Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN - C

Bài đọc 1 : Kn 11,22--12,2 : “Chúa thương xót mọi người, vì Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu”

Bài đọc 2 : 2 Tx 1,11—22,2 : “Danh của Chúa Kitô sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người”.

Tin Mừng : Lc 19,1-10 “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất”

Sứ Điệp Lời Chúa: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”

1. Không phải là thế giới nhị nguyên

Nếu trong làng có hai ngôi trường. Tình trạng tất sẽ xẩy ra là trường nào cũng giành học sinh ngoan, học sinh giỏi cho mình và loại trừ những học sinh yếu kém. Nhưng nếu trong làng chỉ có một trường học duy nhất, và thầy giáo lại là người thiết tha với việc học của trẻ em, thì người thầy ấy sẽ phải tìm mọi cách để thu nhận được mọi học sinh, càng những học sinh yếu kém càng tốt.

Cũng thế, nếu cha mẹ bận tâm đến danh giá gia đình, thì sẽ để ý nhiều đến đứa con tài giỏi; nhưng nếu bận tâm đến từng đứa con của mình nhiều hơn thì cha mẹ sẽ lưu tâm nhiều nhất đến những đứa con kém may mắn, cứng đầu và khó dạy nhất của mình.

Quả thật, chân lý mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất đã được tỏ bày qua các tổ phụ trong Cứu Ước, nhưng chính thái độ, tấm lòng thiết tha và giáo huấn của đức Giêsu dành cho những người tội lỗi, những người bé mọn, lại cho ta cảm nhận được rõ ràng hơn về một Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người.

2. “Người nghèo” Da-kêu

Da-kêu là người giầu có, cả về tiền bạc và địa vị. Thế nhưng, lạ thay, thái độ của ông quả là thái độ của một người nghèo. Da-kêu đã không dựa vào tiền bạc hay thế lực để thực hiện ước muốn tò mò của mình. Đáng lẽ ra, ông có thể sai người đi mời đức Giêsu đến ăn một bữa tiệc thịnh soạn để được nhìn thấy con người nổi tiếng Giêsu và để vinh vang với người khác… Da kêu tìm gặp Chúa chỉ bằng vóc dáng thấp bé của mình; ông loay hoay trèo lên cây sung như một đứa trẻ…Thật buồn cười, nhưng cũng thật cảm động làm sao.

Một con người giầu có, một con người đứng đầu những người thu thuế, Da kêu cũng như bao nhiều người khác đã loay hoay tìm phương thức sống, tìm thăng tiến bản thân, tìm mọi cách để thành đạt trong cuộc đời. Thế nhưng trong thâm tâm của Da kêu vẫn còn nguyên vẹn nỗi khát mong ơn cứu độ của một người Israen. Đối diện với niềm khát mong ấy, Da kêu vẫn còn giữ được nguyên vẹn hình dáng một con người “trần trụi”, nghèo hèn, khao khát được cứu mà không dựa dẫm vào những thứ hào quang giả tạo. 

3. Thiên Chúa “chỉ là” Thiên Chúa cứu độ 

Đức Giêsu không cần một lời mời, không cần một tấm thiệp mời, không bận tâm đến những lời xầm xì của một thứ đám đông vô tâm. Trong suốt cuộc đời, đức Giêsu không mấy bận tâm đến những thứ lễ nghĩa, đức Giêsu không mất công sức cho việc đối phó, thích nghi như một kẻ khôn vặt, như một người lo tìm thế đứng cho mình trong xã hội và trong thế giới này. Lời nói và hành động của đức Giêsu bộc lộ một sự tự do đặc biệt với tất cả những thứ ràng buộc vụn vặt. Thần Khí nơi đức Giêsu thôi thúc Ngài chỉ bận tâm đến mầu nhiệm Nước Trời, chỉ thiết tha đi tìm những con chiên lạc, và sẵn sàng đập phá tất cả những thế lực, những lễ nghi, những thói quen, những luật lệ… cản trở ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. 

Đức Giêsu mạc khải gương mặt một Thiên Chúa không cần khẳng định mình trong so sánh với một chúa nào khác; nhưng là một Thiên Chúa dám làm tất cả để tìm và để cứu những gì đã hư mất.

“Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”

Tạm kết

Ở đáy sâu của lòng mỗi người, cho dù là những người tội lỗi, những người giầu có, những người quyền lực…vẫn luôn còn đó niềm khát vọng được cứu độ.

Ở “đáy sâu” của tấm lòng Thiên Chúa, không có sự hiện diện của thứ khát vọng khẳng định mình trong so sánh, vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Ở “đáy sâu” của tấm lòng Thiên Chúa, không có sự hiện diện của thứ quyền năng như một sức mạnh thuần tuý để chống đối ai mà là quyền năng cứu độ; không có sự hiện diện của thứ khôn ngoan như một lý lẽ khúc chiết để hơn thua ai, mà là sự khôn ngoan cứu độ. Ở “đáy sâu” tâm hồn của Thiên Chúa, luôn dạt dào tình yêu thương, tình yêu vượt qua mọi trở ngại để tuôn đổ cho con người và nhất là những người “đã mất”.

Cuộc gặp gỡ giữa Da kêu và đức Giêsu chính là cuộc gặp gỡ của hai “đáy sâu” tâm hồn ấy.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét