Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – C

(Xh 32,7-11.13-14 ; 1Tm 1,12-17 ; Lc 15,1-32)

Sứ điệp Lời Chúa : Công bố lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa

1. Hợp lý hay hợp tình ?

Trong cuộc sống hằng ngày, ta thường thấy người ta, hoặc quá thiên về lý lẽ, hoặc quá thiên về tình cảm. Người này thường chê trách người kia quá lý lẽ; và người kia lại phê bình người này là quá tình cảm…

Giải pháp của cha ông ta là “vừa có lý vừa có tình”; nhưng đó có phải là “lý lẽ vừa vừa và tình nghĩa vừa vừa” không ? Đó có phải là thứ trung dung theo nghĩa lấy trung bình cộng, chia đôi cái lý và chia đổi cái tình để cộng chung hai nửa lại với nhau một cách hổ lốn không ?

2. Phép công bằng nhân-quả là trên hết ?

Qui luật của vũ trụ đã là thế giới của qui luật nhân quả, thế giới của cái lý lạnh lùng. Có cái lý của trời đất như một sự bù trừ nghiêm cẩn, đã có bất chính thì phải có bồi hoàn, triết gia Anaximandre đã nói như vậy. 

Trong thế giới con người cũng vậy. Ai đã làm gì bất công thì phải chịu trách nhiệm và lãnh lấy hậu quả của việc mình làm; gây ra nghiệp chướng thì phải trả nợ để có thể giải thoát được nghiệp chướng. Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, gậy ông lại đập lưng ông, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt… Đó là những nhận định chí lý từ kho tàng khôn ngoan muôn thuở của cha ông ta.

Cái lý vẫn phải hoàn trọn cho đến cùng chứ không phải thái độ xuê xoa, vừa vừa phai phải.

Thế nhưng, nếu chỉ có cái lý trong cuộc đời, như một giây xích ràng buộc mạch lạc và hợp lý, chắc chắn và không thể giải gỡ ra được, thì việc giải thoát là chuyện không tưởng. Kẻ sinh ra trong một gia đình thiếu giáo dục sẽ dễ bị đẩy vào con đường tội phạm. Kẻ ấy sẽ dễ giết người hoặc buôn bán ma tuý, và rồi thì phải ngồi tù. Kẻ ấy ngồi tù phải đấu tranh với “đại bàng” thì lại phải gian xảo hoặc tàn ác… Qui luật nhân quả xô đẩy người ta vào con đường càng ngày càng bế tắc hơn…

3. Lòng từ bi thương xót muôn năm

Điều chính yếu trong Do thái-Kitô giáo là loan báo một ơn cứu độ tặng-không. Ơn cứu độ là sáng kiến của Chúa, do Chúa chủ động đi bước trước. Chúa thương ta ngay khi ta còn là tội nhân và đã hy sinh chịu chết cho ta. Ơn cứu độ tặng không ấy do từ lòng từ bi thương xót của Chúa.

Trong gia đình, ta cũng thấy “hình bóng” của tình yêu ấy, cha mẹ chấp nhận con của mình, dù đứa con ấy là một tội phạm…

Hồng ân tặng không sẽ là một sự giải gỡ nút thắt của giây nhân quả, không phải để phá bỏ luật nhân quả, nhưng để có thể đi đến cùng của cái lý công bằng như một khả năng đền bù trọn vẹn và mở ra lối đường giải thoát. Tha tội là ơn tặng không. Đền tội là chấp nhận hết hệ luỵ của nhân quả. Chưa đền hết ở đời này thì sẽ đền tiếp ở đời sau…; nhưng cuối cùng vẫn là ánh sáng cứu độ toàn thắng.
Kết

1. Lý lẽ phải đi đến cùng, mà tình thương cũng phải đi đến cùng. Để giải quyết bài toán cuộc đời, không thể tách rời cái lý với cái tình. Tin vào cái lý của cuộc đời mà không có cái tình, cuộc đời sẽ mãi mãi bị trói buộc. Tin vào cái tình mà mất cái lý, thì còn đâu là lẽ phải và sự công bằng.

2. Người Kitô hữu tin vào cái lý đến cùng của “trời đất”, của ngày phán xét; nhưng điều quan trọng này lại chính là công bố lòng từ bi thương xót của Chúa như một hồng ân tặng-không.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét