LTS : Nhân dịp Tĩnh tâm Tu viện Rất thánh Mân Côi từ ngày 20.8 -26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh. Sứ vụ đó không gì khác hơn là Sứ vụ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Chia sẻ của Đức cha gồm 6 bài:
Bài 1: Sứ vụ của Tình yêu
Bài 2: Tái xuất phát từ Tỉnh yêu
Bài 3: Chứng nhân cho Tình yêu vô biên
Bài 4: Chứng nhân cho Tình yêu nhưng không
Bài 5: Sứ vụ loan báo Tin Mừng
Bài 6: Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng
Theo đức Gioan Phaolô II, chúng ta phải xây dựng nền tảng “đời thánh hiến trong mối tương quan đặc biệt mà Đức Giêsu, khi còn tại thế, đã thiết lập với một số môn đệ. Người mời gọi các ông không những đón nhận Nước Thiên Chúa vào trong cuộc sống của mình, mà còn đem chính cuộc sống đó để phục vụ Nước Trời, bằng cách theo sát lối sống của Ngài”[1].
Đời sống tu trì là một chọn lựa bước theo Đức Kitô một cách triệt để. “Qua con người và cuộc sống của mình, các tu sĩ đem hết tâm lực để làm cho Giáo Hội thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một rõ nét hơn, cho các tín hữu cũng như cho lương dân: biểu dương Đức Kitô đang cầu nguyện trên núi, Đức Kitô đang loan báo Nước Trời cho dân chúng, Đức Kitô đang chữa lành những người đau yếu, hay đang hoán cải các tội nhận trở thành một cuộc sống phong phú hơn, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn lành cho mọi người và luôn luôn vâng phục ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến”[2].
Trong sứ điệp Ngày Thế giới Loan báo Tin Mừng năm 2008, đức Beneđictô XVI kêu gọi: “Cả các con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, lấy việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người ở thật xa, bằng việc làm chứng cho cho Đức Kitô và sống theo Tin Mừng của Ngài một cách triệt để”.
Loan báo Tin Mừng là sứ vụ căn bản của Đức Kitô, cho nên cũng là sứ vụ và ơn gọi của mỗi Kitô hữu. Từ chối sứ vụ này là phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của mình. Động cơ thâm sâu của sứ vụ truyền bá Tin Mừng này nằm ở mầu nhiệm tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cho anh em ta. Đây là một tặng vật tình yêu được trao tặng cho đồng loại, với tất cả sự chân thành, trân trọng và yêu thương. Thực vậy, nếu chúng ta “thực sự yêu mến Chúa Kitô thì không thể không chia sẻ tình yêu đó cho người khác”[3].
Thánh Phaolô diễn tả một cách thật rõ ràng và sắc nét sứ vụ căn bản này: “Đối với tôi, rao giảng TM không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng TM! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng TC thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ TC trao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng TM tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi TM dành cho tôi” (1 Cor 9, 16-18).
Trong ý nghĩa đó, người tu sĩ Đa Minh không thể triệt để bước theo Đức Kitô theo ơn gọi của ḿnh mà lại không theo gót Ngài trọn vẹn dấn thân loan báo Tin Mừng. Nhưng trên thực tế các tu sĩ nói riêng và Giáo Hội VN nói chung đã thi hành sứ vụ loan báo TM này như thế nào?
1- Tất cả để loan báo Tin Mừng
Người ta thường gọi thánh Đa Minh là “con người của Tin Mừng”, bởi vì ngài không chỉ đọc, nghiên cứu và suy niệm Lời Chúa, mà trên hết ngài đã sống theo Tin Mừng và trọn đời những thao thức, trăn trở để Tin Mừng cứu độ được loan báo cho muôn dân. Thật thế, cũng như thánh Phaolô, việc loan báo Tin Mừng đã trở thành sứ vụ ưu tiên và vì TM ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người. Dòng anh em Giảng thuyết được thiết lập là để tiếp tục sứ vụ cao cả này.
Chúng ta biết rằng, vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, kitô giới Tây phương trải qua một cuộc khủng hoảng cơ cấu trầm trọng. Đây là một thứ khủng hoảng trưởng thành, thuộc loại sốt rét vỡ da. Nhưng bước chuyển đổi lịch sử từ chế độ phong kiến sang bước khởi đầu của đô thị đòi hỏi một sự biện phân tinh tế giữa tốt – xấu, đúng – sai, chính – phụ. Rất đáng tiếc là các bậc vị vọng trong Giáo hội vì quá gắn bó với não trạng, cơ cấu và quyền lợi phong kiến, cho nên cứ bám ghì trật tự cũ và không biết biện phân điểm tích cực của trào lưu mới. Có người còn nghĩ rằng nếu chế độ phong kiến sụp đổ Kitô giáo sẽ tiêu tan.
Đại đa số thành phần Dân Chúa, trái lại, đã nhận thức được giá trị của những canh tn về x hội, vì vậy đ cố gắng hòa nhập vào trào lưu lịch sử đang nặng nhọc hình thành. Kitô giới bị chấn động bởi những phong trào giáo dân phát sinh từ bên trong Giáo hội và ước mong trở về với những giá trị cổ truyền của Kitô giáo: lý tưởng Phúc âm, tinh thần khó nghèo, lòng nhân ái, tình huynh đệ, liên đới …
Từ viễn tượng Tin Mừng không ai có thể phủ nhận giá trị và sự hữu lý của phản kháng này. Tuy nhiên, đàng sau mỗi phản kháng tôn giáo còn ẩn chứa một chọn lựa ý thức hệ và một quan niệm xã hội, chính trị, tôn giáo nữa. Có những lần quan niệm xã hội – chính trị hợp lý, trong khi đó cách thức giải thích Tin Mừng lại thiếu tính chính thống, hoặc ngược lại, quan niệm Tin Mừng đúng đắn nhưng giải pháp chính trị- xã hội lại quá cực đoan.
Đối diện với tình trạng tranh tối tranh sáng và vàng thau lẫn lộn đó, thánh Đa Minh đã sáng suốt làm một cuộc biện phân, gạn đục khơi trong, theo tiêu chuẩn Tin Mừng. Nhìn từ góc độ xã hội, phong trào Hành khất mang dáng dấp một phong trào Tin Mừng và trào lưu trẻ, được phát triển ở thành thị. Có thể coi đây là một “cuộc trở về với Tin Mừng” hay “phong trào cải cách” chống lại sự cấu kết giữa kitô giới với chế độ phong kiến. Đây là đòi hỏi trở về với “Tin Mừng tinh tuyền” và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Nhưng đồng thời cũng là một lời tố cáo đối với Giáo hội giàu sang và quyền thế, mà sự hiện hữu của nó đã trở thành mâu thuẫn hiển nhiên giữa với sứ điệp TM.
Chính vì vậy, thánh Đa Minh đề nghị việc loan báo chân lý Tin Mừng phải song hành với một đời sống thấm nhập Tin Mừng. Nói cách khác, chỉ có thể chiến thắng các lạc giáo và ly giáo khi biết nhìn nhận những đòi hỏi chính đáng của họ và có khả năng thực hiện trong lòng Giáo hội cuộc canh thân theo tinh thần Tin Mừng. Vì vậy, phương pháp mà thánh Đa Minh chọn lựa để “loại trừ những chuyển hướng lầm lạc, loại bỏ các thói xấu, giảng dạy các tập quán tốt” chính là “sống đích thực như một tu sĩ, khó nghèo và nhiệt tâm rao giảng Lời Chúa”.
Nếu được phép giản lược chúng ta có thể tóm tắt linh đạo Đa Minh vào ba chiều kích chính hay cuộc đối thoại tay ba: Chúa, tôi và tha nhân. Các sử gia đã trình bày thánh Đa Minh như một người đêm đêm thân thưa với Chúa về tình trạng của người đời và của thời đại, trong khi ban ngày lại dồn hết tâm lực để nói về Chúa cho anh em đồng loại. Còn bản thân ngài đã trở thành một dụng cụ của Chúa để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng.
Hiến Pháp của các Dòng Hành khất được xây dựng từ Tin Mừng và đặc biệt quan tâm đến những biến đổi sâu rộng trong cơ cấu xã hội cũng như trong các tập tục, lối sống, nếp nghĩ của người đương thời. Có người coi chúng như một hình thức “nhập thể” của Kitô giáo thời sơ khai vào cơ cấu tổ chức của các hiệp hội, phường, ngành nghề và cộng đồng tự do ở thế kỷ XII-XIII: thay vì cơ chế phẩm trật phong kiến, họ xây dựng hệ thống cộng đoàn Tin Mừng và dân chủ huynh đệ. Hiến Pháp Nền tảng của Dòng Đa Minh xác định rõ rệt: “Sự hiệp thông và tính phổ quát của Dòng cũng tạo nên thể thức quản trị riêng. Trong đó, đặt nổi sự cộng tác hữu cơ và tỉ lệ của tất cả các thành phần nhằm theo đuổi mục đích riêng của Dòng (…). Do đó, việc quản trị của chúng ta có tính cách cộng đoàn với cách thế riêng biệt, bởi vì thông thường các bề trên nhận nhiệm vụ thông qua bầu cử của anh em và được bề trên cấp cao phê chuẩn”.
Ngay từ khởi thủy, các vị sáng lập Dòng Hành khất đã loại trừ các chức danh “Abad” hay “Seigneur” hoặc “Dom” mang âm hưởng tương quan quyền bính, thống trị và chức quyền trần thế, để thay thế vào đó một người phụ trách, có nhiệm kỳ, do chính cộng đoàn bầu lên.
Tu viện Trưởng Đa Minh, chẳng hạn, có thường quyền đối với các tu sĩ được bổ nhiệm vào tu viện hay đang cư ngụ tại đó, nhưng trong mọi quyết định liên quan đến đời sống, sinh họat và hướng đi của tu viện luôn luôn phải có sự chấp thuận của Tu viện hội và ban Cố vấn. Vâng lời vì vậy không còn là nhắm mắt vâng theo ý muốn hay ước nguyện của một cá nhân hoặc một đấng bậc nào, cho dù đạo đức đến đâu đi chăng nữa, mà trước hết là vâng theo một sứ mệnh, một ơn gọi và một đặc sủng mà cả người phụ trách lẫn các tu sĩ trẻ nhất và thấp nhất đều phải dấn thân thực hiện và phải tuyệt đối vâng phục.
Sự xuất hiện của các Dòng Hành khất đ biến đổi mô hình đời sống tu trì cũ. Khác với các đan sĩ, các tu sĩ khất thực không trốn chạy trước cuộc đời và cũng chẳng đồng hóa bằng mọi giá với nó. Họ sống giữa lòng đời, nhưng không thuộc về trần thế. Họ lấy mầu nhiệm Nhập Thể làm mẫu gương cho cuộc sống tu trì và kim chỉ nam của đời sống tông đồ. Đối với thánh Bernado và nhiều nhà tu đức truyền thống khác, thế giới dân sự nói chung và thế giới sinh viên nói riêng bị coi là hư hỏng tự bản chất, nơi đó đầy dẫy tự do phóng túng, ham lợi, háo danh, trò bịp bợm của các triết gia, đình công, bãi thị … Người đan sĩ chân chính đương nhiên phải mau mau trốn chạy.
Thánh Đa Minh, trái lại, đã gởi các tu sĩ đầu tiên đến Paris và các trường Đại học quan trọng nhất ở thời đó để học tập, giảng dạy, thi hành công tác tông đồ và trong chính môi trường Đại học đó sống lý tưởng hòan thiện Kitô giáo. Các tu sĩ khất thực phác thảo một khuôn thức sống hoàn toàn khác với chế độ phong kiến và là một cố gắng nghiêm túc để đưa ra một câu trả lời thấm đậm Tin Mừng cho sứ vụ loan báo Tin, cũng như đối với các thách đố của thời đại.
Trong khi các đan sĩ sống ở nông thôn và sống nhờ những gì họ gặt hái được từ ruộng đất, thì tu viện của các Dòng Hành khất lại được thiết lập ở thành thị và có nhiều điểm tương đồng với xưởng thợ hay tổ hợp của các thợ thủ công nghệ ở thời đó. Việc thay đổi chỗ ở địa lý này kéo theo những thay đổi sâu thẳm hơn: chỗ ở xã hội – văn hóa, giai điệu của cuộc sống, lối nghĩ và phương pháp loan báo Tin Mừng. Trong khi hàng giáo phẩm và các đan viện sống yên ổn với số vốn của mình, thì các tu sĩ hành khất lại cắt đứt với chế độ hiện hành, tuyên khấn khó nghèo triệt để: khất thực mỗi ngày.
2- Sứ vụ tri thức
Hôm nay, chúng ta đang phải đối diện với tình trạng tranh tối tranh sáng của một thời đại kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng xã hội rệu rạo, rạn nứt, đảo điên, tàn nhẫn, phi chuẩn mực. Giữa cảnh vàng thau lẫn lộn đó, người ta rất dễ rơi vào thái độ cực đoan: chấp nhận hoàn toàn hay loại trừ tất cả. Nhưng sứ vụ tông đồ luôn đòi hỏi chúng ta một trái tim nồng ấm, một tấm lòng yêu thương và một tâm trí sáng suốt để nhận định, để biện phân tốt – xấu, đúng – sai, chính – phụ để kiếm tìm một giải pháp quân bình và phù hợp với Tin Mừng hơn.
Để rao giảng Tin Mừng cho thời đại phải chăng chúng ta cần biết biện phân, không thể bằng lòng với những giải pháp giáo điều, rập khuôn, trái lại cần nhiều sáng tạo và can đảm khám phá những biên cương mục vụ mới. Các văn kiện của Dòng trong thời gian vừa qua nói nhiều đến sứ vụ biên cương của ơn gọi Đa Minh: Biên cương của bất công, nghèo đói, loại trừ; biên cương giữa sống và chết của căn bệnh thế kỷ; biên cương kinh nghiệm tôn giáo; biên cương hiện tượng vô tín; biên cương văn hóa...
Dĩ nhiên có nhiều cách loan báo Tin Mừng và vì vậy có nhiều câu trả lời. Nhưng phải chăng ơn gọi Đa Minh luôn đòi hỏi chúng ta phải đặt ưu tiên cho chiều kích văn hóa, suy tư thần học, sinh hoạt tri thức ... như một cách thế đặc biệt để loan báo Tin Mừng.
Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn tả mối tương quan sinh tử giữa văn hóa và loan báo TM: “Đức tin mà không trở thành Văn hoá là Đức tin chưa được chấp thuận hoàn toàn, chưa được suy tư thấu đáo và chưa được sống tới cùng”.
Bộ tu sĩ viết: “Khởi sự lại từ Đức Kitô cũng có nghĩa là bước theo Ngài đến những nơi Ngài hiện diện qua công trình cứu chuộc và sống giữa chân trời bao la mà Ngài đã khai mở. Chính vì thế đời sống thánh hiến không thể chỉ hài lòng sống trong Giáo hội và sống cho Giáo hội. Đồng hành với Đức Kitô, người thánh hiến phải đi tới các Giáo hội Kitô khác, các tôn giáo khác, các nền văn hóa và tất cả những ai chưa tuyên xưng một xác tín tôn giáo nào cả”.
HĐGM-VN cũng mời gọi chúng ta đến với những môi trường đang cần ánh sáng Tin Mừng. “Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật … Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của tin Mừng. Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với HT”.
Đâu là câu trả lời của các tu sĩ nói chung và tu sĩ ĐM nói riêng? Chúng ta đang dấn thân loan báo Tin Mừng hay chỉ bảo vệ cơ cấu và bằng lòng với mơ hình cổ điển về mục vụ giáo xứ? Cái gì đã thực hiện tốt, những gì còn giang dở và đâu là điểm phải nhắm tới trong tương lai?
Tự ngôn của Hiến pháp tiên khởi của Dòng Anh em Thuyết giảng nói rất rõ về vai trò của học vấn trong công tác loan báo Tin Mừng của Dòng, bởi vì Thánh Đa Minh coi công tác học tập, nghiên cứu để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng như chủ đích của Dòng: “Được trở nên những cộng tác viên của hàng giám mục qua việc truyền chức linh mục, sứ vụ riêng của chúng ta là ngôn sứ. Sứ vụ này là loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô ở khắp nơi bằng lời nói và gương sáng tùy theo thời gian, không gian và hoàn cảnh nhân loại, để đức tin được nẩy sinh hoặc thấm nhập sâu xa hơn vào toàn thể cuộc sống” (V).
Khi đề cập đến sứ vụ tông đồ, Công vụ Tỉnh hội 2011 của Tỉnh Dòng Nữ Vương các thánh Tử Đạo Việt Nam đã thực hiện hành động ôn cố tri tân rất ý nghĩa: “Tiếp bước cha anh không chỉ là tiếp nối công trình các vị tiền bối đã thực hiện, mà còn dõi theo tinh thần của các vị, một tinh thần sẵn sàng lên đường, không ngại đến với những biên cương mới của Giáo hội – không chỉ là biên cương địa lý, mà còn liên quan đến sự sống, văn hóa, những trào lưu mới và những phương tiện tân tiến trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay” (182).
Theo Công vụ Tỉnh hội, mặc dù Tỉnh Dòng đã xây dựng thêm nhiều cơ sở và điểm truyền giáo mới trong cũng như ngoài nước, nhưng cần quan tâm đến phẩm chất đến phẩm chất và hướng phát triển, đặc biệt lập kế hoạch và đào tạo chuyên viên cho sinh hoạt trí thức. Chính vì vậy, “Tỉnh Dòng đang cần những con người dám sống hết mình với tinh thần Đa Minh: say mê Thiên Chúa và say mê con người, sẵn sàng dấn thân, mở ra những hoạt động mang tính sáng tạo và đồng tâm hiệp lực trên bước đường sứ vụ”(183).
Công vụ Tổng hội 2010 của Dòng một lần nữa nhấn mạnh đến giới trẻ như một trong những ưu tiên của sứ vụ Đa Minh. “Như những nhà giảng thuyết về niềm hy vọng, các tu sĩ Đa Minh cần nỗ lực tìm ra những phương thế sáng tạo và hiệu quả để tiếp cận giới trẻ, để gặp gỡ họ với lòng tôn trọng vì Chúa Giêsu”. Ước mong sao các tu sĩ Đa Minh sẽ nối bước Đức Kitô, can trường hội nhập vào các lãnh vực của cuộc sống và hăng say dấn thân vào các biên cương mới để Tin Mừng cứu độ được loan báo cho mọi người.
Trong truyền thống, tu sĩ Đa Minh vốn trân trọng và hãnh diện về sứ vụ tri thức của mình. Nhưng ai là người trí thức? Và đâu là “chiều kích trí thức” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng? Đã có khá nhiều ngộ nhận về vấn đề này. Thông thường, người ta vẫn cho người có học là trí thức. Ngày xưa, cứ cắp sách đi học là “sỹ”. Ngày nay, có bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ đương nhiên là trí thức. Ra đời cứ ai lao động trí óc để sinh sống là được xếp vào thành phần trí thức. Có thể coi đây là định nghĩa thông thường, thô sơ, trực giác, bình dân. Nhưng đứng trên phương diện hàn lâm, chúng ta phải hiểu người trí thức thế nào?
Học vấn, kiến thức và bằng cấp là yếu tố của trí thức. Tuy nhiên, để trở thành người trí thức đòi hỏi khả năng tiếp thu, nhất là biết tiêu hóa kiến thức thu nhận thành hiểu biết của chính mình, của trí tuệ mình. Học vẹt, thuộc lòng thiên kinh vạn quyển chưa trở thành trí thức. Học, hiểu biết, nhớ, tiếp thu, rồi từ đó có sáng tạo, có tư duy độc lập, có chính kiến riêng về mọi vấn đề. Phải chăng đó chính là ý nghĩa của chữ ”thức” và cũng vì vậy đám đông không trở thành trí thức.
Cần xác định thêm: Hiểu biết để làm gì? Đây là một câu hỏi gốc để biết trí thức đích thực hay ngụy trí thức. Nếu biết chỉ để vinh thân phì gia thì bất thành trí thức. Người trí thức luôn ý thức trách nhiệm phải “trả nợ đời”, chu toàn trách nhiệm đối với đất nước và xã hội. Dấn thân xây dựng xã hội tiến bộ, phát triển, dân chủ, công bằng, nhân ái luôn luôn là mời gọi trí thức lên đường. Đối với nhà cầm quyền, người trí thức phải có thái độ: nếu là nhà cầm quyền tiến bộ, phục vụ công ích và hợp lòng dân thì phải ủng hộ, nhưng không thể không lên tiếng khi nhà cầm quyền biến chất, chạy theo lợi ích nhóm, vi phạm nhân phẩm, nhân quyền.
Câu hỏi nền tảng được đặt ra ở đây: tu sĩ Đa Minh có phải và có nên là người trí thức hay không? Theo tôi, ơn gọi Đa Minh không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải làm người trí thức vì trí thức. Chúng ta không trở thành trí thức vì muốn làm người trí thức suông. Đúng hơn, trước hết và trên hết chúng ta phải là những con người Tin Mừng. Thật vậy, ơn gọi Đa Minh biến chúng ta thành những con người chuyên tâm loan báo Tin Mừng và đặc biệt loan báo Tin Mừng trong lãnh vực chuyên biệt: nghiên cứu thần học, trong môi trường văn hóa, xã hội, khoa học… Nói theo văn phong của thánh Phaolô, vì Tin Mừng chúng ta đành trở nên mọi sự cho mọi người, ngõ hầu Tin Mừng của Chúa được loan báo cho nhiều người hơn: trí thức với người trí thức, khoa học với người khoa học, xã hội với người xã hội với người xã hội… vì lý do Tin Mừng. Như vậy, trí thức chỉ đóng vai trò phương tiện cho công tác loan báo Tin Mừng, cũng như khó nghèo và đời sống cộng đoàn…
Do ơn gọi, tu sĩ Đa Minh có sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng trong môi trường trí thức. Điều đó dĩ nhiên đòi hỏi tu sĩ Đa Minh phải hội đủ một số đức tính và điều kiện đặc biệt của giới trí thức. Thật vậy, khó có thể phát triển đời sống trí thức đích thực nếu không có môi trường trí thức, tương giao trí thức và sinh hoạt phù hợp.
Hiện nay, chúng ta có nhân sự dồi dào và cơ sở vững chắc, nhưng xem ra chưa phát triển tương quan và hoạt động trí thức. Sinh hoạt của chúng ta vẫn tiếp tục co cụm trong môi trường “nhà đạo” và “nhà xứ”. Trung tâm Học vấn Đa Minh có một vị thế đặc biệt trong Giáo hội Việt Nam hôm nay, nhưng vẫn chưa phát huy tiềm năng của mình và cũng chưa có định hướng để trở thành Phân khoa độc lập, có khả năng mở các chuyên ngành mới và tạo điều kiện để đón nhận nữ tu và giáo dân.
Sau những giải thích vòng vo đó, hơn bao giờ hết, chúng ta thử nhìn lại sinh hoạt trí thức của Tỉnh Dòng chúng ta và cố gắng suy nghĩ về mấy điểm căn bản sau:
- Gốc nông dân, bản chất nông dân: điểm tích cực và tiêu cực.
- Cách tổ chức và phân chia hoạt động thành hai loại nhà xứ với nhà trường có còn thích hợp không?
- Làm sao vượt qua phong cách và truyền thống “nhà xứ”?
- Làm sao mở rộng tầm nhìn xa hơn môi trường và tương giao “nhà đạo”?
- Đâu là định hướng tương lai?
------
[1] Gioan Phaolô II, Vita Consacrata, 14.
[2] Vatican II, Lumen Gentium, 46.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét