Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN – C

Bài đọc 1 : Xh 17,8-13: “Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế”

Bài đọc 2 : 2 Tm 3,14 – 4,2 : “Người của Thiên Chúa nên thập toàn để làm mọi việc lành”

Tin Mừng Lc 18, 1-8 : “Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người”

Sứ điệp Lời Chúa : Thái độ kiên trì trong cầu nguyện

1. Đức Tin và cuộc sống thật

Thời gian là một yếu tố quan trọng trong lối sống đức tin theo truyền thống Do thái – Kitô giáo. Thiên Chúa vốn là Đấng ở ngoài thời gian, đã quyết định dính dáng vào thời gian khi sáng tạo nên vũ trụ; và nhập cuộc vào dòng thời gian khi chọn Abraham và nhập thể để đồng hành với nhân loại trong dòng lịch sử…

Con người Thiên Chúa mời gọi “bước ra” khỏi hư vô; “bước vào” hiện hữu trong không gian và thời gian; hình thành nên bản thân mình qua dòng lịch sử. Phẩm chất của đời sống con người thiết yếu gắn liền với không gian và thời gian. Con người là chính lịch sử cụ thể của mình.

Không gian là tất cả những gì “có thật”, là “cái cụ thể” trước giác quan của con người. Thời gian là lịch sử thật mà mỗi người đã hình thành và phải đảm nhận. Chính trong không gian và thời gian, tức là trong cái thật nhất của đời sống con người, mà Thiên Chúa muốn thực hiện ơn cứu độ cho con người. Ơn cứu độ không ở đâu khác mà chính nơi “lịch sử - cụ thể” của Dân Israen; và Thiên Chúa cũng thực hiện ơn cứu độ của Ngài trong “lịch sử - cụ thể” của Giáo hội hiện nay, cũng như lịch sử cụ thể của mỗi người. 

Đời sống đức Tin chỉ có thể là thật khi “có xương có thịt” của cuộc sống thật. Chính chiều kích đức Cậy biểu lộ “cái thật” của đời sống đức Tin cũng như gắn liền đức Mến với đời sống hằng ngày. Sự sống đức Tin không phải là “đời sống thiêng liêng” (hiểu như không dính dáng gì tới không gian và thời gian) nhưng là đời sống thật trong Thánh Thần Chúa.

2. Thái độ kiên trì 

Thiên Chúa đã nhập thể và chấp nhận quy chế sống của con người. Ngài có thể cho Dân Israen chiến thắng quân A-ma-lếch ngay tức khắc và cũng chẳng cần ông Mô-sê dang tay cầu nguyện mệt mỏi. Ngài cũng có thể ban ơn giải cứu ngay tức khắc cho bà goá kêu xin Người. Nhưng Thiên Chúa không muốn thực hiện ơn cứu độ theo cách thức phá huỷ khung cảnh không gian và thời gian của kiếp người; và Ngài lại phải chấp nhận bộc lộ bản thân mình giông giống như ông quan toà “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.

Thiên Chúa cũng phải “kiên trì”, Ngài “làm chậm bước chân” siêu thời gian của Ngài để có thể đồng hành với bước chân trong thời gian của con người. Thiên Chúa đồng hành nhưng không làm thay; Ngài dẫn dắt nhưng vẫn đợi chờ cho đủ những yếu tố tự nhiên cần thiết, đúng theo quy chế sống của con người, để thực hiện điều Ngài mong muốn.

“Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”

Có lẽ phần lớn người Kitô hữu đều thích có phép lạ. Có lẽ rất ít người Kitô hữu hiểu rằng cần cầu nguyện để đón nhận Chúa đồng hành với mình, chứ không phải cầu nguyện để Chúa làm thay.

Chính vì thế, không ít lần đức Giêsu kêu gọi người tín hữu kiến trì, kiên trì như một đầy tớ trung tín chờ đợi chủ về, kiên trì trong việc cầu nguyện, kiên trì để đón nhận có cỏ lùng trong mảnh ruộng đời mình… Mất sự kiên trì, con người sẽ hụt mất cơ may đón Chúa đi vào lịch sử đời mình để biến đời mình thành lịch sử ơn cứu độ : 

“Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chong minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”

3. Qui luật đời thường và quy luật đức Tin

Trong cuộc sống con người, cuộc sống bị chi phối do biết bao điều gian ác, với đầy những ông quan toà thật sự “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”, sự kiên trì vẫn có thể tìm được một điểm “vớ vẩn” nào đó để thành công, “mụ ấy cứ kêu hoài làm ta nhức đầu nhức óc”. Đó là sức mạnh của sự kiên trì mà con người thời nay đã đánh mất rất nhiều.

Cách so sánh của đức Giêsu nhằm làm cho ta xác tín vào hiệu lực của một lời cầu nguyện kiên trì. Trong thế giới đức Tin, chắc chắn lời cầu nguyện kiên trì sẽ còn phát sinh hiệu quả nhiều hơn : “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ?”
Tạm kết

Đức tin không phải là một cuộc sống nào khác với cuộc đời thật. Đức tin là cách thế sống cuộc đời thật của mình, là để cho Chúa đồng hành với mình trong lịch sử cụ thể của đời mình.

Phẩm tính của cách thế sống đức Tin ấy chính là lòng kiên trì, không bao giờ được nản chí. Chính Thiên Chúa vẫn luôn cùng sống, cùng làm, cùng đón nhận khó khăn và Ngài đã dám chịu chết thay cho ta… Chắc chắn Ngài sẽ không thua cuộc.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét