(Am 8,4-7 ; 1Tm 2,1-8 ; Lc 16,1-13)
Sứ điệp Lời Chúa : Tình nghĩa cao quí hơn của cải
1. Thế giới là một biển bất công
Lương tri của con người luôn đòi hỏi sự công bằng. Bao nhiêu nỗ lực của những người thiện chí muốn thiết lập một thế giới công bằng hơn…
Nhưng thật ra, bất công lớn hơn người ta tưởng rất nhiều; đến độ có thể nói thế giới là một biển bất công, và không một ai là không ngụp lặn, không bị dính chàm trong biển bất công ấy. Nước này chiếm đoạt của cải của nước kia, bằng chế độ thực dân, bằng cách buôn bán chèn ép, bằng việc lợi dụng thế mạnh của khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà mình có được…và mọi người dân, từ em bé mới sinh ra, trong cái đất nước được giầu lên từ cách chiếm đoạt ấy đều đã vướng vào bất công. Người dân Việt ở trên mảnh đất Sàigòn này chẳng hạn, dù làm ăn chân chính đến đâu, cũng đã dính chàm của bất công khi mà, hơn 300 năm trước, cha ông ta đã chiếm đoạt đất đai của dân tộc khác ở nơi đây…
Bất công trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái, giữa các anh chị em với nhau; bất công trong xã hội giữa người dân thành phố và những người sống ở nông thôn…
Ai dám vỗ ngực nói rằng tôi không dính chàm của bất công !
“Công việc của anh, anh tính sổ đi…”
2. Đường lối hoá giải bất công của Chúa
Không một toà án nào của con người có thể giải quyết được những bất công chằng chịt, đan xen bao nhiêu tầng lớp của đời sống con người.
Ngẫm đi ngẫm lại, ta sẽ thấy cách thức của Chúa là chân chính nhất : Ai đó nhận được bất cứ điều gì, tài năng, của cải, sức khoẻ, vị thế thuận lợi, sự giáo dục tốt… đều là lãnh nhận để phục vụ anh chị em khác kém may mắn hơn. Trong niềm tin Kitô giáo, không bao giờ một người tín hữu có thể nghĩ rằng con người tôi, mạng sống tôi, vẻ đẹp của tôi, tài năng của tôi, của cải tôi có… tôi muốn sử dụng ra sao tuỳ ý tôi.
Của cải, nói chung, chỉ hoàn thành ý nghĩa khi mà ai đó biết “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè…”
3. Tình nghĩa lớn hơn tiền bạc
Đức Giêsu không ủng hộ cách thức gia tăng bất công của người quản gia; Chúa chỉ dùng dụ ngôn ấy để làm nổi bất ý nghĩa “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”.
Có một sự “bất chính” sâu xa, nằm ở cội nguồn của mọi “bất công”, đó là thái độ đề cao của cải hơn là tình nghĩa con người với nhau. Một khi ai đó đã bất chính, đề cao của cải quá đáng, thế nào người đó cũng đi đến bất công, hoặc sẽ giữ mãi tình trạng bất công mà mình đang vô tình lợi dụng (vì thế giới đã là một biển bất công).
Kết luận
1. Tình nghĩa mới là vốn liếng thật sự của con người, ngay trong hành trình trần gian này và sẽ tỏ ra trong cuộc sống mai sau. Hãy vui khi ta dám đổi tiền bạc để được tình nghĩa.
2. Trong chương trình của Chúa, mọi thứ sự vật (cái gì khác với ngôi vị của con người) đều nhằm để phục vụ con người và phục vụ Chúa. Thực hiện điều đó chính là trung tín với ý định yêu thương của Chúa.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét