Antôn Trần Thanh Long, O.P.
Lc 1, 26-38
1. Việc học hành thời thánh Đa Minh
Một điểm mới mẻ đã được thánh Đa Minh đem vào lịch sử các Dòng Tu, đó là ngài xem việc học hành như một phương tiện để thực hiện lý tưởng tu trì; ngang hàng với việc cầu nguyện và khổ chế. Điều này có lẽ là một kinh nghiệm bản thân mà ngài muốn truyền lại cho các môn đệ.
· Thánh Đa Minh xuất thân từ hàng Kinh sĩ, và đã mải mê học hành ngay từ hồi thanh niên.
· Học hành nhằm trả lời cho những vấn nạn mà các nhóm lạc giáo đặt ra cho Giáo hội.
· Khi phân tán các anh em, thánh Đa Minh nhắm tới các thành phố có đại học thời danh, như Paris (7 trong số 16 vào năm 1217); Bologna (năm 1218); Palencia (1220); Montpellier (1221). Mục tiêu của việc cử anh em về các thành phố nhằm để “học hành, rao giảng, và thiết lập các tu viện”.
Theo như lời khai trong bản án phong thánh, cha Đa Minh muốn cho anh em chăm lo học hành, cầu nguyện và giảng thuyết. Để tạo thuận lợi cho việc học hành, Hiến pháp ban cho các bề trên quyền được chuẩn miễn việc tuân hành vài khoản luật, khi chúng có thể làm cản trở việc học. Td: không đọc quá nhiều kinh; giảm phần chay tịnh; ưu tiên có phòng riêng thay vì ngủ trong dãy phòng chung.
2. Việc học hành thời thánh Tôma
Ở đây, chỉ ghi nhận một biến cố cho biết lập trường của thánh Tôma về ơn gọi học hành.
Trong khoảng thời gian 1252-1256, hai Dòng Phan Sinh và Đa Minh bị ban giáo sư Đại học Paris tấn công, nhằm loại bỏ các giáo sư của hai Dòng này ra khỏi Đại học và các trường công lập. Vị giáo sư trẻ tuổi Tôma Aquinô được các bề trên của hai Dòng đề cử đứng ra biện hộ tại Tòa án Giáo triều ở Rôma, trước mặt Đức Alexandre IV, nhiều Hồng y và giáo sư đoàn Paris. Với lập trường thật vững chắc của Tôma, các giáo sư hai Dòng hành khất được phục hồi quyền giảng dạy trong Đại học và các trường ở Paris.
a. Quan niệm của nhóm chống:
Người tu sĩ chuyên tâm phụng sự Chúa bằng cách đọc kinh cầu nguyện tập tành các nhân đức; còn việc học hành nằm ngoài chương trình của đời tu.
Càng học nhiều càng sinh lắm ý kiến, cãi cọ chia rẽ; như vậy làm mất hòa khí và trật tự trong cộng đoàn.
Người đời học triết lý văn chương, mình đi tu rồi mà cũng học như họ, thì đâu còn gì là căn tính đời tu nữa.
b. Thánh Tôma trả lời cho những vấn nạn ấy bằng cách trình bày cho thấy ích lợi của việc học đối với việc chiêm niệm và giảng thuyết (đặc sủng của Dòng Đa Minh), cũng như giúp ích cho các tu sĩ thuộc bất cứ Dòng nào.
Học giúp cho sự chiêm niệm, bởi vì một đàng, nó mở ra cho trí khôn biết những chân lý đức tin, và đàng khác, nó đánh tan những sai lầm về đường tu đức.
Học giúp cho sứ vụ giảng thuyết, nếu không học biết đạo lý Kinh Thánh, thì làm thế nào để rao giảng Lời Chúa được?
Học giúp cho tu đức: việc học là một hình thức khổ chế qua việc rèn luyện ý chí để chuyên cần học hỏi, cũng như qua việc giúp thi hành ba lời khấn Dòng. Thật vậy, việc chuyên cần học hành giúp ta lướt thắng những tính ham mê của nhục dục, của tiền tài và tính ương ngạnh. Điều này lại càng đúng khi nói đến việc học các thánh khoa.
Hiến pháp số 83 đã cho thấy những ích lợi của việc học hành như sau: “Việc chuyên cần học hỏi nuôi dưỡng chiêm niệm, giúp chu toàn các lời khuyên Tin Mừng một cách trung thành nhưng sáng suốt, là hình thức khổ chế do tính cách kiên trì và cam go của nó, cũng như là nếp sống tu trì tuyệt hảo, vì là yếu tố cốt yếu của toàn thể đời sống chúng ta”.
Tóm lại, việc học không những đã không trái nghịch, mà còn giúp ích cho lý tưởng tu trì. Thánh Tôma còn tiến thêm một bước nữa: việc học giúp cho đường tiến đức, nhưng cần phải có nhân đức thì mới học đến nơi đến chốn. Việc học đòi hỏi một nhân đức chuyên biệt, đặt tên là đức hiếu học (Studiositas)
c. Nhân đức hiếu học: (studiositas)
Trong sổ gia phả của các nhân đức, thì đức hiếu học là con của đức khiêm nhu (modestia). Kêu đức từ tốn (humilitas) bằng dì. Tục ngữ đã nói: “Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Trước khi đi vào đời sống trí thức, cần phải tập luyện đức khiêm nhu, từ tốn đã. Nếu thiếu các điều cơ bản ấy thì việc học hành sẽ dẫn tới sự háo danh, kiêu căng tự mãn chứ không mang lại đức độ (x. 1Cr 8, 1).
Ngoài ra, việc học hỏi chân lý cũng có thể bị sai hỏng, vô ích do bốn hoàn cảnh sau:
Học điều không cần thiết để rồi xao nhãng, không chịu học những điều mà bổn phận đòi hỏi. Td: ham mê đọc chuyện chưởng và bỏ bê việc học hỏi Kinh Thánh.
Học những chuyện tầm phào không được phép. Td: học chiêm tinh, bói toán.
Học những chuyện trần thế mà không đưa đến cội nguồn của chúng là Thiên Chúa.
Học những điều vượt quá tầm khả năng trí tuệ của mình. Có lẽ ở đây thánh Tôma khuyên chúng ta hãy ý thức khả năng giới hạn của mỗi người. Một lần nữa, thái độ khiêm tốn là điều không thể thiếu khi dấn thân vào việc học hỏi chân lý.
3. Học là lắng nghe và sinh hạ
Bài Tin Mừng chúng ta nghe đầu giờ đã ghi lại trình thuật Truyền tin. Đức Maria lắng nghe lời Sứ thần. Tất cả đời sống trí thức bắt đầu từ đó. Học hỏi không chỉ là thâu thập kiến thức, nhưng là học cho biết lắng nghe như thế nào. Simon Weil viết cho Perrin, một tu sĩ Đa Minh người Pháp như thế này: “ Phát triển khả năng lắng nghe là mục đích thực sự và hầu như là mối quan tâm độc nhất trong việc học hỏi”. Khả năng cảm thụ, mở rộng đôi tai là nét đặc biệt của mọi công việc học hỏi nghiên cứu, nó liên kết sâu xa với việc cầu nguyện. Cả hai đòi hỏi chúng ta phải thinh lặng và chờ đợi Lời Thiên Chúa đến với chúng ta.
Việc học hỏi đúng đắn làm cho chúng ta trở thành những người hành khất. Như Đức Maria, ta bối rối vì không biết bản văn, cuốn sách ta đang đọc, biến cố xảy ra ta đang suy nghĩ có ý nghĩa gì. Ta khám phá ra rằng mình dốt nát, và như Đức Maria, ta ở trong tâm trạng sẵn sàng đón nhận điều Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta. Hỏi rằng đời sống tri thức có cho ta một kỷ luật nghiêm khắc để tập lắng nghe tiếng Chúa không?
Trong sứ điệp Truyền tin, kết quả của việc Mẹ lắng nghe, đó là Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời nhập thể. Thái độ lắng nghe đó đã giải phóng tất cả năng lực sáng tạo, tất cả sức sinh sản phong phú của người phụ nữ. Cũng vậy, mục đích của việc học hỏi, nghiên cứu không chỉ để thông tin, nhưng là làm cho Đức Kitô sinh ra trong thế giới. Muốn lượng giá đời sống trí thức, vấn đề không phải là tìm hiểu xem việc học hỏi nghiên cứu có làm cho chúng ta trở nên những con người hiểu rộng biết nhiều hay không, nhưng là có làm cho chúng ta thành những con người sinh sản phong phú hay không.
Theo Công vụ Tổng Hội Providence (năm 2001) số 108 và 121 thì một mặt, việc học hành giúp chúng ta am hiểu những cuộc khủng hoảng, nhu cầu, niềm khao khát, khổ đau của nhân loại và xem đó như là chuyện của chính mình. Mặt khác, “mục đích của Dòng không phải là đào tạo những nhà trí thức, nhưng là đào tạo những nhà giảng thuyết có thể rao giảng Tin Mừng tại nhiều biên cương của thế giới hiện đại. Bao gồm cả những biên cương của cảnh nghèo túng do công cuộc toàn cầu hóa gây ra; biên cương của bản vị và nhân quyền trong lĩnh vực đạo đức sinh học; biên cương kinh nghiệm của người Kitô hữu khi đối diện với khuynh hướng đa nguyên tôn giáo; và biên cương của kinh nghiệm tôn giáo khi dối diện với chủ thuyết vô thần, với những người theo chủ nghĩa duy vật dửng dưng, và những hình thức tôn thờ ngẫu tượng mới” (số 121). _ Làm thế nào để ở vị trí biên cương ấy, chúng ta có thể bày tỏ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa cho con người?
4. Học hỏi để biến đổi lòng trí:
Theo cha Timothy Radcliffe OP., trong thư gởi toàn Dòng mang tựa đề: “Suối nguồn hy vọng: Học hỏi và loan báo Tin Mừng” thì không bao giờ được coi việc học hỏi chỉ có nghĩa là rèn luyện lý trí. Nó còn là việc làm biến đổi tâm hồn con người. Tổng hội đầu tiên của Dòng ở Bologna đã nói rằng phải dạy cho các tập sinh biết “họ phải say mê nghiên cứu như thế nào, để ngày hay đêm, khi ở nhà hay lúc đi đường, họ phải như đang học hay đang suy tư về một điều gì đó; bằng mọi sức lực và phương tiện sẵn có, phải gắng làm cho điều đó thấm vào tâm trí mình”.
Chúng ta phải không ngừng để cho con tim mình thành hình qua việc đọc báo chí và tiểu thuyết, qua việc xem phim ảnh và truyền hình. Tất cả những gì chúng ta đọc, chúng ta xem, giúp hình thành nên con tim của chúng ta. Thánh nữ Catarina Siena nói về thánh Tôma như sau: “Bằng con mắt của tinh thần, người đã chiêm niệm chân lý với lòng yêu mến vô biên và chính ở đó, người đã tới được nguồn ánh sáng siêu nhiên”. Như vậy, việc học hỏi dạy cho chúng ta biết yêu thương và thánh Tôma là nhà thần học vĩ đại, bởi vì ngài có lòng từ tâm.
Mặc khác, học hỏi biến đổi trái tim con người nhờ kỷ luật của việc học hành. Chính “hình thức khổ chế trong kiên trì và gian khổ” (Hp 83) này góp phần làm cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Hình thức khổ chế này cống hiến cho chúng ta một thứ kỷ luật sắt là chúng ta ở lại, thinh lặng trong phòng, cố gắng miệt mài để tìm hiểu, trong khi chúng ta chỉ mong thoát ra ngoài. Khi ngồi một mình để chiến đấu với bản văn, chúng ta hay nghĩ đến hàng trăm lý do chính đáng để không học hỏi, suy nghĩ, nghiên cứu, viết lách nữa, rồi ta đi gặp một người nào đó, nói chuyện với họ. Chúng ta sẽ tự nhủ rằng đó là nhiệm vụ phải làm, còn cứ tiếp tục học hỏi nghiên cứu là phản bội ơn gọi của chúng ta. Thế nhưng, nếu không biết chịu đựng sự cô tịch và thầm lặng này, chúng ta sẽ chẳng có gì có giá trị để cống hiến. Cha Humbêtô Roman, OP. viết: “Việc học hỏi không phải là cứu cánh, nhưng tối cần để đạt mục tiêu của Dòng là giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Nếu không có học hành, chúng ta không đạt được mục tiêu nào trong hai mục tiêu trên”. Công vụ Tỉnh hội 2011 số 135 cũng đã khẳng định: “Đào tạo và học vấn trong đời sống Đa Minh nhằm mục đích làm cho chúng ta trở thành những con người của Lời. Đào tạo và học vấn nuôi dưỡng việc “thi hành sứ vụ giảng thuyết một cách tốt nhất” (Roma 2010, số 54) và giúp: “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3, 15). Có như vậy, chúng ta mới “trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân” (SHC 77£ 1)
Có thể xếp những việc ta phải làm hằng ngày thành hai loại: việc cấp bách và việc thiết yếu. Những việc cấp bách thì nhiều, những việc thiết yếu thì ít. Thường ta hay dành ưu tiên cho những việc cấp bách, còn việc thiết yếu thì ta hoãn lại, khi nào làm xong hết những việc cấp bách, ta mới nghĩ đến những việc thiết yếu. Nhưng khi đó thì đã muộn, ta làm việc thiết yếu một cách hấp tấp và hời hợt. Việc thiết yếu mà ta thường hoãn lại chưa làm, đó là cầu nguyện, là lắng nghe tiếng Chúa qua việc học hỏi, nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy, khi ta xem việc gì là quan trọng, mình muốn làm, thì ta sẽ tìm ra thời gian và phương tiện, ngược lại, khi ta xem việc đó là không quan trọng, không muốn làm, thì ta sẽ tìm ra lý do để khước từ hay trì hoãn.
Một lý do nữa khiến Hiến pháp Dòng chúng ta viết rằng học hỏi chính là “hình thức khổ chế trong kiên trì và gian khổ” (Hp 83), đó là công việc học hỏi lâu dài không thể tránh khỏi những lúc rơi vào buồn tẻ, khó khăn và chán ngán. Thường chúng ta hay tự hỏi, học hành, nghiên cứu như vậy có bõ công không? Nhưng đây đúng là một hành vi của hy vọng, hy vọng rằng công việc này sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, cho dù chúng ta chưa mường tượng nổi.
Cuối cùng, sứ vụ giảng thuyết của Hội Dòng đòi hỏi chúng ta phải ý thức sâu xa sức mạnh của ngôn từ. Nó có sức chữa lành hoặc gây thương tích, có sức xây dựng hoặc phá hủy. Hết sức tôn trọng ngôn từ, nhạy cảm đối với những từ ngữ mà chúng ta nói với anh chị em, đó là trọng tâm của tất cả việc giáo dục và học hỏi của chúng ta. Qua lời nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui Phục sinh, nhưng cũng có thể đem lại đau khổ thập giá. Những lời chúng ta nói ra dù tốt hay xấu, thường được lưu giữ trong ký ức, trong tâm hồn anh chị em có khi suốt nhiều năm trường.
Việc học hỏi phải rèn luyện chúng ta trở thành những người có trách nhiệm khi sử dụng ngôn từ. Có trách nhiệm theo nghĩa là điều chúng ta nói phải đúng với chân lý và phù hợp với thực tế. Không những thế, chúng ta còn có trách nhiệm nói những lời xây dựng cộng đoàn, nuôi dưỡng người khác, chữa lành thương tích và đem lại sự sống. Ở trong ngục tù, thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Philipphê rằng: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và mang lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4, 8).
Kết luận
Trước khi chấm dứt bài chia sẻ, xin gợi ý ba điểm:
- Học và cầu nguyện: Đây là hai phương tiện dẫn đến sự chiêm niệm chân lý. Hơn thế nữa, cả hai bổ túc cho nhau. Việc học cung cấp chất liệu cho việc chiêm niệm, sự cầu nguyện đem lại ánh sáng và sức trợ lực của ơn thánh cần thiết cho việc học. Nhờ sự chiêm niệm và cầu nguyện, mà người tu sĩ “thưởng nếm” sự ngọt ngào của chân lý. Đồng thời chúng ta cần cầu xin Chúa ban ơn giúp sức, thì mới có thể nắm bắt được chân lý đức tin
- Phương pháp học: Thánh Tôma đã để lại cho một tập sinh tên là Gioan phương pháp học như thế này.
Anh Gioan thân mến trong Chúa Kitô! Anh đã hỏi tôi về cách thức học hành làm sao để có thể thủ đắc sự hiểu biết, tôi xin khuyên anh vài điều sau đây:
Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ, hãy đi từ điều dễ đến điều khó. Đó là điều mà tôi nghĩ là một qui luật.
Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu, hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện, hãy yêu mến sự thinh lặng trong buồng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức.
Hãy hòa nhã với mọi người. Đừng tọc mạch muốn biết công việc riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật với ai hết, bởi vì sự thân mật dễ đưa đến suồng sã và làm sao
Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí. Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền. Không cần biết ai là tác giả của một câu nói, nhưng hãy biết tiếp nhận điều tốt mà họ nói. Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình.
Anh hãy cố gắng theo các điều vừa nói, tôi tin chắc rằng anh sẽ đạt được điều ước nguyện.
- Hiến pháp: Ta nên thường xuyên đọc lại Hiến pháp số 83 như sau: “việc chuyên cần học hỏi nuôi dưỡng chiêm niệm, giúp chu toàn các lời khuyên Tin Mừng một cách trung thành nhưng sáng suốt, là hình thức khổ chế do tính cách kiên trì và cam go của nó, cũng như là nếp sống tu trì tuyệt hảo, vì là yếu tố cốt yếu của toàn thể đời sống chúng ta”.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp Dòng năm 2004
2. Công vụ Tổng hội Providence 2001
3. Công vụ Tỉnh hội 2011
4. Timothy Radcliffe OP. Hát lên bài ca mới. Chân lý 2000
5. Phan Tấn Thành OP. Tìm hiểu Dòng Đa Minh
Câu hỏi gợi ý:
1. Hiến pháp số 84 mời gọi anh em trong cộng đoàn hãy liên đới với nhau, hãy cộng tác hỗ tương trong đời sống trí thức. Thánh Albertô Cả nói rằng: “Tìm kiếm chân lý trong tình thương mến ngọt ngào của cộng đoàn huynh đệ”. _ Chúng ta cùng hợp tác với nhau như thế nào trong đời sống trí thức?
2. Trong tu viện chúng ta, mọi người đều đã trải qua chương trình học theo hiến định. Chúng ta làm thế nào để đời sống trí thức chúng ta được triển nở, và phát sinh hoa trái?
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét