Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – C

(Hc 3,17-18.20.28-29 ; Dt 12,18-19.22-24a ; Lc 14,1.7-14)

Sứ điệp Lời Chúa : Khiêm tốn là hoa trái của đức Tin

1. Vận hành của nền kinh tế thị trường không thể thiếu “chất bôi trơn” là quảng cáo. Trong nền kinh tế thị trường, yếu tố làm nên sự thành công không còn phải do thực chất, nhưng còn nhờ quảng cáo, nhờ tiếp thị... Một sản phẩm tốt chưa hẳn sẽ bán được nếu không có quảng cáo; một ca sĩ hát hay cũng không thể nổi tiếng được nếu không có công nghệ lăng xê… Mà đã là quảng cáo, là lăng xê thì không thể khiêm tốn được. Quảng cáo, lăng xê thường đồng nghĩa với giả tạo, lừa gạt, dụ dỗ,… 

Giá trị của lòng khiêm tốn bị đặt vấn đề, bị loại bỏ hay ít ra bị bỏ quên trong cuộc sống hiện nay.

2. Ở một khía cạnh khác, ta thấy đời sống xã hội hôm nay là môi trường cạnh tranh. Để tìm được việc làm, để giữ được mối hàng, để vượt qua vòng thi tuyển,… mỗi người cần phải tự tin, dám khẳng định mình, dám mạnh dạn, đôi khi phải liều lĩnh, để đảm nhận một trách nhiệm quá sức mình,…

Do đó, giá trị của lòng tự tin không còn đúng nghĩa là để “vượt lên chính mình”, mà là thổi phồng mình nhằm vượt qua người khác.

3. Đức tin đưa ta vào một bình diện khác hẳn : 

- Trong “bài toán” của trọn vẹn cuộc đời, bài toán của “ơn cứu độ”, ta không nào tự mình giải quyết được. Ở bình diện này, ta được mời gọi để chân nhận chính thực chất yếu đuối và bất lực của mình, được mời gọi để sống khiếm tốn trước mặt Chúa. Tất cả là hồng ân tặng không. Tất cả là do ta được nhận lãnh. Mà đã nhận lãnh thì không có lý do gì để vinh vang. 

- Sống đức Tin, người tín hữu có thể bước vào cuộc đời với một thái độ “tự tin”. Nhưng nền tảng của lòng “tự tin siêu nhiên” này cũng không phải là chính tài năng, đức độ của mình, công đức của mình,… mà là lòng từ bi thương xót của Chúa.
Kết luận 

* Đừng đưa “văn hoá kinh tế thị trường” vào lãnh vực đức tin, khiến ta sống với Chúa theo kiểu huênh hoang như người Biệt phái.

* Hãy đưa “văn hoá đức tin” vào đời sống kinh tế thị trường hôm nay để lòng “tự tín” được đặt nền vững chắc trong ơn phúc của Chúa; và để bớt đi thói giả trá trong lối sống “thị trường của xã hội hôm nay.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét