Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – C

(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6-11-16; Lc 16,19-31)

Sứ điệp Lời Chúa : Của cải và lòng thương xót

1. Hưởng thụ

Giầu có không phải là tội. Ngược lại, làm giầu là một bổn phận của người Kitô hữu, vì đó là cộng tác với Chúa để làm đẹp bộ mặt trần gian. Bổn phận xây dựng hoà bình gắn liền với bổn phận phát triển.

Nhưng nguy cơ lớn của người giầu là dễ rớt vào một thái độ hưởng thụ. Hưởng thụ là đi tìm sự sung sướng ở bên ngoài hạnh phúc của tình nghĩa; và người nào sống hưởng thụ thì sẽ dần dần đánh mất khả năng nếm cảm hạnh phúc thực sự. Người quen hưởng thụ sẽ bị trói buộc trong cái tôi ích kỷ; không còn khả năng ra khỏi cái tôi để nếm cảm hạnh phúc khi cho đi, khi phục vụ, khi biết vui vì cái vui của người khác…

Ông nhà giầu chỉ biết “ngày ngày yến tiệc linh đình”.

2. Vô cảm

Có một thứ hưởng thụ tinh vi, “cao siêu”… đó là kẻ đi tìm thứ “bình an vô cảm”. “Xin cho tôi hai chữ bình an…”. Những triết gia Khắc kỷ xưa kia khuyên dạy rằng : người khôn ngoan là : khi anh có một người bạn đau khổ, anh hãy tỏ vẻ cảm thông, nhưng lòng đừng rúng động. Bởi vì nếu anh thương bạn quá, anh chia sẻ nỗi khổ của người bạn đến độ về nhà ăn không được, ngủ không được,…thì anh là một người ngu dại.

Cũng vì thứ “bình an vô cảm” đó người Hy lạp cho rằng thập giá là sự điên rồ (Xc. I Cr 1,17-25). 

Ông nhà giầu đã chọn lối sống vô cảm.

3. Đừng đánh mất tấm lòng

Thiên Chúa trong Sách Thánh là Đấng đầy lòng từ bi thương xót. Đức Giêsu là Đấng tỏ bày lòng thương xót của Chúa Cha; và những ai nhận ra dấu hiện lòng từ bi thương xót nơi đức Giêsu thì người đó mới nhận ra đức Giêsu chính là Đấng Mêsia đến từ Chúa Cha : 

“Người trả lời hai người ấy rằng : "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng…”(Lc 7,22)

Ông nhà giầu vô cảm trước cảnh cùng khốn của anh Lagiaro, đó là một lựa chọn cách sống không phải của Chúa, lựa chọn tách rời khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa; vì ông tưởng rằng mình sẽ mãi mãi được hưởng thụ cái giầu của mình. Ông đã lầm :

“Ông nhà giầu cũng chết, và người ta đem chôn” 

Kết

1. Thật ra, ai cũng là kẻ đáng thương, đáng thương trong thân phận yếu đuối của kiếp người. Kẻ an vui hưởng thụ trong cái giầu, trước tiên, là kẻ đã không nhận ra thân phận đáng thương của mình, đã không nhận ra mình cần được Chúa thương xót.

2. Đối diện với Chúa, người tín hữu được đặt vào giữa dòng suối của lòng từ bi thương xót. Đừng bước ra khỏi dòng suối ấy vì thái độ hưởng thụ, vì lòng trở nên vô cảm…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét