Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

LỄ CÁC THÁNH

Bài đọc 1 : Kh 7,2-4.9-14 : “Tôi thấy : kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”

Bài đọc 2 : 1 Ga 3,1-3 : “Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”

Tin Mừng : Mt 5,1-12a : “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”

Sứ Điệp Lời Chúa : Cái nghèo Kitô giáo

1. Nhiệm cục mới

Nước Trời do Đức Giêsu công bố là một nhiệm cục mới; trong đó có một nguyên lý cứu độ mới, và dĩ nhiên cũng sẽ có những “con người mới” được cứu độ. Đó là một một bầu không khí mới, khác với Cựu Ước và dĩ nhiên lại càng khác với các tôn giáo, triết học nhằm giải thoát con người.

Tính cách mới mẻ ấy không phải là một sự loại bỏ, chống đối với cái cũ hay những cái khác, mà là một sự kiện toàn. Nhưng tính cách mới mẻ ấy cũng không phải là một sự sửa đổi, cải cách, cải lương. Tính cách mới mẻ của Tin Mừng cứu độ không phải là sửa đổi những phương cách của cái cũ và cái khác nhưng hệ tại một nguyên lý cứu độ mới có thể đón nhận những khao khát, trăn trở của con người mà những cái cũ và cái khác không thể hoàn tất được.

Nói một cách đơn giản: Nguyên lý cứu độ mới là chính bản thân đức Giêsu. Nước Trời mời gọi con người đón nhận chính đức Giêsu để hoàn tất những khát vọng, trăn trở của đời mình; chứ không phải chỉ sử dụng một vài hoặc toàn bộ những bài học luân lý của đức Giêsu. Sự đổi mới này không phải là “thay áo”, những là “thay hồn” cho cuộc đời con người. Người ta chỉ có thể hiểu được toàn bộ giáo huấn của Bài giảng Trên Núi khi gắn tất cả vào một “hạt nhân” mới là chính bản thân đức Giêsu.

2. Cái nghèo Kitô giáo

Trong lối hành văn có tính “tuyên ngôn” của Dân Ít-ra-en, bao giờ khoản đầu tiên cũng mang ý nghĩa toát lược. Bản văn “Hiến chương Nước Trời” của đức Giêsu được toát lược trong “cái nghèo Kitô giáo”, và tất cả những khoản khác đều là những hình thức “nghèo” khác nhau, những khía cạnh “nghèo” khác nhau.

Cái nghèo Kitô giáo là lời kêu mời trở về với những khao khát căn bản của đời người, một nỗi khao khát vô biên; ý thức rõ ràng rằng những hành trang, những thành tựu nửa vời, những nỗ lực loay hoay vốn có của con người…tất cả đều không giải quyết được vận mạng của đời người. Một cách nào đó, cái nghèo Kitô giáo chính là, trước tiên, “chấp nhận thua cuộc” trước cuộc đời, nhưng vẫn giữ lại cách tinh tuyền lòng khao khát vô biên. Đó chính là “chìa khoá” để có thể đón nhận nguyên lý cứu độ mới là chính bản thân đức Giêsu Kitô. Chỉ khi nào con người chấp nhận “đổi chủ”, chứ không phải “thay xe”, “thay áo”… thì con người mới có thể đi vào mầu nhiệm Nước Trời.
3. Những “con người mới” được cứu độ

Những “nẻo đường cũ và khác” luôn là nẻo đường của những người ưu tuyển; trong đó, con người phải cạnh tranh hơn thua, thậm chí phải giành giựt đấu đá… Trong đó, chỉ có người “giầu”, người “giầu về tiền bạc”, “giầu về đức hạnh”, “giầu về địa vị”, “giầu” do quyền lực của những phương cách bất chính… mới có thể đạt được ít nhiều thành công. Tóm lại, giầu nghĩa là có được những trang bị của con người, của chính bản thân mình; tất cả những thứ ta có thể dựa vào để an tâm, để bảo đảm cuộc đời mình. Người giầu là người đánh mất ý thức về cái nghèo, cái trụi lủi căn bản của kiếp người.

Nẻo đường mới lại là nẻo đường của người nghèo, của đám đông những người đáng xót thương. Nẻo đường mới là nẻo đường của những người “được phúc”, những người được chính Thiên Chúa hoàn tất khát vọng vô biên của mình.

“Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1)

Tạm kết

Tin Mừng Nước Trời cũng chính là Tin Mừng về Đức Giêsu. Ngài là Đấng Kitô, Ngài là Thầy, Ngài là Chúa của ta. Các thánh chính là những người “đầu phục” đức Giêsu Kitô, vì chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là “chủ”, “Chúa” của con người.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét