Không nên coi Thường Huấn chỉ là một phần phụ thêm cho chương trình đào tạo hiến định; đúng hơn, đó sự hội nhập của cá nhân vào đoàn sủng riêng của Dòng. (QCHVC, số 6).
-----------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI BA NGÔI NHÌN TRONG ÁNH SÁNG CỦA SÁCH GIÁO LÝ MỚI

(Thường huấn Tháng 5/2013 - Tu viện Rất Thánh Mân Côi)

Giuse Lâm Văn Sỹ, O.P.

Trong bức tông thư “Cánh cửa đức tin” (Porta fidei), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mời gọi các tín hữu tái khám phá lại nguồn mạch, ý nghĩa và sự phong phú của đời sống đức tin. Đời sống đức tin là một hành trình suốt đời, bắt đầu bằng việc lãnh nhận phép rửa gắn liền với lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Phép rửa đưa chúng ta vào trong tình thân hữu với Ba Ngôi, “nhờ đó chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, và kết thúc với việc tiến qua cái chết đi vào sự sống đời đời, thành quả đến từ sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã muốn cho tất cả những người tin nơi Ngài (x. Ga 17,22) được tham dự cùng vinh quang của Ngài, nhờ hồng ân của Thánh Thần” (Porta fidei, 1).


Ngoài ra, Đức Bênêđictô XVI còn giới thiệu hai hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội trong thế kỷ XX: Công đồng chung Vaticanô II (khai mạc 1963) và Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (công bố 1993). Ngài cũng đưa ra lời mời gọi các tín hữu trong năm đức tin nên học hỏi cách đặc biệt hai tài liệu này như những khí cụ hữu hiệu giúp đào sâu đức tin của mình. Trong chiều hướng đó, trong buổi chia sẻ này, chúng ta sẽ tìm hiểu đề tài “Sống tương quan với Ba Ngôi, nhìn trong ánh sáng của Sách Giáo lý mới”. 

1. Tổng quan về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong Sách Giáo lý 

Nếu đã có dịp đọc qua Sách Giáo lý mới hay ít là Mục lục của cuốn sách, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cấu trúc của Sách Giáo lý gồm bốn phần chính: Tuyên xưng đức tin; Cử hành các Bí tích đức tin; Đời sống đức tin; Đời sống cầu nguyện. Đây là cấu trúc đã có một bề dày lịch sử trong việc soạn thảo các sách giáo lý và cũng là cấu trúc của Sách Giáo Lý Rôma, hay còn gọi là Sách Giáo lý của Công đồng Trentô, do Đức Giáo hoàng Piô V ban hành năm 1566. Nếu như Sách Giáo lý mới được nhìn nhận là bao gồm “cả những cái cũ lẫn cái mới” thì cái lược đồ bốn phần nói trên chính là một yếu tố “cũ” tiêu biểu của nó. Cũng không thiếu những ý kiến phê bình cách chọn lựa này của Ủy ban soạn thảo Sách Giáo lý, cho rằng có một sự “cọc cạch” nào đó khi Ủy ban cố làm cái chuyện “đổ rượu mới vào bầu da cũ”. “Rượu mới” ở đây hiểu là các nội dung đạo lý dựa trên tinh thần canh tân của Công đồng Vaticanô II; thế còn “bầu da cũ” là cái lược đồ bốn phần lấy lại từ cuốn Sách Giáo lý của Công đồng Trentô.[1]

Phần cốt lõi nhất của Giáo lý về TC Ba Ngôi được đặt trong phần thứ I, tức là phần Tuyên xưng đức tin. Sách Giáo lý đã dành ra 28 số (từ số 232-số 260, không kể phần tóm tắt) để đề cập đến chủ đề tạm gọi là Ba Ngôi nội tại (“Theologia”, theo cách gọi của các Giáo phụ). Đây có thể ví như một thứ giáo trình rút gọn về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Ở đây, tất cả những vấn đề cơ bản nhất và quan trọng nhất liên quan đến đời sống nội tại ở nơi Thiên Chúa, tức là mối liên hệ nội tại giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, đã được đề cập, dựa trên Mặc khải Thánh Kinh cũng như Truyền thống và Huấn quyền. 

Trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, chúng ta không có điều kiện phân tích toàn bộ các số trong phần trình bày về TC Ba Ngôi. Ở đây, chỉ xin tập trung vào 2 số: 258 và 259. Đây là hai số nói về Mầu nhiệm TC Ba Ngôi trong tương quan với thế giới thụ tạo, đặc biệt là con người. Chúng ta sẽ dựa trên 2 số này để xem xét lại cách chúng ta sống tương quan với Ba Ngôi như thế nào trong thực tế, để qua đó mà điều chỉnh lại những gì còn chưa thích hợp.

2. Một sự thay đổi lối nhìn trong thần học Ba Ngôi

Trên đây, số 258, chúng ta vừa ghi nhận một nguyên tắc giáo lý quan trọng. Trong tương quan với thế giới thụ tạo, khi Ba Ngôi hành động là hành động bằng một bản thể chung vốn thuộc về cả Ba Ngôi cách trọn vẹn và ngang bằng nhau. Do đó trong các hành động gọi là “ad extra” (ngoại xuất) này, cả Ba Ngôi cùng hành động. Thế nhưng trong công trình chung ấy, mỗi Ngôi lại thể hiện đặc tính riêng của ngôi vị mình. Sách Giáo lý nhấn mạnh điều này không phải là không có lý do.

Thần học truyền thống trước đây thường nhấn mạnh nhiều đến vế thứ nhất, tức là “cả Ba Ngôi cùng hành động” như một nguyên lý duy nhất. Theo thần học truyền thống, sự phân biệt giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa chỉ là điều thiết yếu và có thực chất ở nơi chính đời sống nội tại của Thiên Chúa, thế còn trong tương quan với thụ tạo thì Thiên Chúa duy nhất trong bản tính chứ không phải Thiên Chúa với ba Ngôi Vị phân biệt mới là chủ thể của mối tương quan này. Chẳng hạn, thần học truyền thống khi nói về việc tạo dựng thì thường trình bày như thể tạo dựng là công trình của Thiên Chúa duy nhất, và hầu như không nêu rõ được chiều kích Ba Ngôi của công trình tạo dựng. Về công trình cứu độ cũng vậy, việc Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta để làm cho chúng ta nên nghĩa tử, đó là hành động chung của cả Ba Ngôi chứ không phải của một Ngôi riêng biệt nào. Do vậy, xét cách chặt chẽ thì chúng ta là con của cả Ba Ngôi, chứ không phải là con của mình Chúa Cha. Chỉ duy Đức Giêsu mới là Con đích thực của Chúa Cha mà thôi; còn chúng ta chỉ là con của Chúa Cha theo nghĩa loại suy. Nói thế cũng có nghĩa là Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng là Cha của chúng ta. Đây cũng chính là lập trường tiêu biểu của thánh Tôma (ST III, q. 23, a. 2, ad 2).[2]

Quan niệm trên đây của thần học truyền thống, mặc dù không phải không có cơ sở về mặt lập luận thần học, nhưng đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ từ phía các nhà thần học ngày nay. Theo các nhà thần học này, lối nhìn của thần học truyền thống vốn nhấn mạnh chủ yếu đến khía cạnh duy nhất về bản tính của Thiên Chúa trong tương quan với thụ tạo, mà không để ý nhiều hoặc bỏ qua khía cạnh phân biệt về ngôi vị, xem ra xa lạ và không phản ảnh cách tương xứng những dữ kiện phong phú của Thánh Kinh, Truyền thống các Giáo phụ và Phụng vụ của Giáo hội, vốn chú trọng đến sự phân biệt về ngôi vị nơi Thiên Chúa trong công trình cứu độ và trong tương quan với con người. 

Ở đây, chúng ta không có điều kiện dừng lại ở những tranh luận phức tạp về thần học; chúng ta chỉ ghi nhận những đóng góp chủ yếu của thần học hiện đại trong việc thay đổi lối nhìn về tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi với thụ tạo. Trước hết, thần học ngày nay dựa trên niềm xác tín rằng có sự đồng nhất giữa Thiên Chúa xét ở nơi chính Người (Ba Ngôi nội tại) và Thiên Chúa xét như Người biểu lộ mình trong công trình tạo dựng và nhất là công trình cứu độ (Ba Ngôi nhiệm cuộc).[3] Nghĩa là về cơ bản Thiên Chúa có ở nơi mình như thế nào thì cũng biểu lộ ra cho thế giới như vậy. Nếu ở nơi đời sống thâm nội của Thiên Chúa, đó là sự thông hiệp trong tình yêu của ba Ngôi Vị phân biệt trong một bản tính duy nhất, thì cũng chính trong cái thực tại vừa duy nhất vừa đa phức ấy, Thiên Chúa bước vào tương quan với thế giới và con người.

Một trực cảm khác của thần học hiện đại, đó là sự thay đổi cách nhìn về ân sủng. Trong việc thông ban mình cho con người, Thiên Chúa tiên vàn ban tặng chính mình Người xét như là ân sủng bất thụ tạo, tức là như những Ngôi Vị thần linh thực sự, chứ không phải chỉ như những ân ban thụ tạo (ân thánh sủng, các nhân đức đối thần, các ơn ban của Thánh Thần,…). Những ân ban thụ tạo này chỉ là những công hiệu đến sau của việc các Ngôi Vị thần linh đến cư ngụ trong linh hồn.[4] Giả như Thiên Chúa chỉ ban mình cho con người qua trung gian của những ơn ban thụ tạo, dù cao trọng thế nào mặc lòng, thì một sự ban mình như thế sẽ không phải là một sự ban mình đúng nghĩa; và như thế việc kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ chỉ là một điều gì đó có tính chất “gượng gạo” mà không có thực chất.

Khi Thiên Chúa Ba Ngôi đến cư ngụ trong linh hồn người công chính thì, một cách loại suy, chúng ta cũng có thể nói rằng ở đây đang tái diễn lại những gì vốn xảy ra từ trong vĩnh cửu nơi nội tại của Thiên Chúa: Chúa Cha hạ sinh Lời hằng sống của Người trong linh hồn thánh thiện (đặc cử vô hình của Chúa Con); và từ mối thông hiệp giữa Cha và Con phát xuất ra Thánh Thần – Đấng là Tình yêu liên kết giữa Cha và Con (đặc cử vô hình của Thánh Thần). Hoa trái của sự thông hiệp thần linh trong thời gian chính là ân thánh sủng cùng với các nhân đức đối thần, đặc biệt là đức tin (dấu ấn của Ngôi Lời) và đức mến (dấu ấn của Thánh Thần) phát sinh nơi linh hồn thánh thiện.

3. Một vài ghi nhận liên quan đến thực hành

Những gì chúng ta vừa trình bày vắn tắt trên đây có thể giúp soi sáng phần nào cái “hậu cảnh” thần học của những lời trong Sách Giáo lý: “Tuy nhiên mỗi Ngôi Vị thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi”. Khi nói điều đó, Sách Giáo lý hàm ý rằng trong tương quan với thụ tạo, nhất là con người, Thiên Chúa không chỉ thể hiện mình như một Đấng Thần linh duy nhất trong bản tính, nhưng còn như một Đấng Thiên Chúa duy nhất với ba Ngôi Vị phân biệt: Cha, Con và Thánh Thần. Trong tương quan với thụ tạo, Ba Ngôi không xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa các Ngôi Vị; trái lại, mỗi Ngôi Vị đều thể hiện đặc tính riêng của mình trong mối tương quan này: Cha là Cha mà không lẫn lộn với Con, cũng không lẫn lộn với Thánh Thần; và ngược lại. 

Như thế, danh xưng “Cha” bao hàm những đặc tính riêng của Ngôi thứ nhất; danh xưng “Con” thì bao hàm những đặc tính riêng của Ngôi thứ hai; danh xưng “Thánh Thần” bao hàm những đặc tính riêng của Ngôi thứ ba. Do đó không thể dùng danh xưng “Cha” cho Ngôi Con hoặc Ngôi Thánh Thần; hoặc danh xưng “Con” cho Ngôi Cha hoặc Ngôi Thánh Thần; cũng thế đối với danh xưng “Thánh Thần”.

Đưa ra nền tảng giáo lý như thế để chúng ta điều chỉnh lại cách thân thưa của chúng ta trong tương quan với Ba Ngôi. Mặc dù cả Ba Ngôi cùng hoạt động trong việc ban ân sủng cho chúng ta, nhưng chỉ có Chúa Cha, xét vì đặc tính riêng biệt của Ngôi vị Người, mới là Đấng đứng ra nhận chúng ta làm nghĩa tử. Chúng ta được nhận làm con của Chúa Cha. Trong việc chiếu nhận này, Chúa Con chính là nguyên mẫu của tư cách làm con xét vì Người chính là Người Con đích thực của Chúa Cha. Như thế, chúng ta trở thành anh em của Chúa Giêsu xét vì chúng ta và Chúa Giêsu có một Cha chung, dù rằng tư cách làm con của chúng ta khác Đức Giêsu. Thế còn Thánh Thần là tác nhân của sự chiếu nhận này, xét vì Thánh Thần - nguồn mạch Tình yêu, được ban tặng vào lòng chúng ta để chúng ta kêu lên “Abba” với Chúa Cha (Gl 4, 6). Tóm lại, Chúa Cha chiếu nhận chúng ta làm con trong Người Con, nhờ Thánh Thần. Như vậy, những lối thân thưa ngày xưa như thấy trong ngôn ngữ của một số nhà thần bí, hoặc những kinh cầu đền tạ Thánh Tâm, trong một số bài hát chầu Thánh Thể, theo đó Đức Giêsu được gọi là “Cha” hoặc Người xưng “Cha” với các tín hữu, xem ra không còn phù hợp nữa.[5]

Một điểm ghi nhận thứ hai, đó là trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là qua đời sống cầu nguyện riêng, chúng ta thường “ứng xử” với Thiên Chúa Ba Ngôi theo cái cách “đổ đồng một khối”, tức là khi chúng ta nói “Lạy Chúa” thì đối tượng mà chúng ta hướng đến thường chỉ là một vị Thiên Chúa trừu tượng nào đó, một vị Thiên Chúa duy nhất về bản tính, chứ không phải vị Thiên Chúa với ba Ngôi vị phân biệt. Chính nhà thần học K. Rahner đã từng đưa ra lời cảnh báo: các người tín hữu bình dân rất có thể đang thực hành một thứ tôn giáo độc thần thuần túy mà không ý thức điều đó, đến độ nếu gạt bỏ giáo lý Ba Ngôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới đời sống đức tin của họ.[6]

Bởi đó cần vượt qua thái độ “xóa nhòa ngôi vị” trong tương quan của chúng ta với Ba Ngôi. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi để sống tương quan “liên ngôi vị” với từng Ngôi trong Ba Ngôi, nhưng không phải bằng cách cô lập hay tách rời Ngôi ấy với hai Ngôi kia, nhưng luôn trong sự liên kết với hai Ngôi kia. Chúng ta hướng đến Chúa Cha như nguyên khởi của Chúa Con và Thánh Thần, và là nguồn mạch mọi sáng kiến và phúc lành. Chúng ta hướng đến Chúa Con như là Hình ảnh đích thực của Chúa Cha, và chúng ta được biến đổi nên “đồng hình đồng dạng” với Hình ảnh đó nhờ Thánh Thần. Chúng ta hướng đến Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha cử đến, để đổ tràn trên chúng ta tình yêu và tính năng động của sự sống thần linh, nhờ vào sự “xức dầu” bằng sự hiện diện thấm nhập của Người trong chúng ta, để chúng ta sống tình con thảo với Chúa Cha theo gương Chúa Giêsu.[7] Đây cũng là những gì Sách Giáo lý muốn nhấn mạnh qua những lời này: “Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi vị Thiên Chúa mà không hề tạo ra sự phân cách trong Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô là làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy” (s. 259). 

Nếu như trường cầu nguyện là trường dạy đức tin (lex orandi lex credendi) thì chính Phụng vụ là mẫu mực tiêu biểu của lời cầu nguyện mang chiều kích Ba Ngôi. Thật vậy, hầu hết các lời nguyện phụng vụ đều theo một mẫu thức chung, đó là hướng đến Chúa Cha, trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là lời cầu nguyện vừa tôn trọng tính chất bất khả chia lìa của Ba Ngôi trong một thần tính duy nhất, mà đồng thời cũng nêu bật được đặc tính riêng của mỗi Ngôi vị Thiên Chúa. Ngoài ra, Kinh “Lạy Cha”, lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, cũng là một mẫu mực tiêu biểu của lời cầu nguyện mang chiều kích Ba Ngôi. Sách Giáo lý đã phân tích chiều kích Ba Ngôi của kinh này bằng những lời thật sâu sắc: 

“Khi cầu nguyện với Cha ‘của chúng ta’, chúng ta đích thân hướng về Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta không phân chia thần tính, vì Chúa Cha là ‘nguồn mạch và cội nguồn’ của thần tính đó, nhưng qua đó chúng ta tuyên xưng rằng từ đời đời Chúa Con được sinh ra bởi Người, và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Người. Chúng ta cũng không lẫn lộn các Ngôi Vị, vì chúng ta tuyên xưng sự hiệp thông của chúng ta là với Chúa Cha và Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần độc nhất của hai Ngôi Vị đó. Ba Ngôi chí thánh là đồng bản thể và không thể phân chia. Khi chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Người cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (s. 2789).

KẾT LUẬN

Qua những gì vừa trình bày, chúng ta cũng có thể phần nào thấy được rằng mầu nhiệm TC Ba Ngôi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc soi sáng những nội dung đức tin, nhưng còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của việc sống đức tin trong cụ thể. Suy cho cùng, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm theo nghĩa chặt, tức là vượt trên khả năng của tâm trí chúng ta. Cả khi đã được mặc khải, thì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là trong những gì đụng đến bản chất nội tại của Thiên Chúa vẫn luôn là điều mà trí khôn con người không bao giờ múc cạn được. Bởi vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chủ yếu không phải là mầu nhiệm để suy cứu nhưng là mầu nhiệm để chiêm ngắm, để gắn bó và để sống. Sống mầu nhiệm Ba Ngôi tức là sống mối tương quan biện chứng giữa hiệp thông và sứ vụ của các Ngôi Vị Thiên Chúa. Từ trong vĩnh cửu, Ba Ngôi hiệp thông với nhau trong tình yêu liên ngôi vị và hạnh phúc sung mãn không phải để khép kín trên chính mình nhưng là để mở ra cho thế giới thụ tạo bằng một sự thông ban hào phóng, tự do và vô điều kiện. Sự mở ra cho thế giới được thực hiện bằng sáng kiến của Chúa Cha với công trình tạo dựng và bằng các sứ vụ trong thời gian của Ngôi Con và Thánh Thần. Các sứ vụ này, suy cho cùng, không gì khác hơn là để phục vụ cho sự hiệp thông, tức là đưa muôn loài muôn vật đi vào sự thông hiệp trọn vẹn và sung mãn với chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, hiệp thông là để mở ra cho sứ vụ; và trong sứ vụ không bao giờ đánh mất chiều kích hiệp thông. Mô hình hiệp thông - sứ vụ ấy cũng phải được họa lại trong cuộc sống của các Kitô hữu ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đoàn.

[1] Xc. Peter C. Phan, “What Is Old and What Is New in the Catechism?” in Berard L. Marthaler (ed.), Introducing the Catechism of the Catholic Church. Traditional Themes and Contemporary Issues. New York, NY: Paulist Press, 1994, p. 62. 

[2] Xc. F. Bourassa, “Adoptive Sonship: Our Union with the Divine Persons” in Theological Studies 13 (1952), pp. 311-334. 

[3] K. Rahner là tác giả tiêu biểu của khuynh hướng này. Ông đã đưa ra một định đề thần học rất nổi tiếng: Ba Ngôi nhiệm cuộc cũng chính là Ba Ngôi nội tại; và ngược lại. Định đề này đã khơi lên những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới thần học. Cần lưu một điều quan trọng này, Ba Ngôi nội tại tự thông ban chính mình trong nhiệm cuộc cứu độ không phải theo cách tất yếu mà là theo cách tự do và nhưng không. Có thể đọc thêm trong tài liệu của Ủy ban Thần học quốc tế “Thần học, Kitô học, Nhân học” (1981); Luis F. Ladaria, La Trinità, mistero di comunione, traduzione italiana di Marco Zappella. Milano: Figlie di San Paolo, 2004, pp. 13-86. 

[4] Luis F. Ladaria, Nhập môn Nhân học hướng thần, pp. 167-181. 

[5] Xc. Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, Sài Gòn: Học viện Đa Minh, 2012, tr. 540. 

[6] Xc. Mysterium salutis, t. 6. Paris: Le Cerf, 1971, pp.116-135). 

[7] Xc. R. Laurentin, La Trinité, mystère et lumière. Paris: Fayard, 1999, p. 497.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét