Tổng quyền Brunô Cadoré
THƯ MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2010
Hướng tới kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng
Làm thế nào mà rao giảng, nếu không được sai đi?
(Rm 10, 13 – 15)
Rôma ngày 29.11.2009
Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng
Thân gửi toàn thể anh chị em Đa Minh,
Trong bầu khí chuẩn bị mừng những ngày lễ cuối năm, tôi gửi tới toàn thể anh chị em lá thư sau cùng nhân dịp lễ Giáng Sinh trong nhiệm kỳ của tôi. Tôi mong ước rằng những lời lẽ và văn phong trong thư này sẽ thấm đượm những lời cầu chúc tốt lành cũng như những định hướng khả dĩ – năm này tiếp nối năm kia – hướng tới kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Dòng (1216 – 2016). Nhân dịp này, 2010, niềm vui của chúng ta cũng nhân lên gấp đôi bởi vì, như một Thiên ý sắp đặt, gợi lại cho chúng ta một sự kiện rất ý nghĩa trong lịch sử Dòng : đó là dịp kỷ niệm 500 năm ngày thành lập cộng đoàn anh em Đa Minh đầu tiên tại Mỹ Châu. Vì thế, khi đặc biệt dành năm nay để suy tư về “sứ vụ Giảng thuyết” sẽ giúp tâm hồn và cõi lòng chúng ta rộng mở hơn, đồng thời sẽ cống hiến một khung cảnh lý tưởng cho việc tổ chức Tổng Hội Bầu Cử tới đây.
Đời sống Đa Minh chúng ta đặc biệt nhắm tới việc truy tìm và hiểu biết Thiên Chúa, việc gìn giữ và đào sâu đức tin và, qua việc giảng thuyết của mình, chắc chắc sẽ đòi chúng ta “chịu trách nhiệm” về đức tin của anh chị em mình, cho tới tận cùng thế giới.
Thánh tổ phụ Đa Minh đã ý thức rằng, sẽ không đủ để gìn giữ gia sản đã nhận được : một kho tàng đức tin và đạo đức không ngừng nẩy nở. Quả thực như vậy, bổn phận này, đầy những cam go và thử thách cho chúng ta, sẽ không đủ. Vì thế, việc canh tân lại nội dung đức tin thật cần thiết biết bao, không phải chỉ vì đức tin (cách khách quan) bởi vì chắc chắn đức tin luôn tồn tại cách nguyên vẹn và liêm khiết (integre), mà cách chủ quan, nơi mỗi người chúng ta, trong cộng đoàn và thể chế chúng ta, trong nền văn hóa và trong cuộc sống của chúng ta. Thực sự ngày càng khẩn thiết và cấp bách để có một đức tin chín mùi hơn và hướng tới việc truyền giáo hơn !
I. “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12, 20)
Chúng ta được mời gọi để truy tìm và nhận biết Thiên Chúa.
Thời gian Giáng Sinh mời gọi chúng ta thưởng thức những ngôn từ tuyệt vời của ngôn sứ Isaia : “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1).
Còn trong chính ngày đại lễ Giáng Sinh, một bản văn khác được công bố - phần III, sách ngôn sứ Isaia - cũng đưa ra một chủ đề khác về ánh sáng : “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi : Con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được bồng ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha : tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.” (Is 60, 1 – 6).
Đoạn văn trên, chắc chắn, đã cống hiến cho chúng ta một hình ảnh thật rõ ràng và thực tế. Trước sự hiện diện của “Ánh Sáng”, tất cả dường như bắt đầu chuyển động : thiên nhiên, lòng người, các vua chúa, các dân tộc. Kinh nghiệm giống như như Mô-sê trong sa mạc nhìn ngắm bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, điều đó thúc đẩy chúng ta phải nhúc nhích, phải tự đặt ra những câu hỏi, phải bắt đầu vận động ! chúng ta không thể cứ ở lì một chỗ như là không có chuyện gì xảy ra vậy !
Rất may mắn là trong mùa Giáng Sinh, hành trình của các nhà Đạo Sĩ được giới thiệu cho chúng ta như một bức họa của việc truy tìm khôn ngoan, một chuyển động cùng lúc vừa sâu lắng vừa hướng tới. Tôi nói là may mắn bởi vì chúng ta bắt đầu một năm mới mà Dòng sẽ đặc biệt dành để suy tư về việc sai đi những tông đồ, các nhà truyền giáo và những vị loan giảng Tin mừng.
Chàng trai trẻ Đa Minh, ngay khi còn trong giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường tại Palencia, chính cậu đã nhìn thấy sự đau khổ của dân chúng. Những cuốn sách, đối với chàng, đã không trở thành “những tấm gương soi mà trong đó chàng có thể đối diện” với chính mình, hoặc những bức tường cũng không thể ngăn cách chàng với những người đang trong cơn đói khát. Nhưng ngược lại, việc học đã mở ra cho cậu một nhãn quan hướng tới những điều mà nhiều người khác không thấy hay không muốn thấy. Đó cũng chẳng phải là một giai đoạn đặc biệt, bởi vì sau đó và trong suốt cuộc đời của vị Tổ phụ, sự nghiên cứu, cái nhìn về Đức tin, nhiệt tâm tông đồ đã thúc đẩy cậu phải thường xuyên ra đi, phải luôn khám phá những vùng đất mới : Osma, và xa hơn vùng Castille quê hương cậu, Languedoc, Marches, Prouille và Fanjeaux, Toulouse, Rome, Madrid, Paris, Lombardie, Bologne; và còn vượt xa hơn thế, bằng một khát khao cháy bỏng trong trái tim cậu, đó là vùng đất của những người Lạc Giáo (Cumans).
Vào thế kỷ 15, tại Tây Ban Nha cũng như nhiều nơi khác ở Âu châu, Dòng đã gặt hái được những thành quả nhờ cuộc Cải Tổ do chân phước Rây-mun-đô Ca-pu-a khởi xướng và thúc đẩy. Trong số những tu viện được cải tổ, chúng ta thấy có tu viện Avila - Salamanca, mà từ đây đã có những nhà truyền giáo Đa Minh tiên phong cho vùng “Tân Thế giới” (Mỹ Châu).
Chúng ta trở lại với các vị Đạo sĩ Đông phương. Họ đã tìm kiếm và chăm chú theo dõi, nghiên cứu và quan sát bầu trời. Trên hành trình của mình, họ đã cố gắng liên kết giữa những suy nghĩ của mình với dữ kiện lịch sử và thực sự về việc hạ sinh của Đấng Mêssia. Khi quan sát trong không gian vô tận và trong thiên nhiên, rồi khi nghiên cứu trong khoa học, họ nhận thấy dấu chỉ hướng dẫn họ đường đi.
Vậy chính chúng ta cũng hãy thử áp dụng như vậy khi chú tâm vào việc nghiên cứu, các vị Đạo Sĩ đã hy sinh thời giời, đã cống hiến sự bình yên, và đã cất bước đăng trình. Trong hành trình của mình, các ngài cũng chẳng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp trong những ngôn ngữ loài người, để có thể hiểu được những điều vượt quá khả năng của họ (như ánh sáng từ trên cao, Thiên Chúa). Trong chuyến đi này, các ngài đã thật kiên trì khi đối diện với sự thử thách cam go, đó là nhịp điệu lúc ẩn khi hiện của ánh sao trên trời và sự hướng dẫn của con người. Nhưng hơn thế nữa, họ đã không e ngại để giải thích mục đích chuyến viễn du của mình. Họ không hề phàn nàn về việc không có người hướng dẫn và cũng chẳng có các đồ đệ, những người có thể chuẩn bị cho chuyến đi của họ, hay làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, khi giúp họ có được những thông tin cần thiết. Hành trình dài đã dẫn các ngài tới niềm vui của sự gặp gỡ, một Trẻ thơ trong dáng vẻ đơn sơ, nghèo nàn và khiêm tốn. Các ngài đã tìm kiếm và đã gặp được Trẻ Thơ, Đấng mà các ngài đến để tôn thờ và kính dâng lễ vật. Các ngày vui mừng để lại tất cả lễ vật, và sau cùng biến mất.
Đối diện với Thiên Chúa, Đấng dường như cùng lúc vừa tự mặc khải lại vừa tự ẩn mình trong sự nhiệm mầu, một trẻ thơ bọc trong tã, các Đạo sĩ dạy chúng ta rằng cơ may của sự tin tưởng là quà tặng của Thiên Chúa và đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Điều đó có nghĩa rằng : món qua đó đòi hỏi tất cả nghị lực của ý chí chúng ta, sự đúng đắn của trí khôn, và rằng chúng ta phải chú tâm tới quà tặng này.
Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa ? ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc lại cho những anh em tham dự Tổng hội Bầu cử năm 1983 rằng, một trong những suy nghĩ chủ đạo của sứ vụ của Dòng đó là tính đơn nhất tuyệt đối (le primat absolu) của Thiên Chúa trong lý trí, tâm trí, và cuộc sống con người. Sứ vụ của chúng ta là loan báo rằng Thiên Chúa chúng ta hằng sống, rằng đó là Thiên Chúa của sự sống, rằng phẩm giá con người, phẩm giá mà con người được mời gọi sống, bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Sự dốt nát, tính trơ lỳ, sự thờ ơ, sự bất khả tri, tính nghi ngờ cố chấp, tính buồn phiền tinh vi (sự nhàn rỗi vô tích sự), một vài trường phái tâm linh gắn với những kinh nghiệm nội tâm của riêng mình, tính giản lược vào sự hiểu biết chỉ dựa trên sự chân nhân từ những dữ kiện khả giác hoặc những lý lẽ hiển nhiên, và còn biết bao những biểu hiện khác nữa của nền văn hóa trong thời đại chúng ta, kết cục sẽ dẫn đến suy nghĩ của con người là vứt bỏ nghĩa vụ trước nhất của đời sống : Nhận biết Thiên Chúa.
Đó là một trách nhiệm mà chúng ta phải thức tỉnh trong chính chúng ta, đồng thời cũng phải biết rằng vì đó mà cần phải bắt đầu vận động : suy nghĩ, học hỏi, rèn luyện, tự đào tạo, cầu xin quà tặng của đức tin.
Thực vậy, hành động của đức tin không thể miễn chuẩn cho chúng ta việc học hỏi (thần học), việc tôn thờ và yêu mến chân lý đã lãnh nhận (đọc, chiêm nghiệm, cầu nguyện), việc liên kết giữa đức tin và đời sống chúng ta (nhân đức, đời sống kitô giáo).
II. “Hãy trung thành với giáo lý mà anh đã học được… Anh biết là anh đã học được với ai” (2 Tm 3, 14)
Chúng ta đã được mời gọi để gìn giữ và đào sâu đức tin
Trách nhiệm của đức tin không thể bị giới hạn vào việc truy tìm việc nhận biết Thiên Chúa. Đức tin đòi hỏi phải được đón nhận như một tặng phẩm cao quý, phải được giữ gìn và đào sâu, phải được vun trồng ! và phải sống !
Theo ghi nhận trong Tin mừng thánh Mat-thêu (2,1-12), các vị Đạo Sĩ bị lạc mất ánh sao dẫn đường, nhưng đã không vì thế mà các ngài bỏ cuộc, không tiếp tục đi tìm vị vua người Do thái đã hạ sinh. Các ngài không quên điều đã nhìn thấy, ánh sao, điều đã thúc giục các ngài lên đường. Dấu chỉ ánh sáng đã được ban cho các ngài, và các ngài tiếp tục xác tín vào tầm quan trọng của ánh sao. Lòng trung thành mà nhờ đó được tỏ lộ cho các ngài, nên các ngài đã kiên trì với cuộc hành trình tìm kiếm của mình.
Đầu thế kỷ 16, tại vùng đất “Tân Thế Giới”, cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa đã bắt đầu có những khó khăn đáng kể trong việc hội nhập. Như việc áp dụng giải pháp trước tiên đối với những khó khăn về sự sai lệch tiêu chuẩn niên đại, được sử dụng giữa những miền và những nền văn hóa khác nhau. Như là, theo thói quen, họ có thể trông đợi được điều gì, những người yếu đuối nhất và luôn phải chịu đựng những hậu quả tiêu cực.
Đối diện với thời điểm và với không gian mới của việc phúc âm hóa, Tổng hội năm 1508 Dòng đã trả lời, như Dòng đã từng làm trong lịch, bằng cách gửi đi những nhà truyền giáo. Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cải tổ sâu sắc, nên tinh thần của các anh em đã khích lệ anh em dấn thân vào sứ vụ.
Trong số những anh em đáp lại lời mời gọi này, chúng ta thấy có tu sĩ Pedro. Anh sinh năm 1482 tại Córdoba, trong một gia đình quý tộc. Năm 1497 anh bắt đầu việc theo học luật tại Salamanca, và cũng chính tại đây mà ơn gọi Đa Minh của anh đã nảy sinh. Anh gia nhập Dòng năm 1502 và khấn dòng vào năm sau. Sau 6 năm theo học, anh được bổ nhiệm vào cộng đoàn tu viện Avila cùng với các anh em khác như Antonio de Montesinos, Bernardo de Santo Domingo và Domingo de Villamayor, những người bạn đồng hành, và cùng với họ anh gia nhập vào nhóm những anh em Đa Minh đầu tiên tại Châu Mỹ. Cả nhóm đã đặt chân lên đảo Hispaniola vào tháng 9.1510. (Thật may mắn là Tổng hội của Dòng sẽ nhóm họp vào tháng 9 tới để nhắc lại biến cố này và canh tân lại trong chúng ta tinh thần truyền giáo như vậy).
Những anh em này, với những phương tiện nghèo nàn, đã bắt tay ngay vào sứ vụ tông đồ của mình, và chẳng bao lâu sau, anh em ý thức về tiềm lực rộng lớn của con người được chứa đựng trong những nền văn hóa khác nhau có khả năng đón nhận Tin mừng. Và cùng lúc đó, anh em cũng nhận thấy những vấn đề sâu sắc và khó khăn trong sứ vụ của mình, chẳng hạn như thật khó khăn để hội nhập vào các nền văn hóa nơi đây đối với những người Âu châu; như làm thế nào để bào chữa cho tình trạng nô lệ, và cho những hình thức cưỡng bức đón nhận tin mừng của những nhà truyền giáo khác…
Với tinh thần Đa Minh, những anh em Giảng thuyết này đã chấp nhận những thử thách đối mặt với tình cảnh đó là của cả cộng đoàn, với tất cả những hậu quả để lại. Sử Dòng đã luôn ghi nhớ như một thánh lễ thực sự, bài giảng Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, ngày 21.12.1511 do tu sĩ Antonio de Montesinos trình bày, và được đúc kết trong một câu rất nổi tiếng mà anh đã phải kêu lên : “Họ không phải là những con người sao?”, ý muốn nhắm vào những người dân bản địa, những con người bị chà đạp và bị ngược đãi.
Đó là khởi đầu một quá trình lâu dài, vừa đau đớn vừa nẩy sinh, để suy nghĩ và hành động, mà từ đó phát sinh tương lai nhân quyền của các dân tộc, và một cách thức mới để tiếp cận với việc phúc âm hóa các dân tộc. Tu sĩ Perdro Cordoba, cách nào đó, được coi như linh hồn của phong trào này, tại Tây Ban Nha cũng như tại Mỹ Châu. Anh đã khơi gợi lên tại trường đại học Salamanca một công việc trí thức, đã áp dụng những phương pháp mới cho công cuộc phúc âm hóa tại Mỹ Châu, đã tạo nên một trường phái các học trò, trong số đó phải kể tới anh Bartolomé, người được coi như một “Phaolô mới”, đang là kẻ thù của thổ dân Mỹ châu đã trở thành một trong số những người hăng say bệnh vực họ nhất.
Trong những năm vừa qua, các anh Vincent Couesnongle, Damian Byrne và Thimothy Radcliffe, các vị BTTQ, trong rất nhiều thư hay thông điệp gửi cho toàn Dòng, đã đặc biệt nhấn mạnh tới hoa trái dồi dào của trao đổi giữa các anh em Đa Minh tại đảo Hispaniola, ngay từ đầu đã cống hiến những bài giảng mục vụ tuyệt vời, với những anh em thần học gia tại trường đại học Salamanca; những anh em này đón nhận những ưu tư của anh em mình như một lời khích lệ thực sự để nghiên cứu và suy tư. Và đến lượt mình, những anh em này lại cống hiến những nền tảng đức tin vững chắc và sâu sắc cho sứ vụ ngôn sứ của những anh em đang ở “tiền tuyến”, để tố cáo những kẻ đối nghịch và tự phụ, để an ủi những người thất vọng và bị ức hiếp, để khích lệ những người đang chao đảo ngã lòng.
Những anh em Giảng thuyết này, dù nơi giảng đường đại học hay trong những căn chòi vách đất, vẫn tiếp tục truyền đạt lại cho chúng ta sự bí nhiệm của ơn gọi ngôn sứ : trách nhiệm đối với đức tin, bảo tồn di sản đã lãnh nhận qua khả năng đọc ra được những sự kiện nhờ ánh sáng Lời Chúa; đào sâu đức tin qua việc đọc lời Chúa để rút ra được cối lõi của thực tại. Ngày nay, đọc ra các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa còn cho phép chúng ta có tầm nhìn xa và sâu hơn, vượt ra bên ngoài những dữ kiện. Nhờ đó chúng ta tránh được việc phân mảnh theo kiểu thuyết tương đối, tránh được chứng “tê bại” có thể tạo cơ hội cho sự phân tích vô tận những vấn đề, đó là đặc tính của phòng thí nghiệm. Nhưng những nhà Giảng Thuyết, dù nơi giảng đường hay trong căn căn chòi vách đất, đều phải cố gắng đọc Lời Chúa trong mối liên hệ với những gì đang diễn ra, với những sự kiện, mà qua đó Thiên Chúa cũng muốn nói với con người một vài điều gì đó (những dữ kiện có thể trở thành những chỉ dẫn, những dòng suy tư, hay “dấu chỉ thời đại”!) Với cách thức này chúng ta cũng tránh được sự quá bám víu vào nền tảng cứng ngắc và cằn cỗi, là đặc tính của thuyết phân biệt thiện – ác.
Ngày 23.05.2007. trở về từ Brasil, sau khi bế mạc Công nghị lần thứ V của Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La-tinh và vùng Caribê, ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI đã nói : “Kỷ niệm của một quá khứ vinh quang thì tất nhiên không thể nào không nhận ra, những hình bóng đã đồng hành cùng công cuộc phúc âm hóa tại Châu Mỹ-latinh. Quả thực là không thể nào quên được những đau đớn bất công mà những kẻ xâm lược đã gây ra cho những người dân bản địa, những người thường xuyên bị khinh rẻ trong những quyền căn bản của con người. Nhưng sự thực nêu lên ở đây - chính xác là những tội ác không thể bào chữa, vả lại đó cũng là những tội ác đã bị các nhà truyền giáo như Bartolomé de Las Casas, những thần học gia như Francisco de Vitoria thuộc trường đại học Salamanca tố cáo - không thể nào cản trở việc nhắc lại chứng từ với lòng biết ơn của những công trình kỳ diệu, đã được thực hiện do hồng ân Thiên Chúa, nơi các dân tộc trong những thế kỷ đó. Nơi Châu lục này, Phúc âm đã trở thành yếu tố chứa đựng một tổng hợp năng động, tất nhiên với những phương diện khác nhau tùy theo từng vùng, để diễn tả căn tính của những dân tộc Châu Mỹ-latinh. Ngày nay, với thời đại toàn cầu hóa, căn tính công giáo này vẫn còn tự thể hiện như một lời giải đáp thích hợp nhất, với điều kiện là phải được thúc đẩy bởi một sự huấn luyện tâm linh nghiêm túc, và bởi những nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội.”
Kinh nghiệm của ba vị Đạo Sĩ, cũng như của rất nhiều vị thánh nam nữ của Dòng, đã dạy chúng ta một bài học : là đừng khi nào vứt bỏ đi những điều chúng ta đã nhận biết như là sự thật, nhưng hơn thế, hãy trung thành với đức tin.
Chúng ta là những chứng nhân của một vài khác biệt về tôn giáo, của hiện tượng chối bỏ Kitô giáo, của một số các biểu hiện đa thần giáo, những hiện tượng này khích lệ chúng ta hướng về Giáng Sinh như một ngày lễ của đức tin. Hành trình của các vị Đạo Sĩ thúc đẩy chúng ta đón nhận với lòng biết ơn di sản thiêng liêng rộng lớn, mà chúng ta là những người thừa kế thừa, một kho tàng bắt nguồn từ cha anh chúng ta và được giao lại cho chúng ta. Thực vậy, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và lưu truyền lại nguyên vẹn di sản này.
Nhưng để gìn giữ đức tin cũng thực sự không đơn giản chút nào. Phải chăng tự nhiên mà những thượng tế và ký lục đã bị vua Hêrôđê triệu vời ? Họ hầu như rất am hiểu Kinh thánh và đã trả lời rất chính xác cho câu hỏi về những thông tin mà các Đạo sĩ muốn biết. Điều đó nói lên rằng, họ đã không có khả năng nhìn thấy trách nhiệm mà việc hiểu biết đức tin đòi hỏi và thúc đẩy. Họ đã không để cho bị chất vấn bởi sự hiểu biết này, họ đã không hề nhúc nhích cũng chẳng lên đường tìm kiếm Đấng mà các lời tiên tri đã loan báo, họ đã không thuận theo việc gìn giữ đức tin và không sống đức tin.
Với những ai chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, với những ai dõi theo đường lối của thánh Đa Minh và chọn lựa lịch sử của dòng như là của mình, thì sẽ không đủ khi chỉ “bảo tồn” đức tin, nhưng điều cần thiết là phải học hỏi, đào sâu, theo những đòi hỏi trong cuộc sống cá nhân và đời sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của những người mà vì họ chúng ta được sai đi.
Chân lý mà đức tin mặc khải cho chúng ta, thúc đẩy chúng ta tới việc kiếm tìm ở phía bên kia, mở ra một cuộc đối thoại thiêng liêng và khơi gợi lên lòng nhiệt thành nội tâm.
Đào sâu đức tin có nghĩa là đào sâu những lý lẽ của đức tin, như trong thư thứ nhất của thánh Phêrô đã khuyến khích chúng ta : “hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,15). Việc bồi bổ đức tin, “chịu trách nhiệm về đức tin” thực sự là điều không thể phân rẽ của mối liên hệ cốt yếu với Giáo hội, mà vì đó đức tin bao gồm một đòi hỏi sâu xa có tính cách công giáo, duy nhất, tông truyền, một đòi hỏi làm cho sự thánh thiện của Giáo hội khả dễ thấy hơn.
III. “Làm công việc của người loan báo Tin mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2 Tm 4,5)
Chúng ta được mời gọi “để chịu trách nhiệm” về đức tin của người khác, và vì thế chúng ta trở thành những nhà truyền giáo.
“Chịu trách nhiệm về đức tin” mở ra một chân trời mới cho thế giới và cho lịch sử. Đó là bài học về chiều kích phổ quát của lễ Giáng Sinh, nơi lý tưởng của thánh Đa Minh, nơi lòng nhiệt thành của những ai cất bước ra đi bởi vì họ được sai đi.
Tin Mừng theo thánh Mat-thêu thuật lại cho chúng ta rằng, khi ba vị Đạo Sĩ nhìn thấy ngôi sao thì lòng họ tràn ngập niềm vui (x. Mt 2,10). Và thật ngẫu nhiên, đó chẳng phải là một trong những điểm đáng chú ý của những vị thánh nam vữ của Dòng sao ? Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Philiphê, đã khuyến khích chúng ta rằng : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em !” (Pl 4, 4). Đó thực là niềm vui của đức tin, một niềm vui cần phải được sống và biểu lộ hơn nữa trong các cộng đoàn của chúng ta, trong những cuộc đối thoại huynh đệ của chúng ta, trong những giờ phụng vụ, trong việc học hỏi nghiên cứu và trong việc giảng thuyết của chúng ta. Bởi vậy, cần biểu tỏ đức tin cách cuốn hút, xán lạn và nhiệt huyết hơn nữa, để khi tiếp xúc và nghe lời giảng của chúng ta, đức tin sẽ tăng triển nơi những người ước mong được nhận biết Thiên Chúa. Rất nhiều trong số những người mong muốn đến gặp chúng ta – như những người Hy-lạp đến với tông đồ Philiphê – để bày tỏ ước vọng của mình mà không hề giả dối : chúng tôi muốn gặp ông Giêsu ! (Ga 12,20-21).
Lễ Giáng Sinh thể hiện uy quyền nơi sứ mạng của Đức Kitô, được mời gọi làm cho lan tràn ra cả và nhân loại, và thức tỉnh trong chúng ta ơn gọi công giáo và phổ quát này. Đức Kitô thuộc về tất cả, đàn ông cũng như đàn bà, cho mọi thời đại và mọi quốc gia. Sứ mạng của 12 Tông đồ theo như trình thuật của thánh Mat-thêu, lúc đầu chỉ nhắm tới “những con chiên lạc nhà Israel”, chứ không phải cho những dân ngoại hay với các thành Samari (Mt 10,5-6); Nhưng sau khi Phục Sinh, lời mời gọi truyền giáo đã mở rộng tới chiều kích phổ quát. “Đức Giêsu tới gần, nói với các ông, Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữa mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18-20).
Lời kêu mời này đặc biệt mời gọi Dòng chúng ta phải canh tân lại ơn gọi truyền giáo của mình, với một sắc thái đặc thù mang tính phổ quát, rộng lớn và đậm nét; qua lời tuyên khấn, chúng ta được thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và chúng ta hiện diện trong Hội Thánh hoàn vũ bằng một cách thức mới mẻ, khi hoàn toàn hiến dâng cho việc loan báo cách nguyên vẹn Lời Thiên Chúa. (xc. HP 1 § III).
Chân lý mà chúng ta loan giảng nói với chúng ta về chiều dài - rộng - cao - sâu của tình yêu Đức Kitô, Đấng vượt lên trên mọi nhận thức như một nguyên lý của tính duy nhất. Chân lý thấm nhập vào lịch sử nhân loại, và làm cho chúng ta trở thành anh em, xây lên những chiếc cầu nối và phá bỏ những bức tường ngăn cách của lòng người, mở ra nguồn suối bình an, kêu mời tất cả mọi dân tộc, mọi gia đình, chủng tộc, ngôn ngữ và quốc gia. (xc. Kh 5,9).
Noi theo mẫu gương của thánh Tổ phụ Đa Minh, người “luôn thao thức về ơn cứu độ của tha nhân và của mọi dân nước”, “chân lý” này - cũng là châm ngôn của Dòng - khích lệ chúng ta hướng tới một nhiệt huyết mới trong sứ vụ truyền giáo, đối diện với một sự tương phản giữa một bên là việc kêu mời tất cả mọi người, đàn ông cũng như phụ nữ, quay về với đức tin Kitô giáo, và một bên là thực tế vẫn còn rất nhiều người chưa hề biết tới Kitnh thánh.
Giống như nhạc sĩ rất danh tiếng, Antonín Dvořák, Dòng được mời gọi viết lại và diễn tấu một “bản giao hưởng cho Tân Thế giới” mới cho những “Tân Thế giới” ! Thực vậy, có bao nhiêu “Thế giới” ngày hôm nay đang chờ đợi sự hiện diện của chúng ta, khi mà chúng ta khơi lên biến cố đặc biệt của cộng đoàn tiên khởi tại miền đất Châu Mỹ, và đang hân hoan hướng tới việc kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Dòng ?
Chúng ta phải quý chuộng trách nhiệm của mình đối với đức tin của tha nhân. Chúng ta thực hiện điều đó với đức tuân phục qua lệnh truyền tông đồng, truyền giáo và mang Tin mừng; và hơn một lần, bằng việc tự đặt mình trong tay những người, như trong ngày tuyên khấn dòng đầu tiên của mình, sẽ sai chúng ta đi; bằng việc tự làm cho hòa hợp với nhu cầu của Dòng, theo khả năng của mình trong sứ vụ phục vục Đức Kitô.
Qua việc tuyên khấn, trong mối tương quan mật thiết với Hội thánh, chúng ta được đặt lên làm tông đồ, người loan báo Tin mừng, nhà truyền giáo. Liệu chúng ta có bằng lòng với một đức tin dễ dãi, co rút trong chính chúng ta và đóng kín nơi chính đức tin đó, trong khi chúng ta cũng đã nhận được cùng ơn gọi như Ngôi Lời? Biết bao nhiêu người nơi nhiều quốc gia và nhiều vùng khác nhau trên thế gian này, đang chờ đợi chúng ta chia sẻ với họ việc tuyên xưng đức tin, và ơn gọi tu sĩ Đa Minh của chúng ta; đó có thể là một mẫu gương, những lời ủi an, những lời khích lệ. Ước mong rằng ánh sáng đức tin được chiêm nghiệm và được sống, luôn giãi sáng và tỏa chiếu trên những người mà chúng ta gặp gỡ; nhờ đó mà họ tìm thấy ánh sáng, phương hướng và sức mạnh cho chính cuộc đời họ. Chúng ta nên biết rằng, những người mà vì họ chúng ta được sai đến, cũng sẽ là mẫu gương, niềm ủi an và trợ lực cho chúng ta… và chính chúng ta cũng đón nhận được sự truyền giáo từ phía họ.
Giáng Sinh là niềm hạnh phúc cho những người ở miền xa xăm, là niềm vui cho những “sứ vụ” truyền giáo, cho những “nhà truyền giáo” và cho “những người được truyền giáo”; Giáng Sinh là niềm vui phổ quát của sứ điệp Kitô giáo (sứ điệp mà vì đó trở thành công giáo). Đó là niềm hạnh phúc của ơn gọi “của con người”, của lời mời biếu không cho tất cả mọi người hãy đến dự đến bàn tiệc Lời Chúa; và là niềm vui bởi vì tất cả cùng hiển trị với Đức Kitô, nhờ Người và trong Người.
Một cuộc sống được lôi kéo bởi ánh sáng của Đức Kitô và được chiếu sáng nhờ Người, sẽ biết lôi kéo người khác. Đời sống đó biểu lộ gương mặt của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, lòng nhân hậu và sự tha thứ. Ước mong rằng năm nay sẽ là năm “Giáng Sinh” cho tất cả mọi người, và là năm bừng cháy lên nhiệt huyết nơi tâm hồn chúng ta để mang Đức Kitô đến với thế giới. Bởi vì “tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép : đẹp thay bước chân những sứ giả Tin mừng !” (Rm 10,13-15).
Để kết thúc những trang này, tôi xin ghi nhận nơi trái tim tôi những kỷ niệm với những hình ảnh tràn đầy màu sắc và nhiệt tâm, của nhiều cộng đoàn truyền giáo của Dòng mà tôi đã từng viếng thăm; đặc biệt biểu dương những nhà truyền giáo, các anh em cũng như các chị em thuộc nhiều cộng đoàn Đa Minh khác nhau. Thực vậy, các chị em của chúng ta thật can đảm biết bao! Chị em cũng dạy chúng ta biết bao điều! Tôi cũng không thể nào quên những đan viện hiện diện tại những miền đất nghèo khổ, trong những tình trạng thật khó khăn. Những đan viện này như là những ánh đèn pha tỏa sáng mà không làm chói mắt, và như là biển chỉ đường… Đó thực sự là những dấu chỉ của nền hòa bình, bởi vì Đức Kitô là Bình An của chúng ta (Ep 2,14).
Thật đẹp đẽ biết bao khi vẫn còn nhận thấy rằng “Hôm nay cũng như thời bấy giờ, ánh sao Be-lem vẫn tỏa sáng trong đêm tối mịt mùng !” (Edith Stein).
Chúc mừng Giáng Sinh ! Nguyện xin Đức Kitô ban đổ trên cho tất cả anh chị em trong năm mới 2010, tràn đầy những điều tốt lành, chân thật và đẹp đẽ… những điều từ Thiên Chúa !
Thân ái trong Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và thánh Phụ Đa Minh.
Tu sĩ Carlos A. Azpiroz Costa O.P.
Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét