Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

PHỤNG VỤ THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN


LTS: Bài giảng Tĩnh tâm Tu viện Mai Khôi 2012


Tanila Hoàng Đắc Ánh

Thưa các anh, 

Tổ chức nào cũng nhằm một mục đích, Dòng Đa Minh là một tổ chức nên cũng nhằm một mục đích. Mục đích đó là: “lo việc giảng thuyết và cứu độ các linh hồn” (HP/VN năm 2004, trang 45). Do đó mà Dòng mang tên là Dòng Gi ảng Thuyết (Ordo Fratrum Praedicatorum).

Muốn đạt tới mục đích, thì phải tìm ra, đặt ra những phương tiện (“qui veut la fin, veut les moyens”). Quan niệm này đã thành ngạn ngữ dân gian. Về những phương tiện để đạt tới mục đích, dĩ nhiên thánh Đa Minh và các vị đàn anh trong Dòng đã tìm ra và đã canh tân (bốn năm một lần) cho cập nhật và hữu hiệu nhất.

Vậy, những phương tiện ấy là những phương tiện nào?

I. Chỗ đứng của Phụng vụ thánh và cầu nguyện 

trong đời sống Đa Minh.

Người tu sĩ là người theo Chúa Kitô. Nhưng, nói cho cụ thể, theo Đức Kitô là làm những gì? Thưa là sống đời sống thánh hiến và, theo Hiến pháp Dòng Đa Minh, là: sống chung, tuân phục, thanh khiết, thanh bần và sống nếp sống tu trì (observantia regularis), nghĩa là một nếp sống mà thánh Đa Minh đã đón nhận từ truyền thống và đã được canh tân cho cập nhật và hữu hiệu hơn.

Xin được nhận xét.

1. Dòng nào hoặc gần như Dòng nào cũng phải khấn ba lời khấn quen thuộc, là: tuân phục, thanh khiết và thanh bần. Nhưng, ngoài ba lời khấn này, Dòng Đa Minh còn thêm hai điều nữa, là: sống chung và sống nếp sống tu trì. Phải chăng, đối với Dòng Đa Minh, hai điều này là cần thiết không kém gì ba lời khấn kia? Là cần thiết để làm nên một tu sĩ Đa Minh?

2. Đi xa hơn. Khi thêm hai điều: đời sống chung và nếp sống tu trì, thánh Đa Minh và đàn anh chúng ta cho thấy rằng: đây là những yếu tố đặc thù của Dòng Đa Minh. Nói cách khác, nếu bằng lời khấn, Hội Đức Giêsu (Societas Jesu) thường được gọi là Dòng Tên, gắn chặt anh em của mình vào Đức Thánh Cha, hoặc, cũng bằng lời khấn, Tu hội Nữ tử Bác ái gắn chặt chị em của mình vào giai cấp “người nghèo”, thì Dòng Đa Minh gắn chặt anh em mình lại với nhau: sống chung, sống nếp sống tu trì.

Nhưng sống đúng như đời sống mà thánh Đa Minh và các vị đàn anh ước muốn, không phải là chuyện dễ. Đúng vậy

2.1_ Thứ nhất là đời sống chung. Sống chung không phải là chuyện dễ. Vì thế mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ nhiều điều và nhấn mạnh đến sự tha thứ cho nhau (Mt 18, 21-22) và, sau này, sách “Theo gương Đức Kitô” (the Imitation of Christ) (I, 17) còn căn dặn đủ điều khi nói đến đời sống tu trì.

2.2_ Thứ hai là sống vâng phục. Sống vâng phục không phải là chuyện dễ. Từ bỏ bạc tiền là từ bỏ cái gì ngoài mình. Từ bỏ tình yêu nam nữ là từ bỏ cái mà thể xác đòi hỏi. Nhưng sống vâng phục là từ bỏ cái lý trí đòi hỏi, lý trí là cái làm con người khác với con vật.

2.3_ Thứ ba là sống thanh khiết. Sống thanh khiết không phải là chuyện dễ. Vì chưng sống thanh khiết là từ bỏ cái mà thân xác có quyền đòi hỏi. Đức Chúa phán: “Đàn ông ở một mình thì không tốt” (St 2, 18). Và chính Đức Giêsu, sau này, còn khẳng định rằng: “Đừng lấy vợ: chỉ có những ai được Thiên Chúa cho hiểu, mới hiểu” (Mt 19, 11).

2.4_ Thứ tư là sống thanh bần. Sống thanh bần không phải là chuyện dễ. Đúng vậy, sống thanh bần là từ bỏ một cái gì có sức hút rất mạnh, đến nỗi nó có thể chiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa trong đời mình, đến nỗi Đức Giêsu phải cảnh cáo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của (mamonas) được (Mt 6, 24). Giuđa nộp Thầy cũng vì thần Mamonas (Mt 26, 15). 

2.5_ Thứ năm là sống nếp sống tu trì. Sống nếp sống tu trì cũng không là chuyện dễ. Nói chính xác và cụ thể hơn, sống nếp sống tu trì là gì? Thưa là “thực thi những yếu tố làm nên đời sống Đa Minh. Trong những yếu tố đó, nổi bật nhất là: đời sống chung, việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện riêng, việc chu toàn các lời khấn, chuyên cần học hỏi chân lý và tác vụ tông đồ” (HP số 40). Sống nếp sống tu trì là thế, nghĩa là không dễ.

Kể ra như vậy là để thấy rằng sống đời sống Đa Minh cho đúng mức là khó. Và chắc chắn thánh Đa Minh và những vị đàn anh chúng ta cũng thấy. Các ngài đã thấy và vẫn muốn anh em mình cùng nhau vượt khó, thì tất nhiên là các ngài đã phải tìm kiếm và đặt ra những phương tiện mà các ngài cho là tương ứng và hữu hiệu nhất để đạt được mục đích.

Vậy, những phương tiện ấy là những phương tiện nào? Thưa, trước hết, là: Phụng vụ thánh và cầu nguyện.

II. Phụng vụ thánh và cầu nguyện

A. Đọc Hiến pháp

Để đạt tới mục đích đời sống Đa Minh, thánh Đa Minh và các vị đàn anh đã đưa ra một số phương tiện và Hiến pháp đã ghi lại cho chúng ta học và làm. 

Trong các phương tiện ấy, phải kể trước hết là Phụng vụ thánh và cầu nguyện.

HP 56. Sống Phụng vụ thánh và cầu nguyện là sống, là làm như thánh Đa Minh đã sống, đã làm. Dù bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, ngài cũng chuyên chăm đọc kinh thần vụ, cầu nguyện và cử hành các mầu nhiệm thần linh một cách thật sốt sắng.

Điều khoản I. Phụng vụ thánh (sacra Liturgia).

HP 57. Theo chính ý muốn của thánh Đa Minh, thì việc cử hành phụng vụ một cách trang trọng và cộng đồng phải được kể vào số những bổn phận hàng đầu[1].

Trong phụng vụ, nhất là trong thánh lễ, có mầu nhiệm hiện diện và tác động. Vì chưng, trong thánh lễ, anh em tham gia, chiêm niệm, loan báo cho loài người trong khi giảng, để họ nhờ các bí tích đức tin mà được sáp nhập vào Đức Kitô.

Trong phụng vụ, anh em hiệp cùng với Đức Kitô[2], tôn vinh Thiên Chúa vì kế hoạch muôn thuở do ý muốn của Người và vì sự ban phát ân sủng của Người một cách lạ lùng, và cầu khẩn Chúa Cha giàu lòng thương xót cho toàn thể Giáo hội cũng như cho những nhu cầu và ơn cứu độ của toàn thể thế giới. Vì thế, việc cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời ấy đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy.

HP 58. Anh em phải cử hành một cách cộng đồng thánh lễ tu viện và kinh thần vụ; và, vì phụng vụ là hành động của toàn thể dân Thiên Chúa, nên phải cổ võ các tín hữu tham dự vào các cuộc cử hành của chúng ta.

HP 59/1. Việc cử hành thánh lễ tu viện là trung tâm của phụng vụ và của cộng đoàn. Vì chưng, việc tưởng nhớ đến sự kiện Chúa chết và sống lại là mối dây liên kết bác ái huynh đệ và là nguồn mạch thứ nhất của lòng nhiệt tình làm việc tông đồ.

59/2. Vì thế, tốt hơn hết là thánh lễ tu viện nên đồng tế bởi vì, trong việc đồng tế, sự hiệp nhất của mầu nhiệm tư tế cũng như của cộng đoàn được biểu thị rõ ràng hơn.

59/3. Tất cả các linh mục được khuyến khích hằng ngày cử hành hy lễ tạ ơn vì, dù không có tín hữu tham dự, cử hành hy lễ tạ ơn ấy vẫn là hành động của Đức Kitô và của Giáo hội.

59/4. Anh em không linh mục hãy tham dự thánh lễ hàng ngày.

HP 60. Để hỗ trợ sự hoán cải tất cả cuộc đời bằng đức sám hối, anh em hãy năng chạy đến bí tích Hòa giải.

HP 61/1. Trong các cộng đoàn của chúng ta, thánh lễ tu viện và kinh thần vụ phải được cử hành hằng ngày tại cung nguyện (Chorus).

61/2. Ở đâu không thể cử hành cộng đoàn thánh lễ tu viện và toàn thể kinh thần vụ được, thì phải cử hành ít là kinh sáng và kinh chiều. Nếu ngăn trở ấy là thường xuyên, thì phải được vị Giám tỉnh và ban cố vấn nhìn nhận.

61/3. Khi không thể cử hành Phụng vụ giờ kinh tại cung nguyện, thì hãy cử hành ở nơi thích hợp khác, đặc biệt sao cho các tín hữu có thể tham dự.

HP 62/1. Cácgiờ kinh phải được sắp xếp làm sao để, qua việc cử hành, các thời khắc khác nhau trong ngày được thánh hóa thực sự[3], dù phải quan tâm đến những điều kiện đời sống tông đồ.

62/2. Kinh sáng và kinh chiều, làm thành trụ cột kép (duplex cardo) của kinh nguyện. Hai giờ kinh này phải được coi là hàng đầu và phải được cử hành và phải được cử hành đúng như vậy.

HP 63. Tất cả anh em buộc phải tham dự Thánh lễ tu viện và cử hành kinh thần vụ tại cung nguyện. Mỗi người phải ý thức về nghĩa vụ chung này.

Tuy nhiên, những ai không thể có mặt khi cử hành cộng đoàn, thì phải đọc kinh thần vụ riêng nếu là những anh em đã khấn trọng, hoặc phải đọc ít nhất kinh sáng và kinh chiều nếu là những anh em khấn đơn.

HP 64 (bỏ)

HP 65. Nên hát ít ra là một phần kinh thần vụ, đặc biệt là những cái gì, theo bản tính, đòi phải hát.

Tuy nhiên, những việc cử hành của chúng ta phải nổi nét đơn sơ và giản dị (simplicitate it solerietate).

Điều khoản II. Những hình thức cầu nguyện khác.

HP 66/1. Anh em chiêm niệm, đàm đạo thân mật và sống thân tình, tất cả những điều này chẳng những phải tìm kiếm trong các việc cử hành phụng vụ và đọc Lời Chúa (Lectio divina), mà cần phải tìm kiếm trong việc cầu nguyện riêng tư thường xuyên. Vì thế, anh em hãy tâm nguyện (oratii mentalis)[4], hãy nhiệt thành thực thi cách cầu nguyện này.

66/2. Tất cả anh em hãy tâm nguyện, mỗi ngày ít ra nửa giờ vào thời gian tu viện hội qui định và tâm nguyện chung bao giờ có thể.

HP 67/1. Anh em hạy tôn thờ Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể để, nhờ sự trao đổi kỳ diệu này, anh em được thêm tin, cậy và mến.

HP 67/2. Anh em hãy lưu tâm đến việc sùng kính, theo truyền thống trong Dòng, đối với Đức Mẹ Trinh nữ của Thiên Chúa, Nữ Vương các Tổng đồ và là gương mẫu trong việc suy gẫm các lời của Chúa (Lc 2, 19) và về việc tuân theo (Lc 1, 38) trong sứ mệnh của mình. Hằng ngày, anh em hãy đọc một phần ba chỗi Mai Khôi, đọc chung hay riêng tùy Tỉnh hội quy định và tôn trọng cách sắp đặt phù hợp với phụng vụ. Hình thức cầu nguyện này đưa chúng ta đến việc chiêm niệm mầu nhiệm cứu độ, trong mầu nhiệm mà Đức Maria Trinh nữ đã mật thiết liên kết với công trình của Người Con mình.

67/3. Anh em hãy cổ võ lòng sùng kính đích thực và việc tôn kính đối với thánh Đa Minh, mẫu gương của đời sống chúng ta, cũng như đối với các vị thánh của Dòng, để chúng ta được thúc đẩy theo gương các ngài và được thêm vững mạnh trong tinh thần của ơn gọi mình.

HP 68. Hằng năm, tất cả anh em phải tĩnh tâm sáu ngày trọn để suy gẫm Lời Thiên Chúa trong lòng và cầu nguyện khẩn thiết hơn thường.

HP 69. Những kinh phải đọc khi dùng bữa sẽ được qui định do Tỉnh Dòng hoặc vị Giám tỉnh và Ban Cố vấn của mình đồng ý.

Điều khoản III. Cầu nguyện cho những người đã qua đời.

HP 70/1. Từ ngày Tưởng nhớ các Linh hồn (ngày 2 tháng 11 hằng năm) cho tới Mùa Vọng, mỗi linh mục hãy cử hành một thánh lễ, và các anh em không linh mục tham dự một thánh lễ, cầu cho các anh em, các chị em, các thân thuộc và các ân nhân đã qua đời.

70/2. Mỗi tu viện hãy cử hành một thánh lễ cầu cho những người đã qua đời.

Ngày 7 tháng 2: giỗ cha mẹ

Ngày 5 tháng 9: giỗ các ân nhân và thân thuộc của Dòng.

Ngày 8 tháng 11: giỗ các anh em và chị em.

HP 71/ 1. Mỗi tuần một lần, mỗi tu viện đúng nghĩa phải cử hành một thánh lễ tu viện cầu cho những người đã qua đời nói trên: trong thánh lễ, phải đọc “lời nguyện tín hữu” cùng với những lời cầu khẩn cho những người đã qua đời. Ở đâu không thể có Thánh lễ tu viện (HP 61/2), thì phải chỉ một lễ theo ý ấy.

HP 71/2. Trừ Tuần thánh, tuần Phục sinh.

71/3. Mỗi tuần một lần, tất cả anh em phải đọc một phần ba kinh Mai Khôi cầu cho những người đã qua đời nói trên.

HP 72. Mỗi ngày ít là một lần, anh em phải đọc chung Thánh vịnh “Từ vực thẳm” (De Profundis), cầu cho các anh em và cho các ân nhân đã qua đời.

HP 73. Tu viện, nơi anh ấy ly trần và tu viện, nơi anh ấy được bổ nhiệm, phải cử hành kinh thần vụ và thánh lễ cầu cho người đã qua đời để chỉ cho anh em ấy.

73/2. Trong toàn tỉnh dòng anh em ấy đã nhập tịch:

1/ Mỗi linh mục và mỗi tu viện phải cử hành một thánh lễ

2/ Mỗi anh em không linh mục phải tham dự một thánh lễ.

Trong tu viện mà anh em ấy được bổ nhiệm cũng phải giữ như vậy, nếu anh em ấy được bổ nhiệm ngoài tỉnh dòng nhập tịch.

73/3. Trong toàn Dòng,

1/ Khi vị Tổng quyền qua đời, mỗi linh mục phải cử hành một thánh lễ; và mỗi anh em không linh mục phải tham dự một thánh lễ.

2/ Khi vị Tổng quyền đương nhiệm và vị Cựu Tổng quyền qua đời, mỗi tu viện phải cử hành một thánh lễ cầu cho người đã qua đời.

HP 74. Khi Đức Thánh Cha qua đời, mỗi tu viện phải cử hành một thánh lễ cầu cho người đã qua đời.

HP 75. Ngoài những việc cầu nguyện kể trên, tỉnh hội có thể qui định những việc cầu nguyện khác.

B. Tầm quan trong khác nhau trong các điều luật của HP

Nhìn trên đoạn thứ hai (trong phần thứ nhất, thiên thứ nhất, chương thứ hai) nói về Phụng vụ thánh và cầu nguyện, chúng ta thấy rằng: đây không phải là một luận án hay giáo trình, đặt ra những vấn đề mang tính lý thuyết, như: “Phụng vụ là gì?” hoặc “cầu nguyện là gì” nghĩa là những định nghĩa trừu tượng. Vì chưng, HP giả thuyết rằng những điều ấy, chúng ta đã học, đã thuộc và, có lẽ, đã giữ. Vì thế, đoạn thứ hai này chỉ cho chúng ta biết phải làm điều gì? Ở đâu? Khi nào, theo hướng nào? Để nhờ đó mà thánh hóa và đào tạo nên những người anh em của thánh Đa Minh[5] và, đồng thời, cũng là những chiến sĩ Tin Mừng theo kiểu mà thánh Đa Minh và các vị đàn anh đã vạch ra.

Trong những việc phải sống, phải làm, có việc này quan trọng hơn việc kia. Phải biết để lựa chọn khi không thể làm tất cả. Ma HP dòng Đa Minh, viết chính thức bằng tiếng Latinh, khi thì dùng những từ rõ ràng, như: hàng đầu, buộc phải, khi thì dùng những động từ ở lối mệnh lệnh hoặc ở lối giả định. Nên HP, dịch ngữ Việt Nam, phải đánh giá những khi HP nguyên ngữ dùng động từ ở lối giả định mà dịch là: “phải” hay “hãy”.

Nói xong, chúng ta có thể sắp xếp việc nào, theo HP nguyên ngữ, là: “phải”, “buộc phải” và “hàng đầu” mà thực thi trước.

1. HP 57. Việc cử hành phụng vụ long trọng và cộng đoàn phải được kể vào những bổn phận hàng đầu (proecipua) của ơn gọi chúng ta. Trong phụng vụ, chỗ nhất là phần Hy lễ Tạ ơn (Eucharistia). Cử hàng phụng vụ là trung tâm và là trái tim (centrum et cor) của đời sống chúng ta.

2. HP 58. Phải (debent) cử hành một cách công khai (publice) thánh lễ tu viện và kinh thần vụ.

3. HP 59. Việc cử hành thánh lễ tu viện phải là (sit)trung tâm của phụng vụ cộng đoàn.

4. HP 61/1. Hằng ngày, thánh lễ tu viện và kinh thần vụ phải (debent) được cử hành tại cung nguyện (chorus).

5. HP 62/2. Kinh sáng và kinh chiều phải được coi là hàng đầu (praecipuoe) và phải được cử hành xứng đáng.

6. HP 63. Tất cả anh em buộc phải (tenentur) dự thánh lễ tu viện và cử hành phụng vụ tại cung nguyện. Mỗi người phải ý thức (conscientiam habeant) nghĩa vụ chung này.

Kết thúc

Cuốn Hiến pháp là một thứ sách Luật. Mà chú giải Sách Luật thì, trước hết, là phải chính xác, ví dụ: “nên” không phải là “hãy”, và “hãy” không phải là “phải”, và, do đó, có vẻ khắt khe. Có lẽ vì biết như vậy mà Dòng cũng đưa ra những luật trừ và còn giao cho các vị Bề trên và ban Cố vấn của các ngài quyền xem xét và quyết định một số điều luật theo những điều kiện cụ thể. Hơn nữa, lỗi phạm Hiến pháp là có lỗi (culpa), chứ chưa phải đã là có tội (peccatum). Thánh Đa Minh và các vị đàn anh đã qui định như vậy là để chúng ta coi cuốn Hiến pháp như là cuốn “Chỉ nam”, hướng dẫn chúng ta biết sống, biết làm hơn là cuốn sách Luật ghi sẵn hình phạt. Không, Cha Thánh Đa Minh và các vị đàn anh chúng ta coi chúng ta là những anh em đã trưởng thành và hết lòng với Thiên Chúa theo cách Đa Minh.

Về phần chúng ta, anh em Tu viện Đa Minh:

1. Khách quan và nghiêm túc mà nói, chúng ta đã giữ được hết những gì thánh Đa Minh và Dòng, nói chung, vạch ra, hướng dẫn chưa? Nhất là chúng ta giữ được hết những điều mà Hiến pháp của Dòng ghi là: hàng đầu (số 57), phải (số 58), buộc phải (số 63), … chưa?

2. Khó mà tìm ra những Tu viện chu toàn tất cả những điều mà HP cho là “hàng đầu” mà chúng ta phải, buộc phải chu toàn. Nói thế là nói rằng Tu viện chúng ta cũng chưa chu toàn, cũng còn thiếu sót. Vậy thì đó là những thiếu sót nào, nhất là những thiếu sót quan trọng nhất, để cùng nhau phấn đấu, tiến lên, tiến đúng như thánh Đa Minh mong ước.

3. Sau hết, về phụng vụ thánh và cầu nguyện trong tu viện Mai Khôi, còn có gì phải sửa chữa hoặc thêm bớt không?

Xin cám ơn các anh đã vui lòng theo dõi.

Sàigòn, ngày 27 tháng 8 năm 2012.

Thư tịch rút ngắn

1. Sách hiến pháp và chỉ thị anh em Dòng Giảng thuyết (TP HCM 2004, Tỉnh Dòng)
2. Livre des Constitutions et Ordinations des Frères de “Ordre des Prêcheurs (texte Latin-Français) (Paris 2000, Saint Honoré).
3. M. H. Vicaire OP. Saint Dominique (Paris 1955, Cerf).
------------------

[1] “Inter praecipna munera vocationis nostrae habenda est. Proecipuus, a, um là riêng biệt, đặc biệt, là đi trước các phần khác, là trên hết, trước tiên, chứ không phải “chính” mà thôi (Galliot, Dictionnaire Latin-Francais (Paris 1934, Hachette) trang 1213. 
[2] Trong phần hết các lời cầu nguyện, giáo hội dâng lời nguyện lên Chúa Cha; và vai trò của Đức Giêsu là trung gian, nhưng đứng về phía loài người: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô …” 
[3] Xut, per illarum celebrationem, varia diei tempora revera sanctificentur. 
[4] “Hanc orationem fratres sedulo colant”. Đây là mệnh đề chính. 
[5] Chân phước Jourdain de Saxa cho biết, tại Montpellier (nước Pháp), thánh Đa Minh bảo anh em gọi ngài là anh/em (Libellus 41). 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét