Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – C

Bài đọc 1 : 2V :5,14-17 : “Ông Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và tuyên xưng Đức Chúa” 

Bài đọc 2 : 2 Tm 2, 8-13 : “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với đức Kitô” 

Tin Mừng Lc 17, 11-19 : “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?” 

Sứ điệp Lời Chúa : Cái nghèo và cái phúc 

1. Cái nghèo của con người

Con người vốn nghèo khó, có người thì thiếu thốn tiền bạc, có người thiếu thốn tài năng, có người thiếu thốn sức khoẻ, có người thiếu thốn đức hạnh, có người thiếu thốn tình nghĩa… Con người không ngừng loay hoay để giải quyết cái nghèo của mình. 

Khi đói thì “đầu gối phải bò” để kiếm miếng ăn, khi bệnh thì “vái tứ phương”,… Bình thường, những cái nghèo của con người đều phát xuất từ những nhu cầu thật, rất thật, của con người mà người ta không thể coi thường. Khi những nhu cầu thật và chính đáng của con người mà không được thoả mãn thì sẽ có nhiều trục trặc xẩy ra; và người ta không phải xấu hổ gì khi tìm thoả mãn một cách chính đáng những nhu cầu như vậy… Ông Na-a-man, mười người phong cùi là những người nghèo về sức khoẻ và họ tìm mọi cách để thoát khỏi cái nghèo ấy. 

Tuy nhiên, nếu “đặt lên bàn cân” thì ta sẽ thấy có những nhu cầu quan trọng hơn, thiết yếu hơn; và người ta, nếu cần, phải dám từ bỏ những nhu cầu thấp để thoả mãn được những nhu cầu cao hơn, cấp thiết hơn. Có khi người ta phải nhịn ăn để chữa bệnh, và cũng có khi người ta dám chọn cái chết để bảo vệ danh dự… Đây chính là “bài toán” của đời người mà không ít người đã giải sai bài toán ấy : đánh mất phẩm giá của mình, đánh mất tình nghĩa trong cuộc đời, hoặc đánh mất cơ may được cứu độ… vì chỉ dừng lại ở lựa chọn thoả mãn một nhu cầu thấp. Chín người phong cùi được lành sạch mà không biết trở lại cám ơn Chúa, đó là những người đã tính sai bài toán cuộc đời. 

2. Cái phúc được tặng ban

Cuộc sống con người không phải chỉ là một vận hành nghiêm ngặt của luật nhân-quả. Trong cuộc sống vẫn có sự hiện diện của “cái phúc”. Giống như trong quá trình tiến hoá sinh vật có tầm quan trọng của tiến hoá đột biến, hành trình đời người có phần đóng góp quan trọng của cái phúc. Đối với Kitô giáo, “cái phúc” mà mỗi người vẫn có trong cuộc đời này cũng không phải là “quả” của một cái “nhân” nào trong kiếp trước, nhưng là những dấu chỉ cho thấy lòng nhân lành mà Thiên Chúa. Cái phúc là hồng ân được tặng- không; cái phúc là những cơ may, là những dịp thuận lợi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Na-a-man có phúc khi có được cô hầu gái người Ít-ra-en trong nhà cũng như có được những người đầy tớ tốt bụng gọi ông bằng cha. Cả mười người phong cùi đều có được cái phúc khi gặp được đức Giêsu trên hành trình đi lên Giê-ra-sa-lem… 

Nếu người nào không biết đón nhận “cái phúc” một cách chân thành và đúng đắn, người đó sẽ tự đánh mất hồng phúc của mình; còn người nào biết đón nhận thì hồng phúc sẽ mang lại thêm hồng phúc. Na-a-man và người bịnh phong người Sa-ma-ri là những người biết đón nhận cơ may Chúa ban trong đời mình. 

3. Hồng phúc được cứu độ 

Con người vốn mang thân phận nghèo. Nhưng cái nghèo lại chính là cánh cửa để đi vào Nước Trời. Nghèo là khao khát, nghèo là khả năng đón nhận. Con người có cái nghèo vô biên, nên luôn khao khát mãi. Thực chất là con người luôn khao khát Thiên Chúa. 

Kitô giáo chẳng những không chấp nhận lập trường xoá bỏ cái nghèo của con người một cách dễ dãi, theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhưng còn lên án thái độ không nhận ra cái nghèo sâu xa, không biết lựa chọn thoả mãn nhu cầu “lớn hơn”; nghĩa là thái độ tưởng rằng có thể lấp hết cái nghèo vô biên của con người bằng tiền bạc, bằng hưởng thụ sung sướng, bằng quyền lực, hoặc ngay cả bằng nhân đức (nhân đức mà không nằm trong chiều hướng được cứu độ thì chỉ là dừng lại ở sự tô vẽ bản thân mình). 

Kitô giáo là lời mời gọi lặn sâu xuống cái nghèo căn bản nhất của phận người. Cái nghèo sâu xa nhất của con người chính là khao khát được yêu thương, khao khát được cứu độ. Na-a-man và người bệnh phong Sa-ma-ri là những người biết nhận ra cái nghèo sâu xa của đời mình, nên đã không thoả mãn với việc được khỏi bệnh phong, nhưng được thúc đẩy để tìm gặp gỡ với chính đấng đã chữa bệnh cho mình. 

Việc chân nhận cái nghèo căn bản của đời người sẽ giúp người ta đón nhận được cái phúc một cách phong phú; để rồi phúc lộc này đưa đến phúc lộc kia, phúc lộc nhỏ đưa đến phúc lộc lớn hơn. 

Tạm kết

Trong cuộc sống, có những người ra như được quá nhiều may mắn và có những người như thể gặp toàn những tai hoạ. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa vẫn luôn chìa tay ra với mỗi người. “Bàn tay” Thiên Chúa thường tỏ lộ trong những cơ duyên như thể tình cờ, bởi vì đó là những hồng phúc mang tính tặng-không của Thiên Chúa. 

Những ai giữ được “cái nghèo căn bản”, những ai chân thực với chính mình, những ai “hiểu” rằng phận người luôn khao khát yêu thương và khao khát ơn cứu độ,… thì người ấy sẽ nắm bắt được cơ may để hoàn thành được đời mình trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét