa Minh Việt Nam trong dịp Năm Thánh. 

Riêng trong năm 2014, ngoài những sinh hoạt khác, sẽ có hai sự kiện cấp Tỉnh dòng khá quan trọng giúp chúng ta thực hiện việc canh tân :

1. Đợt tĩnh tâm chung Tỉnh dòng, từ ngày thứ hai, 21/7 đến thứ bảy 26/7/2014.

2. Đợt kinh lý của Bề trên Tổng quyền, dự kiến từ Chúa Nhật 27/10 đến thứ Năm 23/10/2014.

Xin quý bề trên và toàn thể anh em khai triển chương trình sinh hoạt đón mừng Năm Thánh trong các cộng đoàn của mình, đặc biệt là cộng tác với cha Đặc trách tổ chức Năm Thánh trong những sinh hoạt chung. Tôi xin kính chúc quý cha Bề trên, và toàn thể anh em Lễ Giáng Sinh vui tươi, thánh đức và Năm Mới 2014 sống trong bình an và chân lý.

Thân mến trong thánh phụ Đa Minh

Trụ sở Tỉnh dòng, ngày 22 thàng 12 năm 2013,
kỷ niệm lần thứ 797 ngày Dòng được chính thức châu phê.

(đã ký)

Ts. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP
Giám tỉnh
=> Đọc thêm...

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

CHÚA NHẬT CHÚA THỨ II THƯỜNG NIÊN - A

Bài đọc 1 : Is 49,3.5-6 : Ta đặt người làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.

Bài đọc 2 : 1 Cr 1,1-3 : Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu ban cho anh em ân sủng và bình an.

Tin Mừng : Ga 1,29-34 : Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.

Sứ Điệp Lời Chúa : Đấng Thiên Chúa tuyển chọn

1. Trong Thần Khí Thiên Chúa

Có lẽ chúng ta thường nghĩ đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Ngài biết hết mọi sự và làm mọi sự như là chính Thiên Chúa đang thực hiện…

Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy, trong cuộc đời của Ngài, đức Giêsu tỏ hiện như một con người, trong nhân tính của Ngài, và nhân tính ấy thực hiện sứ mạng cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa thông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu thụ được thụ thai trong quyền năng của Thánh Thần, đức Giêsu lớn lên trong sự bảo bọc của Thánh Thần, và đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai cũng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, để rồi khi thi hành sứ vụ, con người Giêsu ấy biểu lộ quyền năng của Thánh Thần trong từng lời nói và cử chỉ của Ngài :

“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !" (Mc 1,27)

Đó là đường lối của Thiên Chúa và có lẽ đường lối ấy cũng chỉ nhằm để cứu độ con người, để những ai gắn bó với đức Giêsu thì cũng được lãnh nhận Thánh Thần và cũng được hiệp nhất với Thiên Chúa trong Thánh Thần… và ngược lại, những ai được sự dẫn dắt của Thánh Thần sẽ nhận ra được sự hiện diện của Chúa Giêsu và được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. 

2. Dấu chỉ của Thần Khí 

Nhận ra dấu chỉ là một phương thức sống đức Tin đặc biệt trong một tôn giáo cũng có một bản chất đặc biệt. Dấu chỉ là một thực tại trần thế, có thể là một sự kiện, một biến cố hay một sự vật nào, nhưng lại biểu lộ sự hiện diện hoặc sự can dự của Thiên Chúa. Dấu chỉ là sự hiện diện của cái linh thánh trong đời thường. 

Do thái Kitô giáo là một tôn giáo của lịch sử; sống đức tin trong truyền thống ấy chính là sống chiều kích tôn giáo trong những thực tại của lịch sử trần thế. Ở đây, tôn giáo không phải chỉ là một phần trong cuộc sống nhưng chính là trọng tâm, là ý nghĩa căn bản của tất cả cuộc sống. Cũng thế, đức Tin không phải chỉ là chấp nhận một nghi lễ phượng tự nào, mà thiết yếu là nhận ra dấu chỉ sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong dòng lịch sử.

Gioan đã nhận ra dấu chỉ Thần Khí và làm chứng về đức Giêsu. Đó cũng là lời mời gọi mọi người Kitô hữu nhận ra những dấu chỉ trong cuộc sống hiện tại để xác tín và làm chứng cho Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.

3. Lời Chúa như văn hóa đức Tin 

Để có thể đọc được dấu chỉ của Chúa, người tín hữu ngày nay cần phải thấm nhuần văn hóa đức Tin. Văn hóa đức Tin được nuôi dưỡng đặc biệt trong Kinh Thánh. Trung tín với Kinh Thánh, người Kitô hữu mới nhận ra được một thứ “tương đồng” của thực tại hôm nay với những biến cố trong lịch sử cứu độ; và nhờ đó mà nhận ra “vóc dáng”, “mùi vị”, “mầu sắc” linh thánh, biểu lộ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng thực tại trần thế. 

Cũng như dân Israen luôn phải đọc Lời Chúa để nhớ lại những kỳ công dấu lạ Chúa đã làm với cha ông; đồng thời tin vào một tương lai Chúa đã hứa và thêm lòng xác tín thực hiện ý Chúa trong hiện tại; thì người Kitô hữu cũng nhờ Kinh Thánh để đặt mình vào dòng lịch sử ơn cứu độ và nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong cuộc sống hiện tại của mình.

Chẳng hạn chính hình ảnh Người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia mà ta nghe đọc trong bài bài đọc một làm nên mầu sắc, mùi vị của “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” mà Gioan làm chứng trong bài Tin Mừng; và chỉ trong mầu sắc ấy, người Dân của Chúa mới có thể hiểu được đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.

Cũng vậy, người Kitô hữu hôm nay, muốn sống đức Tin một cách sống động và sống thực, cần được sự dẫn dắt của Thánh Thần, để nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, nhận ra gương mặt của đức Giêsu như Người Tôi Trung trong một phong cách, trong một lựa chọn, trong một thái độ nào đó của đời thường; và để có thể làm chứng cho Chúa giữa dòng lịch sử đời thường hôm nay.

Tạm kết

Thần Khí Thiên Chúa vẫn đang hoạt động, hôm qua và hôm nay, để “thổi” thực tại linh thánh vào dáng vẻ trần tục của cuộc sống đời thường. Xin Chúa ban Thần Khí để mỗi người Kitô hữu nhận ra đức Giêsu, trung tín với đức Giêsu và làm chứng cho Ngài…trong đời thường.

=> Đọc thêm...