Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

TÌNH YÊU VÀ SỨ VỤ : Bài 3_Chứng nhân cho tình yêu vô biên

LTS : Nhân dịp Tĩnh tâm Tu viện Rất thánh Mân Côi từ ngày 20.8 -26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh. Sứ vụ đó không gì khác hơn là Sứ vụ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. 
Chia sẻ của Đức cha gồm 6 bài:
Bài 1: Sứ vụ của Tình yêu
Bài 2: Tái xuất phát từ Tỉnh yêu
Bài 3: Chứng nhân cho Tình yêu vô biên
Bài 4: Chứng nhân cho Tình yêu nhưng không
Bài 5: Sứ vụ loan báo Tin Mừng
Bài 6: Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng

Ở thời đại hôm nay, người ta đề cao hôn nhân như là một cách thế bước theo Đức Kitô trong niềm hoan vui và vẻ đẹp của nó. Công Đồng Vatican II cũng nói đến sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình. Trên thực tế, hôn nhân là một nếp sống được hầu hết các môn đệ Đức Kitô đón nhận. Trong chiều hướng đó, đời sống độc thân xem ra đi ngược với thời đại và cần được đặt lại. Nhưng, xưa cũng như nay, khiết tịnh độc thân vẫn là chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có nhiều lý do để sống khiết tịnh độc thân chứ không phải chỉ thuần túy là một đời sống “không hôn nhân”. Thách đố nằm ở chỗ chúng ta sống khiết tịnh độc thân vì mục đích nào và đâu là ý nghĩa tích cực của nó? Đối với các linh mục, đời sống khiết tịnh độc thân mang ý nghĩa gì? 

1- Một Cam kết Tình yêu căn bản

Truyền thống Kitô giáo xác nhận rằng tình yêu đối với Đức Kitô là lý do đầu tiên, nền tảng và thích hợp nhất để giải thích việc chọn lựa sống khiết tịnh độc thân. Điều này thể hiện rõ ràng trong trường hợp của các nam nữ tu sĩ đầu tiên, cụ thể là những trinh nữ và những bà goá trong thời Giáo hội sơ khai. Trinh nữ là những người phụ nữ từ chối kết hôn vì tình yêu chung thủy họ dành cho Đức Kitô. Những bà goá đã từ bỏ khả năng tái hôn để toàn tâm toàn ý hiến dâng chính mình cho tình yêu Chúa và tha nhân bằng việc chuyên cần cầu nguyện và phục vụ người nghèo túng. Chính động lực của tình yêu hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân đó đã truyền lại cho thời đại của chúng ta, như lý do tích cực của chọn lựa sống khiết tịnh độc thân. Điều đó muốn nói lên rằng vì quá yêu mến Đức Kitô, họ không thể làm gì khác hơn là quyết định hiến dâng trọn vẹn con người của họ như hiến vật dâng lên Thiên Chúa trong tình yêu. Khiết tịnh độc thân được coi là sự khẳng định cao độ, một cam kết tình yêu chính yếu của cá nhân tuyên khấn với Đức Kitô.

Do đó, khiết tịnh độc thân trước hết là một vấn đề của ơn gọi làm người và làm Kitô hữu để yêu thương. Sự khiết tịnh này không bao giờ dành cho những người trốn sợ hãi tình yêu, hoặc không có khả năng thực hiện cam kết - tình yêu. Nó không phải là sự trốn tránh bổn phận và trách nhiệm của đời sống hôn nhân. Người có thể đón nhận khiết tịnh độc thân là người trước hết biết khám phá giá trị tình yêu và nhìn nhận cách tự do ơn gọi làm người của mình để trao ban chính mình vì tình yêu Thiên Chúa. 

Khiết tịnh độc thân của linh mục cũng được đâm rễ nơi chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu ấy lấp đầy và làm cho trái tim con người, trong thân phận phàm nhân của mình, có khả năng trao ban chính mình một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa trong tình yêu. Đây là một ân huệ Chúa chỉ trao tặng cho một số người, chứ không phải cho tất cả (x. Mt. 19:12). Sáng kiến này là của Thiên Chúa. Vì được bàn tay Chúa chạm tới, con người cảm thấy phải yêu Chúa cách say mê, cho nên quyết định sống quyết định sống độc thân. 

Các chuyên viên nêu lên một số dấu hiệu giúp nhận diện ứng viên có khả năng sống khiến tịnh độc thân hay không: (1) khả năng trưởng thành nhân bản để tự mình cam kết vì tình yêu (2) chiều sâu tình yêu của họ đối với Chúa nhằm đáp trả tình yêu của Ngài đối với họ. Nhiệm vụ của người đào tạo là giúp nẩy sinh nơi các ứng sinh linh mục hai điều kiện tiên quyết này để sống khiết tịnh độc thân. Ngoài ra, để duy trì đời sống khiết tịnh độc thân như là một cam kết tình yêu với Đức Kitô, các linh mục phải có một đời sống cầu nguyện sâu xa. Đức Giêsu phải là người bạn thân tín nhất của người sống đời độc thân.

2- Cách thế đích thực của Yêu thương

Trước đây, người ta thường nhấn mạnh đến việc khước từ đời sống hôn nhân và chú trọng vào việc kiểm soát các xung lực của bản năng, ước muốn, tư tưởng và cảm giác của tính dục thể lý. Sự nhấn mạnh này đã dẫn một số người tu hành đến chỗ sợ hãi cách thái quá và thiếu sự đánh giá đúng đắn tính dục con người và giá trị của hôn nhân. Tệ hơn nữa, một số người không cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình và tránh né những giao tiếp với người khác phái. 

Cách tiếp cận tiêu cực đó cũng dẫn tới việc các tu sĩ phớt lờ đời sống tâm sinh lý của họ, dẫn tới một đời sống tình cảm cằn cỗi, cứng nhắc và lạnh nhạt trong những mối tương quan cá vị với người khác. Sự nhấn mạnh một chiều dẫn đến kết quả là sự kiềm chế tình yêu xét như là những con người có khả năng tình dục. Vì vậy, một số người khấn giữ khiết tịnh đã đánh mất tính tự nhiên trong việc thể hiện tình cảm của mình. Hầu như họ trở thành những bà hay ông già độc thân khó tính.

Rất may là ngày nay đã giảm thiểu tối đa quan niệm tiêu cực và một chiều đó. Thật vậy, lời khấn khiết tịnh độc thân không phải là khước từ ơn gọi yêu thương của con người. Nó cũng không phải chối bỏ giới tính hay phủ nhận tính dục của con người. Cái mà linh mục từ bỏ là quan niệm chiếm hữu trong hình thức tình yêu phu thê và cách diễn tả truyền sinh của giới tính. Nhà tu hành cũng cần yêu và được yêu như những con người có giới tính. Tình yêu cũng bao gồm toàn bộ con người và toàn thể giới tính của họ : không chỉ trên bình diện lý trí và ý chí mà còn bao gồm thân xác, các giác quan nội tại và ngoại tại, cảm giác, cảm xúc, và đam mê của con người. Đó cũng chính là tình yêu của một con người hồn- xác và có giới tính.

Khiết tịnh độc thân theo quan điểm Kitô giáo không phải là sự dồn nén nhưng là một hình thức “sự kiện toàn” và thăng hóa của tình yêu nhân loại. Vì vậy, để khiết tịnh trở thành đáng tin cậy đối với con người hôm nay, Tông Huấn Đời sống Thánh hiến viết : “đời sống thánh hiến giới thiệu cho thế giới ngày nay những mẫu gương của đời sống khiết tịnh của những tu sĩ nam nữ, là những con người tỏ rõ sự quân bình, tự chủ, tinh thần dấn thân, tâm lý và tình cảm trưởng thành.” Sự khiết tịnh phải được sống như một cách thế yêu thương của con người vừa có hồn vừa có xác. 

Hơn nữa, đối diện với nền văn hoá kỹ trị, vụ lợi và ích ký hiện nay, nhà tu hành được mời gọi để hình thành nơi bản thân một tình yêu nhân loại chân thành, nồng ấm và vui tươi. Cuộc sống độc thân, không có vợ con để phải trực tiếp săn sóc, đôi khi khiến linh mục bị cám dỗ đặt lao đầu vào công việc và đặt hiệu năng của công việc hơn là con người cụ thể và những mối tương quan nhân vị. Họ có thể trở nên hờ hững với cuộc đời, không còn nhu cầu của tha nhân, cũng nỗi đau nỗi khổ của đồng loại. Để chống lại hiện tượng tiêu cực này, Giáo hội mời gọi các linh mục làm chứng cho tính ưu việt của con người vượt lên trên sự vật, của những mối tương quan và của tình yêu vượt lên trên hoạt động và hiệu năng của công việc. Họ phải sống khiết tịnh độc thân như là một tình yêu đích thực và tràn đầy niềm vui.

3- Một Tình yêu giải thoát

Khi cam kết sống khiết tịnh độc thân, ngày xưa một số người có khuynh hướng nhấn mạnh đến tình trạng tiêu cực, cằn cỗi, vô sinh và khép kín. Nhưng trọng tâm đời sống độc thân linh mục là cam kết thực hiện một tình yêu trọn vẹn. Tình yêu thì luôn luôn phong nhiêu và sáng tạo. Do đó, một trong những dấu hiệu của sự thực hành chân chính của khiết tịnh độc thân đó là sự giải thoát phong phú và tâm hồn hân hoan, mở rộng để đón nhân mọi người. 

Thật vậy, khiết tịnh độc thân giải phóng khỏi tham vọng nhục dục và cái tôi hẹp hòi để hướng về sự siêu thăng và triển nở chính mình. Nó mang đến cho chúng ta niềm an vui đích thực, cũng như động cơ cao thượng để dám sống và dám chết vì tình yêu. Thánh Phaolô nhắc đến động cơ này trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô. Đối với ngài, cuộc sống độc thân giải thoát người nam cũng như nữ khỏi những mối bận tâm khác khiến họ phải phân tâm, để hoàn toàn tập trung vào công việc của Chúa và làm vui lòng Ngài (1 Cr 7:32-35). Thánh sử Mathêu cũng mô tả Nước Thiên Chúa như là lý do đời sống độc thân của Đức Giêsu (Mt 19:12). Chính sự đắm chìm với “Đức Chúa và việc của Ngài” hoặc “Nước Chúa” này giải thoát năng lực tuyệt vời của những người nam và người nữ để yêu thương. Sự trải rộng tình yêu của mình đến sự tròn đầy nhất, khiến nó trở thành phong phú, sinh hoa kết trái dồi dào trong việc phục vụ đời sống của tha nhân. Cũng tình yêu này làm cho họ có khả năng để vượt thắng những chướng ngại không thể vượt qua được, ngay cả mối đe dọa của cái chết, để Nước Chúa được loan báo khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi. Sự khiết tịnh độc thân làm cho chúng ta tự do và sáng tạo trong sứ vụ.

Sự tự do và giải thoát của khiết tịnh độc thân còn giúp chúng ta vượt khỏi tình yêu chiếm hữu của đời sống hôn nhân để vươn tới một tình yêu rộng mở, không chiếm hữu như lẽ đời. Cha Timothy Radcliffe nhận định sâu sắc: “Cực điểm của tình yêu nơi chúng ta sẽ là hành động tự nguyện từ khước quyền sở hữu. Những người chúng ta yêu thương, thì chúng ta phải để cho họ được tự do; chúng ta phải để cho họ là họ”.

Một nghịch lý sâu thẳm và trớ trêu thường xảy ra là khi chúng ta khước từ hôn nhân, chấp nhận không có người phối ngẫu và con cái của riêng mình, thế mà lại đi tìm kiếm những hình thức “sở hữu hay chiếm hữu trá hình”, qua những hình kết nghĩa hay nhận con thiêng liêng. Tình yêu khiết tịnh độc thân không chỉ nhằm làm triển nở sự tự chủ và độc lập của con người, nhưng còn nhắm tới việc làm cho chúng ta đạt tới sự viên mãn của hữu thể và sự tự do của Tin Mừng. Tình yêu khiết tịnh độc thân không nhằm kết hợp và gắn bó những người khác với chính mình, mà giúp họ kết hợp và gắn bó với Thiên Chúa, cũng như với cộng đoàn. Linh mục trung thành với lời khấn khiết tịnh khi tình yêu đối với người khác không mang tính chất chiếm hữu, mà là giải thoát, không rang buộc trong tình cảm cha con đầy tính cách nhân loại, mà giúp họ được lớn lên, được phát triển và thăng tiến trong phẩm giá của họ như những con cái hào hùng của Thiên Chúa.

Linh mục chúng ta cần chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu như mẫu mực của tình yêu giải thoát và đơm bông kết trái. Tình yêu của Ngài là tình yêu không chiếm hữu, nhưng trao ban vì lợi ích của người khác. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:10-11). Tình yêu của Ngài chính là tình yêu trao ban sự sống: sự sáng tạo của sự sống và phục vụ sự sống của người khác. Về vấn đề này, John Macquarrie diễn tả thật sắc nét:“Yêu thương là để họ-là họ (letting-be), dĩ nhiên không có ý nói đó là sự xa lánh người khác, nhưng với ý nghĩa tích cực và rõ ràng, đó là để cho người khác được là chính họ. Khi chúng ta nói về ‘letting-be’, chúng ta phải hiểu cả hai phần của sự diễn tả có dấu nối ở giữa trong ý nghĩa mạnh - ‘letting’ có nghĩa là làm cho mạnh mẽ và ‘be’ có nghĩa là đạt tới hiện hữu phong phú tối đa. Đó là mở hiện hữu mở ra tới sự được quan tâm đặc biệt. Cụ thể nhất, ‘letting-be’ có nghĩa là giúp một người phát triển tiềm năng hiện hữu tròn đầy của mình; và tình yêu cao cả nhất cũng sẽ đắt giá nhất, bởi vì nó chỉ hoàn thành qua hành động hy sinh chính mạng sống của mình.”

4- Những lấn cấn trong Tình yêu

Cuối cùng, sự khiết tịnh độc thân có một đặc tính cụ thể như là một cách thế yêu thương đích thực, đó là đặc tính bao hàm của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy tình yêu của Đức Giêsu tự căn là tình yêu không loại trừ. Ngài tiếp đón người nghèo, người ốm đau, những tội nhân, rồi cả trẻ em và phụ nữ. Ngài lôi kéo vào tình thân hữu, lòng thương cảm và tình bằng hữu của Ngài mọi thứ hạng người kể cả những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề, bị quên lãng, và bị bỏ rơi bởi xã hội. Chúng ta thấy Ngài luôn đến với người khác bằng tình yêu thương, vượt lên trên những ranh giới được thừa nhận về mặt xã hội, tôn giáo và sắc tộc. Ngài đích thân đến nhà của viên trưởng thu thuế Giakêu (Lc 19:1-10), ăn tiệc tại nhà ông Simon biệt phái (Lc 7:35-40), cứu chữa người đầy tớ của viên bách quản (Mt 8:5-13), và trò chuyện với người phụ nữ xứ Samaria (Ga 4:1-26). Ngài đã bị chế giễu và bị kết án là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7:34-35). Tuy nhiên, chính bằng cách thế yêu thương không loại trừ và cũng không chiếm hữu này mà Đức Giêsu đã qui tụ các phần tử của cộng đoàn mới thành gia đình của Thiên Chúa. Cộng đoàn mới của Ngài là giáo hội của những kẻ bị loại trừ. 

Cùng thứ tình yêu không loại trừ của Đức Giêsu được hiểu như là tình yêu hiếu khách. Sự hiếu khách của Ngài vượt lên trên ranh giới tính hiếu khách của văn hóa và xã hội thời Ngài. “Đức Giêsu thách thức những định nghĩa và phạm vi nhỏ hẹp của lòng hiếu khách và thúc đẩy chúng đi xa hơn để bao gồm cả những người mà người ta ít muốn kết giao nhất”. Trong bữa tiệc của Nước Thiên Chúa mà Ngài loan báo thì mọi người đều được mời tham dự, đặc biệt là những người bị qui định và không được coi là xứng đáng như những người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù (Lc 14:12-14, 15-24). Sự khiết tịnh độc thân hiểu như tình yêu hiếu khách giáo dục trái tim con người để đón nhận mọi hạng người, chứ không phải chỉ dành cho những người hợp nhãn, hợp gu hay giàu có.

Sự khiết tịnh độc thân là một dấu chỉ sống động trong Giáo hội và trong thế giới cho tình yêu không loại trừ của Đức Giêsu. Đó là tình yêu mở rộng ra tới từng người và toàn thể nhân loại, không dựa trên bất cứ liên hệ vợ chồng, coi cái, huyết thống, kết nghĩa, linh tông…; nhưng chỉ dựa trên nền tảng của agape, một tình yêu trao ban trưởng thành vì tha nhân. Đó là một tình yêu rộng mở dành chỗ cho bất kỳ ai. Tình yêu này không loại trừ một ai, bất chấp chủng tộc, giới tính, văn hóa, tôn giáo, đảng phái chính trị và tình trạng kinh tế xã hội. Nó giúp nhà tu hành thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, kính trọng tha nhân và yêu thương họ ngay trong sự khác biệt của họ. Qua việc thực hành sống khiết tịnh độc thân, linh mục muốn làm chứng cho một tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Qua những trình bày sơ lươc ở trên chúng ta dễ dàng nhận ra một số lấn cấn trong cuộc sống và mối tương quan tình yêu của chúng ta.

1)- Trước hết là vấn đề đời sống độc thân linh mục. Không nói mọi người đều biết rõ trong mấy năm vừa qua Giáo hội Công giáo đã gánh chịu rất nhiều thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất do lỗi lầm của các linh mục trong lãnh vực tính dục. Có lẽ trong thời hiện đại chưa bao giờ uy tín, danh dự, thế giá của Giáo hội bị xúc phạm một cách nặng nền như mấy năm gần đây. Đau xót nhất, Giáo hội bị xúc phạm do chính lỗi lầm của các mục tử. Những tổn thất về kinh tế cũng rất lớn lao. Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, một số giáo phận và dòng tu phải tuyên bố phá sản sau những vụ kiện.

Hiện nay, Bộ Giáo lý Đức tin yêu cầu các Giám mục phải xử lý kịp thời, nghiêm chỉnh và mạnh tay đối với các giáo sỹ vi phạm. Đặc biệt, đối với trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, phải cấp tốc báo cáo lên Bộ. Chiều hướng của Bộ là khi nhận được đơn tố cáo phải ngưng ngay công tác mục vụ. Sau khi điều tra, nếu đương sự nhận tội, một số nơi tước mọi chức vụ hay bắt hồi tục. Đối với một số giám mục, đây là biện pháp cực chẳng đã, nhưng cần thiết để bảo vệ Giáo hội. Tuy nhiên, nhiều hội đồng linh mục coi là biện pháp quá tay và có vẻ vắt chanh bỏ vỏ.

Tại giáo phận chúng ta, cho đến nay chưa phát hiện các vụ lạm dụng tình dục đối với trẻ em như đã xảy ra tại Mỹ hay Ái Nhĩ Lan. Tuy nhiên, một số có tương quan tình dục đối với nữ giới. Đây cũng là những trường hợp gây gương mù và bức xúc trong cộng đoàn dân Chúa. Tòa Thánh cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh về điểm này. Tôi đã làm việc với một số anh em về vấn đề này. Cho đến nay chúng ta trao đổi với nhau, gửi đi tĩnh tâm xa tại các Dòng chiêm niệm trong thời gian một hai tháng, rồi đổi xứ… Nếu những biện pháp đó vẫn không đem lại hiệu quả thì gọi về TGM hay ngưng thi hành mục vụ. Những biện pháp đó chỉ nhằm tránh gương mù và bảo vệ thanh danh của Giáo hội, cũng như của hàng linh mục và giáo dân. Xin quý cha cầu nguyện và liên đới với giáo phận hơn để có thể tìm được biện pháp thích hợp.

2)- Điểm thứ hai là làm sao thực hiện đặc tính bao hàm và không loại trừ theo gương mẫu của Đức Kitô? Ngài lôi kéo vào tình thân hữu, lòng thương cảm và tình bằng hữu của Ngài mọi thứ hạng người kể cả những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề, bị quên lãng, và bị bỏ rơi bởi xã hội thời của Ngài. Ở thời bao cấp, do điều kiện chính trị - xã hội, chúng ta phải sống phòng thủ, khép kín, phòng thủ và đối đầu. Mọi cố gắng là làm sao “giữ đạo” hơn là sống đạo và rao truyền đạo. Ít đề cập đến cái hay và cái đẹp của đạo, vì vậy ở giáo phận ta đạo cũng ít có sức lan tỏa. Ít tương quan và thiện cảm với môi trường chung quanh. Thiếu khoan dung và bác ái đối với những người khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị với chúng ta. Làm sao thực hiện được tâm nguyện của thánh Phaolô: trở nên mọi sự với mọi người nhằm loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ. Dĩ nhiên, chúng ta cần có lập trường và quan điểm rõ rệt dựa trên Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng phải có phong thái của Tin Mừng, tính nhân bản và lịch sự với mọi người. Trong mọi trường hợp, Bài giảng trên núi vẫn là tiêu chuẩn cho mọi suy tư, ứng xử và hành động của chúng ta.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét