Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY - NĂM A

Bài đọc 1 : 1 Sm 16, 1b.6-7.10-13 : “Ông Đavít được xức dầu tấn phong làm vua Israen”.

Bài đọc 2 : Ep 5, 8-14 : “Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”.

Tin Mừng : Ga 9, 1-41 : “Anh mù đến rửa ở hồ Silôác và khi về thì nhìn thấy được”.

Sứ Điệp Lời Chúa : Đẳng cấp của ơn cứu độ

1. Đa vít và anh mù

Đavít là một vị vua lừng lẫy trong lịch sử dân Israen, và là một nhân vật trọng tâm trong lịch sử ơn cứu độ, vì đức Giêsu là “con vua Đavít”. Giữa vị vua lừng lẫy ấy và người ăn xin mù lòa kia có điểm gì chung ? Quả thật, theo kiểu đánh giá của thế gian, hai con người đó hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là có những hoàn cảnh trái ngược nhau. 

Não trạng của thế gian vẫn khó có thể thoát được một lối đánh giá “tự nhiên”, lối đánh giá dựa vào những gì hợp lý với diễn tiến bình thường của kinh nghiệm con người, theo đó những người ưu tuyển của thế gian thì cũng có nhiều thuận lợi hơn để được giải thoát. Con đường giải thoát mà con người vẽ ra, con người tìm tòi, con người nỗ lực,… vẫn luôn luôn là nẻo đường dành riêng cho những người ưu tuyển. Những người giỏi dang, những người được giáo dục tốt, những người có ý chí kiên cường, những người anh hùng hoặc có khả năng siêu thoát những đam mê thấp hèn của xác thịt con người…luôn là những người được kỳ vọng; và để viết lại tiểu sử những nhân vật anh hùng trong lịch sử, dường như không bao giờ người ta không qui chiếu vào những “tiền đề” của điều kiện giáo dục tốt hoặc của những thái độ cao cả, anh hùng…

Trong đời sống Giáo hội, khi viết hạnh các thánh, trong những bài giảng thuyết về cuộc đời các thánh, trong những trưng dẫn của những vị giảng thuyết về “gương sáng” của các vị thánh, người ta vẫn không ngừng nhận xét, ca tụng, tô vẽ về những “nhân đức tự nhiên” ấy. Có lẽ đó là một lý do lớn khiến cho đời sống Kitô giáo vẫn mang mác một thứ “đạo luân lý” chứ không phải đạo cứu độ, vẫn dựa vào “gương sáng” (của luân lý tự nhiên) chứ không phải dựa vào sức mạnh của “lời chứng” về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Có lẽ thứ não trạng ấy vẫn còn ăn rễ quá sâu trong tâm thức con người khiến cho phần lớn bài giảng của các linh mục vẫn rớt vào một thứ giảng luân lý chứ không phải công bố quyền năng và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Với não trạng như thế, quả thật vua thánh Đavít và anh mù khó có thể thể có điểm chung

2. Cùng chung một phận người

Điều mà phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy, có lẽ là cả Đavít lẫn anh mù đều là những người không được đánh giá cao, hoặc đúng hơn là bị coi thường, với con mắt nhân loại.

“Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuen : ‘đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn vì ta đã gạt bỏ nó, Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm : người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. 

Ngay cả người cha Gie-sê cũng không ngờ một chút nào về việc Chúa chọn cậu út Đavít, nên lúc đầu đã không gọi Đavít về để trình diện với Samuen. Còn anh mù thì bị nhận xét rằng :

“Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?”

Thật ra thế giới không bao giờ có được một sự công bằng hoàn toàn. Nếu cậu út Đavít không có thân mình cao lớn như Eliáp, anh của ông, thì rất có thể hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Giesê, vào thời kỳ mang thai và sinh Đavít, đã không còn được khá giả như xưa. Nhưng đó không phải là lỗi lầm gì của Đavít. Cũng như anh mù đã chịu cảnh mù lòa từ khi sinh ra thì đó cũng “không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”. Chính đức Giêsu đã xác định như thế. Cuộc sống xoay vần, và có những người rơi vào ô may mắn, có những người rớt vào hố xui xẻo. Cái bất công tự nhiên đó, con người không chịu và thật ra cũng không thể nào xóa lấp đi được. Nhưng người nào đã lợi dụng cơ may được tặng không của mình để khinh dể, để đàn áp người kém may mắn thì mới là những người thực sự bất công.

Khi Thiên Chúa vào cuộc, Ngài không chỉ xóa bỏ bất công mà thôi, nhưng còn nâng con người lên một đẳng cấp mới trọn vẹn, hoàn hảo hơn nhiều. Ơn cứu độ là một hồng ân tặng không; và chính những con người bị loại trừ lại là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Đavít được xức dầu, còn anh mù thì được điều quí báu là đức Tin.

“Anh nói : thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”.

3. Đẳng cấp mới

Điều đó còn cho chúng ta thấy rõ một sự thật lớn lao hơn, mọi thứ con người lãnh nhận được đều là hồng ân tặng không, và đó là đẳng cấp cao quí của phẩm giá người. Thiên Chúa không chỉ xóa bỏ bất công theo kiểu người ta nhổ cỏ, nhưng Người muốn thiết lập một thế giới mới của “đất có hoa”, thế giới của tình nghĩa. Thật sự bất công chỉ có thể được hóa giải trong thế giới tình nghĩa, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc trả vay sòng phẳng.

“Nhưng sở dĩ thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh…”

Người ta vẫn thường nói rằng con người không là gì trước mặt Chúa, con người chỉ là hư vô, là kẻ mọn hèn trước mặt Chúa…điều đó hoàn toàn đúng, nhưng đó mới chỉ là “mặt trái” của sự thật. Mặt phải của sự thật sáng chói và huy hoàng hơn nhiều, đó là vì con người được Chúa sáng tạo để sống trong đẳng cấp của tình nghĩa chứ không phải đẳng cấp trao đổi sòng phẳng; con người chỉ là mình trong thế giới của sự trao tặng và cho đi trong tình tình nghĩa; con người được được mời gọi để sống địa vị con cái trong nhà chứ không phải sống vai trò một người làm công…

* Tạm kết

Có lẽ não trạng luân lý còn quá sâu trong tâm thức con người, khiến cho người ta không dám tin có một thế giới của tình nghĩa tặng không đã bắt đầu với đức Giêsu, Ngài là “Ánh Sáng thế gian”. Có lẽ não trạng đổi chác còn lù lù trong tâm thức con người khiến con người, ngay ở trong Giáo hội, đã đè bẹp những người “kém may mắn”, cả về vật chất lẫn tinh thần; đè bẹp là vì đã che khuất, đã dấu nhẹm những cơ duyên tặng không của Thiên Chúa cho những người bị loại trừ. Một khi đã không chấp nhận tặng-không sự chấp nhận, tặng không những cơ duyên cho ai khác, thì ta cũng không được quyền đòi hỏi người khác phải vượt thoát được xiềng xích của thế gian, và điều quan trọng hơn là là ta cũng không được quyền đón nhận hồng ân tặng không của Thiên Chúa :

“Đức Giêsu nói : Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét