Bài đọc 1 : G 1,1.23-27a : “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống”
Bài đọc 2 : Rm 5,5-11 : “Chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn sẽ được người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”
Tin Mừng : Ga 6,37-40 : “Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”
Sứ Điệp Lời Chúa : Thuộc về Chúa
1. “Thuộc về”
Càng ngày người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu được mô tả ở đủ mọi khía cạnh, trong đủ mọi tình huống, với đủ mọi tính chất phong phú vô tận… Nhưng hình như càng ngày người ta càng gắn tình yêu vào những yếu tố mong manh, bấp bênh, mau đến và mau qua.
“Nền tảng hữu thể” của tình yêu chính là thực trạng “thuộc về nhau”. Người ta chỉ thuộc về nhau khi trao tặng bản thân và được chấp nhận bản thân. Nền móng của tình yêu như thế làm nên một cộng đồng ngôi vị; nơi mà mỗi người “đóng góp” vào đó chính bản thân mình chứ không phải chỉ đóng góp thân xác, tài năng, sắc đẹp hay đức độ; và nơi mình lãnh nhận với lòng tri ân chính bản thân của ai khác, chứ không phải chỉ là thân xác, tài năng, sắc đẹp hay đức độ của ai khác.
Gia đình là mẫu mực điển hình của thứ tình yêu đặt nền trên nền tảng “thuộc về nhau”.
2. “Nền tảng” của ơn cứu độ Kitô giáo
Nền tảng của ơn cứu độ Kitô giáo chính là mầu nhiệm “một Chúa Ba Ngôi”, nơi đó, Ba Ngôi Vị hợp nhất hoàn toàn trong một “Cộng Đồng Ngôi Vị Thiên Chúa”. Người được cứu độ là người được đón nhận vào “Gia đình Thiên Chúa” như “nghĩa tử”, để được hiệp thông ngôi vị một cách nào đó trong một Thiên Chúa.
Đức Giêsu gọi những người được cứu độ là “những người Chúa Cha ban cho tôi”. Rồi đức Giêsu khẳng định những người ấy “sẽ đến với tôi,…. Tôi sẽ không để mất một ai”.
Nếu nền tảng “cộng đồng ngôi vị” nơi gia đình nhân loại đã có được một sự vững chắc nào đó rồi, thì mối giây liên kết trong “cộng đồng ngôi vị” của Thiên Chúa lại càng vững chắc hơn biết bao nhiêu.
Nền tảng của lòng trông cậy Kitô giáo chính là vì chúng ta đã được “ký giao ước bản thân” với Chúa trong bí tích Rửa tội, đã được “thuộc về Chúa”. Đó là một nền tảng vững chắc hơn nhiều so với việc tính toán công đức của mỗi người.
3. Niềm hy vọng đời sống vĩnh cửu
Cuộc sống trần gian của con người, ở nền tảng, chính là một cuộc vật lộn giữa cái sống và cái chết, giữa những hoa trái của sự sống đích thực với những “bóng ma của sự chết”.
Cuộc chiến ấy có thể gay go ít hoặc nhiều, có thể thành công ít hoặc nhiều, nhưng điều căn bản là người Kitô hữu vẫn có còn đứng về phe Thiên Chúa, trung tín trong gia đình Thiên Chúa và để cho chính Chúa Giêsu chiến đấu trong cuộc chiến của mình. Kết quả của cuộc chiến đấu ấy được tỏ lộ trong cuộc sống mai sau; và kết quả ấy không tuỳ thuộc vào công đức của con người, nhưng là do ơn cứu độ của Thiên Chúa trong đức Giêsu. Phần con người là sự lựa chọn trung tín hay bất trung với đức Giêsu.
Đức Giêsu khẳng định “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
Tạm kết
- Nhìn vào đời sống gia đình như một cộng đồng ngôi vị để có thể hiểu ra một chút “tình nghĩa” của người Kitô hữu với Chúa, một cộng đồng ngôi vị còn hoàn hảo hơn nhiều.
- Nhìn vào đời sống gia đình để gia tăng lòng trông cậy vào Chúa hơn nữa.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét