Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

TÌNH YÊU VÀ SỨ VỤ : Bài 5_Sứ vụ loan báo Tin Mừng

LTS : Nhân dịp Tĩnh tâm Tu viện Rất thánh Mân Côi từ ngày 20.8 -26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh. Sứ vụ đó không gì khác hơn là Sứ vụ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân
Chia sẻ của Đức cha gồm 6 bài:
Bài 1: Sứ vụ của Tình yêu
Bài 2: Tái xuất phát từ Tỉnh yêu
Bài 3: Chứng nhân cho Tình yêu vô biên
Bài 4: Chứng nhân cho Tình yêu nhưng không
Bài 5: Sứ vụ loan báo Tin Mừng
Bài 6: Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng

Hàng Giáo phẩm Việt Nam được chính thức thành lập ngày 24 -11-1960, tuy nhiên hai mươi năm sau Hội Đồng Giám mục Việt Nam mới có cuộc họp đầu tiên trên bình diện cả nước. Thể theo tinh thần đối thoại của công đồng Vatican 2 và nhất là để trả lời cho những thách đố mới mà đất nước đặt ra cho Giáo hội vào thời điểm đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố lá Thư Mục vụ năm 1980, mà tựa đề đã bao hàm một định hướng mục vụ : “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”. 

Các Giám mục thẳng thắn tuyên bố rằng Tin Mừng không đồng hoá với bất cứ nền văn hoá, hệ thống kinh tế hay thể chế chính trị nào. Tin Mừng cũng chẳng cần một mảnh đất riêng nào để sống. Nhưng nhiệm vụ của các Kitô hữu là phải sống và làm cho Tin Mừng được bén rễ trong mọi nền văn hoá và cơ chế kinh tế, chính trị: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước (...).Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”[1].

Đường hướng mục vụ gắn bó với dân tộc này được đánh giá cao và đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Một số tài liệu nghiên cứu của cơ quan Nhà Nước công nhận chủ trương dấn thân phục vụ của Kitô giáo đã ảnh hưởng trên đời sống của con người Việt Nam hôm nay. Vào năm 1992, nhóm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về đề tài “Anh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay”, công nhận ảnh hưởng tích cực của Công giáo đối với đông đảo thanh thiếu nhi có đạo và cả thanh thiếu nhi không theo đạo: “Các hình thức tổ chức hoạt động Thiên Chúa giáo đa dạng, phong phú, hấp dẫn thanh thiếu nhi, lôi cuốn đông đảo tuổi trẻ vào các loại hình: toạ đàm, giảng thuyết, cầu nguyện, dạy nghề, hoạt động văn hoá nghệ thuật, tham quan du lịch, hoạt động từ thiện, hoạt động chữ thập đỏ, thăm hỏi cứu trợ người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa, nhằm một phần giải đáp lợi ích thanh thiếu nhi, mặt khác xác lập mục tiêu hình thành thế giới quan hữu thần và hệ tư tưởng tôn giáo”[2].

Một cách tổng quát hơn, bản nghiên cứu nhìn nhận: “Trong khi xã hội mới hiện thực mà chúng ta đang xây dựng còn nhiều hạn chế của các mối quan hệ kinh tế – xã hội thì Giáo hội Thiên chúa giáo (kể cả trên thế giới và ở Việt Nam) lại cố gắng xây dựng (và thực tế đã xây dựng được) cho giáo dân của mình những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, làm cho giáo dân và toàn thể giáo hội sống Phúc âm được trong lòng dân tộc, giáo dục giáo dân sống “tốt đạo đẹp đời”. Nhiều vùng Công giáo giữ được và phát triển tốt các phong trào xã hội, sản xuất trị an, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, v.v..”[3]

Chúng ta có quyền vui mừng và hãnh diện với những đánh giá tích cực ở trên, tuy nhiên không thể tự mãn và ngủ quên nơi một vài thành tích quá khứ. Hiện nay, xì ke ma tuý nói riêng và tệ nạn xã hội nói chung đã trở thành một nỗi lo của cả nước và cũng đang xâm nhập vào các vùng Công giáo. Phải chăng đây là một trong những thách đố mà xã hội Việt Nam thời mở cửa đang cần sự tiếp tay của mọi thành phần Dân Chúa? Với tư cách mục tử chúng ta nên và phải phản ứng ra sao? Đâu là hướng giải quyết trên bình diện cá nhân và tập thể? 

Chính trong viễn tượng đó, cuộc thảo luận của chúng ta về “Sứ vụ loan báo Tin Mừng” sẽ xoay quanh mấy điểm chính sau nay:
• Mục vụ giáo xứ .
•Tân Phúc âm hoá.
• Sứ vụ biên cương. 

1- Mục vụ giáo xứ. 

Nói một cách giản lược, công tác căn bản của mục vụ giáo xứ là tiếp tục loan báo Tin Mừng cho những người đã và đang tin. Bộ Giáo luật xác định: “Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội địa phương, và công tác mục vụ được uỷ thác cho cha Sở, dưới quyền của Giám mục giáo phận” (515,1). 

Cha Sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được trao phó và thi hành công tác mục vụ dưới quyền của Giám mục giáo phận. “Cha Sở có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ; vì thế phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là nhờ việc giảng trong các ngày Chúa nhật và các Lễ buộc và việc dạy giáo lý ; cần ủng hộ các chương trình cổ động tinh thần Phúc âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội; cần để ý cách riêng việc giáo dục công giáo cho thanh thiếu niên; cố gắng bằng mọi phương tiện có thể, với sự cộng tác của các tín hữu, để sứ điệp Tin Mừng tới đến với những người lơ là việc đạo hay không tuyên xưng đức tin chân thật nữa” (điều 528, 1). 

Trên thực tế, công tác mục vụ giáo xứ thường quy tụ chung quanh các lãnh vực chính sau đây: 

• Mục vụ thiếu nhi
• Mục vụ giới trẻ
• Mục vụ ca đoàn
• Mục vụ Hội đoàn
• Mục vụ cho người cao niên.
• Mục vụ cho người trưởng thành
• Mục vụ hôn nhân
• Mục vụ gia đình
• Mục vụ chuyên biệt: giáo chức, y tế, xã hội, doanh nghiệp, báo chí, văn nghệ sĩ, trí thức, v.v. 

Việc đầu tư vào vốn con người để nâng cao trình độ và khả năng sử dụng kỹ thuật được coi là một trong những nhân tố quyết định của việc phát triển. Chính ở nơi đây, chúng ta gặp thấy nhiều thách đố cam go đang đặt ra cho Việt Nam nói chung và giới Công giáo nói riêng. Nếu đảm nhận mục vụ gio xứ, thì tu sĩ Đa Minh nên đặt ưu tiên cho loại mục vụ no? Đâu là đóng góp của Dịng Đa Minh cho mục vụ gio xứ?

Một trong những điểm nổi của Giáo hội Việt Nam là lòng sùng đạo, tổ chức giáo xứ, hội đoàn, kinh lễ, rước xách sầm uất .... Tuy nhiên, nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn tự hỏi: đó là lối giữ đạo theo tập tục cổ truyền hay đường hướng sống đạo theo tinh thần Vatican II? Thiết tưởng đã đến lúc cần nghĩ đến các trung tâm tĩnh tâm và đào sâu chiều kích tâm linh. 

Tuyên bố bế mặc Đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu đã sáng suốt đưa ra một tầm nhìn và “chuyển hướng đặt nổi tính nội tâm sâu xa ngõ hầu Giáo hội trở thành một cộng đoàn cầu nguyện sâu xa, trong đó chiêm niệm nối kết hài hòa với bối cảnh thời đại và các nền văn hóa của dân tộc. Gắn liền với đời thường, cầu nguyện đích thực phải làm phát sinh nơi các tín hữu chứng từ trong sáng về yêu thương và phục vụ”.

Chương trình đào tạo thần học chiều sâu cho giáo dân và chương trình mục vụ chuyên biệt cho từng ngành nghề trở thành nhu cầu khẩn cấp. Hơn bao giờ hết, lời tâm huyết sau đây của đức Gioan Phaolô II phải trở thành ưu tiên mục vụ của chúng ta: “Tôi xin hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đề nghị thành lập ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo giáo dân, để chuẩn bị họ làm công việc thừa sai như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Á Châu ngày nay” (EA 45c).

2- Ý nghĩa của Tân Phúc-âm-hóa. 

Trong hai thập niên vừa qua, “Tân Phúc-âm-hóa” đã trở thành một đề tài quan trọng, thường xuyên được đức Gioan Phaolo II đề cập trong các văn kiện, cũng như trong các chuyến viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu Latinh và Âu châu. Sau đó, trước ngưỡng ngàn năm thứ ba, “Tân Phúc-âm- hóa” đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo hội Công giáo. 

Đứng trên phương diện suy tư thần học, diễn ngữ “Tân phúc-âm-hóa” (Nova evangelisatio, Nouvelle évangélisation, New evangelisation hay Nueva evangelización) khá hàm hồ và có thể gây ngộ nhận như thể muốn phủ nhận những gía trị của công cuộc rao giảng Tin Mừng hay truyền giáo trước đây[4]. Trên thực tế một số người đã dùng lẫn lộn chữ “tân” với chữ “tái”. Vô tình đã đồng hóa “tân phúc-âm-hóa” với “tái phúc-âm-hóa”. Như vậy, phải chăng đã gián tiếp cho rằng việc rao giảng Tin Mừng trước đây có những thiếu sót cơ bản, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải “tái phúc-âm-hóa” hoặc công cuộc rao giảng Tin Mừng bị gián đoạn, nên bây giờ phải tái tạo hoàn toàn, xóa bàn làm lại tất cả và từ đầu?

Không ai có thể phủ nhận những giới hạn, thiếu sót và khuyết điểm của việc rao giảng Tin Mừng trong giai đoạn xâm chiếm thuộc địa của các nuớc Tây phương tại Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Nhưng bên cạnh một số “bóng đen” dày đặc và đau lòng, còn có rất nhiều ưu điểm và “ánh sáng rạng ngời”[5]. Chính vì vậy, việc rao giảng Tin Mừng hôm nay không chủ trương triệt để xóa bàn làm lại, hoặc chối từ các gia sản và gía trị của truyền thống. Ngoài ra, Hội Thánh không bao giờ bao giờ ngừng loan báo Tin Mừng, mặc dù cường độ và mức độ có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Hiểu như vậy, yêu cầu căn bản hôm nay là “gạn đục khơi trong” gia tài truyền thống, để rồi cố gắng kiện toàn và thích nghi với những yêu sách mới của thời đại.

Về phương diện lịch sử, diễn ngữ “tân phúc âm hoá” có một xuất xứ khá rõ rệt. Trong chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan lần I, đức Gioan Phaolô II đã dành ba ngày cuối cùng cho Tổng giáo phận Cracovie. Sáng thứ bảy, ngày 9 tháng 6 năm 1979, ngài đến Mogila, một tu viện Xitô cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XIII, để gặp gỡ giới công nhân. Tu viện nằm trên một ngọn đồi, đối diện với Nowa Huta, một thành phố thợ thuyền Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Ba Lan, nơi sinh sống của khoảng 200.000 dân, đa số là công nhân trẻ.

Trong bài giảng lịch sử nói trên cũng như một số bài diễn văn sau đó, hai từ “tân” và “tái phúc âm hoá” được sử dụng đồng thời và lẫn lộn. Một số ý kiến phản hồi yêu cầu không nên lẫn lộn “tân phúc-âm-hóa” với “tái phúc-âm-hóa”. Có lẽ đề nghị này được đức Gioan Phaolô II tiếp thu. Điều chắc chắn là chỉ ít lâu sau, trong các văn kiện chính thức người ta chỉ thấy diễn ngữ “tân phúc âm hoá” và không còn sử dụng diễn ngữ “tái phúc âm hoá”. . 

Ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, đức Gioan Phaolô II xác quyết rõ rệt quan niệm “tân phúc âm hoá” nói trên: “Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”[6].

Xem như vậy, ý nghĩa chữ “tân” trong diễn ngữ “tân phúc-âm-hóa” không thuộc về bản chất và nội dung của Tin Mừng, mà đúng hơn ám chỉ khả năng lãnh hội, lối trình bày, cách thế diễn tả Tin Mừng, cũng như công cuộc hội nhập văn hoá, đường lối sống Đạo và tinh thần dấn thân của các Kitô hữu. Trước tình trạng thụ động, thờ ơ, buông xuôi, hờ hững... của rất nhiều người Công giáo hiện nay đối với sứ vụ loan truyền Tin Mừng, yêu cầu tiên quyết là làm sao tạo được một khí thế và nhiệt thành mới. Hơn bao giờ hết Giáo hội cần những tín hữu biết đào sâu niềm tin, sống trung thực với lý tưởng Kitô giáo và can đảm, hăng say, nhiệt tâm chuyển đạt nó cho những ngừơi chung quanh. 

Nhưng để thực hiện tốt sứ vụ đó trong một xã hội phức tạp, đa dạng và đầy biến động, ngoài lòng nhiệt thành nói trên, còn đòi hỏi phải biết xử dụng những phương pháp thích hợp. Do đó, nói đến tân phúc-âm-hóa là nói đến việc đổi mới phương pháp, não trạng và tâm thức ngõ hầu có thể loan báo Lời Chúa hữu hiệu hơn cho con người ở thời đại tân tiến này. “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ (...). Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới” (Lc. 5,37-38), Đức Kitô đã không căn dặn chúng ta như thế sao? 

Nói cách khác, thách đố của “tân phúc-âm-hóa” một mặt cố gắng để ánh sáng Tin Mừng chiếu rọi vào các nền văn hoá, mặt khác đưa ra những cách thế hiểu Đạo, sống Đạo, diễn tả Đạo bằng chất liệu riêng của mỗi nền văn hoá. Ngoài việc đề cao phương pháp và nhiệt tâm mới, vai trò của giáo dân được đặc biệt đề cao. Đức Gioan Phaolô II viết: “dù rằng các hình ảnh của Tin Mừng về muối, ánh sáng và men được xử dụng để ám chỉ tất cả các môn đệ Đức Kitô, nhưng chúng được áp dụng một cách đặc biệt cho người giáo dân. Đây là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, vì không những diễn tả việc tham gia và hội nhập sâu xa của người giáo dân vào thực tại trần thế và cộng đồng nhân loại, mà nhất là còn nói lên điểm mới mẻ và độc đáo về ý hướng loan báo Tin Mừng cứu độ”[7].

Đâu là lãnh vực và công tác tân phúc âm hoá ở Việt Nam hôm nay? Phải chăng cần đặc biệt lưu ý đến những người gốc Công giáo, nhưng đang gặp khủng hoảng niềm tin hay đã xa rời Đạo? Cũng có thể là các trường hợp rối vợ, rối chồng hay những người Công giáo không thể sống và sinh hoạt bình thường trong Hội Thánh vì lý do địa lý, xã hội hay nghề nghiệp? Chúng ta có thể và phải làm gì?

3- Sứ vụ biên cương

Sứ vụ biên cương hay “truyền giáo” là rao giảng Tin Mừng cho những người chưa tin, chưa nghe biết Tin Mừng hay cố gắng làm cho giá trị Tin Mừng thấm nhập vào các lãnh vực văn hoá, chính trị, khoa học, xã hội …. Ơn gọi thừa sai đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tính lữ hành, đặc tính lưu động, không ngừng di chuyển về những biên cương mới. Chính việc khám phá và hành động dấn thân vào các biên cương mới này biểu lộ việc chọn lựa ưu tiên trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Dưới đây là một vài biên cương tiêu biểu:

a)- Biên cương của bất công, nghèo đói và loại trừ. Toàn cầu hoá đã làm giàu cho nhân loại, nhưng cũng làm cho hố phân cách giàu nghèo mỗi ngày sâu rộng hơn. Chưa bao giờ nhân loại giàu có, nhiều tiện nghị và khả năng kỹ thuật như hiện nay, nhưng đồng thời nhiều thành phần, nhiều nước và nhiều vùng của thế giới hôm nay bị đẩy vào tình trạng loại trừ, nghèo đói, bạo lực và chết chóc. Họ là những người nghèo, những người kém may mắn, các dân tộc ít người, những người thất nghiệp, những người di dân. Về mặt xã hội, Á châu hiện nay vừa là lục địa có tăng trưởng kinh tế cao, vừa là vùng đất của nghèo khổ, bóc lột, bất công, áp bức, vi phạm nhân quyền ... 

Theo ước tính, hiện tại thành phố HCM có hơn 2.000.000 di dân. Khoảng 60% số di dân nói trên có việc làm và 40% còn lại bị xếp vào hạng thất nghiệp. Rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh do hiện tượng di dân tự phát nói chung và đặc biệt từ nhóm “di dân thất nghiệp”. 60% lao động trẻ em ở thành phố cũng thuộc nhóm di dân naỳ. Không thể loan báo Tin Mừng hôm nay mà lại hờ hững trước thực trạng xã hội này. 

b)- Biên cương giữa sống và chết. Căn bệnh thế kỷ đang đẩy hàng triệu người vào tình trạng chết dần mòn. Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 15 tại Bangkok (7-2004) cảnh báo số người bị chết vì căn bệnh này sẽ lên tới 25 triệu vào năm 2005 và 74 triệu vào năm 2015, nếu không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan. 

Á châu hiện có 7 triệu người bị nhiễm và có nguy cơ rơi vào tình trạng lây lan đại trào, vì khu vực này thiếu một cách nghiêm trọng các bác sỹ chuyên về AIDS. Tại Campuchia vỏn vẹn 1 bác sĩ chuyên môn AIDS cho 3280 bệnh nhân HIV, tại Trung Quốc tình trạng còn bi đát hơn 1/4200 bệnh nhân, tại An độ tỉ lệ đó là 1/9010 và ở Việt Nam là 1/11.250. 

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 và rất nhanh chóng chóng lây nhiễm ra khắp nước để trở thành quốc nạn. Chỉ riêng nơi các Trung tâm của thành phố HCM hiện đang quản thúc khoảng 32.000 các đối tượng cai nghiện ma tuý – nhiễm HIV/AIDS. Để đối chống lại cơn dịch thế kỷ này, thành phố đã chính thức xin Toà Tổng Giám mục cộng tác.

c)- Biên cương kinh nghiệm tôn giáo. Đối với Giáo hội Á châu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, đây vừa là sứ vụ khẩn cấp, vừa là thách đố gay gắt. Thật vậy, Đức Giêsu đã sinh ra, sống, chết và phục sinh từ kẻ chết tại mảnh đất Á châu. Cũng từ mảnh đất Á châu này, qua việc rao giảng Tin Mừng nhờ quyền năng của Thánh Linh, Giáo hội đã cất bước ra đi để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). . 

Tuy nhiên, tại mảnh đất Á châu thân yêu này, một vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi của các tôn giáo lớn, Kitô giáo chỉ đóng vai trò thiểu số và khiêm tốn nhất. So sánh với các vị giáo tổ khác, Đức Kitô vẫn là vị giáo tổ xa lạ nhất và có số tín đồ Á châu ít ỏi nhất. 

Ngoài ra, cũng chính tại lục địa mênh mông của các tôn giáo này, “đang đặt ra một cách khẩn thiết vấn đề gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hóa và tôn giáo rất lâu đời ở địa phương. Đây là một thách đố lớn lao cho công cuộc Phúc-âm-hóa, bởi vì những hệ thống tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo cũng tự trình bày như rõ rệt mang tính cứu độ”[8]

d)- Biên cương sứ vụ “thừa sai” hay “truyền giáo” theo nghĩa cổ điển: đi đến những vùng đất và những nơi mà Tin Mừng chưa được rao giảng. Thư Mục vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đặc biệt mời gọi mọi người Công giáo mạnh dạn đi đến những vùng đất chưa được nghe biết Tin Mừng: “Hãy mạnh dạn đến những môi trường mới. Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo”[9].

Nếu thiên niên kỷ thứ nhất loan báo Tin Mừng cho Au châu, thiên niên kỷ thứ hai cho Mỹ châu, thì Hội đồng Giám mục Việt Nam ước mong thiên niên kỷ thứ ba này sẽ “đem Tin Mừng cho anh chị em trên lục địa (Á châu) mênh mông này. Và đặc biệt cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu”[10]. Phải chăng những vùng sâu, xa và cao của đất nước sẽ là những vùng ưu tiên? 

e)- Biên cương văn hoá. Đây là những môi trường văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật … đang cần ánh sáng Tin Mừng. Giữa Tin Mừng và văn hoá có tương quan hỗ tương: một mặt, Tin Mừng cần chiếu rọi vào các nền văn hoá, mặt khác, Tin Mừng cần được trình bày bằng chất liệu riêng của mỗi nền văn hoá. Đức Gioan Phaolô II diễn tả một cách thâm thuý mối tương quan sinh tử này: “Đức tin mà không trở thành Văn hoá là Đức tin chưa được chấp thuận hoàn toàn, chưa được suy tư thấu đáo và chưa được sống tới cùng”[11]

Huấn thị “Khởi sự lại từ Đức Kitô” yêu cầu chúng ta phải canh tân đời sống Đạo để mỗi cộng đoàn thực sự là một cộng đoàn rao giảng Tin Mừng: “Khởi sự lại từ Đức Kitô cũng có nghĩa là bước theo Ngài đến những nơi Ngài hiện diện qua công trình cứu chuộc và sống giữa chân trời bao la mà Ngài đã khai mở. Chính vì thế đời sống thánh hiến không thể chỉ hài lòng sống trong Giáo hội và sống cho Giáo hội. Đồng hành với Đức Kitô, người thánh hiến phải đi tới các Giáo hội Kitô khác, các tôn giáo khác và tất cả những ai chưa tuyên xưng một xác tín tôn giáo nào cả”[12]

Chính trong viễn tượng đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các Kitô hữu đến với những môi trường đang cần ánh sáng Tin Mừng. “Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật … Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của tin Mừng. Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh”[13]

Đâu là chọn lựa và định hướng mục vụ tương lai của anh chị em Đa Minh?
--------------
[1] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung, ngày 1.5.1980, số 9. 
[2] Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Anh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 217. 
[3] Ibidem, tr. 273-274. 
[4] Diễn ngữ “tân phúc âm hoá” dịch sát nguyên ngữ Tây phương, nhưng trong cấu trúc tiếng Việt vẫn thấy nó thế nào ấy. 
[5] Ibidem, số 36. 
[6]Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VI, 1 (1983), Editrice Vaticana, 1983,p.698. 
[7] Gioan Phaolô II, Vai trò của người giáo dân, số 15. 
[8] Ibidem, số 2. Xin coi Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về các tôn giáo, Houston, Texas, 2000; đặc biệt tạp chí Chia Sẻ, số 41 & 42, 2004. 
[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội thánh Việt Nam hôm nay, 10.10.2003, số 8. 
[10] Ibidem, số 6. 
[11] Gioan Phaolô II, Văn thư Thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá, ngày 20.5.1982. 
[12] Huấn thị “Khởi sự lại từ Đức Kitô” (2002), số 40. 
[13] HĐGM- VN, Thư Mục vụ 2003, số 8.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét