Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – A

Bài đọc 1 : Is 11, 1-10 : “Chúa sẽ xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng”

Bài đọc 2 : Rm 15,4-9 : “Đức Kitô cứu độ hết mọi người”

Tin Mừng : Mt 3,11-12 : “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”

Sứ điệp Lời Chúa : Sám hối để được lãnh nhận 

1. Hành động hay chờ đợi ?

Mùa Vọng được cử hành trong bầu khí phụng vụ mầu tím, đó là mầu của sám hối, ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Thế nhưng hình như bầu khí Giáng Sinh đã được/bị đưa đẩy vượt ra khỏi lãnh vực của “mùa Phụng vụ” đích thực, lãnh vực của đời sống đức tin, để trở thành dịp buôn bán trong các cửa tiệm, trở thành cơ hội vui chơi trong các tụ điểm và trở thành một thứ lễ hội ngay cả trong sinh hoạt nhà thờ. Niềm vui Giáng sinh thật là linh thánh và thật dễ thương, nhưng đó là niềm vui chân thật do Chúa ban.

Tinh thần của thời đại ngày nay luôn đề cao lòng tự tín, thúc đẩy tinh thần hành động, khuyến khích thái độ tự nỗ lực để đạt được điều mình mong ước… Nói chung, đó là những thái độ nhân bản tốt đẹp. Tuy nhiên, trong đời sống đức Tin, những não trạng và thái độ như thế lại không kém nguy hiểm.

Trong khi đó, đức Tin đặt người Kitô hữu trong một khởi điểm : con người được tạo dựng từ hư vô. Đức Tin nhắc nhở người Kitô hữu : mọi sự đều là hồng ân tặng không của Thiên Chúa. Đức Tin mời gọi người Kitô hữu sống tinh thần sám hối, chờ đợi, chuẩn bị để được lãnh nhận…

Đời sống đức Tin không chống lại các đức tinh nhân bản, nhưng đặt tất cả những đức tính như lòng tự tín, thái độ tích cực hành động… trên nền tảng “sống với Chúa”, và xác định tất cả những đức tính nhân bản ấy phát xuất từ lòng tri ân về những gì Chúa đã tặng không cho mình.

Không có đức Tin, những đức tính nhân bản là “bảng điểm” của một “bài thi” về năng lực của mỗi người. Với đức Tin, những đức tính nhân bản là hoa trái của tình nghĩa, thứ tình nghĩa mà chính Chúa đã đi bước trước, đã tặng không cho mỗi nguời.

Con người ngày nay không muốn chờ đợi, nhưng muốn tự mình tạo ra niềm vui cho mình, tự mình hoàn thành những khao khát của mình. Ngay từ đầu mùa Vọng, bầu không khí của niềm vui đã nhen nhúm, nhưng nhiều người đã muốn giành lấy niềm vui đó bằng năng lực của mình, tự tạo niềm vui cho mình bằng những sinh hoạt, tổ chức, chuẩn bị bên ngoài nhiều hơn là chuẩn bị tâm hồn… Nguy hiểm hơn nữa, có những người lại nỗ lực “chuẩn bị tâm hồn” như một sự đổi chác xứng đáng để đòi được ơn phúc. 

2. Dừng lại nơi sứ điệp sám hối của Gioan

Người Kitô hữu thường chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh và việc xưng tội, đó là một “thói quen” tốt lành, tuy rằng đó chưa hẳn là một tâm tình sám hối sâu xa và chân thật. Hình như người Kitô hữu chuẩn bị để đón Ngày Lễ Giáng Sinh hơn là đón Chúa đến trong tâm hồn, trong gia đình, trong giáo xứ…của mình. Một cách nào đó, việc sám hối của người tín hữu ngày nay vẫn dừng lại ở mức độ như những người Do Thái từ Giêrusalen, khắp miền Giuđê, vùng ven sống Giođan, những người Pharisêu, những người Xađốc tuốn đến với Gioan Tẩy Giả… 

Sứ điệp sám hối của Gioan Tẩy giả “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Gioan mở ra một chân trời rộng lớn hơn : “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa”.

Quả thật, đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam, mặc dù vẫn giữ đời sống đạo tốt lành, nhưng chưa mở toang ra với thế giới ân sủng của Thánh Thần. 

3. Niềm vui bao la chân thật

Cuộc sống của dân Việt quá khó khăn khiến cho người Việt bằng lòng với những niềm vui nhỏ bé. Người Kitô hữu chưa biết cảm nếm niềm vui chân thật, niềm vui sâu xa và niềm vui mở ra một chân trời vô cùng bao la. 

Trong bài đọc 1, Isaia đã mở ra một chân trời mơ ước; thế giới của quyền năng Thiên Chúa, thế giới của hoà bình, an vui, và thế giới ấy được điều hành do một “Mầm Non” từ gốc tổ Giesê, được đầy tràn Thần Khí của đức Chúa :

“Ngày ấy, từ gốc tổ Giesê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một Mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trị trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”

Sứ điệp căn bản của Gioan Tẩy Giả là “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Sám hối đích thực là sám hối vì Nước Trời chứ không phải chỉ so chiếu với Mười Điều Răn. Trong Bài giảng Trên Núi, chúng ta thấy đức Giêsu mở ra một chân trời siêu việt, Chúa mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời, yêu thương kẻ thù, thực hiện trước điều mình muốn người khác làm cho mình…Chân trời của mơ ước của con người được rộng mở cho tới tuyệt đối, chính điều đó sẽ đặt con người trước sự bất lực căn bản và mở lòng ra cho sự tác động của Thánh Thần. Chỉ khi đó, người Kitô hữu mới có thể tìm thấy niềm vui lớn của lễ Giáng Sinh sắp đến. 

Tạm kết

Khao khát, chờ đợi hồng ân của Chúa, đó là tinh thần của người Kitô hữu, và tinh thần được Giáo hội nhắc nhủ trong mùa Vọng. Khao khát và chờ đợi để có thể bước vào một thế giới mới của Chúa nhờ ơn sủng của Thánh Thần.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét