Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN

TĨNH TÂM MÙA VỌNG - 2013

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng. Vọng có nghĩa là đợi chờ. Mùa Vọng là mùa đón chờ Chúa đến. Vì Chúa đến cách bất ngờ không ai hay biết trước được, nên ta hãy chuẩn bị đón chờ Chúa đến, chuẩn bị bằng cách nghe theo lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng, đó là : Hãy sám hối; hãy dọn đường cho Chúa; và hãy sống phục vụ trong khiêm nhường. 

Như vậy chủ đề của buổi tĩnh tâm hôm nay là “Chuẩn bị đón chờ Chúa đến”. Chuẩn bị qua ba việc, đó là sám hối; dọn đường cho Chúa; và sống khiêm nhường phục vụ. 

1- Bước chuẩn bị thứ nhất là SÁM HỐI : 


- Sám hối là gì ? Sám hối gồm hai động tác: động tác thứ nhất là đoạn tuyệt với tội lỗi; động tác thứ hai là hướng về Chúa. Sám hối là nhìn nhận mình đã gieo rắc bao gương mù gương xấu, khiến khuôn mặt Đức Giêsu trở nên méo mó dị dạng trước mặt người đời. Sám hối là tự vấn lương tâm về những hành động gây chia rẽ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong họ đạo. Sám hối là ăn năn về những cử chỉ thiếu khoan dung, về việc đôi khi ta dùng áp lực để bắt người khác phải theo ý mình. Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của ta trước sự ác, sự bất công và thiếu vắng tình thương trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, sám hối không chỉ dừng lại ở đó để mà đấm ngực và than khóc; sám hối còn đòi hỏi ta hướng về Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ; đòi hỏi ta lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời, nhờ đó, ta không còn đi trong bóng tối, đi theo những đường nẻo lầm lạc, vì “Lời Chúa là đèn soi chân con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. 

- Mặt khác, theo lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, sự sám hối đúng nghĩa có hai đặc tính: 

* Đặc tính thứ nhất là triệt để 

Sám hối không chỉ là thực hiện cho xong một nghi thức. Thí dụ : Đạo gốc, đạo dòng. Mùa Vọng, Mùa Chay tôi đi xưng tội theo kiểu “đến hẹn lại lên” rồi thôi ! Tin Mừng cho biết, những người thuộc nhóm Pharisêu và Xađốc đến xin Gioan làm phép rửa cho. Họ đến vì thấy người khác đi, nên họ cũng đi để trấn an lương tâm; do đó, Gioan Tẩy giả đã quở trách họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,7-8). 

Như vậy, theo lời Gioan Tẩy giả, sám hối đòi hỏi phải triệt để thay đổi cuộc sống, phải phát sinh hoa trái là những việc lành. Gương điển hình của sự sám hối đích thực là ông trưởng ban thu thuế Giakêu. Sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, Giakêu tuyên bố: ông dành một nửa tài sản để chia cho người nghèo, và nếu ông có làm thiệt hại cho ai thì ông sẽ đền bù gấp bốn, nghĩa là ông muốn sống công bằng, sống bác ái. Và Đức Giêsu nói với ông: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nơi nhà này…” 

* Đặc tính thứ hai của sám hối là sự cấp bách và khẩn trương. 

Ta không thể nói: Từ từ rồi tôi sẽ sám hối, hoặc chờ gần đến ngày Giáng Sinh tôi sẽ sám hối, mà phải sám hối ngay, vì ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến gọi ta. Để diễn tả tính cấp bách và sự khẩn trương của sám hối, Gioan Tẩy giả nói: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10) 

- Cuối cùng, để có thể sám hối, ta cần phải có ơn Chúa trợ lực. Tự sức mình, ta không thể sám hối, cần phải dựa vào sức Chúa. Thánh Âu-tinh cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin ngoảnh lại với con, để con có thể ngoảnh lại với Chúa”. Chúa vẫn luôn luôn ngoảnh lại với ta, vấn đề là ta có nhận ra, và đáp trả bằng cách ngoảnh lại với Chúa không ? 

Tóm lại, vào mỗi Mùa Vọng, Giáo Hội thường kêu gọi ta hãy sám hối để chuẩn bị đón Chúa. Trong buổi tĩnh tâm này, xin Chúa mở rộng đôi tai của ta, mở rộng tâm hồn của ta, để ta lắng nghe tiếng Chúa, đón nhận ân sủng Chúa, nhờ đó, ta có thể sám hối chân thành bằng cách sinh hoa trái là những việc lành phúc đức. Có như vậy thì Mùa Vọng này sẽ là một khởi điểm mới cho cuộc sống đức tin của chúng ta. 

2- Bước chuẩn bị thứ hai là DỌN ĐƯỜNG cho Chúa 


- Con đường mà Tin Mừng nói ở đây không phải là con đường bằng đất đá, bằng xi măng hay bằng nhựa, cũng chẳng phải là đường bộ, đường thủy hay đường hàng không; nhưng “con đường” ở đây là hình bóng những con đường trong đời người, ta vẫn bảo: ĐƯỜNG ĐỜI ! Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc đời, có những con đường khác nhau mà ta đang đi trên đó. 

* Có những con đường rào dây kẽm gai, không cho người qua kẻ lại. Đó là con đường của những thù hận, ganh ghét, đố kỵ nhau. Nó ngăn chặn những mối tương giao, những cuộc đối thoại. Hệ quả là người ta sống bên cạnh nhau, nhưng không sống với nhau và không sống cho nhau. Mỗi người là một ốc đảo, khép kín trong cái tôi của mình. 

* Có những con đường đầy hố tử thần, đầy ổ gà, ổ voi. Đó là con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để làm hại, soi bói, xét nét nhau. Rút cục, cuộc sống trở nên ngột ngạt, nặng nề, khó thở. 

* Có những con đường hầm âm u tăm tối. Đó là con đường của những kẻ gian dối lọc lừa, ngoài miệng thì niệm Nam mô, trong bụng thì một bồ dao găm. Hệ quả là người ta dè chừng, lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác, chẳng còn tin nơi nhau, mà mất niềm tin là mất tất cả. 

* Có những con đường hun hút sâu trong rừng rậm. Đó là con đường của những kẻ sống lén lút trong tình trạng tội lỗi, nhưng vẫn xuất hiện trước mắt mọi người với dáng vẻ thật là tốt đẹp, thật là thiện hảo. Hệ quả là ta đeo mặt nạ, ta đóng kịch với nhau. 

* Có những con đường chẻ ra nhiều nhánh, chẳng biết đi theo nhánh nào. Đó là con đường của những người không có lập trường. Họ như cây sậy phất phơ trước gió (x. Mt 11,7), gió thổi chiều nào thì ngả theo chiều ấy. 

* Có những con đường gồ ghề lồi lõm. Đó là con đường của những ai mang tật xấu khó từ bỏ : Hoặc kiêu căng tự mãn, hoặc hà tiện ích kỷ, hoặc đam mê sắc dục, hoặc nóng nảy lắm lời. 

* Có những con đường cỏ dại mọc đầy. Đó là con đường của những người không mắc tội nặng, nhưng có rất nhiều tội nhẹ. Tội nhẹ không giết chết tâm hồn, nhưng nó làm tâm hồn trở nên suy yếu, làm giảm sức đề kháng, khiến người ta khó lòng chống đỡ trước những khó khăn thách đố, hay những cám dỗ cuốn hút người ta lìa xa Chúa. 

* Có những con đường sa mạc cát nóng. Đó là con đường của những người khô khan nguội lạnh, những người dửng dưng vô cảm, những người có trái tim khô, trái tim mùa đông! 

Như vậy, hãy dọn đường cho Chúa, có nghĩa là hãy điều chỉnh, uốn nắn, phát quang những con đường đan dệt nên đời tôi, sao cho con đường đời tôi trở nên bằng phẳng và thẳng tắp, con đường hai chiều đưa tôi đến với Chúa, và đưa Chúa đến với tôi. 

3- Bước chuẩn bị III là sống KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ. 


- Gioan Tẩy giả rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). “Xách dép” hay “cởi quai dép”, đó là hành động của nô lệ đối với chủ. Như vậy, Gioan nhìn nhận mình là nô lệ, còn Đức Giêsu, Đấng đến sau ông là ông chủ. Gioan Tẩy giả xuất hiện trước mắt chúng ta như một con người biết phục vụ trong khiêm nhường. 

- Khi người Do thái cử một số tư tế và Lêvi đến hỏi Gioan Tẩy Giả: “Ông là ai? Gioan trả lời: ‘Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: _ Hãy sửa đường cho thẳng, để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Gioan là “tiếng hô” chuẩn bị cho “Lời” là Đức Giêsu. “Tiếng” đi trước “Lời”, tiếng diễn tả Lời; Lời đến thì tiếng tắt. Tiếng hết nhưng Lời còn đọng lại trong tâm trí người nghe, Lời đòi hỏi con người phải suy nghĩ và chọn lựa thái độ, hoặc đón nhận, hoặc khước từ. 

- Tin Mừng IV còn cho ta biết rõ nét hơn về sự khiêm nhường của Gioan Tẩy giả. 

Số là, sau khi được Gioan Tẩy giả thanh tẩy, Đức Giêsu và các môn đệ Ngài cũng làm phép rửa, và có nhiều người đến với Đức Giêsu. Thấy vậy, môn đệ Gioan Tẩy giả đã báo cáo với thầy mình rằng: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông” (Ga 3,26). Lời thông tin này vừa bộc lộ sự ghen tỵ bực tức, vừa bày tỏ nỗi lo lắng. Các môn đệ Gioan Tẩy giả không muốn thầy của họ bị mất ảnh hưởng, bị xếp hàng thứ hai sau Đức Giêsu. Thế nhưng câu trả lời của Gioan Tẩy giả khiến môn đệ ông chưng hửng. Gioan nói với họ 3 điểm: 

* Điểm thứ nhất: Gioan bảo: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3,27). Câu này có nghĩa là, sở dĩ Đức Giêsu thu hút được nhiều người theo Ngài, ấy là vì Thiên Chúa đã ban ơn ấy cho Ngài, chứ không phải Đức Giêsu muốn tranh giành uy tín và ảnh hưởng với Gioan. Cũng vậy, trong đời sống, ta sẽ thoát được biết bao nỗi ganh tỵ, nếu ta đừng nghĩ đến uy tín và quyền lợi cá nhân mình, nhưng ta nghĩ đến lợi ích chung và kế hoạch của Thiên Chúa. Ta sẽ thoát được sự bực tức và đau lòng, nếu ta nhận ra rằng sự thành công của người khác là do ơn Chúa ban cho họ, đồng thời ta khiêm tốn chấp nhận thực trạng và thực lực của mình. 

* Điểm thứ hai: Gioan nói tiếp với các môn đệ: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người” (Ga 3,28). Qua câu này, Gioan khẳng định, vị trí của ông không phải là đứng đầu, mà ông chỉ được Thiên Chúa sai phái đến như người loan tin, người đi trước dọn đường cho một Đấng Cao Trọng sắp đến. Gioan biết Chúa đã dành cho ông một vai phụ, và ông hài lòng với vai phụ đó. 

Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc sống, rất nhiều người muốn đóng vai chính, muốn làm những việc vĩ đại và lớn lao, họ cảm thấy bất mãn, buồn chán khi mình không đạt được ý nguyện, đang khi đó thì cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng biết bao nếu ta biết khiêm tốn đứng sau và đóng vai phụ, nếu ta biết đón nhận và hết sức chu toàn bổn phận mà Chúa đang trao cho mình. Làm một công tác phụ cho Chúa tức là biến công tác ấy thành quan trọng, bởi vì đối với Chúa, mọi công tác đều đồng hạng, Chúa để ý đến nỗ lực của ta, chứ không quan tâm xem xét ta đang làm công việc gì. Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ, nhưng các ngài nên thánh vì đã chu toàn công việc bổn phận mỗi ngày. 

* Điểm III: Gioan Tẩy giả nói: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở, vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30). 

Qua câu nói này, Gioan gợi lên phong tục cưới xin của người Do thái. Trong đám cưới, người phù rể có một nhiệm vụ đặc biệt, đó là canh giữ phòng hoa chúc, không để cho kẻ giả danh nào lẻn vào phòng. Khi nghe và nhận ra đúng tiếng nói của chàng rể, người phù rể sẽ mở cửa phòng cho chàng rể vào với cô dâu, đoạn vui mừng ra đi vì đã hoàn thành nhiệm vụ. 

Cũng vậy, nhiệm vụ của Gioan Tẩy giả là đưa Đức Giêsu, tức chàng rể đến gặp dân Do thái, tức cô dâu. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, Gioan rút lui vào bóng tối vì công việc ông đã làm xong. Gioan nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. Như vậy, khiêm tốn là không lôi kéo người khác theo mình, nhưng là theo Chúa; khiêm tốn là không ước muốn người khác trung thành với mình, nhưng là trung thành với Chúa. 

Qua vài phân tích trên, ta biết thế nào là khiêm tốn, khiêm tốn là thấy được giới hạn của mình và nhận ra sự thành công của người khác ấy là do ơn Chúa ban cho họ. Khiêm tốn là vui vẻ đóng vai phụ với mọi khả năng Thiên Chúa ban cho ta. Khiêm tốn là làm nhỏ lại cái tôi kềnh càng, béo phì của mình, để Đức Kitô được lớn dần lên trong tâm hồn ta. Cuối cùng, một sự khiêm tốn như vậy sẽ giúp ta bắt chước gương Đức Kitô, Đấng là Chúa là Thầy, nhưng đã cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu dạy chúng ta rất nhiều điều, nhưng Ngài chỉ trực tiếp mời gọi ta học nơi Ngài hai điều đó là hiền lành và khiêm nhường, Đức Giêsu bảo: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29) 

KẾT LUẬN 

Tóm lại, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, mùa đón chờ Chúa đến, trong buổi tĩnh tâm hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết chuẩn bị đón Chúa bằng cách sám hối thực lòng; bằng cách dọn một con đường bằng phẳng trong tâm hồn cho Chúa đến, và bằng cách phục vụ trong khiêm nhu. Có như vậy thì tâm hồn chúng ta sẽ trở thành máng cỏ đơn sơ cho Chúa Hài Đồng ngự vào. Ngài ngự vào không chỉ trong Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, nhưng trong suốt cuộc đời chúng ta.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét