Bài đọc 1 : Is 60,1-6 : “Vinh quang của đức Chúa chiếu tỏa trên ngươi”
Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6 : “Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia ngihiệp”
Tin Mừng : Mt 2,1-12 : “Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người”
Sứ Điệp Lời Chúa : Chương trình của Chúa và thái độ của con người.
1. Nghịch lý của muôn đời
Dân Israen được chọn làm Dân riêng, vì Chúa yêu thương Dân, và để Dân trở nên lời chứng về nhiệm cục cứu độ của Chúa. Dân riêng của Chúa sẽ cộng tác tốt đẹp vào nhiệm cục cứu độ của Chúa khi trung tín với Chúa, khi thành tâm với chính mình, khi ý thức hồng ân và trách nhiệm của mình, với Chúa và với muôn dân.
Thế nhưng trong biến cố các nhà chiêm tinh phương đông đi tìm Chúa, thì ta lại thấy, chẳng những vua Hêrôđê tìm cách phá chương trình của Chúa, nhưng còn có sự mâu thuẫn lạ lùng của những thượng tế kinh sư, và cả đám đông dân chúng. “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”; nhưng tất cả lại vẫn an ổn trong đời sống hằng ngày của mình.
Sự im ắng lạ lùng của một Dân tộc được chuẩn bị suốt 18 thế kỷ để đón chờ Đấng Mêsiah, sự im ắng đó thật là nghịch lý.
Hình như có một sự giằng co giữa sứ vụ của một tập thể và sự ổn định của đời sống riêng mỗi người, mà cuối cùng phần thắng thường nghiêng về cá nhân. Điều đó vốn là thực trạng muôn đời của kiếp người; và nghịch lý đó vẫn còn trong đời sống Giáo hội hiện nay, với những Đấng bậc và với người tín hữu bình thường hiện nay. Đặc biệt với Giáo hội Việt Nam, chúng ta có thể thấy một thứ ưu tiên của thực tế, theo đó, các đấng bậc vẫn chỉ ưu tiên phục vụ chiên trong đàn và phục vụ chiên ngoan, và người tín hữu vốn chỉ bận tâm ổn định đời sống của mình, miễn sao đừng mất linh hồn mình là được.
2. Chương trình của Chúa
Tuy nhiên, khi mà con người không cộng tác vào chương trình của Chúa thì Chúa vẫn có thể, cách này cách khác, thực hiện chương trình của Ngài.
Thật ra, lòng khao khát ơn cứu độ vốn đã được ươm mầm trong tâm khảm con người, và từ xưa đến nay, thế giới không hề thiếu vắng những “nhà chiêm tinh từ phương đông”. Lời kêu mời của Chúa vang vọng khắp nơi và chính Dân riêng của Chúa lại được nhắc nhớ, được thôi thúc do từ lòng nhiệt tâm của những người “bên ngoài”. Đây cũng là thực trạng muôn đời trong dòng lịch sử của Giáo hội.
Mặc khác, Thiên Chúa chẳng bỏ đi chương trình của Ngài để làm lại từ đầu, Ngài “tận dụng” cả sự gian ác của Hêrôđê, Ngài tận dụng những “kiến thức” của một Dân được sống trong dòng lịch sử của lời hứa, để tỏ mình ra cho dân ngoại, để đến được với những tấm lòng khao khát chân thành.
Sự cứng lòng của Dân riêng không thể cản trở chương trình của Thiên Chúa, nhưng chỉ có thể tự cản trở chính mình. Mầu nhiệm Hiển Linh nằm trong nhiệm cục căn bản của Thiên Chúa, và những ai cản phá, những ai không đón nhận, những ai đánh mất cơ duyên Chúa ban cho mình,... sẽ phải mở to mắt để thấy quyền năng và tình yêu lớn lao của Chúa.
3. Gặp gỡ
Kitô giáo khẳng định trong con người có một nỗi niềm khao khát Thiên Chúa, niềm khao khát sâu xa, niềm khao khát ẩn tàng, niềm khao khát âm ỉ. Thánh Âu Tinh nhận ra niềm khao khát ấy và buộc miệng kêu lên : Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.
Niềm khao khát Thiên Chúa ấy khiến cho con người chẳng thể an ổn trong những thỏa mãn tương đối, khiến cho con người không ngừng khao khát cái hơn nữa, khao khát tìm kiếm CÁI KHÁC, khiến cho con người không ngừng tìm vươn lên mãi trong mọi lãnh vực của đời sống con người.
Hành trình ấy không phải là một ảo tưởng, không phải là một nỗi đe dọa vong thân, không phải thái độ bỏ mồi bắt bóng; bởi vì với những ai thành thật với mình, “cởi trói” cho lòng khát khát vô biên trong bản thân mình, người đó sẽ có được kinh nghiệm gặp gỡ cái tuyệt đối, hay đúng hơn là gặp gỡ Đấng Tuyệt Đối.
“Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người...”.
Không có gì đặc biệt nơi một Hài nhi, nơi một bà mẹ, thế nhưng đó lại là diểm đến của một hành trình tìm kiếm; và chính từ hành trình tìm kiếm ấy giúp các nhà chiêm tinh mới có được một sự gặp gỡ đích thực. Khi đó, niềm vui bùng vỡ; niềm xác tín trở nên vững chắc, không thể lay chuyển; và đưa đến thái độ thờ lạy...
Tạm kết
Trọng tâm của bản chất người chính là “tinh thần nhập thể”, là linh hồn “ẩn dấu trong thân xác”. Trong đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa làm người, chúng ta hiểu ra được huyền nhiệm của chính con người.
Như thế, cuộc sống con người nơi trần gian này vốn là một sự “trộn lẫn” giữa linh thiêng và thế tục, giữa tương đối và tuyệt đối, giữa kinh nghiệm cá nhân và những “hướng dẫn bên ngoài”...
Thật ra, mầu nhiệm Thiên Chúa Hiển Linh được tỏ bầy qua kiến thức Kinh Thánh của các kinh sư, qua “ánh sao lạ” của những biến cố trong cuộc sống, qua thời điềm,... cũng phải đồng thời là sự hiển linh của Thiên Chúa trong tâm khảm của con người, con người như một “nhà chiêm tinh từ phương đông”.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét