Bài đọc 1 : Is 2, 1-5 : Đức Chúa quy tụ muôn dân cho hưởng hoà bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa
Bài đọc 2 : Rm 13, 11-14a : Ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn.
Tin Mừng : Mt 24, 37-44 : Anh em hãy canh thức để được sẵn sàng.
1. Trần gian và Nước Chúa
Kitô giáo từng bị tố cáo là đã “bỏ mồi bắt bóng”, thay vì xây dựng cuộc sống này, thì lại trốn tránh thực tại để mơ mộng một thiên đàng mai sau. Lời tố cáo ấy không phải là không đúng với một số biểu hiện trong đời sống Giáo hội, không phải là không đúng với một số thái độ sống đức tin của người Kitô hữu.
Công đồng Vatican II nhắc nhở : niềm khát mong cuộc sống mai sau không được làm cho chúng ta coi thường cuộc sống hiện tại….
Đức Tin Kitô giáo chân chính không coi thường cuộc sống trần gian, nhưng cũng không bám chặt vào cuộc sống trần gian này. Đức Tin Kitô giáo tôn trọng vận mạng con người đến cùng, một vận mạng cao quí mà, ở trần gian này không ai được quyền vùi dập; và đó là một vận mạng chỉ thành toàn trong cuộc sống trọn vẹn mai sau. Đức Tin Kitô giáo, vì thiết tha với vận mạng cao quí của con người, nên không thể nào không cảnh giác một thái độ giản lược vận mạng ấy vào những thành tựu chóng qua trong cuộc sống hiện tại. Lời kêu gọi canh thức của Kitô giáo có nghĩa là trung tín chờ đợi Chủ về, và trung tín chờ đợi bằng việc chu toàn bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày.
2. Mơ ước lớn lao của con người
Một cách nào đó, có thể nói con người là “sinh vật mơ ước”. Con vật thì bị thúc bách do nhu cầu trước mắt; rồi khi thoả mãn được nhu cầu ấy, con vật an ổn. Trong khi đó, con người thì không bao giờ ngừng lại trong những nhu cầu trước mắt; con người có niềm mơ ước vô biên. Trong cảnh nghèo khổ, người ta có thể chỉ mơ ước một bữa cơm no. Nhưng khi có được một hoặc nhiều bữa cơm no, người ta sẽ lại mơ ước những bữa cơm ngon,… và cứ mơ ước hơn nữa, hơn mãi…
Cuộc sống trần gian của con người chưa bao giờ hoàn hảo và sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo hoàn toàn được. Thế giới còn có biết bao nhiêu người đói, biết bao nhiêu người bệnh tật, biết bao nhiêu đứa trẻ thất học, biết bao người bị oan ức, biết bao nhiêu nhiêu bị giam hãm trong thói hư tất xấu… Thân xác con người đẹp đẽ biết bao nhưng lại không thể chống lại sự già nua, bệnh tật và cái chết. Tình nghĩa của con người tha thiết ngọt ngào biết bao, nhưng lại luôn có sự xuất hiện của chia ly… Dấu ấn “mơ ước” ấy rõ ràng in đậm trên lịch sử con người. Bài đọc 1 cho thấy niềm mơ ước Hoà Bình Vĩnh Cửu của Dân Chúa, và cũng là mơ ước của mọi con người.
Một con người không còn mơ ước hơn nữa, mơ ước cho mình hơn nữa và mơ ước cho tha nhân được tốt đẹp hơn nữa, thì con người ấy không còn dáng vẻ một con người đích thực nữa.
3. Canh thức Kitô giáo
Quả thật có nguy cơ của một thái độ không biết trân trọng cuộc sống trần gian, trốn chạy cuộc sống trần gian để trốn vào cơn mộng về cuộc sống trên thiên đình. Nhưng cũng có mối nguy cơ của thái độ giản lược vận mạng cao quí của con người thành kẻ hưởng thụ; thành kẻ chỉ biết tìm sung sướng mà không biết nếm cảm hạnh phúc đích thực; thành kẻ bất lực đành chấp nhận sự dở dang của kiếp người.
Canh thức Kitô giáo, trước tiên, là thái độ tỉnh thức để nhận ra Chúa đến “lần thứ 3” (theo kiểu nói của các giáo phụ, Chúa đến lần thứ 3 ở giữa hai lần Chúa đến, nghĩa là lần thứ 3 “trước” lần thứ 2), nghĩa là Chúa đến hằng ngày trong cuộc sống trần gian. Chúa Giêsu đã thiết lập Nước Trời như hạt cải nhỏ bé, như kho tàng chôn dấu, như một chút men trong thúng bột…và ở đâu có sự hiện diện của đức Giêsu thì hạt cải Nước Trời được tỏ lộ ở đó.
Nhưng Chúa đến lần thứ 3 như dấu chỉ, như một chút ánh sáng loé lên, như dáng vẻ lung lung giữa sáng và tối trong cuộc sống này. Chỉ khi nào Chúa đến lần thứ 2 trong ngày Quang Lâm, trong vẻ huy hoàng của quyền năng Chúa, thì khi ấy Chúa mới hoàn thành trọn vẹn ước mơ lớn của đời người.
Nếu trốn chạy cuộc đời này, người ta sẽ không thể nhận ra ánh sáng dẫn đường từ việc Chúa đến lần thứ 3, và sẽ không thể đón chờ ngày Chúa đến lần thứ 2 một cách đúng đắn.
Tạm kết
Người Kitô hữu là người luôn tha thiết với vận mạng con người nên không thể mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn. Người Kitô hữu, nhờ luôn mong chờ Ngày Quang lâm, nên có thể tỉnh thức để nhận ra những “dấu chỉ” Chúa đang đến trong cuộc sống hằng ngày và luôn được thêm sức mạnh nhờ đức Cậy.
Tỉnh thức nghĩa là vững lòng trông Cậy, nhờ việc đọc ra được, dưới ánh sáng đức Tin, dấu chỉ loan báo Chúa vẫn đang đến.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét