Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN - C

Bài đọc 1 : 2 Mcb 7,1-2.9-14 : “Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

Bài đọc 2 : 2 Tx 2,16—3,5 : “Xin Chúa cho anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành”

Tin Mừng : Lc 20, 27-38 : “Đức Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”

Sứ Điệp Lời Chúa : Cuộc sống mai sau mang lại lẽ sống cho cuộc sống hiện tại.

1. Cuộc sống hiện tại

Con người luôn muốn tìm được cái lý của cuộc sống. Con người không thể chấp nhận lối sống của con vật, sống theo quy luật sức mạnh của sinh vật, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Ở đâu có con người, ở đó có nỗ lực sống đức độ; và xã hội con người luôn cần phải có luật pháp.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống lại là một thách đố mà dù có cố tìm bao nhiêu lý lẽ con người vẫn không lý giải hoàn toàn được. Dù khao khát đức độ, mỗi người đều vẫn luôn cảm thấy sức mạnh con vật rình rập, xô đẩy, lôi kéo mà ta không thể nào chống cự được. Dù xã hội con người có bao nhiêu luật pháp thì vẫn không thể thoát được quy luật cá lớn nuốt cá bé.

Văn hoá con người vẫn khẳng định “ở hiền gặp lành”, “trời cao có mắt”, “gieo gió gặt bão”…và ở đâu cũng có những câu chuyện cổ tích để “chứng minh” cho lẽ sống đẹp của con người; nhưng phần lớn những văn hoá ấy vẫn gần với ước mơ của một thế giới tương lai hơn là đúng với thực tế nghiệt ngã hằng ngày. 

2. Cuộc sống mai sau

Nói chung, tôn giáo thường là một khẳng định sự hiện hữu của thế giới mai sau. Việc chứng minh rõ ràng về thế giới tương lai là một điều không dễ và càng không dễ để thuyết phục mọi người. Tuy vậy, loại bỏ thế giới mai sau thì lại chính là hợp pháp hoá cho thế giới hiện tại, hợp pháp hoá cho tình trạng chưa hoàn hảo, tình trạng còn đầy những bất công của thế giới này. 

Ở đâu cũng có và thời nào cũng có những con người quá đau khổ vì hoàn cảnh “tự nhiên” của mình. Ở đâu và ở thời nào cũng đầy rẫy những người bị chèn ép, bị hành hạ, bị vùi dập một cách bất công, đau đớn cho đến chết. Và thật ra, ngay cả với những hành vi đạo đức cao cả, như hy sinh mạng sống mình vì người khác, mà nếu cũng chỉ là một nét đẹp luân lý, nghĩa là không được đền bù trong cuộc sống mai sau, thì cũng là một sự vô lý và bất công mà lương tri lành mạnh của con người không thể chấp nhận được.

Những người sa-đốc, vốn là những người không tin có cuộc sống mai sau, đã vẽ ra câu chuyện và một người phụ nữ có bẩy đời chồng mà không có con…để biện minh cho giáo lý của mình, nhưng chính lý lẽ ấy lại là lời tố cáo một thứ lương tri lệch lạc, một thái độ hợp pháp hoá cuộc sống vốn còn đầy bất công.

Quả thực, không có cuộc sống mai sau, con người tất nhiên sẽ bị lôi kéo không thể chống cưỡng để rớt xuống một lối sống theo quy luật của con vật. 

3. Khát vọng sâu xa nhất của con người

Đức Phật đã nỗ lực đi tìm lẽ sống khởi đi từ một lương tri ngay thẳng, nghĩa là đi tìm cách lý giải tình trạng khổ đau bằng lý thuyết luân hồi, trong đó có sự “điều khiển” nghiêm ngặt của qui luật nhân quả vô ngã. Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo…nhưng điều đó chỉ có thể đúng được khi đặt vào vòng luân hồi, nghĩa là lý giải cái phúc và cái nghiệp của đời người (quả), không phải chỉ trong thế giới này, mà là trong kiếp trước (nhân) và kéo dài đến kiếp sau… Quy luật nhân quả là quy luật nội tại của cuộc sống và quy luật ấy thấm nhuần toàn bộ vũ trụ. Tính cách luân lý của cuộc sống chi phối cả những hành vi của con vật….

Kitô giáo thì tin vào một Thiên Chúa ở bên ngoài thế giới này, một Thiên Chúa “siêu việt” (siêu nhiên); và chính Thiên Chúa là Đấng hoàn tất lẽ sống của con người. Kiếp sống duy nhất của con người, chỉ con người thôi chứ không phải cả những con vật, được lý giải trong cuộc phán xét. Ở hiền sẽ được thưởng và ở ác sẽ bị trừng phạt….

Hơn nữa, yếu tố căn bản của Kitô giáo không phải chỉ là lý lẽ công bằng mà là tình yêu, tình yêu không phá bỏ nhưng vượt trên sự công bằng. Hành trình đời người được hứa hẹn một hồng phúc mà không phải con người có thể tự tìm lấy cho mình, nhưng do Thiên Chúa yêu thương ban tặng :

“Ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau….Họ là con cái Thiên Chúa”.

Câu trả lời cuối cùng của Kitô giáo cho sự bất công không phải là lẽ công bằng, mà là một tình yêu tặng-không của Thiên Chúa là Cha.

Có phải không khát vọng sâu xa nhất của kiếp người không phải chỉ là lẽ công bằng “đừng làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình”; nhưng là niềm khát vọng lớn lao hơn nhiều của thế giới yêu thương ? 

"Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12)

Tạm kết

Chỉ cần một lương tri ngay thẳng là có thể nhận ra cái sai lầm của nhóm Sađốc.

Nhưng mặc khải Kitô giáo lại mời gọi con người trở về khát vọng sâu xa hơn của trái tim con người, của khát vọng yêu thương, để lãnh nhận hồng phúc là Con Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét