LTS : Nhân dịp Tĩnh tâm Tu viện Rất thánh Mân Côi từ ngày 20.8 -26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh. Sứ vụ đó không gì khác hơn là Sứ vụ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Chia sẻ của Đức cha gồm 6 bài:
Bài 1: Sứ vụ của Tình yêu
Bài 2: Tái xuất phát từ Tỉnh yêu
Bài 3: Chứng nhân cho Tình yêu vô biên
Bài 4: Chứng nhân cho Tình yêu nhưng không
Bài 5: Sứ vụ loan báo Tin Mừng
Bài 6: Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng
Trong mấy thập niên vừa qua, chúng ta hân hoan với những mùa bội thu về ơn gọi tu sĩ – linh mục. Nhưng đó là nói về con số, còn phẩm chất thì sao? Phải chăng bên cạnh những cuộc đời chứng tá, nhũng kinh nghiệm dấn thân và thái độ hăng say bước theo Đức Kitô, một số cuộc sống trở nên khô cằn, bi quan hay lạc hướng. Giáo dân phản ứng khá mạnh về những trường hợp biến chất này.
Chúng ta chỉ có thể vượt qua khủng hoảng này bằng hành động canh tân đời sống tâm linh, đào sâu cảm nghiệm về Thiên Chúa, triệt để phó thác và gắn bó với Ngài. Nói theo ngôn từ của Bộ Dòng tu, chúng ta phải can đảm “khởi sự lại từ Đức Kitô”. Thánh bộ quả quyết: “Đời sống tâm linh phải chiếm vị thế ưu tiên trong chương trình của tất cả các gia đình dâng hiến, ngõ hầu mỗi tu hội và cộng đoàn trở nên trường tâm linh đích thực theo Tin Mừng”.
Theo Huấn thị, “chúng ta phải để cho Thần Khí khai mở nguồn nước hằng sống tuôn trào một cách vô cùng phong phú từ Đức Kitô. Chính Thần Khí làm cho chúng ta nhìn nhận Đức Giêsu Nazareth là Đức Chúa (x. 1 Cr 12,3), Ngài cho chúng ta nghe lời mời gọi đi theo Đức Kitô và kết hiệp chúng ta trong Người. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô (x. Rm 8,9). Chính Thần khí, khi biến chúng ta thành những người con trong Chúa Con, làm chứng về tình phụ tử của Thiên Chúa, giúp chúng ta ý thức tư cách làm nghĩa tử và cho phép chúng ta dám gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15)”.
Chỉ khi nào biết khởi sự lại từ Đức Kitô đời linh mục của chng ta mới tìm thấy nghị lực và sinh khí mới để dấn thân phục vụ Giáo hội và nhân loại: “Vâng, ta phải khởi sự lại từ Đức Kitô bởi vì chính từ nơi Ngài mà các môn đệ đầu tiên đã khởi hành tại Galilea; từ nơi Ngài mà suốt dòng lịch sử, những người nam nữ thuộc mọi giai cấp và văn hóa, được Chúa Thánh Thần hiến thánh theo ơn gọi của họ, đã khởi hành; vì Ngài, họ đã từ bỏ gia đình và quê hương, theo Ngài cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Nước Trời và làm điều lành cho mọi người (…). Không có Đức Ki-tô họ không thể làm được gì (x. Ga 15,5) ; nhưng, trong Ngài là Đấng ban sức mạnh, họ có thể làm mọi sự (x. Pl 4,13)”.
1- Một ơn gọi để yêu thương
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với hai môn đệ đầu tiên theo Tin Mừng của thánh Gioan hé mở cho chúng ta một hành trình ơn gọi. “ Hôm sau, ông Gioan đang đứng với hai môn đệ trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rapbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,35-39).
Truyền thống vẫn cho rằng Gioan Tông đồ là tác giả Tin Mừng thứ 4 và là “người môn đệ được Chúa yêu thương”. Tin Mừng Gioan kể lại cuộc gặp gỡ với Đấng đã cuốn hút đời ông, đã để lại một dấu ấn vĩnh cửu nơi ông, Đấng đã yêu thương ông và được ông đền đáp lại. Ông được diễm phúc gặp Ngài ở thuở thiếu thời và cuộc gặp gỡ đó đã triệt để biến đổi cuộc đời ông. Gioan soạn thảo Tin Mừng vào những năm 90, nghĩa là khoảng 60 năm sau khi gặp Chúa. Nhưng buổi gặp gỡ ban đầu kỳ diệu ấy đã in hằn nơi tâm trí. Trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến đổi của nhân tình thế thai, cụ già Gioan vẫn nhớ rõ mồn một: “Lúc ấy vào khoảng giờ thứ mười”.
Mỗi người chúng ta đều có “một giờ thứ mười” và một cách thế gặp gỡ Chúa ở thuở thiếu thời. Mỗi người chúng ta cũng có câu chuyện độc đáo về ơn gọi của riêng mình. Nhưng trọng tâm của mọi câu chuyện về ơn gọi linh mục vẫn là kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương. Thánh sử Gioan diễn tả một cách ngắn gọn: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1 Ga 4:19). Thật sự, Thiên Chúa đã yêu thương và kêu gọi chúng ta ngay từ trong lòng mẹ. Ngài yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta xứng đáng với tình yêu của Ngài, mà vì tình yêu nhưng không. Ngài yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có thể yêu lại Ngài và ngay cả những lúc chúng ta u mê lầm lạc. Nói cách khác, chính Thiên Chúa là Đấng yêu chúng ta trước và làm cho chúng ta có thể yêu Ngài và yêu tha nhân bằng sức mạnh của Thánh Thần. Tất cả những gì chúng ta có thể làm không gì khác hơn là đáp lại tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và ngay cả điều này chúng ta cũng chẳng có thể thực hiện một mình, dựa trên khả năng và nỗ lực của con người mà thôi.
Chính tình yêu hải hà của Thiên Chúa định hình cuộc đời tu trì của chúng ta. Có thể nói đời tu hành là một cách thế sống và đường hướng dấn thân được Thánh Thần thúc đẩy để bước theo Đức Kitô. Đời sống này được tổ chức quanh giá trị của chính tình yêu và luôn đặt mối tương quan tình yêu với Đức Giêsu lên hàng đầu. Chính tình yêu dành cho Đức Giêsu, được thể hiện qua cuộc đời mục tử, phải chiếm vị trí ưu tiên. Và chính tình yêu của Đức Kitô thúc đấy ta loan báo Tin Mừng và hiến thân phục vụ anh em đồng loại.
2- Một chứng nhân cho tình yêu
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một vị thánh của thời đương đại, xác quyết một cách mạnh mẽ: “Ơn gọi của tôi chính là tình yêu!” hay “giữa lòng Giáo Hội, tôi sẽ là tình yêu”. Trong cuốn “Tự thuật” thánh nhân kể lại những thao thức dằn vặt của ngài vì khát vọng trở nên vị đại thánh trong Giáo Hội: “Khi nguyện ngắm, những khát vọng của em làm cho em bị đau khổ giày vò (…). Tình cờ mắt em bắt gặp chương 12 và 13 thư I gửi tín hữu Corinto (…). Khi đọc chương trước, em thấy rằng không phải ai cũng có thể làm tông đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, và mắt không thể vừa là mắt vừa là tay được (…). Câu trả lời trên thật rõ rang nhưng không làm em thỏa mãn và đem lại cho em sự bình an.
“Không sờn lòng, em tiếp tục đọc và câu sau làm em nhẹ nhõm: Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Và thánh Phaolô tông đồ giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình (…), và đúc ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn d64n tới Thiên Chúa. Và cuối cùng em đã được bình an thư thái.
“…Bấy giờ, vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất, em đã reo lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con (…), ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con chính là tình yêu (…). Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả (…) và như thế ước mơ của con sẽ được thực hiện”.
Lời xác quyết đó trở thành một định hướng và nét tiêu biểu của đời tu hôm nay. Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo hội cũng như xã hội cần những chứng nhân của tình yêu và lòng quảng đại vô bờ. Hơn là một lối sống để bước theo Đức Kitô hay một sứ vụ để hoàn thành, cuộc đời của chúng ta phải là một đời sống mà tình yêu Đức Kitô được sống cho tới mức vẹn toàn.
Chính vì vậy chúng ta không lấy làm lạ khi giáo dân cũng như các thành phần khác trong Giáo hội luôn quan tâm đến phẩm chất đời sống yêu thương của chúng ta. Bên cạnh những tài năng và các công trình xây dựng, họ muốn nhìn thấy nơi chúng ta những mẫu mực của tình yêu và bác ái. Trên hết và trước hết, họ mong chờ chúng ta trở thành những con người yêu thương.
Tại nhiều Đại Hội Giới trẻ, câu hỏi mà giới trẻ thường đặt ra cho các giám mục và linh mục cũng xoay quanh câu chuyện yêu thương đó. Họ không hỏi chúng ta đã xây được bao nhiêu nhà thờ và cơ sở, mà mối tương quan của chúng ta đối với Chúa và anh chi em nhân loại như thế nào? Một số người thậm chí còn dám hỏi thẳng: “Đời sống yêu thương của quý ngài như thế nào rồi?” Thiết nghĩ câu hỏi ấy không chỉ là câu hỏi đúng đắn mà còn là một câu hỏi nền tảng nữa.
Vào tuần tĩnh tâm này thật là quan trọng đối với mỗi linh mục chúng ta tự vấn với câu hỏi nền tảng đó : “Đời sống yêu thương của tôi như thế nào rồi?” Đoạn văn sau đây của sách Khải huyền (Kh 2,1-7) mời gọi những người theo Chúa Kitô tự kiểm với cùng một câu hỏi như thế. Trong đoạn này, các Kitô hữu ở Ephêsô được ca ngợi về sự công chính, sự vất vả và các nhân đức của họ: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác(...). Ngươi có lòng kiên nhẫn và chịu khổ vì daanh Ta mà không mệt mỏi” (Kh 2,2-3). Nhưng bất chấp những điều đó, Thánh Thần đã phải phiền trách họ: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Nếu không, Ta dến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải ”(Kh 2,4-5). Phải chăng đó cũng là một lời khiển trách nhắm vào các Kitô hữu cũng các linh mục và tu sĩ ngày nay? “Ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu.” Lời khiển trách này nêu rõ hai trọng điểm mà chúng ta cần quan tâm.
3- Xa rời trọng điểm
Ngày nay, chúng ta có thể đánh mất trọng điểm tình yêu bằng nhiều cách. Trước tiên, thế giới của chúng ta luôn vội vã. Tốc độ trở thành luật của cuộc sống. Đây là thời điểm của những thứ “nhanh”: thư phát nhanh, làn đường dành cho tốc độ nhanh, sửa chữa nhanh, thức ăn nhanh v..v… Như người ta thường nói: Thời giờ là tiền bạc. Phải sử dụng thời giờ sao có lợi. Chúng ta luôn có những việc hữu dụng hơn để làm. Những chuyện cá nhân hoặc giữa các cá nhân xem ra không quan trọng đối với chúng ta.
Một xu hướng mới của con người hôm nay là làm nhiều việc cùng một lúc, như vừa dùng bữa vừa xem tivi, vừa xem phim vừa lướt mạng, vừa nghe nhạc vừa gửi tin nhắn, vừa lái xe vừa lấy hẹn bằng điện thoại di động… Nhiều người, cả trẻ lẫn già, đều làm cái gọi là “tranh thủ” như vậy. Điều này cũng xảy ra đối với các linh mục. Hiện tượng mới cho thấy rằng cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn, vội vã và phiến diện hơn. Mọi người, kể cả các linh mục tu sĩ, ngày càng trở thành những con người bận rộn, có ít thời gian dành cho những nhu cầu tâm linh và cá nhân hơn, ví dụ như ngừng làm việc để nghỉ ngơi, gặp gỡ những người mình yêu thương, để lắng nghe, để hồi tâm hoặc để cầu nguyện.
Đối với các linh mục, những mối bận tâm đa chiều của đời sống hiện đại và công tác mục vụ đẩy chúng ta vào trong đại dương của những hoạt động không cùng. Bản danh sách “những việc phải làm” không bao giờ chấm dứt. Rất dễ để mình bị rơi vào cái bẫy của vòng xoáy làm việc theo chức năng, chẳng hạn như một người phải : cầu nguyện, đọc kinh phụng vụ, làm lễ, đi chầu lượt, hội họp, tham gia sinh hoạt cộng đồng, thăm viếng các gia đình, tổ chức các buổi lễ hoặc chương trình diễn nguyện, lên kế hoạch các dự án… đơn giản chỉ vì đó là những việc mà chúng ta phải làm. Việc lặp đi lặp lại cùng một công việc phải làm có thể dẫn chúng ta vào con đường mòn của lối sống công chức. Chúng ta có thể hành xử như một "công chức" hay "công nhân chuyên nghiệp", là những người luôn luôn sẵn sàng để làm một cái gì đó, như một robot. Tình hình có thể tồi tệ hơn ở những nơi công tác nhiều, mà nhân lực lại quá mỏng và quá hẻo. Chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc trong cùng một lúc và dẫn tới chỗ thường bị căng thẳng.
Nền văn hoá của chúng ta cũng đang trở thành thực dụng, vụ lợi và kỹ thuật trị. Nó đề cao lợi nhuận và sự hữu dụng của sự vật. Con người được đánh giá dựa trên công việc họ làm cũng như sự hữu dụng của họ. Thậm chí người linh mục và tu sĩ được đánh giá cao hoặc được nhiều người biết tới hơn là do những việc họ làm. Việc quá nhấn mạnh đến tính hiệu quả và năng suất đã làm lu mờ đi tính ưu việt của nhân vị cũng như của những mối tương quan trong đời sống con người. Con người trở thành người quá hiếu động hay tệ hơn nữa, “nghiện làm việc”. Nền văn hoá “bị công việc lèo lái” sắp đặt hoặc văn hoá của “chức năng” tác động một cách bất lợi tới đời sống tâm linh của ngươi linh mục. Một số người có thể đặt giá trị con người của mình nơi các tác vụ, nơi những dự án, nơi các công trình xây dựng, nơi các ngôi nhà thờ hay nhà giáo lý. Cũng có thể xảy ra là người ta có thể bị nhiễm độc bởi sự thành công trong công việc hoặc bởi sự tự thoả mãn với những gì mình làm cho người khác, đến nỗi không còn tiếp xúc với chiều sâu tâm hồn, chỉ còn lại một người rất năng động và hiệu quả nhưng lại thiếu đi sức sống và tình yêu bên trong.
4- Tái tập trung vào Tình yêu
Thực trạng đáng buồn yêu cầu chúng ta phải chỗi dậy ngay tại điểm mà chúng ta bị té ngã. Chúng ta được mời gọi để tái xác định vai trò trọng điểm của tình yêu. Không gì có thể thay thế cho một tình yêu sống động trong đời sống của một Kitô hữu cũng như trong đời sống linh mục. Tất cả những cố gắng, khó nhọc, và ngay cả nhân đức sẽ chẳng bao giờ là đủ đối với đời sống Kitô hữu hay đời sống linh mục của chúng ta, nếu vắng bóng hoặc đánh mất tình yêu.
Thánh Phaolô cảm nghiệm một cách sâu xa sự cần thiết và tính ưu việt của tình yêu. Trong Bài ca Đức mến, ngài diễn tả một cách thật sâu sắc vai trò của đức ái trong Kitô giáo: Ơn nói được các ngôn ngữ, ơn nói tiên tri, ơn trí tri và đức tin, ngay cả hành động bố thí cho người nghèo, hoặc trao nộp nộp thân xác để chịu thiêu đốt như của lễ toàn thiêu mà nếu thiếu vắng đức mến, thì cũng chẳng ích gì (1Cor 13,1-3). Dĩ nhiên, nhiều lần thánh nhân nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức trong nhiệm cục cứu độ, nhưng thực ra, đối với Phaolô, đức tin chỉ có ý nghĩa khi “hành động nhờ đức ái” (Gl 5:6). Do đó, ngài có lý để quả quyết: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13).
Với tư cách là linh mục, chúng ta không thể không dấn thân tìm kiếm điều mà thánh Phaolô gọi là ân huệ “cao trọng nhất” đó là tình yêu, agape. Giả sử ta được tất cả những cái khác mà nếu thiếu điều này, thì rút cuộc “chỉ là hư không” (x. 1Cr 12:31-13:13). Một đời sống yêu thương được chìm ngập trong mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa đã và sẽ luôn luôn là nền tảng của đời sống linh mục. Thực vậy, lời mời gọi khẩn thiết đối với các linh mục ngày nay là đặt tình yêu vào vào trung tâm điểm của cuộc đời chúng ta. Trên tất cả, tình yêu phải là động lực và nhựa sống của mọi hành động cũng như nguyện ước của đời ta. Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ lớn mạnh và kiên định trong ơn gọi của mình. Và rồi, chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc.
5- Nhịp cầu liên kết Sống động của Tình yêu Thiên Chúa
Thực khó thực hiện trọn vẹn lời mời gọi làm chứng cho tình yêu trong thời đại chúng ta. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều này? Chúng ta là ai để có thể là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa? Nhưng nhiệm vụ yêu thương không phải là bất khả thi. Xét như con người, tình yêu của chúng ta thực ra chỉ là sự đáp trả tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thêm vào đó, ngay cả trong hành động đáp trả của chúng ta, thì đó không phải là vấn đề của việc yêu Chúa và tha nhân thuần túy dựa trên khả năng và nỗ lực con người của chúng ta. Đúng hơn, đó là yêu thương với tình yêu của Chúa. Thánh Phaolo viết : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Do đó, chính Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta trước và làm cho chúng ta yêu Ngài và tha nhân bằng sức mạnh của Thánh Thần. Bất cứ ai có Thánh Thần ở với đều có một khả năng kỳ lạ để yêu thương. Nói cho cùng, chính tình yêu của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta.
Chính tình yêu của Thiên Chúa hoạt động vượt trên chúng ta. Khi đặt trọng tâm đời mình vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta không hề trở nên qui ngã, giảm thiểu sự tận tâm và tận tụy đối với nhu cầu của tha nhân. Đúng hơn, tình yêu dẫn chúng ta ra khỏi chính mình. Mặc dù tình yêu cư ngụ và khởi đi từ trái tim, cũng như bên trong con người của ta, nhưng tình yêu vươn mình đến những tương quan liên vị. Đúng thế, khi chúng ta tuyên xưng yêu mến Thiên Chúa, thì lập tức chúng ta được mời gọi yêu thương anh chị em của mình. “Nếu ai nói : ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1 Ga 4:20-21). Không có chọn lựa nào khác ngoài chọn lựa để cho tình yêu thấm nhập vào mọi mối tương quan của chúng ta với tha nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
Hơn thế nữa, vượt trên phạm vi giữa những cá nhân với nhau, tình yêu của Thiên Chúa còn hoạt động trong các lĩnh vực xã hội và sinh thái. Đây là nơi xuất hiện những thách đố lớn hơn cho việc chúng ta làm chứng cho tình yêu ngày nay. Là Kitô hữu và linh mục, vai trò của chúng ta là đặt mình trong tay Thiên Chúa để Ngài có thể dùng chúng ta mà yêu thương thế giới và toàn thể tạo thành, biến đổi và sắp xếp chúng theo kế hoạch của Ngài. Hồng y Yves Congar đã diễn tả một cách rất hay về chân lý này :
“Nếu Thiên Chúa của tôi là Thiên Chúa của Sách Thánh, vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng ‘Ta là, Ta đã là, Ta đang đến’, vậy thì, Ngài không thể tách rời khỏi thế giới và con người… Hoạt động của tôi hệ tại ở chỗ trao hiến chính mình cho Thiên Chúa, Đấng cho tôi trở thành cầu nối cho những hoạt động thần linh của Ngài đối với thế giới và tha nhân. Tương quan của tôi với Thiên Chúa không phải là tương quan của một hành vi thờ phượng phát xuất từ việc tôi dâng lên cho Ngài, nhưng đúng hơn, đó là tương quan đức tin, qua đó tôi trao hiến bản thân cho hoạt động của Thiên Chúa hằng sống, Đấng thông ban chính mình cho thế giới và nhân loại theo như kế hoạch của Ngài. Tôi chỉ có thể đặt mình trước mặt Thiên Chúa một cách thành tín và hiến dâng trọn vẹn con người tôi với cả tài năng để tôi có thể ở nơi mà Thiên Chúa đợi chờ tôi, là cầu nối giữa hoạt động của Thiên Chúa với thế giới.”
Dưới ánh sáng này, ơn gọi linh mục để yêu thương không gì khác hơn là trao nộp chính mình cho tình yêu của Thiên Chúa, cho nhân loại, cho thế giới và cho chúng ta. Cha Congar nói thêm: “Chỉ có một điều là thực và xác thực đó là trao dâng chính mình cho Thiên Chúa”. Bằng những lời tương tự, chúng ta có thể nói, chỉ có một điều thực và xác thực trong cuộc đời của người linh mục đó là hiến dâng chính mình cho tình yêu của Thiên Chúa để mình có thể trở thành cầu nối sống động của tình yêu Thiên Chúa cho thế giới. Trách nhiệm của một linh mục là phải ở chính nơi Thiên Chúa muốn chúng ta hiện diện, nơi mà Thiên Chúa đang chờ đợi.
6- Yêu thương tha nhân trong sự khác biệt của họ
Thế giới đương đại đang đặt ra cho sứ vụ yêu thương của chúng ta rất nhiều thách đố. Trong thời đại toàn cầu hóa, đa văn hóa, đa tôn giáo, đa ý thức hệ, thực dụng, ích kỷ, đầy phân cách và bạo động mà chúng ta đang sống, thách đố lớn lao nhất của sứ vụ yêu thương là làm sao để chúng ta yêu thương người khác. “Khi chúng ta nói ‘người khác’ chúng ta có ý nói đến những con người bị coi là khác với bản thân chúng ta không? Thật vậy, người khác tự bản chất không những không thể hoàn toàn đồng hóa với ta, mà còn thực sự rõ rệt khác ta. Sư khác biệt này nhiều lần gây khó khăn, bất an, lo sợ, phiền muộn và khổ đau cho bản thân ta. Tuy nhiên, chính sự khác biệt đó làm cho “người khác” là “người khác”. Ta đừng quên rằng xét theo bản thể đồng thời là người như ta, nhưng đồng thời lại là người khác ta. Chính nơi sự khác biệt này tạo nên bản sắc của họ, làm cho họ là họ, chứ không phải là ta hay một ai khác. Khai trừ sự khác biệt này một cách khiên cưỡng không những đi ngược với trào lưu của thời đại, mà còn nghèo nàn hóa xã hội và nhất là khai trừ chính tha nhân. Trong đối thoại mỗi cá nhân được nhìn nhận như những nhân vị có phẩm giá, quyền lợi, tự do, cá tính và sắc thái riêng.
Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta phải đối mặt với sự khác biệt rõ nét, “tính khác biệt” sâu thẳm và tận cùng của tha nhân. Điều này không chỉ đúng về số lượng , mà cả về phẩm chất. “Đã có bao giờ chúng ta ý thức rõ ràng về những thực tại của sự khác biệt chưa? Chúng ta có ý thức rằng sức kháng cự sự khác biệt mạnh mẽ như thế nào, và chúng ta không có khả năng sống chung với những khác biệt không? Thế giới của chúng ta là một thế giới đang rơi vào lối sống thời nguyên thủy, lối sống căm ghét cái khác mình và tôn thờ cái giống mình.” Xem ra ngày nay sự chống cự những hình thái khác biệt càng lúc càng gia tăng, một bên là sự áp đặt không thương xót những suy nghĩ tăm tối của nó, một bên là chủ nghĩa khủng bố bạo lực, một dấu chỉ cho thấy sự bất lực của thế giới đương đại trong việc giải quyết những khác biệt cách lành mạnh.
Thế giới của chúng ta phần lớn được đánh dấu bởi những sự khác biệt lớn lao. Những tôn giáo lớn của thế giới tồn tại bên cạnh những tôn giáo nhỏ hơn, cũng như thế những truyền thống tôn giáo cổ hiện diện bên cạnh những thực hành tôn giáo mới. Thế giới lưu trữ một loạt các nền văn hóa độc đáo và phong phú, lớn và nhỏ, cổ kính và hiện đại. Những phân chia về mặt xã hội, kinh tế và chính trị đã tách biệt các quốc gia với nhau và tách biệt những con người trong cùng một quốc gia. Người giàu và người nghèo, kẻ yếu thế và kẻ quyền lực, tín đồ của các tôn giáo cũng ý thức hệ khác nhau và quan điểm chính trị hiện hữu trong thế giới.
Giữa một thời đại và xã hội như vậy, thì câu hỏi sâu thẳm nhất đối với chúng ta là làm sao thực hiện sứ vụ yêu thương, khước từ hận thù và bạo lực khi đối diện với sự khác biệt hay hơn nữa đối nghịch với ta. Thật vậy, nếu sứ vụ có nghĩa là yêu thương, thì vấn nạn hàng đầu của sứ vụ đó trong thời đại của chúng ta là làm thế nào để đối thoại, liên kết và gặp gỡ người khác. Tình yêu Kitô giáo đòi hỏi chúng ta yêu thương người khác vì những gì người khác là, vừa khác biệt với chúng ta vừa là độc đáo đối với ta. Vì thế, thách đố căn bản của sứ vụ ngày nay là làm sao để yêu thương người khác trong chính sự khác biệt của họ.
7- Tôn giáo nào tốt nhất?
Tại một cuộc Hội thảo bàn tròn về tôn giáo và tự do có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài, vừa tinh nghịch vừa tò mò: “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”.
Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương đông lâu đời hơn Kitô giáo nhiều”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Để dấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Ngài trả lời: “Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn”. “Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.
Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác của ngài. Ngài nói tiếp: “Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không”. “Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng, và đối với thế giới”. “Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta”. “Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người. Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành. Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão”. “Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong ước cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”.
Cuối cùng ngài nói: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói. Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động. Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen. Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách. Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh, và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh… và… Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật”.
Chính Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt vời về tình yêu. Tin Mừng cho chúng ta thấy khi Con Thiên Chúa được sai đến với chúng ta vì tình yêu dành cho thế gian (ở trong sứ vụ) (Ga 3:16) Ngài đã biểu lộ sự tôn trọng lớn lao đối với sự khác biệt của chúng ta. Ngài “trở thành xác phàm” và “cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1:14). Ngài “đã vét rỗng chính mình” và “trở nên giống phàm nhân” (Pl 2:6-7); Ngài đến “không phải để được người ta phục vụ , mà để phục vụ” chứ (Mc 10:45) và Ngài đã “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thực sự, Ngài đã đi một chặng đường dài để đón nhận sự khác biệt của chúng ta. Trong cuộc sống và cả cái chết, Ngài hoàn toàn “trút bỏ” địa vị ngang hàng Thiên Chúa để hiến dâng trọn vẹn chính mình cho loài người chúng ta. Bằng hành động đón nhận một cách yêu thương sự khác biệt của chúng ta, Ngài đã cứu chuộc chúng ta và trao tặng sự sống cho thế giới.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét