Bài đọc 1 : Cv 1, 12-14 : “Họ chuyên cần cầu nguyện, cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu”
Bài đọc 2 : Gl 4, 4-7 : “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà”
Tin Mừng Lc 1, 26-38 : “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”
Sứ điệp lời Chúa : Cầu nguyện với Mẹ để cùng Mẹ nói lời Xin Vâng
1. “Đường” Cứu Độ
Có lẽ con người nào cũng có khát vọng được giải thoát. Dân tộc nào cũng có nỗ lực xoay sở để tìm ra con đường giải thoát. Làm sao tìm ra “con đường”, tìm được “đạo”, đó là nét chung của các triết lý, tôn giáo giải thoát… “Con đường” nghĩa là một phương thức, là lời chỉ dạy cách “sống thế nào”. Nên người ta thường nói đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành.
Thế nhưng “đạo” của người Dân Israen lại không hoàn toàn như thế. Khát vọng được giải thoát của Dân không phải là một triết lý sống hay một chủ thuyết đạo đức, nhưng “treo” tất cả vào Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa trong lời “lời tiền tuyên Phúc Âm” :
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15)
Cách thức tìm giải thoát của Dân Chúa, trước tiên và một cách căn bản, không phải “sống thế nào”, nhưng là “sống với Ai” và Ai đó chỉ có thể là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho.
2. Ý muốn “ngang trái” của Chúa
Thiên Chúa hứa ban cho con người Đấng Mêsia, nhưng Ngài không muốn một Đấng Mêsia như một ngôn sứ, như một vị vua hay một tư tế bình thường. Thiên Chúa không muốn Đấng Mêsia được sinh ra do “máu huyết” của người nào, nhưng là một Đấng Mêsia hoàn toàn doThần Khí của Thiên Chúa. (lưu ý, thời xưa, người ta quan niệm một bào thai trong bụng người phụ nữ hoàn toàn do người nam tạo ra; người nữ chỉ là một thứ bình chứa đựng)
Thiên Chúa muốn Đấng Mêsia mà Ngài ban tặng cho con người không bị lý giải theo máu huyết, theo tính tình, theo tài năng của người cha nào, nhưng hoàn toàn ngập tràn trong quyền năng tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa cần tìm một phụ nữ nào dám chấp nhận mang thai mà không phải qua con đường giao hợp vợ chồng bình thường. Ý muốn “ngang trái” của Thiên Chúa là như thế.
3. Sống đức Tin là nói lời “Xin Vâng”
Trong Tân Ước, tinh thần mới của nhiệm cục ơn cứu độ không còn là lề luật có tính ép buộc chung cho mọi người, nhưng chính là ý muốn của Chúa được đề nghị. Không thể có một luật nào buộc người phụ nữ mang thai mà không qua con đường giao hợp nam nữ. Điều đó có thể dẫn tới hình phạt bị ném đá cho chết.
Trong Tân Ước, Ý muốn của Chúa được gởi tới một ai đó trong mối tương quan cá vị, riêng tư và tình nghĩa. Ý muốn của Thiên Chúa mời gọi sự đáp trả tự do, tự nguyện của con người. Mà ý muốn của Thiên Chúa thì lại ít nhiều luôn có tính “ngang trái”; bởi vì đường lối của Chúa thì cao hơn đường lối của con người; và tình yêu mà Thiên Chúa muốn bày tỏ cho con người thì vượt quá mọi suy tính của con người. Nhiệm cục Tân Ước thực sự là đỉnh cao của “phương thức” cứu độ “sống với Ai”; chứ không phải là “sống thế nào”.
Nguyên lý mới của Tân Ước, tinh thần mới của Tân Ước được thực hiện một cách trọn vẹn nơi đức Maria; rồi sau đó là nơi thánh Giuse…Đức Maria nói lời Xin Vâng; thánh Giuse thì mau mắn làm như lời sứ thần truyền…
Người Kitô hữu được mời gọi sống nhiệm cục Tân Ước không thể có cách sống nào khác hơn là dấn thân vào “nẻo đường sống với Ai”; đi vào cuộc phiêu lưu bằng cách chấp nhận Thánh ý Chúa dành cho mình, Thánh ý thường khi là khác với suy tính của mình. Lời “Xin Vâng” tóm lược tất cả ý nghĩa của nẻo đường Cứu độ Kitô giáo; đó là khám phá ra ý định Thiên Chúa dành cho bản thân mình trong đức Giêsu Kitô (suy niệm các mầu nhiệm); cùng hiệp thông với Mẹ Maria và với Giáo hội (lời kinh Kính Mừng) để nói được lời Xin vâng như Mẹ (kinh Lạy Cha)…
Tạm kết
Kinh Mân Côi không là gì khác hơn lời cầu nguyện cùng với Mẹ Maria để nói lời Xin Vâng như Mẹ; và đó là phương thức cầu nguyện mà Mẹ không ngừng mời gọi mỗi người Kitô hữu chăm chỉ thực hành.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét