Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT THỨ 3 MÙA CHAY - A

Bài đọc 1 : Xh 17, 3-7 : “Cho chúng tôi nước uống đi”.

Bài đọc 2 : Rm 5, 1-2. 5-8 : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta”.

Tin Mừng : Ga 4, 5-42 : “Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Sứ Điệp Lời Chúa : “Ba tầng khát vọng” - Đức Giêsu là Nước hằng sống.

1. Khát…

Con người cần ăn. Khi không được ăn, con người đói; đó là một thực trạng lù lù mà ai cũng thấy. Nhưng sâu xa hơn một chút, con người uống; và khi không có nước, con người bị khát nước. Nhu cầu uống còn lớn hơn và sâu hơn nhu cầu ăn.

Tình trạng khát nước, cũng diễn tả và mời gọi người ta nhận ra những nhu cầu sâu hơn và thật hơn của kiếp người; con người có nhiều khát vọng, và khát vọng nhiều thứ sâu hơn, cao hơn; chứ không phải chỉ cần ăn, cần uống, cần mặc, cầu nhà, cần tiền… Con người khát vọng tuyệt đối, con người khát vọng được sống-với ai khác, con người khát vọng được yêu, được chấp nhận; con người khát vọng một sự sống có ý nghĩa, và khát vọng được là người quan trọng nhất, người được thương yêu nhất đối với một ai khác…

Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Đức Giêsu khởi đi từ việc con người khát để mời gọi và nhắc nhớ về một thứ khát sâu xa hơn, mãnh liệt hơn, khát vọng được sống trọn vẹn, sung mãn, khát vọng một Ai khác, khát vọng được yêu. Hơn nữa, khát vọng được yêu của con người vẫn chưa được thỏa mãn trong thực trạng của cuộc sống đời thường, cụ thể là người phụ nữ đã có năm đời chồng mà vẫn chưa yên ổn; mà người hiện đang sống với chị ấy cũng không phải là thực sự là chồng… Thực sự con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là để được sống với Chúa, đó là khát vọng sâu xa nhất và chân chính nhất của con người; và chính đức Giêsu cũng nói với các môn đệ rằng : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.

2. Được hiểu…

Nếu từ nhu cầu vật chất, con người có thể nhận ra những nhu cầu sâu xa hơn, lớn lao hơn, thì chính từ những nhu cầu tinh thần, con người lại được mời gọi cách mãnh liệt hơn nữa để sống thực, sống trọn vẹn, sống sung mãn cuộc đời của mình.

Khi không được hiểu, người ta phải “dấu diếm” con người thật của mình. Người phụ nữ Samari đã lảnh tránh vấn đề đời sống gia đình của mình. Trai năm thê bẩy thiếp thì danh giá, còn người phụ nữ có năm đời chồng lại là điều bị dèm pha, bị lên án… Nhưng dù người nam có năm thê bẩy thiếp, người phụ nữ khát vọng tìm được một nơi nương tự an ổn, thì tất cả những điều đó vẫn chưa thỏa mãn được “cơn khát” sâu xa của con người.

Con người cần được hiểu, cần được chấp nhận trọn vẹn bản thân mình…

3. Được thờ phượng Thiên Chúa cách chân thật

Người phụ nữ đặt vấn đề về vấn đề thờ phượng…Tôn giáo thường là nguyên cớ của bao nhiêu tranh chấp, bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu tội ác nặng nề. Nhưng không phải vì đó mà có thể loại bỏ được tôn giáo. Tôn giáo là một nhu cầu thật của đời sống con người, một nhu cầu mang tính “khái quát” toàn bộ cuộc sống con người. Và “rượu càng ngon thì dấm càng chua”, một nhu cầu “khái quát” như thế không được thỏa mãn thì biến thành “dấm chua”, biến thành duyên cớ của thái độ bất khoan dung, và của tội ác nữa.

Đức Giêsu công bố một giai đoạn mới của lịch sử :

“Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật…”

Đức Giêsu chính là điểm khai mở của tôn giáo đích thực, vì khi gặp được đức Giêsu, người ta nói được rằng : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng người thật là Đấng cứu độ trần gian”

Tạm kết

Tôn giáo là một nhu cầu thật, và gặp gỡ đức Giêsu, chỉ nhờ gặp gỡ với đức Giêsu, người ta mới có thể giải quyết được những nhu cầu đa dạng, sâu xa và siêu việt nhất của đời người. Cuộc trao đổi của đức Giêsu với người phụ nữ Samari chính là một hành trình chân thật của một con người trên hành trình khao khát hoàn thành được vận mạng đời mình.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét