Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN - C

Bài đọc 1 : Hc : 35,12-14.16-18 : “Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm”

Bài đọc 2 : 2 Tm 4,6-8.16-18 : “Tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính”

Tin Mừng Lc 18, 9-14 : “Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không ”

Sứ điệp Lời Chúa : ơn cứu độ là hồng ân tặng-không

1. Hai nhu cầu căn bản của tinh thần

Có lẽ đời sống tinh thần của con người có hai nhu cầu căn bản : nhu cầu khẳng định chính mình (X); và nhu cầu được người khác chấp nhận (Y). 

Nhu cầu khẳng định chính mình thôi thúc con người phải nỗ lực, phải thăng tiến, và phải thành đạt… Đó là một nhu cầu rất chính đáng, vì con người sinh ra là người, nhưng còn luôn cảm thấy thôi thúc được “thành nhân”. Đó là một nhu cầu mạnh mẽ giúp con người vượt qua được muôn vàn khó khăn. 

Tuy nhiên, chính nhu cầu được ai khác chấp nhận mới là nhu cầu sâu xa và căn bản hơn của đời người. Con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên luôn khao khát được sống với Chúa; con người có bản tính xã hội nên không thể cô độc một mình và chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực khi được sống trong sự thông hiệp với ai khác, khi được thuộc về một ai khác hoặc một “gia đình” nào đó. 

2. Bài toán cuộc đời

Có lẽ chính việc giải bài toán cuộc đời qua hai “thông số” X và Y đó sẽ quyết định vận mạng con người. 

Cách giải thứ nhất : tôi phải khẳng định chính mình để được người khác chấp nhận. X => Y

Cách giải thứ hai : có ai tặng cho tôi sự chấp nhận, rồi tôi sẽ khẳng định chính mình để đáp lại tình nghĩa ấy. Y => X

* Cách giải thứ nhất có vẻ hợp với lẽ thường của cuộc đời hơn, vì không ai muốn được thương hại, vì ai cũng muốn được nhìn nhận như một người có điều gì hơn người khác, đẹp hơn, giỏi hơn, tài năng hơn, đức độ hơn, giầu có hơn, địa vị cao hơn… Tuy nhiên, cách giải này không đạt đến được một sự chấp nhận chính bản thân và không hoá giải được nỗi cô đơn sâu xa trong mỗi người. Trong nẻo đường này, người nào cũng vẫn đứng đơn độc trong cái tôi của mình, và những thứ tương giao chỉ là một thứ vun quén cho cái tôi riêng của mình. Lý do là :

- Chẳng hạn, khi tôi được nhìn nhận là có tài, thì đó là người khác chấp nhận cái tài của tôi mà không/chưa chấp nhận chính bản thân của tôi. Khi tôi không còn tài năng nữa, thì bản thân tôi sẽ bị loại bỏ không thương tiết…

- Đi vào nẻo đường này, người ta vẫn sống trong mức độ “đổi chác” chứ không phải tình nghĩa đích thực, tài năng đổi lấy sự kính trọng, sắc đẹp đổi lấy sự xum xoe... Đây là mức độ của tương giao xã hội, tương giao ngoài đường chứ không phải tương giao trong gia đình.

- Trong mức độ chung, nẻo đường sẽ là một sự loài trừ tất cả những người “bé mọn”, những người nghèo, những người không có gì để đổi chác.

* Trong khi đó, cái giải thứ hai lại đạt tới một mức độ bản thân, tạo nên được một cộng đồng ngôi vị. Bản thân thì không thể đổi chác hay mua bán. Bản thân chỉ có thể được tự do dâng tặng và tự do đón nhận với lòng tri ân. Đây là thực trạng của đời sống gia đình; trong đó, chẳng hạn, con tôi có hư hỏng, tôi đau lòng, nhưng đó vẫn là con tôi…

Trong nẻo đường thứ hai này, người ta được liên kết với nhau trong mối giây “mắc nợ nghĩa tình”; và khi đó, những nỗ lực khẳng định mình không còn là thứ đổi chác những là tình nghĩa trao tặng. Khi đứa con muốn lấy điểm 10 để được làm con, thì nó không phải là con mà là người làm công. Nhưng khi nó đã được tặng không sự chấp nhận của cha mẹ, nó có thể khẳng định mình bằng cách cố lấy điểm 10 cho cha mẹ vui…

3. Vượt quá mức độ “đạo” luân lý

Con người ta thường mang não trạng của một thứ “đạo luân lý”, nghĩa là dựa vào đời sống luân lý tốt đẹp của mình để đổi chác lấy hồng ân của Chúa.

Tân Ước công bố một tình trạng mới : con người được nhận làm con trong đức Giêsu, đó là tình yêu tặng không; đó là tình yêu tha thứ; đó là tình yêu mà Chúa Cha ban tặng chính Con Một, và mỗi người tín hữu cũng dám ký giao ước bản thân, làm nên một cộng động ngôi vị trong gia đình Chúa.

Trong đời sống đức Tin, chỉ có cách giải thứ hai, cách giải bài toán cuộc đời bằng sự chân nhận cái nghèo của mình, vui mừng đón nhận sự chấp nhận của Chúa dành cho mình; chỉ có cách đó mới đưa con người vào mầu nhiệm cứu độ trong đức Giêsu.
Tạm kết

Sứ điệp lời Chúa hôm nay cho ta thấy rõ ơn cứu độ, ơn công chính hoá là một hồng ân tặng không của Chúa. 

Tuy nhiên, việc chọn cái giải thứ nhất hay cách giải thứ hai, dĩ nhiên, là xét ở mức độ căn bản nhất của đời sống con người; còn trong nhiều trường khác, có thể cần chọn cách giải thứ nhất, hoặc đồng lúc vừa phải khẳng định mình vừa “chờ” được đón nhận.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét