Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - A

Bài đọc 1 : Is 42, 1-4.6-7 : Đây là người tôi trung Ta quý mến hết lòng

Bài đọc 2 : Cv 10,34-38 : Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong Người.

Tin Mừng : Mt 3,13-17 : Chiu phép rửa xong, đức Giêsu thấy Thần Khí Thiên Chúa đến ngự trên Người.

Sứ Điệp Lời Chúa : Thiên Chúa cứu độ bằng nẻo đường tự hạ

1. Mạch sống trong cuộc đời đức Giêsu

Một cuốn phim đã gây xôn xao dư luận một thời, nhất là vào năm 1989, đó là phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa” (The last temptation of Christ, phỏng theo quyển tiểu thuyết cùng tên, của nhà văn Hy lạp Nilos Kazantzakis). Cuốn phim (và quyển tiểu thuyết) mô tả lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, rời bỏ sứ mạng cứu thế để sống một cuộc đời bình thường. Ngài đi tìm lại nàng Madalena, cưới nàng làm vợ. Sau đó lại tìm đến với chị em Matta và Maria ở làng Betania và cũng cưới luôn hai chị em này làm vợ. Ngài có rất nhiều con và sống rất hạnh phúc.

Báo chí và các đài phát thanh đưa tin rằng khi cuốn phim được trình bầy chiếu lần đầu, những người có đạo đã đập phá rạp chiếu bóng tan tành, đến nỗi lần chiếu sau phải chiếu ở một rạp đặc biệt cô lập bởi chung quanh toàn là nước để khỏi bị đập phá lần nữa. Nếu tác giả mà viết như thế về Hồi giáo thì chắc chắn ông cũng sẽ bị mang cùng một số phận với Salman Rusdie, người đã bị giáo chủ Hồi giáo Khômeni kêu gọi mọi tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hễ gặp mặt tác giả là có bổn phận phải giết ngay, lý do là Slman Rusdie đã viết một quyển sách có những điều bị cho là xúc phạm đến Hồi giáo, quyển sách mang tựa đề “Những vần thơ ác quỷ” (the satanic verses)

Thực ra, nếu chúng ta đọc được quyển “Cám dỗ cuối cùng của Chúa” của Nikos Kazantzakis, thì chúng ta sẽ thấy chẳng có gì xúc phạm cả. Tuy tác giả có nói Chúa Giêsu rời thập giá và cưới 3 người vợ, có nhiều con, nhưng đó chỉ là một cơn cám dỗ của Chúa thôi. Cuối cùng Chúa đã lắc đầu không theo cơn cám dỗ đó. Ngài tỉnh dậy vẫn thấy mình đang bị treo trên thánh giá, và Ngài hô lên một tiếng kêu chiến thắng “Thế là đã hoàn tất”, rồi Ngài tắt thở. Trong đoạn mở đầu, Nikos Kazantzakis cũng nói rõ quan điểm của ông khi viết quyển truyện này : Ông tin Chúa Giêsu su vừa là Chúa vừa là người, và ông muốn nhìn Ngài dưới khía cạnh người. Ông muốn tưởng tượng những cám dỗ và những chiến đấu vô cùng ác liệt mà con người Giêsu đã phải đương đầu, và đã anh dũng chiến thắng như thế nào, để càng thấy rõ Chúa Giêsu là mẫu mực cho con người chúng ta hơn, để càng cảm phục Ngài hơn, và để con người chúng ta can đảm hơn trong khi chiến đấu với những cơn cám dỗ của chúng ta. Ông đã tâm sự rằng “Trong khi viết... tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy”. (Lm Hồ bạc Xái, Sợi chỉ đỏ, năm C, tập 1, tr 147-149).

Đúng là, theo ý tưởng của tác giả, cuốn sách và cuốn phim ấy không đến nỗi gì xúc phạm đến đức Giêsu. Nhưng có lẽ điều không hay của tác giả là đã không bắt được mạch sống trong cuộc đời đức Giêsu. Điều quan trọng nhất trong tâm tưởng và trong cuộc đời đức Giêsu không phải làm cám dỗ xác thịt, nhưng là thực hiện Thánh ý của Chúa Cha. Chính vì Thánh ý Chúa Cha mà đức Giêsu, khi 12 tuổi đã lựa chọn ở lại trong đền thờ; chính Thánh ý Cha là điều mà đức Giêsu cương quyết lựa chọn khi chịu phép rửa của Gioan và chiến đấu với Satan trong sa mạc; chính Thánh ý Cha về cuộc “xuất hành” là điều đức Giêsu cương quyết lãnh nhận khi biến hình trên núi; và đặc biệt nhất, trong vườn cây Dầu, đức Giêsu lựa chọn Thánh ý Cha ngay cả với giá là chính mạng sống của Ngài. Cũng thế, ta thấy đức Giêsu chỉ có một lần duy nhất tỏ bày niềm vui khi nhận ra Thánh ý Cha muốn mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn (Xc. Lc 10,21-22) 

2. Trong tình thân mật với Chúa Cha 

Chúng ta lại có thể nhận ra rằng hai lần Chúa Cha tuyên bố về Người Con Yêu Dấu, thì hai lần đó đều dính dáng tới việc đức Giêsu lựa chon đường lối cứu độ theo Ý Cha, tức là đường lối hạ mình xuống, chiều hướng “hạ giáng” như trong thư Philiphê 2, 6-11 : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa…”

Lần thứ nhất thì chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”; và lần thứ hai trong trong biến cố Hiển Dung, khi mà đức Giêsu đàm đạo với Elia và Môsê về cuộc “xuất hành” sắp tới. (Xc. Lc 9,31).

Như thế, chúng ta hiểu được tình thân mật của đức Giêsu với Chúa Cha, được tỏ bày trong Tin Mừng, không phải là một sự hòa đồng của bản tính, nhưng là một sự “chiều ý” nhau đầy tính cách ngã vị; không phải là một hòa hợp tự động, dễ dàng, đương nhiên, nhưng là kết quả một sự hy sinh, từ bỏ, chấp nhận khó khăn, đau khổ và chấp nhận cả cái chết vì muốn “chiều ý” nhau.

Quả thật tình thân của Chúa Cha với đức Giêsu được mạc khải trong Tin Mừng mang dáng vẻ một sự nghịch lý, một sự nghịch lý để diễn tả một thứ tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)

Điều nghịch lý ấy đã được tỏ bày trong bài ca về Người Tôi Trung trong bài đọc 1, sách ngôn sứ Isaia; và đó là một nghịch lý mà người Do Thái không thể chấp nhận, nghịch lý của Thập giá (Xc. I Cr 1, 17-25)

3. Bản Phác họa đường lối cứu độ

Mặc dù phép rửa của Gioan không phải là phép rửa có sức cứu độ, nhưng nguyên khái niệm “phép rửa” cũng cho chúng ta thấy một sự khởi đầu mới.

Đức Giêsu bước vào sứ vụ công khai của Ngài với biến cố chịu phép rửa của Gioan, và trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng như ý nghĩa căn bản của ngày lễ đức Giêsu chịu phép rửa, được trình bày như một bản phác họa toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Ý nghĩa của bản phác họa này cho thấy mầu sắc “trầm trọng” của Kitô giáo. Quả thật điều chính yếu trong Kitô giáo là vấn đề cứu độ, vấn đề dính dáng tới vận mạng quan trọng của đời người. Kitô giáo ít mang mầu sắc của thứ niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát, hồn nhiên, dễ thương…, nhưng có mầu sắc của thứ đạo “vui-mừng”, của một sự “vượt qua”, của một niềm hy vọng gắn với vấn đề sống-chết. Đó là mầu sắc của thập-giá đau thương và máu me luôn hiện diện trong mọi nhà thờ và mọi bàn thờ, trong việc làm dấu Thánh giá thường ngày và việc ghi dấu Thánh giá trong mọi nghi thức.

Một cách nào đó, ta thấy đức Giêsu “vui cho ra vui” vì niềm vui gắn liền với Thánh ý nghịch lý của Chúa Cha; đức Giêsu “giận cho ra giận”, khi mà sinh hoạt phượng tự của người Do thái bị biến chất một cách căn bản (Xc. Ga 3-22: đức Giêsu thanh tẩy đền thờ); đức Giêsu khiển trách nặng lời với thái độ giả hình của những người Biệt phái khi mà họ biến đạo cứu độ thành thứ đạo luân lý…

Chắc chắn Kitô giáo không loại bỏ thứ niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát,… nhưng điều chính yếu mang lại niềm vui và hạnh phúc thật cho con người, theo Kitô giáo, không phải là một sự giác ngộ để trở về với bản tính đơn sơ, hồn nhiên vốn có của con người, mà là một quá trình vượt qua những hậu quả nặng nề của tội lỗi, một thực tại “lù lù”, thực tại mà con người không phải chỉ vì ảo tưởng mà tạo ra, nhưng phải “mang vác” như một hình phạt nặng nề.
Tạm kết

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cho thấy trước hành trình thập giá của Chúa và mời gọi mỗi người Kitô hữu can đảm vác thập giá của với Ngài.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét